Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1990

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1990  (1990) 
của Quốc hội Việt Nam

Để mở rộng kinh tế với nước ngoài, phát triển kinh tế quốc dân, đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở khai thác có hiệu quả tài nguyên, lao động và các tiềm năng khác của đất nước;

Căn cứ vào Điều 16, Điều 21 và Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Luật này quy định việc đầu tư của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương I: Những quy định chung[sửa]

Điều 1[sửa]

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, bình đẳng và các bên cùng có lợi.

Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tạo những điều kiện thuận lợi và định các thủ tục dễ dàng cho các tổ chức, cá nhân đó đầu tư vào Việt Nam.

Điều 2[sửa]

Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- "Bên nước ngoài" là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân nước ngoài.

2. "Bên Việt Nam" là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế

3- "Đầu tư ngước ngoài" là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc xí nghiệp 100% vốn nước ngoài theo quy định của Luật này.

4- "Hai bên" là Bên Việt Nam và Bên nước ngoài.

"Nhiều bên" là Bên Việt Nam và các Bên nước ngoài, hoặc là Bên nước ngoài và Bên Việt Nam, hoặc là các Bên Việt Nam và các Bên nước ngoài".

5- "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" là văn bản ký giữa hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác kinh doanh.

6- "Hợp đồng liên doanh" là văn bản ký giữa hai bên hoặc nhiều bên về việc thành lập xí nghiệp liên doanh, hoặc là văn bản ký giữa xí nghiệp liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thành lập xí nghiệp liên doanh mới tại Việt Nam.

7- "Phần góp vốn" là phần vốn của Bên nước ngoài hoặc của Bên Việt Nam góp vào xí nghiệp liên doanh hợp thành vốn của xí nghiệp, không kể những khoản xí nghiệp đi vay hoặc những khoản tín dụng khác cấp cho xí nghiệp.

8- "Tái đầu tư" là việc dùng lợi nhuận được chia để tăng phần góp vốn của mình trong xí nghiệp liên doanh hoặc để đầu tư mới tại Việt Nam dưới các hình thức ghi ở Điều 4 của Luật này.

9- "Vốn Pháp định" là vốn ban đầu của xí nghiệp liên doanh được ghi trong điều lệ của xí nghiệp.

10- "Xí nghiệp liên doanh" là xí nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, hoặc là xí nghiệp mới do xí nghiệp liên doanh hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh.

11- "Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài" là xí nghiệp do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư 100% vốn và được Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập tại Việt Nam.

12- "Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" gồm xí nghiệp liên doanh và xí nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Điều 3[sửa]

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực sau đây:

1- Thực hiện các chương trình kinh tế lớn, sản xuất hàng xuất khẩu và hàng thay thế hàng nhập khẩu;

2- Sử dụng kỹ thuật cao, công nhân lành nghề; đầu tư theo chiều sâu để khai thác, tận dụng các khả năng và nâng cao công suất của các cơ sở kinh tế hiện có;

3- Sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở Việt Nam;

4- Xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng;

5- Dịch vụ thu tiền nước ngoài như du lịch, sửa chữa tầu, dịch vụ sân bay, cảng khẩu và các dịch vụ khác.

Danh mục chi tiết các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư do cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài công bố.

Các tổ chức kinh tế tư nhân Việt Nam được hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực và điều kiện do Hội đồng bộ trưởng quy định

Chương II: Hình thức đầu tư[sửa]

Điều 4[sửa]

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

1- Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh;

2- Xí nghiệp hoặc Công ty liên doanh, gọi chung là xí nghiệp liên doanh;

3- Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Điều 5[sửa]

Hai bên hoặc nhiều bên được hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh như hợp tác sản xuất chia sản phẩm và các hình thức hợp tác kinh doanh khác.

Đối tượng, nội dung kinh doanh, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên và quan hệ giữa các bên do các bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Điều 6[sửa]

Hai bên hoặc nhiều bên được hợp tác với nhau để thành lập xí nghiệp liên doanh.

Xí nghiệp liên doanh được hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thành lập xí nghiệp liên doanh mới tại Việt Nam.

Xí nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.

Điều 7[sửa]

Bên nước ngoài tham gia xí nghiệp liên doanh góp vốn pháp định bằng:

1- Tiền nước ngoài;

2- Nhà xưởng, công trình xây dựng khác, thiết bị, máy móc, dụng cụ, bộ phận rời;

3- Bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật.

Bên Việt Nam tham gia xí nghiệp liên doanh góp vốn pháp định bằng:

1- Tiền Việt Nam;

2- Các nguồn tài nguyên;

3- Vật liệu xây dựng, trang bị và tiện nghi;

4- Quyền sử dụng đất đai, mặt nước, mặt biển;

5- Nhà xưởng, công trình xây dựng khác, thiết bị, máy móc, dụng cụ, bộ phận rời;

6- Dịch vụ thi công và đưa xí nghiệp vào hoạt động; bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật.

Các bên còn có thể thoả thuận góp vốn bằng các hình thức khác.

Điều 8[sửa]

Phần góp vốn của Bên nước ngoài hoặc các Bên nước ngoài vào vốn pháp định của xí nghiệp liên doanh không bị hạn chế về mức cao nhất, theo sự thoả thuận của các bên nhưng không dưới 30% vốn pháp định.

Đối với xí nghiệp liên doanh nhiều bên, tỷ lệ góp vốn tối thiểu của mỗi Bên nước ngoài và mỗi Bên Việt Nam do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Giá trị phần góp vốn của mỗi bên được xác định trên cơ sở giá thị trường quốc tế và được ghi vào văn bản thành lập bằng tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài do các bên thoả thuận.

Điều 9[sửa]

Tài sản của xí nghiệp liên doanh được bảo hiểm tại Công ty bảo hiểm Việt Nam hoặc tại các công ty bảo hiểm khác do hai bên thoả thuận.

Điều 10[sửa]

Các bên chia lợi nhuận và chịu những rủi ro của xí nghiệp liên doanh theo tỷ lệ góp vốn của mỗi bên.

Điều 11[sửa]

Các bên thoả thuận về tỷ lệ xuất khẩu và tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp liên doanh tại thị trường Việt Nam, trên nguyên tắc tự bảo đảm nhu cầu về tiền nước ngoài. Thu nhập về tiền nước ngoài bằng xuất khẩu và bằng các nguồn khác phải đáp ứng được các nhu cầu về tiền nước ngoài của xí nghiệp nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của xí nghiệp và lợi ích của Bên nước ngoài.

Điều 12[sửa]

Cơ quan lãnh đạo của xí nghiệp liên doanh là Hội đồng quản trị.

Các bên chỉ định người của mình tham gia Hội đồng quản trị theo tỷ lệ tương ứng với phần góp vốn vào vốn pháp định của xí nghiệp liên doanh.

Trong trường hợp liên doanh hai bên thì mỗi bên ít nhất có hai thành viên trong Hội đồng quản trị.

Trong trường hợp liên doanh nhiều bên thì mỗi bên ít nhất có một thành viên trong Hội đồng quản trị.

Nếu trong xí nghiệp liên doanh có một Bên Việt Nam và nhiều Bên nước ngoài hoặc một Bên nước ngoài và nhiều Bên Việt Nam, thì Bên Việt Nam hoặc Bên nước ngoài ít nhất có hai thành viên trong Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị do các bên thoả thuận cử ra.

Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc do Hội đồng quản trị cử ra để điều hành các hoạt động hàng ngày của xí nghiệp và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về hoạt động của xí nghiệp.

Tổng giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc thứ nhất là công dân Việt Nam.

Điều 13[sửa]

Những vấn đề quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của xí nghiệp liên doanh như phương hướng hoạt động, kế hoạch kinh doanh, cán bộ chủ chốt của xí nghiệp do Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí.

Điều 14[sửa]

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập tại Việt Nam xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, tự mình quản lý xí nghiệp, chịu sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài, được hưởng các quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ ghi trong giấy phép đầu tư.

Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.

Điều 15[sửa]

Thời hạn hoạt động của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 20 năm. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể dài hơn.

Điều 16[sửa]

Công dân Việt Nam được ưu tiên tuyển dụng vào xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao mà phía Việt Nam chưa đáp ứng được thì xí nghiệp được tuyển dụng người nước ngoài.

Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam làm việc trong xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bảo đảm bằng hợp đồng lao động.

Lương và các khoản phụ cấp của người lao động Việt Nam được trả bằng tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài trích từ tài khoản của xí nghiệp mở tại Ngân hàng

Điều 17[sửa]

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở tài khoản bằng tiền Việt Nam và tiền nước ngoài tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam hoặc tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.

Điều 18[sửa]

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở sổ sách kế toán theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế phổ biến được Bộ tài chính Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận và chịu sự kiểm tra của cơ quan tài chính Việt Nam.

Điều 19[sửa]

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, hoạt động, chuyển nhượng vốn và giải thể theo Điều lệ của xí nghiệp và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân kể từ khi đăng ký điều lệ của xí nghiệp tại cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài.

Chương III: Biện pháp bảo đảm đầu tư[sửa]

Điều 20[sửa]

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm đối đãi công bằng và thoả đáng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Điều 21[sửa]

Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, vốn và tài sản của các tổ chức, cá nhân nước ngoài không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá.

Điều 22[sửa]

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được chuyển ra nước ngoài:

1- Lợi nhuận thu được trong quá trình kinh doanh;

2- Những khoản tiền trả cho việc cung cấp kỹ thuật hoặc dịch vụ;

3- Tiền gốc và lãi của các khoản cho vay trong quá trình hoạt động;

4- Vốn đầu tư;

5- Các khoản tiền và tài sản khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.

Điều 23[sửa]

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc để thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh, sau khi nộp thuế thu nhập do pháp luật Việt Nam quy định, được chuyển ra nước ngoài thu nhập của mình theo quy chế quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Điều 24[sửa]

Việc chuyển đổi giữa đồng Việt Nam và tiền nước ngoài được thực hiện theo tỷ giá hối đoái chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Điều 25[sửa]

Các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc hợp đồng liên doanh, cũng như các tranh chấp giữa xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài với các tổ chức kinh tế của Việt Nam hoặc giữa các xí nghiệp đó với nhau trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải.

Trong trường hợp các bên tranh chấp vẫn không thoả thuận được với nhau thì vụ tranh chấp được đưa ra trước tổ chức trọng tài kinh tế Việt Nam hoặc một tổ chức trọng tài hoặc cơ quan xét xử khác do các bên thoả thuận.

Chương IV: Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư nước ngoài[sửa]

Điều 26[sửa]

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng nộp thuế lợi tức từ 15% đến 25% lợi nhuận thu được.

Đối với dầu khí và một số tài nguyên quý hiếm khác thì thuế lợi tức cao hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Điều 27[sửa]

Tuỳ thuộc vào lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư, quy mô vốn đầu tư, khối lượng hàng xuất khẩu, khối lượng hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ, tính chất và thời gian hoạt động, cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài có thể miễn thuế lợi tức cho xí nghiệp liên doanh trong một thời gian tối đa là 2 năm, kể từ năm bắt đầu kinh doanh có lãi và giảm 50% thuế lợi tức trong một thời gian tối đa là 2 năm tiếp theo.

Trong quá trình hoạt động, xí nghiệp liên doanh được chuyển lỗ của bất kỳ năm thuế nào sang năm tiếp theo và được bù số lỗ đó bằng lợi nhuận của những năm tiếp theo, nhưng không được quá 5 năm.

Điều 28[sửa]

Trong trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư, thuế lợi tức có thể được cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài giảm tới 10% lợi nhuận thu được và thời hạn miễn, giảm thuế lợi tức có thể được kéo dài hơn thời hạn quy định ở Điều 27 của Luật này.

Điều 29[sửa]

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng sử dụng đất đai, mặt nước, mặt biển của Việt Nam, thì phải trả tiền thuê ; trong trường hợp khai thác tài nguyên thì phải nộp thuế tài nguyên.

Điều 30[sửa]

Sau khi nộp thuế lợi tức, xí nghiệp liên doanh trích 5% lợi nhuận còn lại để lập quỹ dự phòng. Quỹ dự phòng được giới hạn ở mức 25% vốn pháp định của xí nghiệp. Tỷ lệ lợi nhuận dành ra để lập các quỹ khác do các bên thoả thuận và ghi trong Điều lệ của xí nghiệp.

Điều 31[sửa]

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp vào Ngân sách của Việt Nam các khoản tiền trích bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức của xí nghiệp theo pháp luật Việt Nam.

Điều 32[sửa]

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng lợi nhuận thu được để tái đầu tư thì cơ quan thuế hoàn lại phần thuế lợi tức đã nộp cho số lợi nhuận tái đầu tư.

Điều 33[sửa]

Khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài nộp một khoản thuế từ 5% đến 10% số tiền chuyển ra nước ngoài.

Cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài có thể miễn hoặc giảm thuế này cho từng trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư.

Điều 34[sửa]

Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Điều 35[sửa]

Thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như đối với hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh được áp dụng theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài có thể miễn hoặc giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho từng trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư.

Chương V: Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài[sửa]

Điều 36[sửa]

Cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Hướng dẫn Bên nước ngoài và Bên Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng hợp hợp tác kinh doanh, hợp đồng liên doanh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập xí nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam; làm đầu mối giải quyết những vấn đề do tổ chức, cá nhân đầu tư nước ngoài yêu cầu;

2- Xem xét và chuẩn y hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng liên doanh, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, chuẩn y điều lệ của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

3- Quyết định cho các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp đồng được hưởng những điều kiện ưu đãi;

4- Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng liên doanh và hoạt động của xí nghiệp 100% vốn nước ngoài;

5- Phân tích hoạt động kinh tế của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 37[sửa]

Các bên hoặc một trong các bên hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư nước ngoài phải gửi cho cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài đơn xin chuẩn y hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng liên doanh, đơn xin phép thành lập xí nghiệp 100% vốn nước ngoài và đơn xin hưởng những điều kiện ưu đãi. Đơn phải kèm theo hợp dồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng liên doanh, điều lệ của xí nghiệp liên doanh hoặc xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, luận chứng kinh tế - kỹ thuật và những tài liệu khác có liên quan, theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài.

Điều 38[sửa]

Cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài xem xét đơn và thông báo quyết định cho đương sự trong vòng 3 tháng, kể từ ngày nhận được đơn. Quyết định chấp thuận được thông báo dưới hình thức giấy phép đầu tư.

Chương VI: Điều khoản cuối cùng[sửa]

Điều 39[sửa]

Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành những quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước, góp phần xây dựng Tổ quốc.

Điều 40[sửa]

Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể ký với Chính phủ nước ngoài những hiệp định về hợp tác và đầu tư phù hợp với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với mỗi nước.

Điều 41[sửa]

Nay bãi bỏ Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành theo Nghị định số 115/CP ngày 18 tháng 4 năm 1977 và các quy định khác trái với Luật này.

Điều 42[sửa]

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật này.

Điều 43[sửa]

Hội đồng bộ trưởng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với Luật này.


Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".