Chữ Quốc-ngữ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chữ Quốc-ngữ (le Quốc-ngữ)
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài đăng trên Đông dương tạp chí số 33.

Chữ quốc-ngữ tuy rằng có mấy nơi khuyết-điểm, có mấy chỗ không-tiện, song tỉ với chữ-nôm ta, và chữ-nho thì thực là một lối tiện quá rồi, cho nên ai cũng đành rằng cứ nên để y như vậy mà dùng.

Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc-ngữ cho phải lẽ, nhưng mà chẳng lý nào bằng thói-quen cuả người ta, cho nên tuy đã có nghị-định y lời Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chiụ theo, tân-thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu-sự.

Nay bản-quán lấy việc cổ-động cho chữ quốc-ngữ làm chủ-nghĩa, tưởng cũng nên đem hết các khuyết-điểm, các nơi không tiện ra mà bàn lại, chẳng dám đem cách nào mới mà xin thế vào lối cũ, sợ thiên-hạ lại bảo vẽ vời, song cũng nên bàn các nơi bất-tiện ra để ai nấy lưu-tâm vào đó, thì dễ có ngày tự-dưng chẳng phải ai bàn mà chữ quốc-ngữ tự đổi dần dần đi.

Trước hết chữ quốc-ngữ không biết bởi ai mà thành ra, nhưng quyết được rằng những người dùng đầu-tiên, không phải là người Đại-pháp. Ý hẳn là bởi mấy ông cố-đạo Bồ-đào-nha đến đất Nam-kỳ từ đầu XVII thế-kỷ, cho nên nhiều vần không giống vần Đại-pháp. Sự ấy đến ngày nay thành ra khuyết-điểm. Vì gía thử chữ quốc-ngữ đặt theo vần Lang-sa, thì người học chữ quốc-ngữ vừa học được vần Lang-sa nhân thể mà trong vần quốc-ngữ gía có lộn tiếng Lang-sa vào, cứ viết theo cách Lang-sa ai ai cũng đọc được. Chẳng may vần Lang-sa khác, cho nên những tiếng Lang-sa viết lộn vào văn quốc-ngữ, như là các tên người, tên các xứ, những tiếng chỏ các thứ đồ vật ta không có tên, phải dùng tiếng tây, thì không mấy người đọc được, muốn cho người ta đọc được, lại phải dịch vần Lang-sa ra vần quốc-ngữ, nghe nó ngô nghê khó chịu quá mà lại sai mất cả cách viết, mà trong tiếng Lang-sa thì cách viết là một điều quan-hệ, như chữ l'on (là người ta) mà dịch ra vần quốc ngữ là long thì có lẽ lẫn với tiếng long (là dài), thì khác nào chữ nho viết lẫn với chữ chi 之 ra chữ chi 枝.

Ví thử vần quốc-ngữ mà đặt theo vần Lang-sa thì có lẽ tránh được cái phiền phải đặt hai chữ mới như chữ đ và chữ ơ. Chữ u Lang-sa thì đáng lẽ dùng tạm làm chữ ư quốc ngữ còn chữ u quốc ngữ thì vần tây viết ou.

Nghe đâu có mấy ông Tây dùng lối vần tây mà viết tiếng an-nam, chỉ thêm 5 dấu, thế mà dạy các quý-quan học tiếng ta tiện lắm.

Tôi ước ao rằng một ngày kia sẩy ra một lẽ gì làm cho lối mượn vần tây ấy thành ra lối quốc-ngữ teune thúque thực diệu. Chỉ ước thế chứ không dám bàn, vì một lối chữ đặt ra lúc nào không ai biết được, vì cớ gì mà theo lệ nào cũng không phòng định được, lúc tự-dưng nó đổi đi, xong rồi mới biết được nhẽ tại làm sao, chớ ai có nên bàn cái thể thức một lối chữ, một tiếng nói, một văn-chương.

Còn như chữ quốc-ngữ có mấy điều người Bắc-kỳ ta tưởng rằng bất-tiện nhưng tôi đã nghiệm ra ở Trung-kỳ và ở Nam-kỳ thì thực là nên để như vậy.

Như những tiếng nên viết ch hay là tr ngoài Bắc ta thì không phân biệt chút nào, nhưng ở Nam-kỳ thì thật có phân biệt. Như con trâu mà viết thành châu (hạt châu) thì người Nam-kỳ không hiểu. Xét kỹ ra, thì sự phân biệt ấy có chữ quốc-ngữ rồi mới phân biệt, chứ không phải vốn vẫn phân biệt. Nghĩa là ngày xưa trong cách đọc cũng có mấy cách đọc ch không uốn lưỡi với một cách đọc nặng tr, nhưng mà cách đọc khác nhau ấy không làm cho một tiếng khác nghĩa đi. Về sau có chữ quốc-ngữ rồi, đặt thành tự-vị, thì người sau theo người trước, mà lấy cái tình cờ làm ra một cái lệ, đến ngày nay quen mắt quen tai đi rồi, người nông nổi tưởng là vốn tiếng Nam-kỳ ngày xưa con trâu phải đọc nặng mà hạt châu phải đọc nhẹ. Việc này tôi đã thí nghiệm ở người không biết chữ quốc-ngữ thì thực họ không phân chỉ có mấy người biết chữ quốc-ngữ thì cho cách phân biệt ấy là một cách cuả người có học. Sự này tôi đã có ý nghiệm từ Thanh-hóa vô tới Quảng-nam và ở Sài-gòn.

Còn như chữ s với chữ x thì cũng vậy. Ngoài Bắc với trong Trung-kỳ thực không phân. Còn Nam-kỳ thì bảo chữ s phải đọc uốn lưỡi như chữ ch tây, còn chữ x thì đọc như chữ s tây.

Chữ gi chữ d, chữ r thì ở Bắc-kỳ ta không phân, còn ở Nam-kỳ và Trung-kỳ phân biệt được chắc chữ r mà thôi, còn d với gi cũng đọc như chữ y[1], mà không mấy người biết chắc được tiếng nào đáng viết d hay gi.

Xét ra những cách phân biệt đó, tuy là có quốc-ngữ rồi mới sinh ra, (trừ ra chữ r thì nguyên bao giờ Trung-kỳ với Nam-kỳ cũng vẫn có) nhưng mà tưởng những cách phân-biệt ấy cũng làm cho tiếng an-nam thêm rõ ra được một đôi chút. Bây giờ ta cứ cho như vốn vẫn có cũng chẳng sao, mà những người dùng chữ quốc-ngữ sau cũng nên theo người dùng chữ quốc-ngữ trước.

Trong cách hai xứ đàng trong đàng ngoài dùng chữ quốc-ngữ, lại còn một điều ngộ nữa, là đàng ngoài ta thì không phân biệt khai-khẩu âm, như d, gi, r, ch, tr, mà đàng trong thì lại hay lẫn bộ khẩu-âm.

Như can thì người Nam-kỳ hay đọc lầm viết lầm ra cang, mà có chữ phải viết có chữ g, (giọng muĩ) về sau người Nam-kỳ lại yên trí rằng an đọc là ang thì bỏ chữ g đi. Như trong sách quốc ngữ Sài-gòn, nhiều chữ phang kế viết là phan kế; kính trình chư vị đặng tàn, (tàn Bắc-kỳ ta là tường đáng lẽ phải viết là tàng). Khách sạn, trong ấy viết khách sạng.

Tài sắc, viết lẫn là tài sắt.

sắt đanh thì lại viết lộn là sắc đanh.

Bao nhiêu tiếng mũi dài, Nam-kỳ theo cách đọc sai, viết ra tiếng vắn: Như cái hình viết theo cách đọc ra hìn, khánh viết là khán.

Trong vần Nam-kỳ có mấy vần ngoài Bắc ta không có, như vần (thuở) uơi (thuới) uơn (nguơn) uơt (duợt y). Ngoài ta thì bốn tiếng ấy đọc và viết thủa, thoái, nguyên, duyệt.

Vì chữ quốc-ngữ ở Nam-kỳ trước lại còn khuyết mất mấy vần đáng lẽ quốc-ngữ có đủ mà hóa ra không có. Như tiếng bong (chuông kêu) đáng lẽ viết bong, mà hóa ra không được vì bong đọc là bong (vần phong). Chính lẽ thì bong là bong–ra phải viết bonh, mà bong thì là tiếng chuông kêu; ông đáng lẽ phải viết ônh. Ong thì đọc phải lẽ.

Đó là mấy nơi khuyết tưởng nên nhớ mà đợi khi nào có dịp thì sửa đi.

Dịp ấy là dịp nào, không ai nói được.

V.[2]

   




Chú thích

  1. Đáng lẽ phải là d hay gi thì đúng hơn
  2. Chữ ký tắt của cụ Nguyễn Văn Vĩnh