Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ tư/Đời Tiền Lý

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐỜI TIỀN LÝ

TIỀN-LÝ NAM-ĐẾ
Ở ngôi bẩy năm.

Nhà vua có chí giệt giặc cứu dân. Chẳng may gặp Trần-Bá-Tiên lấn đánh, nuốt hận mà mất. Tiếc thay!

Nhà vua họ Lý, húy Bý (hay Bôn), người hạt Thái-bình, thuộc Long-Hưng.[1]. Tổ-tiên xưa người Tầu; cuối đời Tây-Hán, khổ vì loạn-lạc, lánh sang ở nước Nam. Qua bẩy đời, thành ra người Nam. Ngài có tài văn-võ. Ban đầu làm quan với Lương; Gặp loạn quay về Thái-Bình. Khi ấy các quan Thái-thú, Huyện-lệnh tàn-bạo, ráo-riết. Dân Lâm-Ấp vào cướp biên-cương. Nhà vua dấy quân đánh đuổi nó, tự xưng là Nam-Đế (vua nước Nam). Đặt tên nước là Vạn-Xuân. Đóng đô ở Long-Biên.

Tân-Dậu, năm đầu. — năm thứ 7 hiệu Đại Đồng bên Lương (541), — Thứ-sử Giao-Châu là Vũ-lâm-hầu Tiêu-Tư,[2] vì tàn-bạo, ráo-riết, mất lòng dân. Nhà vua dòng-dõi hào-trưởng, tư trời giỏi-giang, ra làm quan bất-đắc-chí... Lại có người tên là Tinh-Thiều, giỏi về văn-chương, ra ứng tuyển để cầu làm quan. Thượng-thư bộ Lại bên Lương là Sái-Tồn,[2] lấy cớ họ Tinh đời xưa chưa hề có người tài-giỏi, cho làm chức Quảng-Dương-môn-lang. Thiều lấy thế làm xấu-hổ, trở về quê-hương, theo nhà vua tính việc dấy binh. Nhà vua khi ấy coi quân ở châu Cửu-Đức, bèn kết-liên với các hào-kiệt trong mấy châu, họ đều hưởng-ứng. Có người tù-trưởng ở Chu-Diên, là Triệu-Túc, phục tài-đức nhà-vua, đem quan theo đầu-tiên. TiênT-ư biết chuyện, đút của cho nhà vua, chạy về Quảng-châu[2]. Nhà vua liền ra chiếm giữ châu-thành.— Tức là Long-Biên.

Nhâm-Tuất, năm thứ hai, — năm thứ 8 hiệu Đại-Đồng bên Lương (542) — mùa Đông, tháng Chạp, vua Lương sai Tôn-Quýnh, Lư-Tử-Hùng sang lấn nước ta[3]. Quýnh lấy cớ khí độc mùa Xuân đương nổi, xin đợi sang Thu. Khi ấy Thứ-sử Quảng-châu là Tân-Dụ-hầu Hoán không cho. Vũ-Lâm-hầu Tư lại thúc dục thêm. Bọn Tử-Hùng tới Hợp-Phố, mười phần chết sáu, bẩy, quân vỡ phải quay về. Tư tâu vu là Quýnh cùng Tử-Hùng rùi gắng không chịu tiến quân, đều bị cho chết. (Bắt tội chết, song cho được tự chọn lấy cách.)

Quý-Hợi, năm thứ ba, — năm thứ 9 hiệu Đ.Đ. bên Lương (543) — mùa Hè, tháng tư, vua Lâm-Ấp vào cướp Nhật-Nam. Nhà vua sai tướng là Phạm-Tu đánh phá được ở Cửu Đức.

Giáp-Tý, năm đầu hiệu Thiên-Đức, — năm thứ 10 hiệu Đ.Đ. bên Lương (544), — mùa Xuân, tháng giêng, nhà vua nhân đánh được quân giặc, tự xưng là Nam-Việt-đế (vua Nam-Việt); lên ngôi; đặt nên hiệu; dựng trăm quan; đặt tên nước là Vạn-Xuân, ý mong Xã-Tắc vững bền đến muôn đời vậy. Xây đền Vạn-Thọ[4] để làm nơi triều-hội. Cho Triệu-Túc làm Thái-Phó. Bọn Tinh-Thiều, Phạm-Tu đều được làm các chức tướng võ, tướng văn.

Ất-sửu, năm thứ hai, — năm 11 hiệu Đ.Đ. bên Lương (545) mùa Hè, tháng sáu, vua Lương cho Dương-Phiêu[5] làm Thứ-sử Giao-châu, Trần-Bá-Tiên[6] làm Tư-mã, đem quân sang lấn. Lại sai Thứ-sử Định-châu là Tiêu-Bột[7] hội quân với Phiêu ở Giang-Tây[8]. Bột biết quân lính sợ đi xa, bèn nói dối để giữ Phiêu ở lại. Phiêu họp các tướng hỏi kế. Bá-Tiên nói: «Giao-Châu mà làm phản, tội bởi các ông Tông-Thất! Bèn khiến cho mấy châu phải rối-loạn, và mấy năm liền trốn khỏi trừng phạt!... Nay ông Đinh-châu muốn được trộm yên trước mắt, chẳng đoái hoài gì đền việc lớn. Quan-lớn vâng lời vua, đánh kẻ có tội, phải nên sống, chết chẳng nề! Há lại có thể rùi-gắng không tiến, để ngáng trở lòng quân, mà nuôi thêm thế giặc?» Nói rồi liền thúc quân đi trước. Phiêu dùng Bá-Tiên làm Tiền-Phong. Tới châu, nhà vua đem ba vạn quân ra chống lại, bị thua ở Chu-Diên lại bị thua ở cửa sông Tô-Lịch. Nhà vua chạy sang thành Gia-Ninh[9]. Quân Lương đuổi theo, vây thành.

Bính-Dần, năm thứ ba, — năm đầu hiệu Trung-Đại-Đồng bên Lương (546)—mùa Xuân tháng giêng, Bá-Tiên đánh được thành Gia-Ninh. Nhà vua vào trong dân Mán ở Tân-Xương[10]. Quân Lương bèn đóng lại cửa sông Gia-Ninh. Mùa Thu, tháng tám, nhà vua lại đem hai vạn quân từ trong Mán ra, đóng ở hồ Điển-Triệt[11], làm rất nhiều thuyền lớn, nhỏ, đầy chật trong hồ. Quân Lương sợ nhà vua, dừng ở cửa hồ không dám tiến. Bá-Tiên bảo với các tướng rằng: « Quân ta đánh đã lâu ngày, tướng, sĩ mệt nhọc. Vả lại thế cô không ai cứu giúp, mà lại vào sâu trong tim-bụng người khác.. Nếu đánh một trận mà không lợi, thì còn mong gì sống về nữa! Nay nhờ thế họ bị thua luôn, lòng người còn chưa vững. Quân Mường, Mán ô-hợp, đánh giết cũng dễ... Vậy nên cùng đem lòng cố chết, quyết đánh bằng được! Chứ vô cố dừng lại, thì công việc thôi hỏng rồi! Các tướng đều nín lặng không ai trả lời. Đêm ấy nước sông vụt rẫy, lên đến bẩy thước, chẩy như rót vào trong hồ. Bá-Tiên thúc quân bộ-hạ, theo nước chẩy tiến vào trước. Quân Lương đánh trống hò-reo xông vào theo. Nhà vua vốn không đề-phòng, bèn vỡ to! Lui giữ trong động Khuất-Nao[12] sắp quân toan lại ra đánh. Ủy cho đại-tướng là Triệu-Quang-Phục giữ nước, luyện quân để đánh Bá-Tiên.

Đinh-Mão, năm thứ tư, — năm đầu hiệu Thái-Thanh bên Lương (547), — mùa Xuân, tháng Giêng, ngày mồng một, nhật-thực. Triệu-Quang-Phục cùng Trần-Bá-Tiên cầm-cự nhau không quyết được thua. Nhưng quân Bá-Tiên rất mạnh. Quang-Phục liệu sức không chống nổi, bèn lui giữ Dạ-Trạch. Chầm ấy ở hạt Chu-Diên, quanh co không biết là bao nhiêu dậm. Cây, cỏ bùm tum, bờ, bụi chằng-chịt. Bên trong có nền đất có thể ở được. Bốn mắt bùn lầy lũng-bũng, người, ngựa khó đi. Duy có dùng thuyền độc mộc nhỏ, lấy sào chống đi ở trên đám cỏ nước là có thể tới được. Thế nhưng không phải kẻ quen thuộc đường lối, thì mê-lẫn không còn biết đâu vào đâu. Lỡ ngã xuống nước thì bị rắn. rết cắn chết, hoặc bị thương. Quang-Phục hiểu được mạch lạc, đem hơn hai vạn người, đóng ở nền đất trong chầm. Ban ngày thì tắt dứt khói, lửa cùng dấu vết loài người. Ban đêm thì dùng thuyền độc-mộc, đem quân ra đánh trại Bá-Tiên, giết chết và bắt sống được rất nhiều. Lại dùng số lương-thực cướp được, tính kế chống-chọi lâu. Bá-Tiên theo chân đuổi đánh, vẫn không đánh nổi, Người trong nước gọi Triệu là vua Dạ-Trạch.[13].

Đời truyền về thời Hùng-Vương, con gái nhà vua là mệ-nàng Tiên-Dung ra chơi cửa biển. Thuyền về đến bãi sông làng Chử-gia, nàng đi bộ trên bãi, gặp Chử-Đồng Tử (đứa trẻ họ Chử) trần-truồng nấp trước trong bụi sậy. Tự cho là nguyệt-lão đưa duyên, cùng nhau kết làm vợ, chồng. Sợ tội ở lánh trên bờ sông, ở đâu thành đô-hội đấy. Nhà-vua đem quân ra đánh. Đồng-Tử, Tiên-Dung sợ-hãi đợi tội. Bỗng-rưng nửa đêm, nổi cơn mưa. gió lớn, lay chuyển nhà cửa của ông bà ở, tự nhổ lên hết! cả người, cả gà, chó, nhất thời bốc cả lên trời! Chỉ còn có nền không là còn lại trong chầm. Người đương thời gọi bãi là bãi tự nhiên, và chầm là chầm Nhất Dạ. Nay vẫn còn tên cũ. (Theo « Lĩnh Nam trích quái » thì cha con Chử Đồng-Tử vốn rất nghèo chung nhau có một cái khố! Ai đi ra khỏi nhà thì mặc cái khố ấy... Sau cha chết, Đồng tử không nỡ để cha chết trần, đeo khố cho cha đem chôn, từ đó chàng chịu ở trần. Cũng vì vậy hằng ngày lội bên bãi sông, để hở nửa trên người, xin ăn với các người qua lại. Khi Tiên-Dung ngự thuyền rồng tới, chàng sợ hãi rúc đầu vào bụi sậy, và bốc cát tự lấp mình đi. Không ngờ trời làm nóng bức Tiên-Dung sai thị nữ vây màn cho nàng tắm lại vây vào chính chỗ chàng nằm. Rồi khi nàng tắm nước dội, cát trôi, mà thành ra trong bức màn là, đôi trai gái gặp nhau đều mình trần như nhộng... Từ khi thành vợ, chồng, Chử Đồng-Tử đi buôn, lại gặp một bậc đạo-sĩ ban cho một cái nón và một cái gậy. Cứ cắm cái gậy xuống, che chiếc nón lên là tự nhiên thành ra cung điện. Đạo-sĩ lại dậy cho Đồng tử cả những pháp thuật nhà tiên nữa. Cũng vì thế, vợ chồng ông đã được là một trong bốn vị không chết ở trời Nam)

Trở lên Tiền-Lý Nam-Đế, bắt đầu từ Tân Dậu, cuối cùng là Đinh-Mão, gồm bẩy năm.

Phụ chú

  1. « Nay xét ra: năm thứ tư hiệu Vũ-Đức đời Đường mới đặt ra hạt Thái-Bình và đời Trần mới đặt ra hạt Long-Hưng. Đời Lương còn chưa có những tên đất ấy. Sử cũ chắc là nhân tên mới đời sau mà chép theo. Nay ở xã Tử Đường, huyện Thủy Anh, Phủ Thái Bình, tỉnh Nam-Định, có đền thờ vua Đế-Bí » (K. Đ. V. S. cuốn IV).
  2. a ă â « Quảng Châu, đặt từ đời Ngô, chia đặt Giao Châu mà đặt ra.— Sái-Tồn, người ở Khảo-Thanh (tế-Dương).— Tiêu-Tư, người trong họ vua Lương » (K. Đ. V. S.)
  3. Theo sử Cương Mục của Tầu thì Tôn-Quýnh là Thứ-sử Cao-châu, Lư-tử-Hùng là Thứ sử Tân châu.
  4. « Theo sách Thái Bình Hoàn Vũ Ký: huyện Long biên có đền Vạn Xuân. Về đời Lương Đại-Đồng, Lý-Bí người Giao-Chỉ xây đền ấy. Nay xã Vạn-Phúc, huyện Thanh-Trì có hồ Vạn-Xuân, lại có tên là đầm Vạn-Phúc đền Vạn-Xuân có lẽ ở đấy ». (K. Đ. V. S.)
  5. Dương-Phiêu quê ở Tây-Huyện thuộc Thiên-Thủy
  6. — Trần-bá-Tiên quê ở Trường thành thuộc Ngô-Hưng. —
  7. Tiêu-Bột, người họ vua Lương. —
  8. Giang-Tây, K. Đ. V. S. chép là Tây-giang, và chua ở về phủ Quế ​Lâm bên Tầu, cách phía Tây huyện Vĩnh-Phúc nửa dậm. —
  9. « Gia-Ninh vốn đất huyện My Linh đời Hán, Ngô chia mà đặt ra. Sau theo thế » (Đường nguyên Hòa quận huyện chí).
  10. Tân Xương tức Phong Châu (K.Đ.V.S.)
  11. Theo lời chua của Hồ-Tam-Tỉnh trong sách Thông-giám Tập-Lãm đời Thanh thì hồ này ở Tân-Xương. Theo sách Phương-Dư Kỷ-yếu của Cố-Tổ-Vũ đời Minh thì Điển-triệt-hồ ở phía tây phủ Thái-Nguyên, nay đã bị lấp. Chưa biết thuyết nào phải (K.Đ.V.S.)
  12. Động Khuất nao, không rõ ở đâu.
  13. Dạ trạch, hiện nay ở huyện Đông An phủ Khoái châu. Sách Nhất thống chí đời Thanh chép rằng: « Ở huyện Đông-Kết phủ Kiến-Xương. Đời Lương, Trần bá-Tiên đánh Lý-Bý. Bý trốn vào trong chầm. Đêm mới ra cướp phá, nên gọi là Dạ trạch (chầm đêm) » Đông Kết là tên xưa của Đông An.