Chữ nho nên để hay là nên bỏ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chữ nho nên để hay là nên bỏ (Faut-il on non garder les carectères chinois ?)
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài đăng trên Đông Dương Tạp Chí số 31 trang 3, 4, và 5.

Có một điều ấy, bao nhiêu người nghị–luận, mà nghị–luận mãi không ra mối, cũng chỉ vì thường cứ bàn bạc nên bỏ, hay không nên bỏ, nhưng mà để là để thế nào, để ở đâu; nên bỏ thế nào, nên bỏ ở đâu, không hay bàn cho dứt khoát, cho nên cứ bối–dối mãi. Người nói rằng bỏ đi là phải, vì học chữ Nho mất hàng nửa đời người, mà trăm người học, không được một người hay; học được hay cũng chỉ ích lấy một mình, không đem ra mà dùng cho đời được nhờ cái học vấn của mình chẳng qua là một cái thú rung–đùi mà thôi. Người nói rằng để lại là phải, vì não–chất cuả người An–nam đã mấy mươi đời nay nghiền bằng đạo Khổng Mạnh, phong–tục, tính–tình, luân–thường, đạo–lý, đều là ở đạo Nho mà ra cả. Vả lại tiếng An–nam ta nói, ước có nửa phần do chữ nho mà ra. Lại nói rằng lối học nho là một lối, tuy không tiện, nhưng mà muốn bỏ đi, thì phải có lối nào mới, tiện hơn mà đem thế vào. Nay lối mới chưa nghĩ được tuyệt–diệu, mà đã bỏ đì thi ra bỏ cái nền cũ, mà chưa có cái gì mới thay vào sốt cả.

Hai bên nói như thế, nghe ra cũng phải cả, thế mà cứ nói mãi, thì ra kéo dài trong trăm năm một câu truyện dằng–co.

Trước hết tưởng hay nên phân ra hiện việc học của người An–nam, ngày nay có mấy lối, mấy đằng; đằng nào nên để cho học chữ nho, mà đằng nào nên bỏ chữ–nho đi.

Sau lại nên xét xem chữ–nho bây giờ đối với dân ta, đối với việc học của người An–nam, thì là thế nào, là cái gì?

Gỉa nhời rằng: chữ–nho là một lối văn–tự cũ cuả nước Tầu, là một nước cho ta mượn văn–minh, phong–tục, tính–tình; chữ ấy sang đến nước ta, đổi cả cách đọc, đổi cả lối dùng, mà lại thấm nhiễm vào tiếng–nói của nước ta; lại thành ra một thứ văn riêng cuả đám thượng–lưu ta dùng, tuy là mượn cuả Tầu, mà có điệu riêng, hay dở không giống như hay dở cuả văn Tầu.

Thế thì cái địa–vị chữ–nho ở nước ta cũng khác nào như địa–vị chữ la–tinh ở bên nước Đại–pháp.

Dẫu ra như thế rồi, thì muốn giải cái vấn–đề: nên để hay nên bỏ chữ–nho? cứ việc xem bên nước Đại–pháp đãi chữ la tinh thế nào, thì ta nghĩ ra được ngay cách nên đãi chữ nho như thế!

Bên Đại–pháp, chữ la–tinh là gốc phần nhiều tiếng– nói nước nhà, văn–chương dựa lối la–tinh, cho nên ai học khoa ngôn–ngữ, các bậc vào cao–đẳng học phải học tiếng la–tinh, phải nghiền văn–chương cổ la– tinh, ngôn–ngữ văn–từ bên Tây mà pha tiếng la–tinh vào cũng như bên ta người nói nôm thỉnh–thoảng pha mấy câu chữ–sách. Còn người làm ăn, đi học qua bậc sơ–đẳng gọi là biết đủ nhân–cách, biết đọc, biết viết, thì tuy rằng tiếng nói cuả mình do tiếng la–tinh mà ra, nhưng không cần phải biết chi đến gốc rễ xa–xôi ấy. Không ai dám bảo rằng: không học tiếng la–tinh thì không học được tiếng Đại–pháp bao giờ.

Thế thì chữ nho đối với tiếng An–nam mình cũng vậy.

Ai chuyên học văn–chương, tuy rằng phải gây cho An–nam mình có văn–chương riêng, nhưng mà cũng phải học lấy cái văn cũ, phải biết lịch–sử văn–chương cuả nước mình, phải biết gốc tích tiếng nói mình, thì mới hay được, thì mới gây được cho văn mình mỗi ngày mỗi hay lên. Trong tiếng ta nhan nhản những chữ–nho, dùng đến những chữ ấy, mà chẳng sao đừng dùng được, tất phải học tận căn–nguyên nó, mới biết hết nghĩa nó được, về sau có làm tự–vị, tự–điển tiếng An–nam thì mới có cách biện–nguyên mà cắt nghĩa từng tiếng cho đúng được.

Còn những người thường, con nhà làm ăn đến tuổi cho vào tràng sơ–đẳng học (mới định nhưng thực còn chưa có) cốt để học lấy biết đọc, biết viết, biết lễ– phép, phong–tục, địa–dư, cách–trí mỗi thứ mỗi người gọi là phải biết qua la một chút, cho người nó khỏi như lũ xá–dại, ngây–ngô chẳng biết chi chi. Hạng ấy thì cho học chữ–nho mà làm gì? Nhân thân hạng sơ–đẳng học còn có ba năm giời, mà lại còn chiều tục cũ, bắt học thêm chút chữ nho, thì thực là làm uổng thì–giờ cho trẻ con, không được việc gì. Chữ nho không phải là một lối chữ học gọi là được. Đã biết phải biết hẳn, không biết thì thôi, biết răm ba chữ, học một vài năm, thì có biết được mấy chữ cũng không được việc gì.

Chớ có nói rằng, trong tiếng nói An–nam có nhiều chữ nho, thì phải bắt trẻ con học lấy vài ba chữ nho. Phàm chữ nho nào đã lẫn vào với tiếng–nói thông–dụng, thì là những chữ thành ra tiếng An–nam rồi, dẫu không học sách nho cũng biết nghĩa nó là gì.

Có kẻ bảo rằng nếu không cho trẻ con học chữ nho nữa, thì nay phải cho học ít nhiều tiếng Đại–pháp. Ấy cũng là một cách làm cho trẻ con mất thì–giờ vô–ích.

Việc học ta ngày nay nhà– nước đã phân hẳn ra làm hai lối. Một lối Pháp–việt học để cho trẻ con học chữ Pháp, có từ sơ–đẳng cho tới trung–đẳng học. Nhà ai có con muốn học tiếng Đại–pháp, học–thuật Đại–pháp, văn–chương Đại–pháp, thì đã có tràng Pháp– việt. Tùy gia–tư mà theo học, muốn cho biết gọi là để đi làm việc, hoặc là để buôn–bán giao–thiệp với người Đại–pháp, thì cho vào các tràng Pháp–việt sơ–đẳng học, xong sơ–đẳng rồi, lại còn một khoa học lấy tốt–nghiệp nữa. Ai có của, muốn cho con học theo lối Đại–pháp, cũng được thi tú–tài, thì đã có tràng trung–đẳng mới mở ra ở Hà–nội, học phải mất tiền, muốn vào hạng học–sinh, một ngày hai buổi đến học cũng được; muốn vào hạng lưu–học–sinh, ăn ngủ ở tràng mà học cũng được.

Lối thứ hai là lối học riêng cuả dân An–nam đặt ra cho phần nhiều, cho trẻ con các nhà–quê, thực là một lối mới, xưa nay không có, vì lối học nho ngày xưa, không phải là một lối học phổ–thông, thực là một lối học đi làm quan Tầu, với cũng như lối Pháp–việt học bây giờ là lối học đi làm việc với nhà–nước Đại–pháp. Nhưng ai cũng muốn làm quan cả, cho nên ngày xưa đua nhau học nho thế nào, từ nay giở đi đua nhau học vào lối Pháp–việt cũng thế!

Còn lối học riêng mới, cũng đặt ra tiểu–học, trung–học, lấy quốc–ngữ làm gốc, mà học cách–trí, vệ–sinh, địa–dư, phong–tục, mỗi thứ một đôi chút, để gây cho lấy nhân–cách cuả phần nhiều người trong dân An–nam, thì xét ra thực là một lối nhà–nườc bảo–hộ mới gia ân đặt ra, không tỉ được với lối học nho cũ, mà cũng không tỉ được với lối học Pháp–việt.

Trong lối học ấy phải có hai bậc, một bậc sơ–đẳng để cho trẻ con mới lớn lên, học lấy biết gọi là mỗi thứ một chút. Trong bậc ấy, học có ba năm, tưởng không nên dạy chữ nho, mà cũng không nên dạy chữ Pháp một tí nào. Còn bậc trung–đẳng, để đi thi cử, để nên cho những bậc có tài riêng tiếng An–nam ngày sau, chẳng phải hay chữ nho, mà cũng phải thông chữ Pháp, thực là những người thông chữ ta, thì phải có học chữ Nho và chữ Pháp, chữ nho để mà am–hiểu lịch–sử nước mình, văn–chương nước mình, do ở đó mà ra; chữ Pháp là chữ cuả nước Bảo–hộ ta ngày nay, là chữ cuả ông thầy mới, mình trông mong mà học lấy thuật hay.

Nhà nước Đại–pháp đặt thêm ra lối học ta ấy, thực đã tỏ ra lòng ngay thực với ta, muốn cho ta giữ được mãi quốc–thúy, vì nếu nhà–nước cứ bắt ta học chữ Đại–pháp mới được làm quan làm việc, thì chắc ta cũng phải vì lợi mà theo học cả, như là ông cha ta ngày xưa vì lợi, mà theo học nho.

Nhà–nước định ai có bằng tuyển–sinh mới được vào tràng Pháp–việt ấy là giữ cho dân thế nào cũng phải theo lối học ta làm gốc trước đã, thực là đặt ra lối quốc– học, mà lại khiến cho người trong nước phải học theo quốc–học.

Trung–đẳng học ta thì nên bắt học cả chữ nho và chữ Pháp, nhưng Pháp–việt học, thì lại nên bỏ đứt chữ nho đi. Lối học ta mới, còn gần lối học nho ngày trước, cho nên học chữ nho được kỹ. Mà học chữ nho đã không học dối được, ở các tràng Pháp–việt mà đem dạy chữ nho thì dạy buổi nào, học–trò thiệt mất buổi ấy. Phàm trẻ con An–Nnm đã vào học Pháp–việt, toàn là đi học cướp–gạo cả, chỉ muốn chóng thông tiếng Đại–pháp mà đi làm việc hoặc để buôn bán với người Đại–pháp. Họa là mới có một hai người, học tiếng Đại–pháp để mà, tốt nghiệp chi hậu, lại còn chăm vào việc học cho quán thông lịch–sử, luân–lý cũ nước Nam. Bởi thế ở các tràng Pháp–việt, cứ hôm nào đến phiên mấy thầy giáo chữ nho dạy, thì học–trò như là một buổi phải nghỉ, ngồi mà ngủ gật, trong khi thầy giáo viết lên bảng những bài học nhỡ– nhàng, dễ quá cho kẻ biết rồi, khó quá cho kẻ chưa biết.

Tổng kết lại, thì chữ nho chỉ còn nên giữ lại để mà dậy ở khoa trung–đẳng nam–học mà thôi, đợi mai sau khi nào có cả khoa cao–đẳng nam–học, hoặc khoa ngôn–ngữ văn–chương ở cao–đẳng, bấy giờ mới lại có nơi khác phải dùng đến chữ nho.

Bây giờ trẻ con xin nhất quyết đừng cho học chữ nho nữa, mà các tràng Pháp–việt cũng xin bỏ lối dạy chữ nho đi.

Nguyễn Văn Vĩnh