Bỏ vợ/Chương 6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Trông khoảng một phần tư thế kỷ ấy, cuộc đời dời đổi chẳng biết bao nhiêu mà kể xiết.

Có kẻ hèn lại trở nên sang, mà cũng có người giàu hóa ra nghèo. Có kẻ hiền tương lại chết mất, còn có người hung bạo vẫn sống hoài.

Võ Như Bình làm Ký lục, lần lần thăng lên chức Tri huyện, rồi bây giờ lại lên tới chức Tri phủ. Ông cũng còn tùng sự tại Cần Thơ và cũng còn ăn ở với cô Hai Hương, duy chồng tóc đã bạc nhiều, vợ răng đã rụng bộn. Niềm vợ chồng vẫn còn đầm ấm, hiềm vì bấy lâu nay không có con, nên bây giờ trong gia đình có vẻ quạnh hiu ít nhiều. Bà Chủ Phận chết đã lâu rồi còn hai đứa con riêng của bà Phủ, đứa trai lớn là Hoàng còn học bên Pháp, đứa con nhỏ là Loan học tại Sài Gòn đặng thi tú tài kỳ nhì.

Một buổi chiều, lúc tan hầu, quan Phủ Bình ở trong Tòa bố đi ra, ngài cúi mặt xuống đất mà bước chậm rãi, không ngó ai hết, sắc mặt coi buồn xo. Có một chiếc xe hơi mới đậu ngoài đường rước ngài. Ngài bước lên xe, sốp phơ vừa đóng cửa vừa hỏi:

-  Bẩm quan lớn, về ghé nhà hay chạy lên luôn Bình Thủy? Quan Phủ châu mày suy nghĩ rồi đáp:

- Ghé nhà đặng tao rửa mặt rồi sẽ đi.

Xe ghé nhà trong rạch Cái Khế. Quan Phủ lột khăn đen, cởi áo dài mà rửa mặt, rồi lại nằm trên cái ghế xích Đu, hai tay chấp sau ót, mặt ngó sửng(19) ra sân, coi sắc mặt đủ biết ngài đương buồn lo lung lắm.

Trời tối lần lần. Người trong nhà vặn đèn lên, quan Phủ sực nhớ sự  đi Bình Thủy dự đám kỵ cơm(20) cho mẹ vợ nên ngài đứng dậy bận áo bịt khăn rồi ra xe hơi mà đi.

Nhà của bà Chủ Phận ở Bình Thủy cũng còn y như xưa, duy cái nhà lớn bây giờ đã cũ, còn phía sau thì cái lẫm lúa hồi trước đã phá bỏ và đã cất lại hai cái lẫm khác dài hơn, mỗi cái dễ đựng tới ba bốn ngàn giạ. Từ ngày bà Chủ chết rồi thì nhà của bà để lại làm nhà thờ, hai cái lẫm để trữ lúa, vợ chồng quan Phủ cứ ở dưới Cái Khế, giao nhà và lúa trên Bình Thủy cho một người tâm phúc ở coi chừng, một vài ngày bà Phủ lên thăm một lần mà thôi. B ữa nay là ngày kỵ cơm cho bà Chủ nên bà Phủ đã lên nhà thờ hồi sớm mơi, rồi chiều bà mới cho xe xuống rước quan Phủ lên đặng dự tiệc với làng tổng.

Xe của quan Phủ vừa vô sân, làng tổng đương ngồi nói chuyện trong nhà đồng chạy ra tiếp rước, Hương thân đáng nhờ vợ chồng quan Phủ nưng đỡ, nên bây giờ làm Bang biện phó tổng, còn Xã trưởng Tồn bây giờ lên Đại hương cả, hai người ấy đứng trước các Hương chức và điền chủ mà chào quan Phủ.

Quan Phủ gật đầu đáp lễ rồi thủng thẳng đi vô nhà, tổng làng lần lượt đi theo sau. Bà Phủ đứng sẵn tại cửa, vừa thấy chồng bước vào thì hỏi:

- Sao ông lên tối dữ vậy?

-  Chắc có chuyện....Cúng rồi hay chưa?

 - Tôi cúng hồi chiều.

- Thôi thì biểu dọn đi, đặng đãi bà con người ta cho sớm.

- Tôi có biểu dọn rồi. Để hâm đồ lại cho nóng một chút. Quan Phủ ngồi giữa phòng khách, day mặt ngó ra sân, còn bà Phủ thì ngồi trên rộ ván ngang đó.

Thầy Bang biện đáng ngồi gần quan Phủ, thầy ngó quan Phủ một hồi rồi nói:

-  Bẩm quan lớn, tôi coi lúc nầy quan lớn có da thịt hơn lúc trước nhiều.

- Khỉ mốc chớ có da có thịt! Mấy tháng nay tôi ăn không biết ngon, nên mất 4 kí lô. Tôi mới cân hôm kia đây.

-  Dữ hôn! Mất 4 kí lô lận? Vậy mà tôi coi quan lớn khá hơn lúc trước chớ.

 Hương cả Tồn nói:

- Chắc là tại vụ kiện lộn xộn đó làm cho quan lớn buồn quan lớn ốm chớ gì?

Thầy Bang biện rước mà cãi:

- Dân ngu không biết nhơn nghĩa gì hết; quan lớn ở tử tế với chúng nó, mà chúng nó lại phản, nên kiện tầm bậy, có bằng cớ gì đâu mà quan lớn buồn. Làng tổng ai nghe vụ đó cũng đều giận hết thảy.

Quan Phủ thở dài mà nói:

 - Chúng nó kiện bậy không đủ bằng cớ, chúng nó làm cho tôi mang tiếng, nên tôi cũng phải buồn chớ. Tôi nghĩ lại phận làm quan thiệt là khốn nạn hết sức. Ở tử tế cho mấy  đi nữa cũng không vừa lòng hết thảy thiên hạ  được. Mình cứ lấy lẽ công bình mà phán đoán thì quân gian giảo, quân bất chánh, chúng nó lừng lên, không được tự nhiên chúng nó oán, rồi kiếm chuyện mà vu cáo. Dân đời nầy phần nhiều không biết lễ nghĩa, không biết tôn trọng cực trên trước nữa. Đọc nhựt báo, đọc tiểu thuyết, học những tiếng tự do, bình đẳng, tư bổn, lao động, hữu sản, vô sản, rồi nói om sòm, mà không hiểu nghĩa gì hết. Vậy mà họ đám trở lại họ sanh sự với mình, nghĩ mới thiệt là tức chớ.

Bà Phủ nói:

-  Hơi đâu mà giận cái hạng người như vậy ông. Mình cứ phải hoài, thì không sợ ai hết. Làm quan mà chơi với người ta, nếu vui thì làm, còn như buồn thì thôi, ở nhà lại đói khát gì hay sao mà sợ.

Thầy Bang biện nói:

-  Bẩm, bà lớn nói phải, Quan lớn ra làm quan là làm mà chơi, chớ quan lớn có cần gì đâu. Ở nhà quan lớn còn sướng hơn nhiều. Ở xứ nầy ai cũng kính mến quan lớn, tại như vậy nên quan lớn mới không nỡ bỏ tổng làng mà nghỉ chớ.

Tiệc dọn rồi, bà Phủ cho chồng hay và mời khách ngồi cỗ. Vì bà đã dùng cơm với mấy  bà trong thân tộc hồi chiều rồi, nên bà biểu nhắc một cái ghế  để trên đầu bàn, dựa bên ông Phủ, rồi bà ngồi đó mà coi cho Hương chức nhỏ đải khách.

Câu chuyện hồi nãy bị đứt nửa chừng, giờ tiếp nối lại, mà cũng chẳng có chi khác hơn là thầy Bang biện với Hương chức xưng tụng tài đức của quan Phủ còn quan Phủ thì ngài vẫn than phiền dân sự không có lương tâm, ngài ở tử tế mà dân không biết ơn, trở lại kiện ngài.

Tiệc vừa mãn, chủ khách đương uống rượu thì có người nhà của quan Phủ dưới Cái Khế cởi xe máy đem đưa một phong thơ và nói:

-  Bẩm quan lớn, có người bồi của ông trạng sư đem thơ lại, nói thơ gấp, nên con lật đật đem lên cho quan lớn.

Quan Phủ châu mày xé bức thơ ra mà coi.

Bà Phủ bước lại đứng một bên, chừng thấy chồng coi thơ rồi bà mới hỏi:

- Ông trạng sư gởi thơ nói việc gì vậy?

- Ông đi Sài Gòn vừa mới về tới; ông gởi thơ nói cho tôi hay rằng tôi sẽ bị đổi vô Hà-Tiên.

Thầy Bang biện với Hương chức đều nhìn nhau trân trân và không nói được tiếng nào hết. Bà Phủ kéo ghế ngồi và hỏi chồng:

- vậy ông hứa với mình làm sao, mà bây giờ lại đổi vô Hà Tiên?

 - Ông nói vụ của tôi do người ta muốn đem qua Tòa, nhờ ông năn nĩ dữ lắm, nên họ mới bỏ qua, song tôi phải đi Hà Tiên.

- Vô Hà Tiên mà làm gì? được ở đây thì làm nữa chơi, còn như phải đổi ở xứ khác thì gởi đơn xin từ chức phứt cho rồi. Tôi không bằng lòng cho ông đi đâu hết.

- Nói ngang như bà vậy sao được. Dầu muốn thôi cũng phải đi vô Hà Tiên rồi sẽ gởi đơn chờ.

-  Bỏ mà về nhà cho rãnh, đừng thèm đi đâu hết, rồi đây có cuộc tuyển cử Hội đồng quản hạt, mình bỏ chức Tri Phủ ra tranh cử mà làm Hội đồng quản hạt còn thong thả hơn.

Thầy Bang biện gật đầu mà nói:

- Bà lớn tính việc đó thiệt là cao. Nếu quan lớn được ngồi mãi trong tỉnh nầy thì làm mà chơi, chớ vô Hà Tiên có ích gì mà làm nữa. Đi rồi nhà cửa ruộng đất ngoài nầy ai coi. Làm hội đồng quản hạt cũng sang trọng vậy, mà lại thong thả khỏi đổi đi đâu hết. Mà ông trạng sư mới nghe nói mà thôi, chớ việc đổi quan lớn đó cũng chưa nhứt định. Vậy quan lớn không còn làm thế nào ở luôn tại tỉnh nầy cho tới hưu trí hay sao?

Quan Phủ lắc đầu mà đáp :

 - Tôi đã lo đủ cách rồi, cùng thế mới cậy đến ông trạng sư đó. Ổng đi Sài Gòn nhiều, mà ổng nói như vậy thì là chắc, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

 - Đi bất tiện quá!

- Làm quan thì phải dời đổi, ở hoài một chỗ sao được. Tôi ở đây đã 25 năm rồi, lâu quá tự nhiên phải đi chỗ khác chớ.

 - Quan lớn đi, quan lớn bỏ làng tổng bơ vơ tội nghiệp lắm. Ai cũng kính mến quan lớn hết thảy, nếu quan lớn đi thì ai cũng buồn hết.

- Sao thầy dám chắc làng tổng đều yêu mến tôi?

- Quan lớn ở đây 25 năm rồi, quan lớn giúp người nầy, đỡ người nọ, ai cũng nhờ quan lớn hết thảy, làm sao mà không yêu mến quan lớn hết được. Quan Phủ ngồi suy nghĩ không nói nữa.

Bà Phủ hỏi thầy Bang biện :

 - Thầy nói ở đây làng tổng đều yêu mến ông lớn hết. Ví như ông lớn ra tranh cử Hội đồng quản hạt, làng tổng họ sẵn lòng bỏ thăm hết thảy cho ông lớn hay không?

-  Bẩm bà lớn, sự  đó cầm chắc trong tay. Ông trời xuống đây mà tranh cũng không lại quan lớn đừng nói người phàm.

- Mà quận nầy gồm tới Sóc Trăng, Bạc Liêu chớ phải một tỉnh Cần Thơ mà thôi. Không biết cử tri ở hai tỉnh dưới họ có sẵn lòng bầu cử quan lớn như trên Cần Thơ vậy hay không?

-  Bẩm bà lớn, làng tổng trong hai tỉnh dưới họ không biết quan lớn, nên khó chịu một chút. Những hễ quan lớn chịu tốn tiền thì việc gì cũng xong hết.

- Muốn ra tranh cử thì phải tốn tiền chớ sao. Tốn nhiều lắm là ít chục ngàn chớ bao nhiêu mà sợ.

-Bẩm, phải. Tốn cở  đó. Bà lớn chịu thì tôi dám bảo kiết quan lớn sẽ toàn thắng.

Bà Phủ dây qua nói với chồng :

- Tôi nhứt định rồi. Ông xin từ chức đi, đặng tranh cử Hội đồng quản hạt.

- Thiệt bà muốn như vậy hay sao?

- Tôi muốn như vậy.

- Nếu muốn như vậy thì không cần phải xin từ chức. Tôi làm việc đã 25 năm rồi, tôi có phép hưu trí. Vậy thì để tôi vô Hà Tiên tôi gởi đơn xin hưu trí liền, rồi tôi tiếp xin nghỉ 6 tháng mà đợi giấy hưu trí. Làm như vậy thì trong ít tuần lễ tôi sẽ trở về Cần Thơ được.

- Ông tính như vậy thì tôi chịu. Xin hưu trí rồi trở về vận động trước đặng chừng mở cuộc tuyển cử thì mình sắp đặt công việc đâu đó xong rồi hết.

Thầy Bang biện nói:

- Quan lớn ra tranh cử tôi xin lãnh đi vận động cho quan lớn.

 Nói chuyện đến khuya khách mới từ mà về. Vợ chồng quan Phủ cũng lên Cái Khế.

Thiệt quả trong ít bữa có giấy đổi quan Phủ Bình về Hà Tiên. Ngài tuân lệnh đi tựu chức. Vô tới đó ngài liền gởi giấy tờ xin hưu trí và gởi đơn xin nghỉ 6 tháng rồi trở về đi vận động đặng tranh cử Hội đồng quản hạt.

Cuộc tuyển cử Hội đồng quản hạt đã xong xuôi rồi hết. Ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã khai thùng thăm ra mà đếm rồi đánh dây thép cho nhau. Mỗi người ra tranh cử được số thăm ở tỉnh nào bao nhiêu, người ta biên rành rẽ và dán trước cửa Tòa bố.

Quan Tri Phủ hồi hưu Võ Như Bình thất cử, ngài thua người ta xa lắm, số tranh cử 5 người mà ngài đứng về thứ tư, lại thua người thứ ba tới 450 lá thăm. Xét số thăm từng tỉnh thì số thất bại của ngài chính tại cử tri Cần Thơ vì họ bỏ thăm cho ngài ít quá, số thăm trong hai tính kia kéo không nổi. Bà Phủ ngồi ngoài xe hơi mà đợi tin, chừng nghe thất bại thì biểu sốp phơ đưa bà về liền. Bà nằm chèo queo trên ván tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim.

Cách một lát quan Phủ cũng về tới, ngài nằm ngay trên ghế xích đu, thất chí não lòng nên sắc mặt xuôi xị.  Những bộ hạ đi vận động mua thăm và đãi cử tri lần lượt về đủ hết, kẻ tức giận la lối om sòm, người than phiền làng tổng không biết ơn nghĩa, tham tiền trở mặt.  Vợ chồng quan Phủ nằm lặng thinh, không nói một tiếng chi hết. Bộ hạ nói một rồi cho hả hơi, rồi than mệt nên từ mà về hết.  Quan Phủ kêu gia dịch đóng cửa cho ngài nghỉ. Bây giờ bà Phủ mới ngồi dậy mà hỏi chồng:

- Để tôi biểu bày trẻ dọn cơm cho ông ăn, nghe hôn?

- Tôi mệt quá, ăn cơm không được đâu.

- Tôi cũng vậy, mệt quá. Thôi, để tôi biểu bầy trẻ nấu cháo gà đặng ông nghỉ một lát rồi ăn một chén cho khỏi mệt.

Vợ chồng đi thay áo, rửa mặt rồi ra nằm song song trên bộ ván cẩm lai, dựa cửa sổ mà nghỉ. Trong nhà vắng teo, chớ không phải rần rộ như mấy đêm trước nữa.

Bà Phủ nằm một hồi rồi thở dài mà nói:

- Tôi nghĩ lại việc nhà thiệt tôi buồn hết sức. Tại tôi mà ông phải chịu xấu hổ về sự thất bại nầy.

- Bà cũng lo hết sức, tại cái mạng của tôi hỏng được làm đại biểu cho dân thì thôi, bà có lỗi gì đâu mà buồn.

- Tại tôi xúi giục ông xin hưu trí đặng ra tranh cử nên mới có cái nhục thất bại vầy. Nếu tôi để cho ông làm quan luôn, vô Hà Tiên ở ít lâu, rồi xin đi tỉnh khác, thì cái danh vọng của ông còn y nguyên, có ai dám khinh rẽ ông đâu.

- Thôi, việc đã qua rồi, dầu mình tiếc nó cũng không lấy lại được. Bà nhắc lại làm chi, tôi khuyên bà đừng buồn. Đường công danh của con người chẳng khác nào đường qua núi, ban đầu ở dưới trảng thủng thẳng mình đi dốc mà lên đảnh. Mà hễ tới đảnh là chỗ cao chót vót rồi, thì tự nhiên mình phải xuống thấp. Chức Tri Phủ là chức cao hơn hết trong đường công danh của tôi. Thiệt tôi cũng có lòng trèo cao nữa, mà cái mạng của tôi cho tôi tới đó mà thôi, vậy tôi phải chịu, tôi không than phiền chi hết. Tôi xin bà đừng buồn, đừng nhớ tới việc đó nữa, để trí yên tịnh mà dưỡng tinh thần. Mấy tháng nay bà lo nên bà mất sức nhiều. Vậy để nghỉ vài bữa rồi tôi đem bà đi Sài Gòn đặng đi đốc tơ coi mạch và cho thuốc tiếp dưỡng mới được.

- Ông cũng ốm dữ quá, ông cũng phải tiếp dưỡng vậy.Thôi để nghỉ ít bữa rồi mình đi với nhau... Ông biểu tôi đừng thèm nhớ tới việc tuyển cử nữa, không nhớ làm sao được. Họ lấy tiền của mình mà họ bỏ thăm cho người khác, nghĩ tức quá mà.

- Bà có tính thử coi cuộc tuyển cử làm mình tốn hao hết thảy là bao nhiêu hay không?

- bốn chục ngàn đồng bạc bán lúa hôm tháng giêng, tôi để riêng trong túi đó, thủng thẳng lấy ra xài gần hết, còn không được hai chục ngàn.

- Nếu vậy thì tốn nhiều quá!

 -Tốn bao nhiêu tôi cũng không tiếc. Tôi tức là tức cử tri trong tỉnh mình, họ quen biết mình hết thảy mà họ lại trở mặt. Trong hai tỉnh dưới, mình thua thăm người ta, tôi không giận. Mình kể chắc cử tri ở tỉnh mình mà họ trở mặt, không chịu bỏ thăm cho mình, xấu hổ là ở chỗ đó.

Quan Phủ ngồi dậy đốt một điếu thuốc mà hút và nói:

- Ở  đời, lúc mình có thế lực ai cũng theo bợ  đỡ kính trọng hết thảy. Đến chừng mình thất thời, thì dầu người thân thích họ cũng trở mặt. Nhơn tình thì vậy đó, có gì lạ đâu.

- Ông làm quan ở đây hai mươi lăm năm, ông giúp đỡ tổng làng dân sự luôn luôn. Nay ông có việc, ông cậy họ lại mà còn đưa tiền cho họ xài nữa, mà họ lấy tiền rồi bỏ thăm cho người khác, nhơn tình như vậy thì chịu làm sao được.

- Cách vài bữa rày, có một thầy cai tổng nói chuyện với tôi, làm cho tôi sợ lắm.

- Nói chuyện gì mà ông sợ?

- Nói cử tri các làng tính báo hại tôi, tiền thì họ lấy mà họ không thèm bỏ thăm cho tôi. Họ nói tôi chặt đầu lột da người ta mấy  chục năm nay nên mới làm giàu, bây giờ phải móc bớt tiền bạc lấy lại. Tôi nghe như vậy tôi lo quá, ngặt vì đã lỡ cuộc rồi nên phải rán mà theo chớ thối lui sao được.

-  Họ nói như vậy sao họ không nghĩ: Ông làm quan có thể nào mà không thọ của thiên hạ được. Mà ông giàu có phần nhiều là nhờ của nhà, chớ nào phải ăn của thiên hạ mà có tới 5, 6 chục ngàn giạ lúa ruộng đó đâu.

- Chừng họ không thương, họ muốn nói tiếng gì lại không được.

- Thiên hạ nhiều chuyện quá!

- Tôi nói lại cho bà nghe chơi chớ tôi không có kể gì đến thứ đồ nói xấu cho tôi đó. Họ nói giống gì mặc kệ họ. Tôi hứa chắc từ rày sắp lên tới không dại để cho họ gạt đặng lấy tiền nữa đâu. Thôi, tôi không ham công danh gì nữa hết, ở không mà ăn, có buồn thì thả xe hơi đi chơi cho khỏe tấm thân, làm ông nhà giàu sung suớng hơn ông gì hết thảy.

Người nhà nấu cháo gà rồi bưng lên một mâm. Hai ông bà dùng cháo rồi mới đi ngủ.

Cách vài ngày sau, bà Phủ tiếp được một phong thơ của con trai bà là Hoàng ở bên Pháp gởi về cho ông bà hay rằng đã thi đậu Bác vật(21) rồi, và đã xuống tàu mà trở về nước nhà. Bà vui mừng nên quên cái buồn thất bại trong cuộc tuyển cử hôm trước.

Quan phủ coi nhựt trình thấy tàu bên Pháp qua gần tới, vợ chồng mới đi trước lên Sài Gòn đặng cho đốc tơ coi mạch và đón rước Hoàng luôn thể. Đốc tơ coi mạch quan Phủ thì nói ngài làm việc lâu năm mệt nhọc nên trong mình suy nhược và khuyên ngài hãy ra Long Hải hoặc Nha Trang ở hứng gió biển chừng một tháng đặng lấy sức lại, còn coi mạch cho bà Phủ thì nói bà đau phổi và khuyên bà phải đi rọi kiếng đặng biết đau chỗ nào, đau nhiều ít rồi mới trị được. Bà dưng  lời đi rọi kiếng thì thiệt quả cái phổi bên phía tay mặt đã lở nhiều chỗ , còn cái phổi bên phía tay trái thì đã bắt đầu sưng rồi, bởi vậy trong vài tuần nay bà có ho chút đỉnh mà bà không dè. Ông Đốc tơ viết toa biểu bà mua thuốc đem về uống, như không bớt thì phải lên ở ít ngày cho ông tiêm thuốc mới được. Ông theo căn dặn phải nằm nhà mà tịnh dưỡng, nhứt là chẳng nên lo buồn gì hết.

Hoàng về tới. Vợ chồng quan Phủ xuống tàu mà rước lên nhà hàng, lại xin phép cho cô Loan, là con gái của bà Phủ, nghỉ học ít bữa đặng anh em, mẹ con vui chơi với nhau cho quên nỗi nhớ thương mấy  năm phân rẽ.

Về Cần Thơ ở chung một nhà được vài ngày, quan Phủ dòm coi Hoàng đối với ngài có ý nghi kỵ, nhiều khi đương nói chuyện vui cuời với mẹ, mà hễ thấy dạng ngài thì nín khe, lại lộ sắc buồn. Ngài muốn để cho mẹ con vui chơi với nhau thong thả ít ngày hoặc may bà hết bịnh, nên ngài khuyên bà ở nhà ráng uống thuốc, rồi ngài đi một mình ra Nha Trang hứng gió.

Thiệt nhờ con nên hổm nay bịnh của bà Phủ dòm đã bớt nhiều, bà ăn được ngủ ngon, lại cũng ít ho nữa. Một đêm, bà Phủ  đương nằm trên ván nói chuyện với cô

Loan, Hoàng đi qua lại ngoài sân một hồi rồi trở vô nhà, nhắc một cái ghế lại ngồi gần mẹ vừa cuời vừa hỏi:

-  Hổm nay con muốn nói chuyện nhà với má, mà bị có người ta chàng ràng, con nói chuyện không được. Bữa nay có một mình má với hai con mà thôi. Phần con ăn học đã hoàn toàn rồi, còn con Loan trong vài tháng nữa nó thi tú tài kỳ nhì rồi cũng xong. Vậy bây giờ mà tính cho con phải làm sao?

- Tính giống gì? Con học xong rồi, để má coi chỗ nào xứng đáng mà cưới vợ cho con.

- Việc cưới vợ xin má đừng lo cho mệt trí. Để  đợi lòng con khiến thương người nào thì con sẽ tự liệu.

- Con nói hơi Tây quá! Ví như con thương đứa bậy bạ, rồi má cũng cuới cho con hay sao?

- Chẳng bao giờ con buộc má phải cưới ai cho con đâu mà má sợ. Việc vợ chồng là việc riêng của con: con xin má để cho con tự do mà thôi. Con hỏi má phải tính cho con làm sao, là hỏi về gia tài kia?

- Gia tài gì?

 - Cha con chết có để lại cho hai anh em con trên 100 mẫu ruộng. Bà ngoại mất tại còn để lại 5, 6 trăm mẫu nữa. Con về hổm nay con nghe nói thuở nay má thâu huê lợi ruộng đất ấy, má có mua thêm 400 mẫu má đứng bộ nữa. Bây giờ con thành nhơn rồi, con xin má tính giao ruộng đất mấy lại cho hai anh em con cai quản, chớ má lấy chồng khác mà má thâu hết sự nghiệpmấy đặng để cho thiên hạ hưởng thì tội nghiệp cho hai anh em con quá.

Bà Phủ nghe dứt lời, bà lồm cồm ngồi dậy, ngó ngay Hoàng mà nói rất nghiêm chỉnh rằng:

- Má lo cho con học thành thân đặng con đòi gia tài hay sao? Con đừng có dại mà nói bậy như vậy má nghe má buồn lắm?

- Con xin lỗi má. Con vẫn biết hễ con nói chuyệnmấy thì chắc má không vui. Ngặt vì sự nghiệp của cha con, sự nghiệp của bà ngoại con, mà con không được hưởng, Để cho người dưng họ  hưởng, thì con uất ức quá không thể không nói được.

- Sao con nói xiên nói xéo ông Phủ như vậy?

 - Con nói ngay bót, chớ con nói xiên xéo ai đâu.

 - Nhờ có ông Phủ dạy dỗ lo lắng nên ngày nay con mới được như vậy đó. Ông là người ơn, tuy không sanh nhưng có dưỡng, sanh dưỡng đạo đồng. Con phải thương yêu kính trọng ổng cũng như cha ruột của con vậy, con chẳng đặng nói một lời chi thất lễ.

- Nếu cha và bà ngoại của con không có để ruộng Đất lại thì chắc gì ổng nuôi con.

- Con không hiểu gì hết, con đừng có nói dại. Ông vì nhơn nghĩa nên ở  đời với má, chớ nào phải thấy má có sự nghiệp lớn mà ổng ham đâu. Ông làm quan, lúc đắc thế  đắc thời, tiền bạc ổng thiếu gì. Mấy trăm mẫu ruộng má mua thêm đó là ruộng của ổng, ổng xuất tiền bạc của ổng ra ổng mua, song làm quan không được phép sắm ruộng đất trong chỗ mình trấn nhậm, nên ổng muốn má đứng bộ giùm cho ổng đó chớ.

- Nếu vậy thì hai mươi mấy  năm nay huê lợi của cha và bà ngoại con má làm việc gì mà hết đi?

- Còn không được phép tra vấn má.

- Con đâu dám. Vì má cải với con, nên con phải nói cho cạn lẽ chớ.

 - Bây giờ ổng hưu trí rồi, vậy để ổng về đây má sẽ làm giấy tờ má trả những ruộng đất má đứng bộ giùm đó lại cho ổng.

- Thưa, không được. Con xin lỗi với má, nếu má làm như vậy thì con sẽ ngăn

cản, con ngăn cản đến cùng. Con xin hỏi má: một đàng là con, một đàng là chồng, má đành lòng lấy sự nghiệp của con đem bù sớt cho chồng hay sao?

- Má nói tiền bạc mua ruộng đất đó là tiền bạc của ổng chớ không phải của má. Má đứng bộ giùm cho ổng mà thôi.

- Má nói như vậy, chớ có bằng chứng gì đâu. Còn tiền bạc của má mua ruộng đó thì đủ bằng cớ lắm. Huê lợi ruộng của cha và của bà ngoại con mỗi năm với ba mươi mấy  ngàn giạ. Mà nuôi hai con ăn học mỗi năm tốn ít ngàn đồng bạc chớ bao nhiêu. Số còn dư má mua thêm ruộng đó mà để cho hai con. Sự mấy là lẽ tự nhiên, mà hỏi thiên hạ thử coi họ có nói như con vậy hay không.

Bà Phủ nghẹn họng, không nói được nữa.

Hoàng nối tiếp :

 - Hồi con còn nhỏ dại chẳng nói làm chi. Bây giờ con đã thành nhơn rồi, vậy con xin mà giao hết sự nghiệp cho con cai quản. Con hứa chắc con sẽ nuôi má và nuôi ông Phủ trọn đời, muốn ăn xài cách nào con cũng lo cho vừa lòng hết thảy, song việc thâu xuất phải để về phần con. Bà Phủ lắc đầu mà đáp :

- Nếu mà làm theo ý con muốn thì còn gì thể diện của ông Phủ...Nghe con nói chuyện nãy giờ, sao cái ngực của má nặng trìu trịu, mà má lại mệt quá. Thôi, con đừng có nói nữa, để cho má nghỉ.

Bà vừa nằm xuống thì huyết trong họng tuôn ra có cục. Bà mệt ngất tay chưn lạnh hết. Cô Loan la lên, rồi hai anh em cô và người trong nhà xúm lại kẻ  đốt than mà hơ, người lo cầm huyết cho bà. Hoàng đem xe hơi ra đặng đi xuống chợ rước đốc tơ liền. Đốc tơ coi mạch, tiêm thuốc, và nói riêng cho Hoàng biết rằng bịnh của bà Phủ trầm trệ lắm, hai cái phổi nát bấy hết, không còn hy vọng cứu bà được.

Thiệt quả trong mấy  ngày sau bịnh coi mòi nặng thêm hoài, hễ bà cục cự thì thổ huyết, mà hễ huyết ra thì bà mệt xỉu.

Hoàng lấy làm ăn năn những câu chuyện mà mình nói đã làm cho mẹ phải sanh bịnh đến thế. May nhờ có ông đốc tờ mỗi ngày đến tiêm thuốc hai ba lần, ông thường nói với bà Phủ có bịnh năm bảy tháng rồi, tiếc vì bà không dè mà chữa trị trước, nên đến ngày nay mới nặng như vậy đó. Hoàng nghe như vậy mới bớt hối hận chút đỉnh.

Một buổi sớm mai bà Phủ khỏe được một chút bà kêu hai con lại đứng gần mà nói:

- Hai con đã khôn lớn rồi, dầu má chết cũng chẳng hại gì. Má còn lo có một việc là lo cho ông Phủ. Hai con phải đánh dây thép ra Nha Trang xin ông về nói:

Lập tức đặng má tính việc nhà với ổng. Hôm mới ra tới, ổng có gởi thơ nói ở nhà hàng gì đó. Con coi thơ lại mà đánh dây thép(22).  Hoàng không dám cải lời mẹ nữa, liền viết dây thép và sai người đi gởi liền. Qua bữa sau, bà Phủ tắt hơi, mà quan Phủ Bình chưa về tới.  Hoàng thâu chìa khóa tủ sắt, tủ cây mà giữ hết, rồi lo sắp đặt cuộc tống táng mẹ.

Liệm rồi quan Phủ mới về tới nhà.

Ngài ôm quan tại mà khóc. Hoàng là người có trí ý thiệt hành, chớ không phải người đa sầu đa cảm, bởi vậy thấy quan Phủ khóc mẹ mình, chàng đã không động lòng, mà lại tính cho quan Phủ khóc đó là tiếc không được làm chủ một gia tài lớn nữa, chớ không phải thương tiếc người chết mà khóc. 

đời người như một giấc mộng.

Cô Hai Hương trước kia là một người đàn bà góa chồng ở trong chốn vườn ruộng. Nhờ có còn trẻ tuổi, lại sót chút sắc đẹp, mà nhứt là nhờ cô có sẵn một gia tài lớn, nên phần cô được làm "bà Phủ", được thiên hạ kính trọng kiêng nể, còn phần con của cô cũng thì học đã thành nhơn, khỏi lo vất vả. Đời đã đầy đủ, đã vui sướng như vậy, tưởng trăm năm hạnh phúc phủ phê, nào dè đường danh lợi đi chưa cùng chưa tột, thình lình bị bí ngang, rồi bức tranh gia đình trước kia rực rỡ lại hóa ra u ám, làm cho bà Phủ thương tâm tuyệt mang, chẳng khác nào nằm chiêm bao mà bị người thức tỉnh nên giấc mộng vỡ tan.

Tống táng bà Phủ vừa rồi, bà con trong thân tộc còn ở lại ít người. Đến tối quan Phủ Bình kêu Hoàng mà hỏi:

- Hồi má con gần tắt thở, má có giáo chìa khóa tủ sắt lại cho ai?

 - Quan lớn hỏi việc đó làm chi? Nếu không phải tôi thì là em tôi, chớ người khác làm sao có quyền giữ chìa khóa được.

Quan Phủ nghe mấy  lời ấy thì ngớ ngẩn, ngồi ngó Hoàng trân trân một lát rồi với hỏi nữa:

- Thuở nay con kêu cậu bằng cậu, sao bây giờ kêu bằng quan lớn?

- Má tôi đã mất rồi, tôi phải kêu bằng quan lớn như thiên hạ mới trúng lệ chớ kêu bằng cậu nữa sao được.

-  Cậu nuôi con từ nhỏ, cậu cho con ăn học, tuy cha ghẻ, song cậu cũng thương con như máu thịt; bấy lâu nay cậu tưởng con còn nghĩ chút tình dưỡng dục mà thương yêu cậu, té ra má con vừa mới nhắm mắt mà con đã dứt tình phụ tử gấp như vậy hay sao?

- Quan lớn có công lo cho hai anh em tôi, ơn mấy chẳng bao giờ tôi quên được.  Nhưng vì tánh ý của tôi là người thiệt hành, chứ không phải tánh ý người đa cảm, bởi vậy tôi không thể tối ngày cứ ngồi nói "Cám ơn, cám ơn " hoài. Đã vậy mà nếu lấy tâm lý mà xét cho tường tận, thì quan lớn thương anh em tôi là vì có má tôi, chớ không phải tự nhiên mà quan lớn thương. Còn sự nuôi dưỡng hai anh em tôi, thì chúng tôi có huê lợi của cha và bà ngoại chúng tôi để lại, tôi chắc chẳng bao giờ anh em chúng tôi làm tổn hao quan lớn đồng nào.

- Con nói như vậy thì có thể nào cậu còn ở chung với con nữa được.

- Quan lớn muốn tính ở đâu cũng được, tôi không có quyền liệu định việc ấy. Quan Phủ châu mày, ngồi trơ trơ. Ngài suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói:

- Từ hồi con còn nhỏ cho đến bây giờ, con mắc đi học, con không rõ việc nhà. Nay chẳng may má con đã mất rồi, vậy con để cậu nói hết công việc nhà cho con hiểu. Cậu kết nghĩa vợ chồng với má con đã được 25 năm. Tuy má con có gia tài riêng, nhưng mà trong khoảngmấy cậu cũng làm ra tiền nhiều lắm. Cách mười năm trước, cậu thấy người ta bán ruộng rẻ, cậu mới lấy tiền của cậu làm ra đó mà mua gần 400 mẫu. Vì cậu làm quan, cậu không được phép lắm điền thổ trong tỉnh, bởi vậy cậu mua ruộng mà cậu mượn má con đứng hộ giùm,. Vợ chồng là cuộc trăm năm, cậu không nghi ngại chỉ hết, nên cậu với làm vậy. Cậu không dè má con mạng vắn, đành bỏ cậu mà theo ông theo bà...Cậu lấy làm tức, lúc má con đau nặng, cậu không có ở nhà đặng má con trối lại việc nhà của với cậu trước mắt các con cho con hiểu. Thôi, việc đã qua rồi, chẳng nên than phiền làm chi. Bây giờ cậu muốn tính việc nhà với con như vầy: những ruộng đất của ông thân con và bà ngoại con đứng bộ thì cậu giao hết cho con. Còn những ruộng đất cậu mua mà cậy má con đứng bộ giùm đó, thì cậu lấy lại cậu hưởng. Bây giờ cậu hưu trí rồi, cậu có phép đứng bộ ruộng đất. Hai con là người kế nghiệp của má con, hai con làm tờ bán lại cho cậu đặng cậu đóng bách phần và xin cải bộ thì xong việc.

- Quan lớn tính như vậy khó coi lắm. Má tôi sanh có hai anh em tôi mà thôi. Nay má tôi mất, thì hết thảy gia sản của má tôi phải về hai anh em tôi hưởng trọn. Quan lớn biểu làm tờ sang bộ ruộng lại cho quan lớn đứng, té ra quan lớn được hưởng một phần gia tài của má tôi hay sao? Việc đó không được. Quan lớn giận thì tôi chịu chớ những tài vật gì thuộc hoặc của cha tôi, hoặc của bà ngoại tôi hoặc của má tôi đứng bộ, thì hai anh em tôi được hưởng, tôi không chịu chia cho ai hết.

-   Cậu đã nói ruộng đất má con đứng bộ đó là đứng giùm cho cậu. Thiệt cậu nấy tiền của cậu mà mua đó, chớ không phải tiền của má con đâu.

 - Quan lớn có giấy tờ để làm bằng có ruộng ấy má tôi đứng bộ giùm cho quan lớn hay không?

- vợ chồng tin nhau nên để đứng bộ giùm, chớ có giấy tờ gì đâu.

 - Việc tài sản phải có giấy tờ đàng hoàng mới được. Xin quan lớn xét lại mà coi, ví như tôi thấy một người nào đó có ruộng nhiều, tôi đến mà biểu phải sang bộ lại cho tôi, có thế nào họ chịu sang đâu. Nếu tôi đến tòa mà kiện, tôi nói họ đứng bộ ruộng đó là đứng giùm cho tôi, song tôi không có nạp bằng cớ gì hết, thì có lẽ nào tòa xử người đó phải trả ruộng đất lại cho tôi đâu.

- Việc nhà mình tính êm với nhau là hay, chớ đi kiện thì tốt lành gì, con.

 - Tôi ví dụ cho quan lớn nghe, cho kiện sao được mà kiện, mà quan lớn nói ruộng đó là quan lớn xuất tiền mà mua, tôi xin hỏi quan lớn vậy chớ quan lớn làm việc nhà nước lãnh lương bao nhiêu mà trong mười mấy  năm qua quan lớn có đủ tiền đến nỗi mua được 400 mẫu ruộng. Còn huê lợi của má và của bà ngoại tôi mỗi năm trên 30 ngàn giạ lúa, trong 25 năm nay dùng làm việc gì đâu mà mất hết đi. Tôi chắc má tôi lấy huê lợi nầy mà mua thêm ruộng đó thì phải hơn. Xin quan lớn nghĩ thử coi lời tôi nói đó có lý hay không.

Quan Phủ cưới vợ không lập hôn thú, mà thuở nay ngài tin vợ, làm có bao nhiêu tiền đều giao cho vợ hết; nay vợ chết, con ghẻ nắm chìa khóa, biết nói làm sao được bây giờ. Ngài tức giận nên ứa nước mắt, rồi đứng dậy đi ra ngoài sân. Ngài suy nghĩ biết mình đã thất thế, nếu làm dữ thì hư việc chứ không ích lợi gì, bởi vậy ngài đi qua đi lại cho hết giận, rồi mới trở vô nhà mà nói với Hoàng:

-  Cậu thất thế nên cãi với con không được, chớ không phải không đủ lời mà cãi. Thôi, không cãi làm chi nữa, cậu xin con nghĩ tình dưỡng dục mà thương cậu. Bây giờ cậu đã già rồi, không thế gì mà gây sự nghiệp khác được. Vậy cậu xin con làm tờ để lại cho cậu chừng một trăm mẫu ruộng và con cho cậu chừng vài chục ngàn bạc đặng cậu an dưỡng lúc ngày già. Công cậu làm lợi cho má con thuở nầy nhiều lắm. Cậu xin bao nhiêu đó không phải là nhiều đâu.

- Thuở nay tôi tập quen tánh ý thiệt hành, chẳng bao giờ tôi biết cảm động. Mà tôi nghe mấy  lời quan lớn nói đó, tôi không thể làm ngặt quan lớn được. Tôi nói thiệt dầu tôi cho quan lớn hết mấy  trăm mẫu ruộng của má tôi đứng hộ đó, anh em tôi cũng không đến nỗi nghèo. Tiếc vì nếu chiết ra chừng một mẫu ruộng mà chia cho quan lớn thì coi cũng kỳ quá, thiên hạ họ cười tôi tại, tại như vậy nên tôi xin quan lớn đừng có nói chuyện chia ruộng đất cho quan lớn nữa. Còn tiền bạc thì hôm má tôi tắt thở rồi, tôi có mở tủ sắt ra tôi đếm, thiệt còn tám mươi mấy  ngàn đồng, quan lớn xin vài chục ngàn không phải là nhiều. Ngặt gì số bạc của má tôi để lại Đó thuộc về gia tài chung của hai anh em chúng tôi. Em tôi còn khờ dại, tôi không phép cướp quyền của nó mà định đạt về số bạcmấy theo ý tôi được. Vậy để tôi kêu em tôi ra đây hỏi ý nó coi, như nó chịu cho thì tôi chịu, còn nếu nó không chịu thì thôi.

- Cô Loan ở trong buồng nghe anh nói như vậy thì cô bước ra mà hỏi anh:

- Quan lớn biểu phải giao bao nhiêu bạc cho quan lớn ?

- Vài chục ngàn

- Nhiều quá như vậy sao được.

 - Ý em muốn đưa cho quan lớn bao nhiêu?

- Vài ngàn là nhiều.Quan lớn có tiền hưu trí. Tiền ấy đủ dưỡng già mà.

- Còn ruộng đất em chịu chia cho quan lớn bao nhiêu?

- Ruộng đất chia sao được, em không chịu.

Hoàng cười và nói:

- Quan lớn có nghe không? Em tôi nói cũng không chịu chia ruộng. Còn bạc thì nó định đưa quan lớn hai ngàn mà thôi.

 Quan phủ nổi giận, đứng dậy và nói lớn:

 - Bây là quân phản, đã không biết công ơn tao nuôi dưỡng dạy dỗ hai mươi nấy năm nay mà lại còn cướp giựt tài sản của tao làm nữa. Tao có phải ăn mày đâu, nên theo xin bây từng đồng. Thôi, tao không thèm tiền bạc, ruộng đất gì hết, để anh em bây ăn cho nhiều. Tao cũng không thèm ở trong nhà nầy một phút nào nữa.

Quan Phủ ngoe ngoảy đi lấy một cái hoa ly lớn quăng trên ván nghe một cái xạch, tom góp quần áo xếp bỏ vô hoa ly, mở tủ bàn viết lấy cuốn sổ lãnh lương hưu trí và lấy giấy tờ gì đó nữa rồi cũng bỏ vô hoa ly. Sắp đặt hành lý xong rồi ngài biểu gia dịch đi kêu cho ngài một cái xe kéo.

Bây giờ Hoàng mới ăn năn về thói gắt gao, nên mở tủ sắt đếm bốn ngàn bạc để trước mặt cha ghẻ mà nói:

-  Quan lớn không thèm ở với anh em tôi nữa thì tự ý quan lớn, tôi không dám cầm. Hồi nãy em tôi định cho quan lớn hai ngàn, tôi thêm phần tôi nữa hai ngàn, là bốn ngàn đó. Xin quan lớn vui lòng nhận số bạc ấy làm lộ phí mà đi chơi.

Quan Phủ trợn mắt đáp:

-  Tao nói tao không thèm.

Hoàng cuời và nói:

- Quan lớn chê thì thôi. Tôi xin cho quan lớn biết, số bạc nầy tôi sẽ  để dành cho quan lớn luôn luôn. Nếu lúc nào quan lớn cần dùng thì trở về mà lấy.

 Xe kéo đem lại. Quan Phủ biểu gia dịch xách đem hoa ly ra xe rồi ngài lên xe mà đi, không thèm lấy bạc mà cũng không từ giã ai hết.

Hoàng đứng trong cửa ngó theo, rồi ngó em và rùn vai mà nói :

- Ở đời phải như vậy mới được. Nếu mình tử tế họ cười mình dại.

Cô Loan châu mày đáp:

- Vưng  theo lời anh dặn, em phải làm gắt như anh. Nhưng mà thấy cậu Phủ ra đi, em động lòng quá. Vậy nếu cậu hết giận, cậu trở về xin năm mười ngàn, anh đừng có tiếc với cậu. Nghĩ cũng tội nghiệp chớ.

Hoàng gật đầu.

Về chiều.Ở Vũng Tàu, phía Bải Sau, nước đương lớn, gió đương thổi hiu hiu, hơi nước nơi gió hiệp nhau làm cho bầu không khí rất mát mẻ.

Xa xa ngoài khơi, mặt biển linh láng nổi lên cao, bị ánh mặt trời chiều giọi nên nhuộm màu vàng vàng. Mấy chiếc thuyền đánh lưới đều trương buồm nhắm bến mà về, thuyền chạy rề rề, cánh buồm trắng trắng.

Bên phía tay trái, núi miệt Long Hải, Long Phú nằm giăng ngang một dãy, uốn éo chỗ thấp chỗ cao, như ai phết một vết xanh lè nơi góc trời xám xám.

Gần trong bờ, bị gió đùa nên mặt nước guộn(23) có vồng(24) thành sóng, rồi lượn sau tiếp lượn trước mà tràn lên bãi, đập vô gành dội tiếng ồn ào, phun bọt trắng xóa.

Chưn trời xa mù, mặt biển mênh mông, sóng bủa lào xào, gió chiều hây hẩy. Người giàu tình cảm hoặc có viễn chí, ai ngồi ngắm cái cảnh nầy một hồi, cũng phải rồi hồi khoan khoái, rồi chẳng khỏi sanh tình lai láng như biển rộng, hoặc sanh chí cao xa như chơn trời, hoặc xét thân người như thuyền con lửng đửng ngoài khơi, hoặc nghĩ công danh như bọt nước rã rời trên bãi.

Quan Phủ Bình ngồi trên một cỗ xe ngựa mà ra Bãi Sau, thấy khách hứng gió đông đảo, kẻ chòm nhom ngồi trên bãi mà chơi, người lăng xăng lội đùa nhau dưới biển. Ngài muốn tìm nơi thanh tịnh nên xuống xe rồi đi bộ lên đường vòng chưn núi. Ngài thủng thẳng đi một hồi, đã xa Bãi Sau, tới một chỗ cao, thấy trong núi lồi ra một miếng đá lớn mặt bằng phẳng nằm tròi trọi dựa đường, ngài bèn ngồi trên đó đặng ngó mông ra biển.

Không hiểu ngài ngồi ngắm trời ngắm nước rồi ngài cảm xúc hay sao mà ngoài mặt ngài buồn hiu, trong lòng lại thắt thẻo. Con người đã trải qua một đời mặn lạt đủ mùi như ngài, nay lại gặp cảnh như vậy có lẽ nào mà không bồi hồi sao được. Ngài buồn chắc là tại ngài, chớ cái đời của ngài, trong khoảng hai mươi mấy  năm rừa qua, chìm rồi lại nổi, nổi rồi lại chìm, chẳng khác nào biển lớn rồi lại ròng, mặt trời mọc rồi lặn. Lúc nhỏ có hai bàn tay trắng, lao thân mệt trí, lập kế lo mưu, lướt hổ dằn lòng, khum lưng uốn lưởi mà làm cho trở nên giàu sang, rồi đến ngày già hai bàn tay trắng cũng trở lại hai bàn tay trắng, sự nghiệp chỉ có ít trăm đồng bạc với cuốn sổ hưu trí mà thôi.

Rõ ràng công danh là bọt nước, phú quí là mây bay, không rồi lại có, có rồi lại không, không hay có cũng vậy, chẳng ra gì hết.

Ngài đương bàng hoàng nghĩ ngợi, thình lình có một chiếc xe hơi thiệt đẹp ở phía Bãi Sau chạy lên, trong xe có một người đàn ông ngồi với một người đàn bà. Lúc xe chạy ngang qua chỗ ngài ngồi hai người mấy nói cười vui vẻ lắm. Ngài day mặt chỗ khác không muốn ngó. Xe qua khỏi rồi ngài rún vai mà chúm chím cười, dường như ngài khinh khi hai người ấy không biết sợ thế cuộc xây vần, cứ vui hưởng hạnh phúc hiện tại.

Ngài chưa quên chiếc xe ấy, bỗng có một ông già đầu bạc trắng mà bộ tướng còn mạnh mẽ, tay chống một cây ba ton (bâton: gậy) lớn, ở hướng Bãi Trước đi lại, đi thủng thẳng, vừa đi vừa ngó ngoài biển mà chơi. Ngài cứ ngồi ngó mông ra khơi, không thèm để ý đến khách đi chơi ấy. Chừng người ấy đi ngang trước mặt ngài, người chăm chỉ ngó ngài rồi đứng lại mà hỏi:

- Phải me xừ Bình hay không?

 - Phải. Tôi là Bình. Ông là ai mà biết tôi?

 - Ồ, toa quên moa rồi hay sao? Quên thiệt hay là không muốn nhìn?

 - Tôi quên thiệt.

- Người ta nói giàu bỏ bạn sang đổi vợ. Nếu toa quên tới moa nữa thì thiệt toa đúng với lời của người ta nói dó rồi

- Có lẽ lâu quá nên tôi quên chớ.

- Thiệt quên à? Moa là Thanh ở Chí Hòa, ông mai của toa hồi trước đây.

Quan Phủ vừa nghe nói thì vùng đứng dậy bắt tay thầy Thanh và nói:

- Tôi xin thầy tha lỗi. Anh em không gặp nhau dã 25 năm nay, lại đã già rồi, tóc bạc hết, nên tôi nhìn không ra.

Thầy Thanh cười. Thầy ngồi ghé trên cục đá, một tay chống cây ba ton, một tay chỉ chỗ gần đó, mà mời quan Phủ ngồi rồi hỏi:

- Nghe nói toa làm việc tới chức tri phủ phải hôn?

- Phải mà tôi đã xin hưu trí rồi.

 - Còn trẻ quá mà hưu trí giống gì?

 - Làm việc lâu năm mệt mỏi, lại có chuyện buồn nên tôi xin hưu trí non cho rồi.

- Bây giờ toa ở đâu? Còn ở Cần Thơ hay không?

 - Bây giờ tôi không có ở đâu hết. Chỗ nào vui thì tôi ở, hễ ở đã thèm thì đi chỗ khác..

- Nhà toa ở đâu chớ?

 - Tôi không có nhà cửa chi hết.

- Ô la! Sao vậy? Hồi trước toa bỏ vợ con rồi cưới vợ khác giàu có sang trọng lắm mà. Lúc toa bỏ vợ bỏ con, moa có gởi cho toa một cái thơ mà xài toa, sao toa không trả lời?

- Tôi làm tầm bậy, thầy trách là phải lắm trả lời giống gì được.

- Toa biết toa làm bậy, sao toa không ăn năn rồi trở về với vợ con?

- Bây giờ mới biết, chớ hồi đó còn ngu quá, có biết gì đâu.

- Ạ! Toa nói như vậy té ra toa ham giàu sang quá, toa đổi vợ, rồi cũng không ích gì hết hay sao?

- Không ích gì hết.

-  Tầm bậy quá! Già rồi toa mới biết ăn năn thì muộn lắm

 - Muộn mà biết ăn năn có lẽ còn dung chế được.

- Ngày toa thi đậu ký lục, moa lại moa mừng cho toa. Toa luận cách lập đường công danh, moa nghe moa biết không xong. Toa luận cách nào toa còn nhớ hay không?

- Còn nhớ.

- Ừ, toa có chí ý đó mà toa làm đựợc tới ông Phủ, nghĩ cũng là may lắm đa toa, moa tưởng trong đường công danh toa bước ít bước rồi toa té gấp kìa chớ.

- Thầy còn làm việc hay không.?

 -  Hơn sáu mươi tuổi rồi còn làm chi nữa. Moa nghỉ từ hồi năm ngoái, bây giờ sắp con moa lớn rồi. Chúng nó làm mà nuôi moa mà.

- Nếu vậy thì thầy có phước lắm.

-  Họ có của thì họ nhờ của, còn moa có con thì moa nhờ con chớ sao. Toa cuới vợ khác toa có được mấy  đứa con?

- Không có đứa nào hết.

- Ôla! Vậy thì cưới vợ làm gì! Toa đi hứng gió với ai? Có vợ toa đi hay không?

 - Không, vợ tôi chết rồi.

- À! Té ra bây giờ toa tròi trọi có một mình. Già mà không có vợ con thì buồn lắm. Toa bậy quá, toa tính trật toa đi lạc đường. Toa thấy hay chưa?

 - Phải. Tôi đi lạc đường.

-  Lạc rồi mới trở lại không được mới là khổ chứ.

 Quan Phủ Bình lấy thuốc ra mời thầy Thanh hút. Ngài suy nghĩ một lát rồi hỏi:  -Thằng Nghiệp của tôi năm nay đã 25 tuổi, không biết bây giờ nó làm việc gì

ở đâu?

- À! Bây giờ toa mới hỏi tới con! Moa tưởng toa quên nó chớ. Toa có phép kêu nó bằng con đâu mà hỏi.

- Sao vậy?

- Nó có cha khác. Cha nó nhìn tại tòa đủ phép. Bây giờ toa có nói nó là con toa được đâu.

 -  Mẹ nó lấy chồng khác hay sao?

- Toa bỏ người ta mà cưới vợ khác; toa lại muốn người ta ở vậy mà chờ toa hay sao? Moa nhớ trong thơ moa gởi cho toa năm đó moa có nói mà. Moa có nói vợ toa phiền toa lắm, nhứt định lấy chồng khác liền, mà lấy chồng hạng lao động chớ không thèm lấy người học thức.

- Phải. Tôi nhớ trong thơ thầy có nói như vậy. Bây giờ ông già vợ và vợ tôi bạnh giỏi há?

- Còn mạnh giỏi hết. Anh Ba Chánh năm nay đã 75, 76 tuổi rồi. Ảnh già mà ảnh còn sỏi lắm. Còn Madame Huyền thì sung sướng tột bực, nên coi nheo nhẻo đoài, không thấy già.

- Không biết vợ tôi lấy chồng là ai ở đâu vậy?

 - Bây giờ toa hỏi thăm làm chi?

-  Hỏi cho biết vậy mà, đâu thầy thuật chuyện vợ con tôi cho tôi nghe một chút, thầy Hai.

-  Dữ hôn! Đã hai mươi mấy  năm nay toa mới chịu hỏi thăm! Nếu thiệt toa biết ăn năn, moa nói cho toa nghe, thì toa còn ăn năn thêm nữa, chớ có ích gì.

- Không hại gì. Thầy cứ nói đi. Hồi vợ tôi xuống Cần Thơ nó hay tôi có vợ khác chắc nó oán tôi dữ lắm, phải hôn?

- Toa làm bạn với madame Huyền đã có một mặt con, mà toa không biết ý cô chớ. Có oán đâu. Không giận không buồn chút nào hết. Khinh thị toa lắm mà thôi. Cô bồng con ở Cần Thơ trở về, cô gặp moa tại nhà. Cô thuật chuyện tại cho moa với anh Ba Chánh nghe rồi cô nói toa với cô không còn tình nghĩa gì nữa hết, cô sẽ lấy chồng khác liền, mà lấy chồng trong hạng cu li. Người đàn bà đó coi bộ thiệt thà mềm mỏng, mà tánh khí thiệt can cường, moa không dè chút nào hết. Moa tưởng cô giận cô nói vậy, té ra cách vài tháng sau thiệt cô ưng thằng thợ Cang, làm thợ máy trong hãng xe hơi, dưới Sài Gòn dó, toa nhớ hôn?

- Tôi không nhớ.

- Coi kìa! Thợ Cang ở cái nhà ngói nhỏ hai căn, xéo xéo cửa ông Ba Chánh đó.

 - Ô, ờ tôi nhớ nó rồi. Người đi làm mặc bộ đồ màu vải xanh đó mà.

- Phải rồi. Thợ Cang nói cưới một trăm đồng bạc. Anh Ba Chánh còn thương toa, ảnh giục giặc không chịu gả, nói để đợi một ít lâu coi như thiệt toa bỏ đứt rồi sẽ hay. Madame Huyền cãi với ảnh dữ quá, nhứt định ưng thợ Cang, chẳng bao giờ thèm ngó mặt toa nữa đâu mà chờ. Túng thế anh Ba Chánh phải chiều theo ý con mà gả.

- Lấy thợ Cang có gì đâu mà thầy nói sung sướng tột bực?

- Nhờ ưng thợ Cang, nên mới sung sướng đó đa. Hồi mới cưới vợ, thợ Cang làm thợ  ăn mỗi ngày có một đồng rưỡi. Thủng thẳng lên hai đồng, rồi hai đồng rưỡi, rồi ba đồng một ngày. Nghề máy xe hơi nó giỏi thật, nên ông chủ hãng cưng nó lắm. Nhờ nó ăn lương lớn lại nhờ vợ chồng nó tiện tặn, nên trong mấy  năm nó có vốn đến năm bảy ngàn. Có vốn rồi thợ Cang mới tách ra mà lập riêng cái ga-ra để sửa xe hơi. Nó sửa giỏi nên xe nào cũng đưa lại cho nó sửa hết thảy. Bởi vậy làm trong ít năm nó có tới năm ba muôn. Nó mua một dãy phố ở đại lộ Somme, rồi mở hãng lớn mà sửa, và sơn xe hơi, lại cũng có mua bán nữa. Hãng của mông xừ Cang để hiệu "Grand Garage du Viet Nam“, toa không biết hay sao?

- Mấy năm nay tôi ít đi Sài Gòn, nên không biết.

- Hãng kinh dinh lắm mà, Chừng nào toa về Sài Gòn toa ghé lại đó mà coi. Bây giờ mông xừ Cang giao cho con của toa, là mông xừ Nghiệp cai quản. Mông xừ Cang coi chừng vậy thôi, vợ chồng dắt nhau đi chơi hoài, sung sướng lắm.

- Thằng Nghiệp của tôi cai quản một hãng xe hơi được hay sao?

- Ồ! Đi học bên tây chín mười năm, có bằng cấp bác vật về bá nghệ, lại có bằng cấp chuyên môn về máy xe hơi nữa, sao lại cai quản không được.

 - Tôi không dè mà được vậy.

Thầy Thanh tiếp :

 - Mông xừ Cang ở dễ chịu lắm. Tuy Nghiệp là con ghẻ nhưng y thương như con ruột. Y ra giữa tòa mà nhận là con, rồi cho ăn học hẳn hòi. Bây giờ Nghiệp kế chí cho y đó.

- Tại vợ chồng tôi hồi trước không có làm hôn thú, hồi sanh thằng Nghiệp phải khai theo họ mẹ, nên mông xừ Cang mới nhìn là con được.

- Vậy chứ sao! Con của toa mà bây giờ người khác nhờ. Thiệt uổng quá.

 - Người ta có công nuôi dưỡng cho ăn học thì người ta nhờ, tôi không ức gì.

- Mông xừ Cang ở đời coi được lắm, lo cho con ghẻ ăn học hoàn toàn, mà lại có cất một cái nhà thật tốt trên Chí Hòa để cho anh Ba Chánh ở. Chúa nhựt hãng đóng cửa nghỉ thì vợ chồng y mới về trển.

-  Cất nhà chỗ nào?

 -  Cất tại miếng đất của ông Ba Chánh đó.

- Thằng Nghiệp có vợ rồi hay chưa?

- Nó ở bên tây mới về vài tháng nay, vợ đâu mà cưới gấp vậy! Cách mấy  bữa rày moa có lại nói chuyện với anh Ba Chánh. Ảnh nói có người ở miệt Lục  Tỉnh muốn gả con cho thằng Nghiệp. Người đó giàu lắm. Sự làm sui coi bộ cũng gần thành rồi. Vậy thì chắc trong ít tháng nữa nó sẽ có vợ.

- Nó được vậy thì tôi cũng mừng cho nó.

- Còn phần toa bây giờ có ruộng đất phố xá gì đâu. Toa nói cho moa nghe thử coi.

- Không có gì hết. Bây giờ có ít trăm đồng bạc với cuốn sổ đễ lãnh tiền hưu trí mà thôi.

- Hừ! hồi làm việc, toa làm tới ông Phủ, mà kiếm tiền không được hay sao?

 - Tôi làm ra tiền nhiều lắm chớ; tại không có mạng làm giàu, nên tiêu hết.

- Toa thấy hay chưa.? Ở đời tranh danh trục lợi cho lắm, nghĩ không có ích gì.

Có chí như mông xừ Cang cũng làm giàu rồi sung sướng được, không cần phải sanh sự, phải lo làm ông nầy ông kia làm chi.

Quan Phủ ngồi buồn hiu không nói nữa.

Thầy Thanh đã thấy mặt trời chen lặng, bèn đứng dậy rủ quan Phủ về. Hai người cùng đi xuống Bãi Sau rồi trở vô chợ, thủng thẳng đi bộ mà nói chuyện.

 Quan Phủ Bình đương buồn vì số mạng của ngài không được hưởng phú qúy trọn đời, mà ngài còn nghe chuyện vợ con như vậy nữa thì ngài hổ thầm, bởi vậy vô tới chợ rồi ngài kiếm cớ từ biệt thầy Thanh.

 Đêm đó ngài ngủ không được, cứ ngồi trên Bãi Trước cho tới sáng. Cách một tháng sau, quan phủ Bình ở Vũng Tàu trở vô Sài Gòn, tính ở đây chơi ít bữa rồi sẽ ra Huế hoặc lên Đà Lạt. Ngài mướn một căn phòng ở khách sạn mà nghỉ.

Chiều mát, ngài thủng thẳng đi bộ mà chơi. Ngài muốn đi lại hãng xe hơi của Cang đặng coi cuộc làm ăn của vợ con như thế nào, mà rồi ngài sợ gặp vợ cũ, nên dục dặc không dám đi. Ngài bèn leo lên một cỗ xe kéo mà ngồi, biểu xe phu đi thủng thẳng cho ngài hóng gió. Xa phủ tưởng ngài muốn xuống mé sông cho mát nên ở trên chợ Bến Thành đi thẳng qua đại lộ de la Somme đặng có xuống mé cột cờ Thủ Ngữ.

 Quan Phủ giật mình, sợ  đi đường đó gặp vợ cũ. Mà rồi ngài nghĩ mình ngồi trên xe mà đi ngoài đường không lẽ vợ nhìn được, bởi vậy ngài không cần, cứ để cho xa phu đi.

Đi được một khúc đường bỗng thấy có một dãy phố lầu năm căn. Trên cửa có một tấm bảng đề mấy  chữ lớn: "Grand Garage du Viet Nam“. Quan Phủ biết chỗ đó là hãng xe của Cang. Ngài ngồi xe đi ngang qua; ngài ngó vô thì thấy hai căn để xe , thợ đương sửa lăng xăng, đồ chất dẫy đầy từ trong ra tới cửa. Qua khỏi rồi ngài biểu xa phu ngừng lại. Ngài xuống xe đi bộ trên lề đường, đi trở lộn lại hãng xe hơi coi chơi. Ngài dòm vô hãng thì không thấy cô Huyền mà cũng không thấy ai quen hết.

Ngài đứng coi chơi một hồi rồi lên xe kéo bảo xa phu chạy lên Chí Hòa. Trời đã chạng vạng. Đường lên Chí Hòa thiên hạ qua lại dập dìu, xe hơi, xe thổ mộ chạy liên tiếp, tiếng kèn với tiếng chuông nghe không dứt.

Quan Phủ Bình thấy cảnh cũ  đường xưa thì ngài bồi hồi trong lòng. Cách hai mươi mấy  năm trước, mỗi buổi chiều ngài đều đi qua quãng đường nầy, tuy hồi đó thiên hạ qua lại ít hơn, nhà cửa hai bên đường thưa thớt hơn song mùi danh lợi chất chứa đầy lòng, tranh tương lai chớn chở trước mắt. Bây giờ ngài trở lại đường nầy, tuy dân cư đông đảo hơn, nhà cửa tốt đẹp hơn, song thấy cảnh ấy lòng lại lạnh tanh, trí lại chán ngán.

Đi gần tới nhà ông Ba Chánh. Quan Phủ thấy bên lề  đường có một gốc xoài thiệt lớn. Ngài nhớ gốc xoài ấy đứng ngay sân của cha vợ ngài hồi trước thì trong lòng càng thêm ngần ngại. Bây giờ người ta đi đứng ngoài đường lại càng thêm đông, bên đường lại có một đoàn xe hơi nối đuôi nhau mà đậu một hàng dài. Quan Phủ nghi nhà ông Ba Chánh có đám tiệc, nên mới có xe hơi đậu đông như vậy. Ngài biểu xa phu đi chậm chậm đặng cho ngài coi. Đi tới gốc xoài lớn ngay nhà ông Ba Chánh, ngài ngó vô thì thấy một tòa nhà ngói xinh đẹp, cất theo kiểu tối tân, đèn đốt sáng trưng, chưng dọn hực hỡ. Từ trong nhà ra ngoài sân khách khứa ngồi chật ních, tại trước đường thiên hạ coi đông Đầy.

Quan Phủ biểu xa phu dừng lại, rồi ngài leo xuống mà hỏi một ông già đứng bên đường:

- Nhà nầy có phải là nhà của ông Ba Chánh không vậy ông?

- Phải.

- Nhà có đám gì mà khách khứa đông dữ vậy?

 - Đám cưới của ông Bác vật Nghiệp, là cháu ngoại của ông Ba.

 - Ạ! Mới nhóm họ hay rước dâu về rồi?

- Rước dâu về hồi chiều rồi bây giờ mới đãi tiệc tiệc mời hai họ đó chớ.

-  Cưới con của ai, ở đâu vậy ông biết hay không?

- Nghe nói hồi ông bác học Bác vật Nghiệp học bên tây có quen ông Bác vật gì đó ở dưới Cần Thơ, bây giờ hai người trở về bên nây, ông Bác vật Cần Thơ đó gả em gái cho ông Bác vật Nghiệp.

Quan Phủ nghe nói như vậy thì nghi Hoàng gả cô Loan cho Nghiệp. Ngài chăm chỉ ngó vô sân rồi ngó vô nhà, thấy một ông già tay cầm cây quạt lông trắng ngồi giữa nhà mà quạt hơi, ngài mới hỏi nữa :

- Phải ông già ngồi trong đó là ông Ba Chánh hay không?

 - Phải. Ông Ba Chánh đó đa.

- Còn dâu rể là người nào đâu?

- Ông không biết hay sao?

- Không.

- Ở ngoài sân nãy giờ, mới dắt nhau đi vô trong nhà. Kia kìa. Bà đương đứng trước cửa kia là mẹ của Bác vật Nghiệp đó.

- Phải. Bà đó tôi biết. Còn cha của Bác vật Nghiệp ở đâu.

 - Kia kìa, người ngồi bàn giữa ngoài sân, đương nói chuyện với thầy hai Thanh đó! Ông thấy hôn?

- Ô, ờ, tôi thấy rồi. Người bận áo màu xanh đó phải không?

 - Phải. Kia kìa, dâu rể đương bước xuống thềm đi ra sân kìa.

 Quan Phủ ngó kỹ, thiệt quả cô Loan, không còn nghi ngờ gì nữa. Ngài chăm chỉ ngó Loan, ngó Nghiệp rồi ngó cô Huyền cũng ra sân lại đứng sau lưng chồng, hai tay vịn vai chồng và nói chuyện với thầy Hai Thanh và nói và cười, bộ hân hoan mãn ý lắm.

Thấy vợ, thấy con, thấy cảnh gia đình đương chứa chan hạnh phúc, mà vợ con ấy bây giờ mình không được gần, mình không quyền nhìn, hạnh phước ấy không phải của mình tạo ra, quan Phủ Bình bồi hồi đứng ngó trân trân, sắc mặc buồn xo...

Ngài bỗng thấy thầy Hai Thanh đứng dậy rồi xâm xâm đi ra đường. Sợ thầy nọ ngó thấy mình, ngài lật đật bước lên xe kéo và biểu xa phu trở về Sài Gòn.

Vĩnh Hội, 11-1938

Chú thích[sửa]

19.ngó ngay mặt với vẻ sửng sốt.

20.cúng cơm,giỗ cơm.

21.kỹ sư.

22.gởi điện tín.

23.cuộn

24.chỗ được đấp cao và dài nằm song song vơi nhau:cuốc vồng, đấp vồng,vồng khoai,vồng mía