Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển
của Chính phủ Thụy Điển, do Cục Bản quyền tác giả dịch
Chương II: Giới hạn quyền tác giả

Những quy định chung về giới hạn quyền

Điều 11.[sửa]

Những quy định của Chương này không làm hạn chế quyền của tác giả theo điều 3, trừ khi được quy định theo Điều 26c.

Khi tác phẩm đã được sử dụng công cộng trên cơ sở của những quy định tại Chương này, nguồn gốc tác giả và tác phẩm phải được nêu trong phạm vi và cách thức sử dụng thông thường, và tác phẩm không thể bị thay đổi quá mức cần thiết đối với việc sử dụng được phép.

Sao chép nhằm mục đích sử dụng cá nhân

Điều 12.[sửa]

Bất kỳ người nào cũng có thể được làm một bản sao tác phẩm đã công bố, nhằm mục đích sử dụng cá nhân. Những bản sao này không được sử dụng cho mục đích khác.

Những quy định của đoạn 1 không đưa đến quyền:

1.xây dựng một tác phẩm kiến trúc;

2.làm bản sao chương trình máy tính;

3.làm bản sao dưới dạng kỹ thuật số của các sưu tập dữ liệu dưới dạng kỹ thuật số.

Những quy định của đoạn 1 không đưa đến quyền cho phép người khác, vì mục đích sử dụng cá nhân:

1.Làm bản sao tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm điện ảnh;

2.Làm đồ mỹ nghệ hoặc điêu khắc;

3.Sao chép tác phẩm nghệ thuật của người khác bằng các sản phẩm nghệ thuật.

Sao chép trong hoạt động giáo dục

Điều 13.[sửa]

Khi giấy phép tập thể mở rộng áp dụng theo Điều 26i, nhằm mục đích phục vụ các hoạt động giáo dục, bản sao tác phẩm đã công bố có thể được sao chép lại bằng các phương tiện sao chụp và các bản ghi tác phẩm phát phát thanh, truyền hình. Các bản sao, bản ghi này chỉ được làm để sử dụng trong hoạt động giáo dục đã được quy định trong phạm vi của giấy phép tập thể mở rộng.

Đoạn 1 trên đây không áp dụng nếu tác giả cấm bất kỳ bên kết nào thực hiện việc sao chép này.

Điều 14.[sửa]

Vì mục đích giảng dạy, giáo viên và học sinh có thể làm các bản ghi mà mình trình diễn các tác phẩm. Các bản ghi này không được sử dụng cho các mục đích khác.

Sao chép phục vụ các hoạt động trong bệnh viện

Điều 15.[sửa]

Bệnh viện và các cơ sở thực hiện việc phục vụ đặc biệt hoặc chăm sóc người già hoặc người tàn tật có thể làm bản ghi chương trình phát thanh, truyền hình. Những bản ghi này chỉ có thể được sử dụng trong cơ sở đó và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn kể từ khi làm bản ghi.

Sao chép trong cơ quan lưu trữ và thư viện

Điều 16.[sửa]

Các cơ quan lưu trữ và thư viện nêu tại đoạn 3 và 4 dưới đây có thể làm bản sao tác phẩm, ngoại trừ chương trình máy tính,

1.Nhằm mục đích bảo quản, bổ sung, nghiên cứu;

2.Các bài báo hoặc các trích đoạn ngắn của tác phẩm hoặc tài liệu nhằm mục đích an toàn không được cung cấp bản gốc, nhằm phân phối cho người sử dụng, hoặc

3.Nhằm sử dụng trong các thiết bị đọc.

Việc sao chép như nêu tại mục 1 và 2 chỉ có thể được thực hiện bằng biện pháp sao chụp.

Những nơi được quyền làm bản sao theo Điều này :

1.Các cơ quan lưu trữ Nhà nước ở Trung ương và địa phương,

2.Cơ quan lưu trữ quốc gia đối với các bản ghi âm, ghi hình,

3.Các thư viện khoa học và nghiên cứu thuộc cơ quan công quyền, và

4.Thư viện công cộng.

Trong các trường hợp đặc biệt Chính phủ có thể cho các thư viện, cơ quan lưu trữ cụ thể ngoài những cơ quan được đề cập ở đoạn 3 có quyền làm bản sao theo Điều này.

Sao chép dành cho những người khiếm thị

Điều 17.[sửa]

Bất kỳ người nào đều được quyền làm các bản sao tác phẩm văn học và âm nhạc đã công bố sang chữ nổi.

Trong các trường hợp đặc biệt, Chính phủ có thể cho phép các thư viện và các tổ chức quyền làm bản sao của các tác phẩm văn học đã công bố dưới hình thức các bản ghi việc đọc tác phẩm hoặc dưới hình thức chuyển từ các bản ghi khác, để cho những người khiếm thị và những người tàn tật khác không có khả năng tiếp cận tới những tác phẩm dưới dạng viết mượn, tuy nhiên, những bản sao này không được thực hiện trong trường hợp đã có bản ghi được đưa ra thị trường.

Tác phẩm hỗn hợp sử dụng trong hoạt động giảng dạy

Điều 18.[sửa]

Bất kỳ người nào, nhằm sử dụng trong hoạt động giảng dạy, soạn một tác phẩm hỗn hợp trong đó bao gồm nhiều tác phẩm của một số lượng lớn tác giả có thể, trong tác phẩm đó, sử dụng phần thứ yếu của tác phẩm văn học và âm nhạc hoặc các tác phẩm ngắn của bất kỳ tác phẩm nào của các thể loại này, với điều kiện là phải sau 5 năm kể từ khi công bố các tác phẩm đó. Các tác phẩm nghệ thuật có thể được sử dụng nguyên bản với điều kiện là phải sau 5 năm kể từ khi tác phẩm được cung cấp tới công chúng. Các tác giả được hưởng tiền thù lao.

Những quy định của đoạn 1 không áp dụng đối với những tác phẩm được sáng tạo ra nhằm sử dụng trong hoạt động giảng dạy.

Phân phối bản sao

Điều 19.[sửa]

Khi bản sao của một tác phẩm văn học hoặc âm nhạc hoặc tác phẩm mỹ thuật được chuyển giao với sự đồng ý của tác giả, bản sao đó có thể tiếp tục được phân phối.

Những quy định của đoạn 1 không tạo ra quyền cung cấp đến công chúng

1. Bản sao của tác phẩm, trừ toà nhà và các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, thông qua việc cho thuê hoặc các hoạt động tương tự, hoặc

2. Bản sao của chương trình máy tính dưới dạng có thể đọc được bằng máy, thông qua việc cho mượn.

Trưng bày bản sao

Điều 20.[sửa]

Khi một tác phẩm đã được công bố, các bản sao của tác phẩm đó có thể được trưng bày công khai. Áp dụng tương tự trong trường hợp tác giả đã chuyển giao các bản sao của tác phẩm mỹ thuật.

Những quy định của đoạn 1 không dẫn đến quyền trưng bày bản sao của tác phẩm mỹ thuật thông qua phim hoặc chương trình truyền hình. Tuy nhiên các bản sao của tác phẩm nghệ thuật đã nêu trong đoạn 1 có thể được đưa vào trong một bộ phim hoặc chương trình truyền hình với điều kiện là phần đưa vào này chỉ là phần thứ yếu trong nội dung của bộ phim hoặc chương trình truyền hình.

Biểu diễn công cộng

Điều 21.[sửa]

Bất kỳ ai đều có thể biểu diễn công cộng tác phẩm đã công bố

1. Trong trường hợp việc biểu diễn những tác phẩm này không phải là tiết mục chủ chốt của chương trình, với điều kiện là không bán vé vào cửa và chương trình không nhằm mục đích lợi nhuận, và

2. Trong các hoạt động giáo dục và cho các buổi lễ mang tính tôn giáo.

Những quy định của đoạn 1 không áp dụng đối với các tác phẩm kịch hoặc tác phẩm điện ảnh và không đem đến quyền sử dụng tác phẩm trên sóng phát thanh, truyền hình.

Những quy định của đoạn 1 mục 1 không đem đến quyền biểu diễn những tác phẩm biên soạn trong hoạt động giáo dục nhằm mục đích thương mại.

Trích dẫn

Điều 22.[sửa]

Phù hợp với thông lệ và trong phạm vi cần thiết cho mục đích sử dụng, mọi người đều có thể trích dẫn từ các tác phẩm đã được cung cấp tới công chúng.

Việc sử dụng của tác phẩm mỹ thuật và toà nhà

Điều 23.[sửa]

Tác phẩm mỹ thuật được làm để cung cấp tới công chúng có thể được sử dụng

1.liên quan đến tài liệu trong tác phẩm phê bình hoặc khoa học,

2.trong báo, tạp chí liên quan đến bản tin thời sự, trừ khi tác phẩm được sáng tạo ra chỉ nhằm để mô phỏng trong xuất bản phẩm này.

Chỉ áp dụng những quy định của đoạn 1 nếu việc sử dụng được thực hiện phù hợp với việc sử dụng thông thường và trong phạm vi nhằm mục đích thông tin.

Điều 24.[sửa]

Tác phẩm mỹ thuật có thể được sao chép dưới dạng ảnh và sau đó cung cấp tới công chúng

1.Trong trường hợp tác phẩm đó được đặt công khai thường xuyên tại nơi công cộng, hoặc

2.Nếu tác phẩm đó được trưng bày, được bán hoặc tạo nên một phần của bộ sưu tập, nhưng trong các trường hợp này chỉ dành cho những thông báo liên quan tới việc trưng bày hoặc bán và đưa vào catalog.

Những toà nhà có thể được sao chép tự do dưới dạng ảnh và sau đó cung cấp tới công chúng.

Thông tin về sự kiện

Điều 25.[sửa]

Tác phẩm được nhìn thấy, nghe thấy trong một sự kiện có thể được sử dụng liên quan tới thông tin về sự kiện thông qua phát thanh, truyền hình, truyền trực tiếp hoặc phim ảnh. Tuy nhiên, tác phẩm chỉ có thể được sử dụng trong phạm vi nhằm mục đích thông tin.

Tranh luận công khai, tài liệu công khai

Điều 26.[sửa]

Mọi người được quyền sử dụng bài nói hoặc bài viết

1.Trước cơ quan công quyền,

2.Trước cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương,

3.Trong cuộc tranh luận về những vấn đề chung,

4.Tại buổi chất vấn công khai về những vấn đề này.

Tuy nhiên, những quy định của đoạn 1, mục 1 và 2 không áp dụng đối với thông tin bí mật theo quy định tại Chương 8, Điều 27 Luật Bí mật.

Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của những quy định nêu tại đoạn 1 phải đảm bảo là,

1. Những bài viết đó được đưa ra như là chứng cứ, báo cáo và loại hình tương tự, nó chỉ có thể được sử dụng cho báo cáo liên quan đến thủ tục pháp lý hoặc trong trường hợp chỉ dùng ở mức độ hợp lý phục vụ mục đích của báo cáo đó.

2. tác giả có quyền độc quyền công bố sưu tập các bài của mình, và

3. Những gì được nêu ra trong buổi chất vẫn như được nêu trong đoạn 1(4), không được sử dụng trên sóng phát thanh và truyền hình.

Điều 26a.[sửa]

Mọi người đều được phép sử dụng các tác phẩm là các phần của những tài liệu được nêu tại Điều 9, đoạn 1, và thuộc các thể loại được nêu tại Điều 9, đoạn 2 mục 2 đến 4. Tuy nhiên, không áp dụng đối với những tác phẩm được nêu trong Điều 9 đoạn 3. Tác giả được quyền hưởng tiền bản quyền trừ trường hợp việc sử dụng liên quan đến:

1. Các hoạt động của cơ quan Nhà nước;

2. Báo cáo về trình tự luật pháp hoặc các vụ việc tố tụng mà trong đó tác phẩm xuất hiện và tác phẩm chỉ được sử dụng trong phạm vi cần thiết vì mục đích thông tin.

Mọi người đều có quyền sử dụng các tài liệu được chuẩn bị bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền Thuỵ Điển nhưng nó không phải là các tài liệu đã được đề cập tại Điều 9, đoạn 1.

Đoạn 2 không áp dụng đối với:

1.bản đồ,

2.mẫu kỹ thuật,

3.chương trình máy tính,

4.các tác phẩm được tạo ra nhằm phục vụ mục đích giáo dục,

5.các tác phẩm là kết quả của các nghiên cứu khoa học,

6.tác phẩm đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc,

7.tác phẩm âm nhạc,

8.tác phẩm thơ, hoặc

9.bản sao các tác phẩm được cung cấp tới công chúng thông qua cơ quan nhà nước liên quan đến các hoạt động thương mại.

Điều 26b.[sửa]

Mặc dù bảo hộ quyền tác giả nhưng những văn bản nhà nước vẫn được cung cấp tới công chúng như quy định tại Chương 2 Luật Tự do Báo chí.

Quyền tác giả không ngăn cản việc sử dụng tác phẩm trong việc quản lý của cơ quan tư pháp hoặc công an.

Sự thay đổi các công trình xây dựng và đồ trang trí nội thất

Điều 26c.[sửa]

Chủ sở hữu của công trình xây dựng hoặc đồ trang trí nội thất có quyền sửa đổi nó mà không cần có sự đồng ý của tác giả.

Các quy định đặc biệt liên quan đến phát thanh và truyền hình

Điều 26d.[sửa]

Các tổ chức phát thanh và truyền hình trong những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quyết định được quyền phát những tác phẩm văn học và âm nhạc đã công bố và những tác phẩm mỹ thuật đã cung cấp tới công chúng, với điều kiện là có giấy phép tập thể mở rộng áp dụng theo Điều 26i.

Những quy định của đoạn 1 không áp dụng đối với những tác phẩm kịch, cũng không áp dụng đối với những tác phẩm khác nếu tác giả đã cấm việc phát sóng này hoặc có những lý do đặc biệt để cho rằng tác giả sẽ phản đối việc phát sóng.

Những quy định của đoạn 1 áp dụng đối với việc truyền lại nêu tại Điều 26f.

Đối với việc truyền qua vệ tinh thì giấy phép tập thể mở rộng chỉ áp dụng nếu tổ chức phát qua vệ tinh thực hiện việc phát đồng thời với việc phát của nhà truyền phát ở mặt đất.

Điều 26e.[sửa]

Tổ chức phát thanh hoặc truyền hình có quyền phát sóng tác phẩm thì cũng có quyền ghi tác phẩm trên chất liệu có thể nhận biết được nếu việc làm này được thực hiện nhằm

1. Sử dụng trong các buổi phát sóng của họ một vài lần trong một khoảng thời gian nhất định,

2. Bảo đảm các bằng chứng liên quan đến nội dung của buổi phát sóng, hoặc

3. Tạo thuận lợi cho cơ quan chính phủ thực hiện sự giám sát các hoạt động phát sóng.

Các bản ghi được thực hiện phù hợp với những quy định của đoạn 1, mục 2 và 3 , chỉ có thể được sử dụng nhằm các mục đích đã nêu ở đây. Tuy nhiên, các bản ghi này có giá trị tư liệu có thể được bảo vệ trong cơ quan lưu trữ bản ghi âm và ghi hình.

Cơ quan chính phủ giám sát việc quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình được quyền sử dụng chương trình phát sóng trong phạm vi cần thiết cho mục đích thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 26f.[sửa]

Mọi người đều có quyền phân phối tới công chúng một cách đồng thời và dưới một hình thức không đổi, thông qua các phương tiện vô tuyến hoặc cáp (truyền phát lại), những tác phẩm trong buổi phát thanh và truyền hình, nếu giấy phép tập thể mở rộng áp dụng theo Điều 26i.

Những quy định của Đoạn 1 không áp dụng đối với những tác phẩm mà quyền phát lại thuộc về tổ chức phát thanh truyền hình thực hiện việc phát lần đầu.

Những quy định đặc biệt về chương trình máy tính

Điều 26g.[sửa]

Bất kỳ người nào có được quyền sử dụng chương trình máy tính thì được quyền làm bản sao chương trình và tiến hành các cải biên chuyển thể cần thiết phục vụ cho mục đích sử dụng của bản thân người đó. Điều này cũng áp dụng đối với các chỉnh sửa lỗi.

Bất kỳ người nào có quyền sử dụng chương trình máy tính thì được quyền làm bản sao dự phòng của chương trình đó, nếu điều này là cần thiết cho mục đích sử dụng chương trình.

Các bản sao được làm trên cơ sở các quy định của đoạn 1 và 2 không được sử dụng cho các mục đích khác, và hơn thế nữa cũng không thể được sử dụng khi quyền sử dụng chương trình đã kết thúc.

Bất kỳ người nào có quyền sử dụng chương trình máy tính thì được quyền tìm hiểu, nghiên cứu hoặc kiểm tra chức năng của chương trình nhằm mục đích biết rõ về các ý tưởng và các nguyên tắc giải đáp cho các chi tiết của chương trình. Điều này áp dụng với điều kiện là các hành vi được tiến hành liên quan đến việc chuyển các lệnh chương trình hoặc dữ liệu từ một đĩa vào bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) của máy tính, việc hiển thị lên màn hình, việc xử lý (sự thực hiện các chỉ lệnh của chương trình bằng đơn vị xử lý trung tâm(CPU) của máy tính, để biến đổi dữ liệu theo một số cách như phân loại nó, lựa chọn ra một số trong nó phù hợp với tiêu chuẩn đã định, hoặc thực hiện các tính toán số học với nó), việc truyền phát hoặc việc lưu giữ chương trình mà họ được thực hiện.

Bất kỳ ai có quyền sử dụng dữ liệu thì cũng có quyền sắp xếp các dữ liệu theo cách thức cần thiết để người đó có thể sử dụng dữ liệu phục vụ cho mục đích sử dụng của mình.

Các điều khoản hợp đồng giới hạn quyền của người sử dụng theo các đoạn 2, 4 và 5 không có hiệu lực.

Điều 26h.[sửa]

Việc sao chép mã của chương trình hoặc dịch mã của chương trình là được phép nếu những hành vi này được yêu cầu nhằm đạt được sự tương thích giữa chương trình này và chương trình khác, tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Các hành vi được thực hiện bởi một người có quyền sử dụng chương trình, hoặc bởi người được người có quyền uỷ quyền thực hiện các hành vi này,

2. Các thông tin cần thiết để đạt được sự tương thích đã không có sẵn để cung cấp trước cho những người nêu tại mục 1,

3. Các hành vi bị hạn chế với đối với các phần này của chương trình gốc là cần thiết để đạt được sự tương thích.

Những quy định của đoạn 1 không cho phép các thông tin

1. được sử dụng cho mục đích khác ngoài việc đạt được sự tương thích như mong đợi,

2. được cung cấp tới những người khác trừ khi điều này là cần thiết để đạt được sự tương thích như mong đợi,

3. được sử dụng để phát triển, sản xuất hoặc đưa ra thị trường chương trình máy tính tương tự cơ bản về hình thức thể hiện với một chương trình đã được bảo hộ, hoặc

4. được sử dụng cho các hành vi khác hàm chứa sự vi phạm quyền tác giả.

Các điều khoản hợp đồng hạn chế các quyền của người sử dụng theo đoạn này sẽ không có hiệu lực.

Những quy định chung liên quan đến Giấy phép tập thể mở rộng.

Điều 26i.[sửa]

Giấy phép tập thể mở rộng được nêu trong Điều 13, 26d và 26f áp dụng đối với việc sử dụng tác phẩm trong những trường hợp đặc biệt, khi một thoả thuận về việc sử dụng được ký kết với một tổ chức đại diện cho phần lớn tác giả Thuỵ Điển trong lĩnh vực có liên quan. Giấy phép tập thể mở rộng cho phép người sử dụng có quyền sử dụng tác phẩm dưới những loại hình được nêu trong thoả thuận kể cả trong thực tế các tác giả của những tác phẩm này không được đại diện bởi tổ chức.

Để một tác phẩm được sử dụng theo Điều 13, thoả thuận phải được ký kết với người tiến hành hoạt động giáo dục có tổ chức.

Tác giả có quyền nhận thù lao khi tác phẩm được sử dụng theo Điều 26d.

Trường hợp tác phẩm được sử dụng theo Điều 13 hoặc 26f, áp dụng như sau. Những điều kiện liên quan đễn việc sử dụng tác phẩm tuân theo thoả thuận. Liên quan đến tiền thù lao có được từ thoả thuận và liên quan đến những lợi ích khác mà tổ chức phải trả ngoài tiền thù lao, tác giả được đối xử ngang bằng như đối với những tác giả là thành viên của tổ chức. Tuy nhiên, không ảnh hưởng tới những gì hiện đã được ấn định, những tác giả này luôn có quyền nhận thù lao đối với việc sử dụng với điều kiện là họ đưa ra yêu cầu việc trả tiền thù lao này trong khoảng thời hạn 3 năm kể từ năm việc sử dụng được tiến hành. Việc yêu cầu tiền thù lao này chỉ có thể thực hiện trực tiếp với tổ chức.

Chỉ những tổ chức ký kết được hưởng quyền đưa ra yêu cầu đối với người sử dụng về tiền thù lao sử dụng tác phẩm trên cơ sở của Điều 26f. Tất cả những yêu càu này được đưa ra tại cùng một thời điểm.