Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng Đất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1994 (sửa đổi, bổ sung 1999)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Loại Từ Ngày hiệu lực Thay thế cho Sửa đổi bởi Bản mới hơn Hiệu lực
Hợp nhất Luật 1994
17-1999/QH10
1/1/2000 Luật 1994 - 04/2007/QH12 Hết

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Luật đất đai đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 02 tháng 12 năm 1998;

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 22 tháng 6 năm 1994.

Chương I:Những quy định chung[sửa]

Điều 1[sửa]

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất bao gồm cả đất có nhà và vật kiến trúc trên đó, khi chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, trừ những trường hợp quy định tại Điều 2 của Luật này.

Điều 2[sửa]

Những trường hợp sau đây không thuộc diện chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất:

1. Nhà nước giao đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật;

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại đất cho Nhà nước hoặc Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật;

3. Chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp ly hôn, thừa kế theo quy định của pháp luật;

4. Chuyển quyền sử dụng đất giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu nội, cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau;

5. Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê;

6. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiến quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc cho các tổ chức để xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; cơ sở từ thiện không nhằm mục đích kinh doanh theo các dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3[sửa]

Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có trách nhiệm giúp cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc thi hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Điều 4[sửa]

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- "Chuyển quyền sử dụng đất" là chuyển đổi, chuyển nhượng, chuyển cho người khác quyền sử dụng đất của mình, theo quy định của pháp luật.

2- "Đối tượng nộp thuế" là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Chương II:Căn cứ tính thuế[sửa]

Điều 5[sửa]

Căn cứ tính thuế chuyển quyền sử dụng đất là diện tích đất, giá đất tính thuế và thuế suất.

Điều 6[sửa]

Giá đất tính thuế chuyển quyền sử dụng đất là giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định trong khung giá của Chính phủ phù hợp thực tế ở địa phương.

Điều 7[sửa]

Thuế suất thuế chuyển quyền sử dụng đất quy định như sau:

1. Đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối, thuế suất là 2% (hai phần trăm);

2. Đất ở, đất xây dựng công trình và các loại đất khác, thuế suất là 4% (bốn phần trăm).

Chương III:Kê khai, nộp thuế[sửa]

Điều 10[sửa]

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất có trách nhiệm:

1- Kê khai với cơ quan thuế về loại đất, diện tích, vị trí, trị giá đất, kèm theo giấy phép thay đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) cùng với việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất;

2- Cung cấp tài liệu cần thiết có liên quan đến việc tính thuế, theo yêu cầu của cơ quan thuế;

3- Nộp đủ thuế, đúng thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế.

Điều 11[sửa]

1. Thuế chuyển quyền sử dụng đất do người chuyển quyền sử dụng đất nộp và nộp một lần theo thông báo của cơ quan thuế.

2. Trong trường hợp người nhận quyền sử dụng đất tự nguyện nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất thay cho người chuyển quyền sử dụng đất thì người đó có trách nhiệm kê khai, nộp thuế theo quy định tại Điều 10 của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận quyền sử dụng đất khi thuế chuyển quyền sử dụng đất đã được nộp đủ.

Điều 12[sửa]

Thuế chuyển quyền sử dụng đất nộp tại cơ quan thuế địa phương nơi có đất chuyển quyền sử dụng.

Điều 13[sửa]

Cơ quan thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Hướng dẫn đối tượng nộp thuế khi chuyển quyền sử dụng đất thực hiện đúng và đầy đủ việc kê khai, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất;

2- Kiểm tra, xác minh tài liệu làm căn cứ tính thuế, xác định mức thuế phải nộp;

3- Trong thời hạn 30 ngày (ba mươi ngày), kể từ ngày nhận tờ khai, cơ quan thuế phải thông báo cho đối tượng nộp thuế số thuế phải nộp và thời hạn nộp thuế; khi thu thuế cơ quan thuế phải cấp biên lai thuế do Bộ Tài chính phát hành;

4- Lập biên bản và xử phạt hành chính theo thẩm quyền, hoặc tuỳ theo mức độ vi phạm, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất;

5- Xem xét, giải quyết khiếu nại về thuế chuyển quyền sử dụng đất theo thẩm quyền.

Chương IV:Miễn thuế, giảm thuế[sửa]

Điều 14[sửa]

Miễn thuế chuyển quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

1. Hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất để di chuyển đến định cư tại các vùng kinh tế mới, miền núi, hải đảo theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

2. Người được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” chuyển quyền sử dụng đất;

3. Chuyển quyền sử dụng các loại đất thuộc xã nông thôn ở miền núi, hải đảo do Chính phủ quy định;

4. Chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối cho nhau để phù hợp với điều kiện canh tác;

5. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng có chuyển quyền sử dụng đất gắn với nhà, với kết cấu hạ tầng.

Điều 15[sửa]

Giảm 50% (năm mươi phần trăm) thuế chuyển quyền sử dụng đất đối với những đối tượng sau đây:

1. Cá nhân thương binh hạng 1/4, hạng 2/4 và bệnh binh hạng 1/3, hạng 2/3;

2. Thân nhân liệt sỹ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước;

3. Người tàn tật không còn khả năng lao động, người chưa đến tuổi thành niên và người già cô đơn mà không có nơi nương tựa.

Điều 16[sửa]

Mỗi đối tượng được miễn, giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất quy định tại Điều 14 và Điều 15 đã được sửa đổi, bổ sung chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần, trừ đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 14 đã được sửa đổi, bổ sung.

Chương V:Xử lý vi phạm, khen thưởng[sửa]

Điều 17[sửa]

Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, bị xử lý như sau:

1- Có hành vi khai man, trốn thuế, ngoài việc phải nộp đủ thuế theo quy định của Luật này, còn bị phạt từ một đến ba lần số thuế gian lậu;

2- Nộp chậm tiền thuế, tiền phạt ghi trong thông báo thu thuế hoặc quyết định xử phạt, ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo quy định của Luật này, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) số tiền nộp chậm;

3- Cá nhân trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này mà vẫn còn vi phạm hoặc vi phạm trong các trường hợp nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 18[sửa]

Thẩm quyền xử lý vi phạm được quy định như sau:

1- Đối với các vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 17:

a) Chi cục trưởng Chi cục thuế được phạt tiền một lần số thuế gian lậu;

b) Cục trưởng Cục thuế được phạt tiền đến ba lần số thuế gian lậu;

2- Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp quản lý việc thu thuế chuyển quyền sử dụng đất được quyền phạt do nộp chậm tiền thuế, tiền phạt quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính.

Điều 19[sửa]

Cá nhân cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc điều tra và xử lý các vi phạm Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 20[sửa]

Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng, tham ô tiền thuế thì ngoài việc phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số thuế đã chiếm dụng, tham ô, còn có thể bị phạt tiền từ 0,2 lần đến 0,5 lần số thuế bị chiếm dụng, tham ô và tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm, cố ý làm trái quy định, thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Luật này thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế nếu xử lý sai, gây thiệt hại cho người nộp thuế hoặc người bị xử lý thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Cán bộ thuế có liên quan đến việc xử lý sai tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 21[sửa]

Cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, người có công phát hiện các vụ vi phạm Luật này được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Chương VI:Khiếu nại và thời hiệu[sửa]

Điều 22[sửa]

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành không đúng Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất. Cơ quan thuế các cấp chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại việc thi hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Đơn khiếu nại phải gửi đến cơ quan thuế phát hành thông báo thu thuế hoặc quyết định xử lý, trong thời hạn 30 ngày (ba mươi ngày), kể từ ngày nhận được thông báo thu thuế hoặc quyết định xử lý.

Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã được thông báo.

Cơ quan nhận đơn khiếu nại phải xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày (mười lăm ngày), kể từ ngày nhận đơn. Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không được quá 30 ngày (ba mươi ngày), kể từ ngày nhận đơn.

Điều 23[sửa]

Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan nhận đơn hoặc quá thời hạn trên mà chưa giải quyết, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn. Quyết định của cơ quan thuế cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

Điều 24[sửa]

Cơ quan thuế phải trả lại tiền thuế, tiền phạt thu không đúng, trả tiền bồi thường nếu có trong 15 ngày (mười lăm ngày), kể từ ngày nhận được quyết định xử lý.

Điều 25[sửa]

Nếu phát hiện và có kết luận khai man, trốn thuế, lậu thuế thì trong thời hạn ba năm, kể từ ngày khai man, trốn thuế, lậu thuế, cơ quan thuế có quyền ra lệnh truy thu thuế và xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 17 của Luật này.

Chương VII:Điều khoản thi hành[sửa]

Điều 26[sửa]

Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra công tác thu thuế chuyển quyền sử dụng đất trong cả nước; giải quyết khiếu nại, kiến nghị về thuế chuyển quyền sử dụng đất theo thẩm quyền của mình.

Điều 27[sửa]

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức việc thực hiện và kiểm tra việc thi hành Luật này trong địa phương mình.

Điều 28[sửa]

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000.

Các trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2000 mà chưa nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất thì nộp thuế theo mức thuế suất quy định tại Luật này.

Điều 29[sửa]

Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất đã ban hành cho phù hợp với Luật này.


Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".