Đánh bạc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đánh bạc  (1915) 
của Tản Đà

Bài được xuất bản trong Quốc văn trích diễm (1930), lần in thứ 4. Nó được công nhận là một trong những tác phẩm đầu tiên nói đến món ăn phở.

Trong đời người sáu, bảy mươi năm, bao nhiêu cảnh thuận, bao nhiêu cảnh nghịch, bao nhiêu cái sướng, bao nhiêu cái buồn, bao nhiêu cái cười, bao nhiều cái khóc; nhưng ngồi mà nghĩ, chỉ như canh bạc chơi một đêm.

Ngồi vào bàn bạc mà chơi, ai không muốn được. Nhưng sao cho được chắc mà không thua. Thua rồi lại được, được rồi lại thua, đỏ đỏ đen đen, lên voi xuống chó. Trong năm canh hì-hục, được hẳng vui, thua dễ bẳn, thường tình ai cũng như ai. Trời chưa sáng, đêm còn dài, thời đồng tiền trong tay, nhiều cũng chưa bẳn có, hết cũng chưa chắc không. Tất đến lúc đứng dậy ra về, còn gì mới là được.

Người ta ở trong đời, khi nổi khi chìm, lúc may lúc rủi, không rồi lại có, đầy rồi lại vơi, lên lên, xuống xuống, như cây thụt máy tầu. Tiền chôn bạc chứa chưa là giầu; nhà gianh vách đất chưa là nghèo; võng, lọng, ngựa, xe chưa là vinh; xiềng, xích, gông, cùm chưa là nhục. Những cái đó chỉ như một ván tổ-tôm: một cái búng-quay, một tiếng sóc-đĩa, làm cho ta đương mừng hóa lo, đương buồn hóa sướng, say mê chìm đắm, khóc hão, thương hoài. Cuộc đỏ đen còn ở lại với đời, thời ấm chè tàu, điếu thuốc lá, chén rượu cúc, bát cháo gà, không không thèm đòi, có cũng ăn chơi; trăm năm giũ áo chốn trần-ai, còn gì mới là được.

Ông Khổng-tử khi trước, lúc đi câu, lúc đi bắn, lúc làm quan nhỏ, lúc làm quan to, lúc đi chơi lang-thang, lúc ngồi nhà dạy học: tan cuộc 72 năm, còn được lại hai chữ thánh-sư. Ông Nã-phá-Luân lúc làm quan, lúc làm vua, lúc làm tướng, lúc trong tay 80 vạn quân lính, gầm hét châu Âu, lúc một mình giam lỏng chốn bãi bể; tan cuộc 52 năm, còn lại được một tiếng anh-hùng.

Cũng có kẻ không to mà được bé, không nhiều mà được ít thời như ông Trương-Tuần, ông Hứa-Viễn, chữ song-trung[1], ông Mẫu-Tử chữ hiếu[2], ông Quí-Bố chữ hoàng-kim-nặc[3], ông Tiếp-Dư một chữ cuồng[4].

Còn như Vương-Khải, Thạch-Sùng[5], Lý-Cầm, Lý-Tiến[6], bạc năm canh tha hồ mở bát, vỗ túi về không. Ất-Trần, Mai-Kiện[7], Tần-Cối[8], Trương hoằng-Phạm[9], không những về không, để thêm tiếng cờ gian bạc lận. Nay cứ lấy lẽ thường mà nói, thời con người ta đã đem thân chơi cuộc đời, cũng nên liệu tính làm sao, lúc đứng dậy kiếm đôi ba chút. Có lẽ đánh bạc không mong được, mà chỉ thức đêm ăn nhục-phở?

Nay ai ơi! Thử trèo bức tường đổ, trông quãng đồng xa, mồ con mả lớn, chỗ năm chỗ ba, chẳng quan thời dân, chẳng trẻ thời già, trước cũng người cả, bây giờ đã ma! Nào tiền nào của, nào cửa nào nhà, nào con nào vợ, nào câu đối đỏ, nào mành mành hoa, nào đâu đâu cả? mà chỉ thấy sương mù nắng rãi với mưa sa! Cuộc nhân-thế từ xưa mã thế, làng chơi ta phải biết, trăm năm không dại dễ du mà?!

   




Chú thích

  1. Hai ông là quan nhà Đường đề tử tiết ở một thành Tuy-dương. Sau đền thờ gọi là Song-trung miếu.
  2. Ông Mẫu-tử tên là Tổn, học-trò đức thánh Khổng, có tiếng khen là hiếu. Sự thực có tường ở quyển Nhị-thập-tứ-hiếu đã có dịch ra quốc-âm.
  3. Ông Quý-Bố, người nước Sở, có tín nghĩa, người trong nước Sở có câu ngạn-ngôn rằng: «Được vàng trăm cân, không bằng được một lời ừ của Quý-Bố»
  4. Ông Tiếp-Dư người Sở, cùng thời với đức Khổng-tử đi gặp xe đức Khổng ở đường có hát câu con chim phụng để ngụ-ý chê ngài không biết lánh đời là phải. Trong Luận-ngữ chép là Sở-Cuồng.
  5. Hai người là quan đời nhà Tấn, đều giầu nhất đời, thi nhau sự xa-xỉ.
  6. Nước ta đời thuộc Hán, hai người được sang làm quan Tàu.
  7. Đời Trần, giặc Nguyên sang, Trần ích-Tắc và Trần-Kiện đều là họ tồn-thất tôn-thất mà theo hàng giặc, tước bỏ thuộc tịch của hai người, chỉ gọi là Át-Trần Mai-Kiện.
  8. Đời Tống bị giặc Kim sâm chiếm mất hơn một nửa nước, nhờ danh-tướng là Nhạc-Phi đánh lại đã gần khôi phục được. Tần-Cối bị bắt ở kim về, làm tướng, thông-hòa với Kim mà giết mất Nhạc-Phi và xui vua Tống tự nhún mình xưng là bầy-tôi với Kim để cầu hòa, làm cho tống tử đấy càng suy hèn đến mất. Vì thế đền thờ ông Nhạc-Phi có một cái tượng Tần-Cối đội thớt đứng trước sân, ai vào lễ đền thời trước cầm con dao băm vào đó một cái.
  9. Trương hoằng-Phạm cũng là quan của Tống, sau hàng Nguyên, theo quân Nguyên, về đánh Tống, đuổi vua Tống, đến đảo Nhai-sơn, vua Tống trẫm mình xuống biển chết, Hoằng-Phạm nhân khắc luôn tên mình vào bia đá để tự nhận công đánh mất được nhà Tống ở đấy. Người san đi qua chỗ Nhai-sơn, có nhiều thơ sầu cảm chửi riếc.


Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)