Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005/Phần 3/Chương XVII/Mục 4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ðiều 309. Chuyển giao quyền yêu cầu[sửa]

  1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:
    a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
    b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu;
    c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ðiều 310. Hình thức chuyển giao quyền yêu cầu[sửa]

  1. Việc chuyển giao quyền yêu cầu được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
  2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Ðiều 311. Nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ[sửa]

  1. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền.
  2. Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Ðiều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.

Ðiều 312. Không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu[sửa]

Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Ðiều 313. Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự[sửa]

Trong trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.

Ðiều 314. Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ[sửa]

  1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
  2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

Ðiều 315. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự[sửa]

  1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
  2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.

Ðiều 316. Hình thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự[sửa]

  1. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
  2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Ðiều 317. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm[sửa]

Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, nếu không có thoả thuận khác.