Ái quần

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ái quần  (1910) 
của Phan Bội Châu

Trời sinh ra một giống ta,
Non sông riêng một nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn nghìn năm,
Ông cha một họ, anh em một nhà.
5Giống vàng riêng một mầu da,
Đen răng, dài tóc ai mà khác ai?
Chỉ vì tan tác từng người,
Phen này đến nỗi lạc loài, xót xa.
Ai ơi! Nghĩ lại kẻo mà,
10Kìa gương giống đỏ có xa đâu nào:
Chữ rằng: "Đồng chủng, đồng bào",
Anh em liệu tính làm sao bây giờ?
Sao cho nội ngoại tương phù[1],
Ba mươi sáu tỉnh cũng như một nhà.
15Sao cho Nam Bắc hiệp hòa,
Hơn hai mươi triệu[2] mà ra một người.
Chớ cậy thế, chớ tham tài,
Bỏ điều lợi nhỏ, tính bài lợi chung.
Chớ ganh khí, chớ khoe công,
20Dứt tình ghen ghét, bỏ lòng xai nghi[3].
Ai ơi, xin sửa mình đi,
Công tư đức ấy hai bề vẹn hai.
Những điều nát nước, tan loài,
Rước voi, cõng rắn thì thôi xin chừa.
25May ra trời có chuyển cơ,
Anh em ta được như xưa sum vầy.
Họ hàng đông đủ cánh vây,
Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn.
Thể đoàn như đá chẳng mòn,
30Như thành chẳng lở, như non chẳng dời.
Đừng như đàn quạ giữa trời,
Gặp cơn mưa gió vội rời nhau ra.
Có đàn thì mới có ta,
Đàn là rất trọng, ta là rất khinh.
35Dù khi sóng gió bất bình,
Lợi đàn thì dẫu thiệt mình cũng cam.
Làm cho cố kết nghìn năm,
Mới hay rằng bọn người Nam anh hùng.
Làm cho nổi tiếng Lạc Hồng,
40Vẻ vang dòng dõi con Rồng, cháu Tiên.
Nước nhà cơ nghiệp vẹn tuyền,
Chúng ta, ta giữ lợi quyền của ta.
Mấy câu thuận miệng ngâm nga,
Ai ơi xin nhớ bài ca hợp đoàn!

Chú thích[sửa]

  1. Ý nói trong ngoài tin nhau
  2. Thống kê dân số lúc đó sai biệt: 20, 30, 45, 50 triệu.
  3. Ngờ vực.