Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  (1960) 
của Quốc hội Việt Nam
Loại Số Ngày ban hành Ngày hiệu lực Thay thế/Sửa đổi cho Sửa đổi bởi Bản mới hơn Hiệu lực
Luật 18/LCT 14/7/1960 26/7/1960 - - Luật 1981 Hết

Điều 1[sửa]

Căn cứ vào chương VI của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, luật này quy định tổ chức của Hội đồng Chính phủ.

Điều 2[sửa]

Hội đồng Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng và các Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ.

Thủ tướng Chính phủ và mỗi thành viên của Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm chung trước Quốc hội về toàn bộ công tác của Chính phủ, đồng thời chịu trách nhiệm riêng trước Quốc hội về phần công tác của mình.

Hội đồng Chính phủ tổ chức và lãnh đạo toàn bộ công tác trong phạm vi trách nhiệm của mình theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Điều 3[sửa]

Các Bộ và cơ quan ngang Bộ hiện nay có:

  • Bộ Nội vụ
  • Bộ Ngoại giao
  • Bộ Quốc phòng
  • Bộ Công an
  • Bộ Nông nghiệp
  • Bộ Nông trường
  • Bộ Thuỷ lợi và Điện lực
  • Bộ Công nghiệp nặng
  • Bộ Công nghiệp nhẹ
  • Bộ Kiến trúc
  • Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Bộ Lao động
  • Bộ Tài chính
  • Bộ Nội thương
  • Bộ Ngoại thương
  • Bộ Văn hoá
  • Bộ Giáo dục
  • Bộ Y tế
  • Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Uỷ ban Khoa học Nhà nước
  • Uỷ ban Dân tộc
  • Uỷ ban Thanh tra
  • Uỷ ban Thống nhất
  • Ngân hàng Nhà nước

Việc đặt thêm hoặc bãi bỏ Bộ và cơ quan ngang Bộ do Hội đồng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn, giữa hai kỳ họp Quốc hội thì trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Điều 4[sửa]

Tuỳ sự cần thiết, Hội đồng Chính phủ đặt những cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hiện nay có:

  • Tổng cục Địa chất,
  • Tổng cục Lâm nghiệp,
  • Tổng cục Thuỷ sản,
  • Tổng cục Vật tư,
  • Uỷ ban Liên lạc văn hoá với nước ngoài,
  • Uỷ ban Thể dục thể thao trung ương.

Việc đặt thêm hoặc bãi bỏ cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ do Hội đồng Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Điều 5[sửa]

Hội đồng Chính phủ có hai hình thức hội nghị: Hội nghị toàn thể và Hội nghị Thường vụ.

Hội nghị toàn thể của Hội đồng Chính phủ gồm toàn thể các thành viên của Hội đồng Chính phủ.

Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng và Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.

Những nghị quyết của Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ sẽ được báo cáo trước Hội nghị toàn thể của Hội đồng Chính phủ.

Các Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ dự Hội nghị toàn thể của Hội đồng Chính phủ, nhưng không có quyền biểu quyết.

Khi cần thiết, ngoài thành phần nói trên, những người hữu quan có thể được mời dự hội nghị của Hội đồng Chính phủ, nhưng không có quyền biểu quyết.

Điều 6[sửa]

Những nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư và chỉ thị của Hội đồng Chính phủ phải được Hội nghị toàn thể của Hội đồng Chính phủ hoặc Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ thông qua.

Điều 7[sửa]

Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Hội đồng Chính phủ và thay mặt Hội đồng Chính phủ chỉ đạo công tác của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban hành chính các cấp.

Các Phó thủ tướng giúp Thủ tướng trong việc lãnh đạo chung và có thể được uỷ nhiệm thay Thủ tướng chỉ đạo từng khối công tác của Chính phủ.

Điều 8[sửa]

Bộ máy làm việc của Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là Phủ thủ tướng. Phủ Thủ tướng gồm có:

  • Văn phòng Phủ Thủ tướng, đứng đầu là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng có một hoặc nhiều Thứ trưởng giúp việc;
  • Các Văn phòng nghiên cứu và theo dõi từng khối công tác của Chính phủ, đứng đầu là các Chủ nhiệm Văn phòng có một hoặc nhiều Phó chủ nhiệm giúp việc. Chủ nhiệm Văn phòng là một Bộ trưởng.

Điều 9[sửa]

Mỗi Bộ có Bộ trưởng và một hoặc nhiều Thứ trưởng. Mỗi Uỷ ban Nhà nước có Chủ nhiệm, một hoặc nhiều Phó chủ nhiệm và một số uỷ viên.

Uỷ ban Thanh tra có Tổng thanh tra, một hoặc nhiều Phó tổng thanh tra và có thể có một số uỷ viên.

Ngân hàng Nhà nước có Tổng giám đốc và một hoặc nhiều Phó tổng giám đốc.

Điều 10[sửa]

Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác thuộc phạm vi trách nhiệm của mình và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ.

Điều 11[sửa]

Thứ trưởng các Bộ, Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó thủ trưởng cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ trong việc lãnh đạo chung và có thể được uỷ nhiệm thay Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo từng phần công tác của Bộ hoặc của cơ quan.

Điều 12[sửa]

Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm và bãi miễn các nhân viên sau đây:

  • Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ;
  • Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, Thứ trưởng các Bộ, Phó chủ nhiệm các văn phòng Phủ Thủ tướng, Phó chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Phó tổng thanh tra, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước;
  • Phó Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Uỷ viên các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng và Phó thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Thủ tướng, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Chánh văn phòng và Phó văn phòng các Bộ và cơ quan ngang Bộ;
  • Những nhân viên giữ những chức vụ tương đương với các chức vụ nói trên.

Luật này đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá thứ II, kỳ họp thứ nhất, thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1960.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".