Hội dịch sách

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Hội dịch sách  (1907) 
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài đăng trên tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 813, ngày 15–8–1907, và số 814, ngày 22-8-1907.

Hôm 26 tháng sáu trước, ở hội Trí–tri Hà–nội, có hơn 300 người vừa người Hà–nội vừa người các tỉnh về họp để lập một Hội dịch–sách.

Ông Nguyễn–văn–Vĩnh có đọc bài, diễn– thuyết sau này :

Trình các Quan,

Ở thế–dan này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn–minh, là cũng có văn–chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn–minh người ta cũng ở đó mà ra, vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để chuyền sự hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách chuyền tư–tưởng đi có hai cách : một là lấy miệng mà nói, thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư–tưởng chuyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được. Chữ viết mà giống tiếng nói, thì một người viết một quyển sách, in ra bao nhiêu quyển, đã hình như nhân cái miệng mình ra bấy nhiêu lần, vì mỗi người mua một quyển sách ấy, mà đọc thì cũng như là thay mình đứng mà nói. Sách chuyền được đi nhiều tư–tưởng mới càng ngày càng rộng ra được, bàn soạn mỗi ngày một rành mạch ra, vì hễ có ít người xem tất ít người bàn soạn nhời nói của mình. Người làm sách ít khi gặp người bẻ bác thì nghĩ cũng không được chín bằng người viết ra một câu vạn ức con mắt nhìn vào, bẻ bai thóc mách.

Các nước người ta văn–minh là do ở như đấy. Như nước Nam ta có học hành đã mấy nghìn năm nay, mà tư–tưởng vẫn hẹp hòi, người vẫn ngu–dốt, cũng vì tại đi học chữ mượn. Một người cầm quyển sách đọc mà có hiểu ra nữa, thì cũng chỉ hiểu lấy một mình, nữa huống chi là lõm bõm chữ biết chữ không. Mà sự không hiểu ấy, có phải tại ngu độn gì. Tiếng tổ-tiên mình, tiếng mẹ du, nhời vú nói với mình, từ thuở biết ngồi, mà học được hay cũng còn khó thay, nên huống chi là đi học chữ người, mà chữ người ấy, cũng không phải là chữ tự–nhiên, vì bên Tầu, tiếng nói cũng không được y như chữ viết. Như thế thì học làm sao cho thông được!

Chẳng qua từ xưa đến nay, trong những người học nho, thì phần nhiều, chỉ học dã hình như người học câu thần-chú, để mở cái cửa công đường đó mà thôi. Đeo đuổi hơn hai nghìn năm nay, cũng chỉ nghĩ rằng : một võng–điều áo–gấm; hai cử tú, ta cũng về dành thủ lợn ở làng; ba nữa là thầy khóa, thầy đồ ta cũng chánh được xuất sưu xuất dịch hơn con em. Thực quả thế, vì nếu tại hay mà học thì cả nước từ ông Sĩ–Vương đến giờ, cũng có lấy một người thầy hay mà đem dịch ra tiếng bản quốc cho cả nước được học, để làm văn–chương mình, chứ sao lại không có ai nghĩ đến ?

Thôi ! thế nhưng bây giờ, cũng không nên trách oán các cụ làm chi. Phàm thế-sự do ở như nhẽ giời. Từ xưa đến nay đất nước Nam quả là dễ làm quá, người ở trong nước đủ ăn không phải đi đến đâu, cho nên ai cũng nghĩ đến hai bữa tênh tênh, ra đình ngồi mâm cao cỗ đầy là xướng, cho nên cũng không cần dùng phải học gì nữa, hèn, thì có ruộng–liền, ao cả rồi, thì nghiên là ruộng, bút là cầy, cũng đủ phong lưu................ ...................[1]

Trái cầu này có của một mình ai đâu ! Giời đã sinh ra người ở trên mặt đất, ở chỗ này đông quá, phải chuyển đi nơi kia. Đâu có đất phải làm. Nhẽ đâu lại có một góc nhiều người không có đất đủ mà ở, không có ruộng mà làm, mà một góc còn dư đất bỏ không ? Sự san sẻ ấy thực là lòng Giời. Nhưng, thủ hiểm một mình một góc, rắc răm ba hột thóc đủ cơm ăn, thì tùy tiện, cứ nằm ngửa há mồm đợi quả dơi mà nuốt cũng xong; đến lúc có người khác đến, lại phải vào trường chanh–cạnh; phải theo người đua sức; tay khéo miệng no, nằm co chịu đói.

Kẻ hèn lấy điều ấy làm nhục, tôi tưởng rằng: ở đời người chỉ vui có cuộc đấu tài. Chứ cứ khoanh tay, mà có ăn cũng là uổng một đời, đến lúc chết, lại không biết sinh ra để làm gì. Có cạnh chanh, mới có học hành mới có tư–tưởng. Người hơn cầm thú, chỉ có một cái tư–tưởng.

............ .....................[1]

Cứ như thế thì tôi thiết tưởng bây giờ mà muốn cho dân trí An–nam chóng mở mang ra, thì phải có sách bằng tiếng nôm. Nhưng trong nước ta bây giờ, chưa có ai có tài mà làm được nên quyển sách để dậy dân. Dẫu có học chữ ngoại quốc, mà hiểu được một vài ý hay nữa, mà có làm ra sách mới, thì vị tất đã có ai xem, vì cách tư tưởng của mình xưa nay, huyền hồ viển vông, bây giờ nghe những nhẽ mới cũng khó vỡ. Vậy trước khi xem được những sách bắt chước ngoại quốc mà làm ra, thì dân phải đã biết qua những ý nguyện ấy. Sau nữa lại còn một nhẽ rằng : người ta không ai chịu ai, một người có làm ra quyển sách bây giờ, những người xem cũng không để vào tai, vì mình đã quen xưa nay chỉ học sách của thánh. Có họa bây giờ, những người học được các sách hay của ngoại quốc, mà cố đem tiếng bản–quốc dịch ra rõ được ít nào hay chút ấy, thì người ta xem đến, dẫu không biết được hết nghĩa, nhưng cũng vỡ được đại khái, khi đã có nhiều người nghe phang–phác được cái tư–tưởng của người ta, rồi lúc bấy giờ có mượn những tư–tưởng ấy mà làm ra sách nôm ta thì mới có nhiều người hiểu.

Vì nhẽ ấy, cho nên chúng tôi định lập ra Hội dịch sách này.

Chắc rằng làm việc là việc bạc, vì bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản–quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không thể hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người. Đến lúc thiên–hạ xem hiểu nhiều rồi, tất có người rạch–rỏi muốn biết nghĩa thâm–trầm thì lại đem dịch lại, nhưng lúc bấy giờ dịch kỹ mới có người hiểu. Chúng tôi cũng biết rằng sách dịch ra bây giờ, đời sau là có người chê, nhưng có thế mới gọi là tiến–bộ, chúng tôi cũng sẽ thỏa lòng rằng : mình đã có cắm nêu lên trước, cho nên mới có kẻ theo hút sau.

Các quan bây giờ mà dúp vào lập thành cho cái Hội này, thì cái công–đức các quan thực là to nữa. Thực là đúc một quả chuông to, vì quả chuông này, đánh một tiếng rồi kêu mãi, mà có tiếng chuông này rồi mới nẩy ra trăm nghìn tiếng khác liên thanh, tai hậu–thế lúc nào cũng nghe được tiếng hay.

Cái phúc các quan làm thực là to, là vì không lập thành hội thì không sao làm nổi việc này:vì làm ra một quyển sách bây giờ in ra tốn nhiều tiền, phải chắc có người xem mới dám in, mà có người có tài có công nhưng kém vốn, thì có làm ra sách cũng đến bỏ sách mọt một góc tủ mà thôi.

Lập nên một hội, người có của, kẻ có công, mỗi người dúp vào một ít. Trước nữa người làm chắc tay làm có người đọc, sau nữa người dúp của tuy chỉ cốt dúp vào cho xong công việc, nhưng mỗi tháng được một quyển sách, lúc rảnh hẳn cũng xem cho. Vả dịch được ít nào in dần ít ấy, hay dở sẽ biết trước, đến lúc làm xong, nên in hay không sẽ hay, khỏi tốn công của. Sau nữa có hội, mới đua chanh nhau cái tiếng học giộng văn hay, và có đoàn thể với nhau, đã có ước, thì không chễ nãi được, người tài đã vào hội, thì phải cố sức làm cho đều việc, để giữ nhời ước với hội.

Còn như nên dùng chữ nôm hay chữ quốc–ngữ, thì chắc các quan cũng nghĩ như chúng tôi:nước Nam có muốn hòng một mai tiếng nói có thể nhiều tiếng ra, tiếng nhiều vần thêm bớt vô cùng, thì phải dùng một lối chữ có vần. Có nhiều ông đã nghĩ ra một lối chữ mới, cũng chắp nét điệu lắm, nhưng hễ còn dùng chữ một–vần–một, thì muôn đời tiếng nói không giộng ra được.Cũng may! dù khéo thế nào mặc lòng, một thứ chữ một người đặt ra không ai chịu theo. Vả chữ viết có in tiện, thì dùng mới tiện. Như lối chữ quốc-ngữ, thì có 25 chữ, sắp lại tiện mà chóng lắm. Còn như cái chữ nôm cuả mình ngày xưa, thì thực nên bỏ. Chữ phải có mẹo mực, chớ một chữ mà đọc nhiều cách viết nhiều cách được, thì khó học lắm.

Bây giờ ta nên sét xem dịch thì nên dịch sách gì trước.

Điều ấy phải để tùy–ý những người dịch, vì những người đã có thể dịch được, tất học–thức đã giộng, dân An–nam đương cần học gì tất cũng đã biết, bây giờ chắc hẳn những điều cao kiến lắm, dân mình xưa nay trí khôn chỉ là là mặt đất cũng chưa với đến được. Chắc các ông vào việc dịch sẽ chọn những sách phổ thông. Mỗi thứ phải có một ít, cách–trí, bác–vật, hóa–học, toán–học, cơ–khí học, thương–mãi học là điều cốt nhất.

Lẽ tất trong hội các quan cũng nhiều người ngoại thư cũng đã giộng, bây giờ dịch những sách phổ thông thì cũng khí chán nên xin thế nào cũng có dịch một hai điều cao–kiến như kinh–tế học, chính –trị học,.. (mất mấy chữ).. Tiếng An–nam mình đến ngày nay cũng gần có mực thước rồi, cũng nên làm sách tự–điển để định tiếng nào nghĩa nào, sơ cố ở đâu, cho có mực, có nơi tra cứu.

Còn như sách nho,vốn đạo Nho là gốc cách ăn ở, gốc phong-tục nước mình, ta nên giữ lấy, vì trước khi bỏ một đạo hãng phải có sẵn đạo khác hay hơn mà thế vào đã! Vả sửa lại thì sửa chớ việc chi phải bỏ đạo Nho là đạo thực hay: kìa như sách nho đã có mấy nghìn năm nay mà xem những ý mới Âu-châu bây giờ cũng nhiều ý không ra ngoài tứ–thư ngũ–kinh. Sách thì hay nhưng học không hay cũng chỉ vì vụng học. Giá bây giờ dịch ra tiếng nôm, mỗi bài chính–văn lại lấy nhời nhẽ nôm mình mà bàn cho kháp vào thực sự thì có nhẽ hay.

Chốc nữa tôi xin đọc để các quan nghe những điều lệ hội mà chúng tôi đã thảo, xin các quan nghe có điều gì nên sửa cho tiện thì các quan sửa cho.

Những số tiền đóng, thì chúng tôi đã tính chiếu theo số 1000 hội viên. Hễ được số ấy, thì có thể mỗi tháng in được cho mỗi ông một quyển nhỏ độ 120 trang, khổ Tân–dân–tùng báo, giấy cũng vậy.

Nhược bằng không được số ấy, thì hội hãng sẽ in thạch bản, xem tạm vài tháng, đến khi có đủ số hội-viên sẽ in bản sắt.

Việc này lại còn có ích một chút nữa, là người An–nam bây giờ nhiều ông muốn mở nhà in, nhưng trước khi mở một cái nhà in, phải chắc có việc làm đều, tháng nào cũng có, mới mở được. Giá hội này của ta thành, rồi về sau lại mở được vài cái nhật–báo nữa, thì nghề in có nhẽ mở mang ra được to.

Nguyễn Văn Vĩnh

   




Chú thích

  1. a ă Sách bị mất một số đoạn