Bộ luật Tố tụng dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2004/Phần thứ năm/Chương XX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 311. Phạm vi áp dụng[sửa]

Toà án áp dụng những quy định của Chương này, đồng thời áp dụng những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này để giải quyết những việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28, khoản 1 và khoản 4 Điều 30, khoản 3 Điều 32 của Bộ luật này.

Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Toà án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Điều 312. Đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự[sửa]

  1. Người yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Toà án có thẩm quyền quy định tại mục 2 Chương III của Bộ luật này.
  2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
    a) Ngày, tháng, năm viết đơn;
    b) Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;
    c) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
    d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;
    đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;
    e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;
    g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
  3. Gửi kèm theo đơn yêu cầu là tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Điều 313. Những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự[sửa]

Toà án phải mở phiên họp công khai để giải quyết việc dân sự.

Sau khi ra quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, Toà án phải gửi ngay quyết định này và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Viện kiểm sát phải nghiên cứu trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Toà án để mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

  1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham dự phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.

Người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Toà án.

Người có đơn yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Toà án hoãn phiên họp. Trường hợp người có đơn yêu cầu đề nghị giải quyết việc dân sự không có sự tham gia của họ thì Toà án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ; nếu người có đơn yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.

  1. Người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ được Toà án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Toà án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Toà án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.

Điều 314. Thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự[sửa]

  1. Phiên họp giải quyết việc dân sự được tiến hành theo trình tự sau đây:
    a) Thư ký Toà án báo cáo về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp;
    b) Thẩm phán khai mạc phiên họp, kiểm tra về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập tham gia phiên họp và căn cước của họ;
    c) Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày về những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;
    d) Người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ trong việc giải quyết việc dân sự;
    đ) Người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định trình bày kết luận giám định, giải thích những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn;
    e) Xem xét tài liệu, chứng cứ;
    g) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự;
    h) Thẩm phán xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu giải quyết việc dân sự.
  2. Trong trường hợp có người vắng mặt thì Thẩm phán cho công bố lời khai, tài liệu, chứng cứ do người đó cung cấp hoặc đã khai với Toà án.

Điều 315. Quyết định giải quyết việc dân sự[sửa]

  1. Quyết định giải quyết việc dân sự phải có các nội dung sau đây:
    a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
    b) Tên Toà án ra quyết định;
    c) Họ, tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án;
    d) Tên, địa chỉ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự;
    đ) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết;
    e) Tên, địa chỉ của người có liên quan;
    g) Nhận định của Toà án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu;
    h) Căn cứ pháp luật để giải quyết việc dân sự;
    i) Quyết định của Toà án;
    k) Lệ phí phải nộp.
  2. Quyết định giải quyết việc dân sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án có thẩm quyền, người yêu cầu giải quyết việc dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định đó trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Điều 316. Kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự[sửa]

Người yêu cầu và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ các quyết định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 28 của Bộ luật này.

Điều 317. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị[sửa]

  1. Người yêu cầu và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo quyết định đó trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 358 và khoản 1 Điều 372 của Bộ luật này. Trong trường hợp họ không có mặt tại phiên họp thì thời hạn đó tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết.
  2. Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn bảy ngày, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 358 và khoản 2 Điều 372 của Bộ luật này.

Điều 318. Thủ tục phúc thẩm quyết định giải quyết việc dân sự bị kháng cáo, kháng nghị[sửa]

Thủ tục phúc thẩm quyết định giải quyết việc dân sự bị kháng cáo, kháng nghị được thực hiện theo quy định tại Điều 280 của Bộ luật này.