Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Thời-đàm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THỜI-ĐÀM


VIỆC NHỚN THẾ-GIỚI

Việc chiến-tranh. — Bản báo sáng-lập ra là mong để phụng-sự một cái lý-tưởng công-nghĩa, công-hòa, nhân-đạo. Vậy bản-báo vẫn từng ước-ao rằng có nhẽ tập thứ nhất này xuất-bản được vừa gặp dịp mà hoan-nghênh cuộc hòa-bình trong thế-giới. Sự chiến-tranh diên-man đến nay đã ngót ba năm, Âu-châu bị tắm máu gội lửa cũng đã nhiều ; tự đầu năm nay quân Pháp-Anh đánh luôn được mấy trận đại-thắng, tưởng cái bi-kịch đã sắp đến ngày kết-liễu.

Nhưng đảng Đức-Áo tuy đã quệ mà còn đủ sức hấp-hối được ít lâu nữa. Chắc mình rằng không thể tránh được cái số-mệnh sau cùng, chắc rằng quân Đồng-minh tất cố đánh cho được mới thôi, nên bọn Đức-Áo chỉ còn hết sức tìm cách để lùi lại được ít lâu cái kỳ-hạn tất đến ấy. Hiện nay không ai là người có tài dự-đoán được đến ngày nào tháng nào là giải-quyết cái cuộc kinh-thiên động-địa này. Nhưng bọn ta hằng ngày được nghe được biết những thủ-đoạn oanh-liệt của nhà quân Pháp cùng các quân Đồng-minh, đã từng nhiều phen cảm-mộ trong lòng ; vậy có thể hi-vọng được rằng cái công-phu nhớn-nhao ấy sẽ sắp đến ngày kết-quả, cuộc đại-chiến sẽ sắp đến ngày toàn-thắng, mà giống Điêu-đương kiêu-căng tàn-bạo đã phạm với nhân-loại nhiều tội cực-ác cũng sắp đến ngày tiệt hết trên mặt đất vậy.

Xét cái đại-thế cuộc chiến-tranh ở khắp mặt quân từ đầu năm đến giờ thì đủ biết rằng phần đắc-lợi là ở bên Đồng-minh.

Ngày 17 tháng 3, hai quân Pháp-Anh hiệp-lực công-kích rất mạnh, quân Đức nhiều đến hai triệu người phải bắt đầu tháo-lui trong suốt giọc quân từ Arras đến Soissons. Quân Đức rút quân về đến 40 cây-lô-mét, nhờ đấy mà hơn 200 đô-thị cùng thôn-lạc nước Pháp đã phải chịu cường-quyền quần giã-man hơn hai năm giời, bây giờ mới được giải-thoát.

Sự thoái-khước của quân Đức vừa lạ một sự đắc-thắng của cái nghị-lực quân Pháp-Anh, lại vừa là một dịp thịnh-hành cho cái lối giã-man giống Nhật-nhĩ-man nữa. Quân Đức không đủ chiến-lực mà đối lại, bèn dùng hết cách để đi đến đâu triệt-hạ phá-hoại đến đấy.

Ta cũng vẫn biết rằng trong khi hành-chiến không sao tránh khỏi những sự phá-hoại được. Như một quan bị thua phải bỏ chạy một địa-hạt nào thì thế tất là phải phá-hoại cả những cái gì là cái quân địch đến sau mình có thể lợi-dụng làm cách tự-thủ, làm nơi căn-cứ, hoặc làm kế đuổi đánh mình. Nhưng phàm những người cùng vậy không can-thiệp gì đến việc hành-chiến, không quan-hệ gì đến sự dùng-binh, thì chẳng nên kiêng-nể, rư ? Xét ra quân Đức trong khi thoái-khước, đối với những người những vật ấy một cách tối giã-man, tối độc-ác.

Nhà cửa bị đốt phá, người dân bị khu-trục như đàn trâu, đàn ngựa. Có lắm nơi đô-thị bị triệt-hạ không còn một tí gì trên mặt đất : hiện nay cầm cái địa-đồ trên tay không nhận biết được thành Bapaume vào nơi nào nữa. Trong nhà bị tàn phá, có đồ gì mang được thì cướp đem về Đức cả. Cây cối ở trong vườn, ở bên đường, cũng bị trặt ngang sẻ giọc cả. Dưới mình những người bị trọng-thương đặt trái-phá cùng thuốc súng để người Pháp có đến cứu thì bị hại. Nói rút lại thì sự tàn-phá thực « hoàn toàn », cái độc-ác đến cực-điểm mà sự gian-hiểm thực vô-chừng, đến nỗi quân tiền-vệ Pháp-Anh đi đến đâu phải đem hóa-học chuyên-môn đến xét trước xem trong nước uống có thuốc độc không !

Tự tháng tư quân Đức đem bớt quân mặt Nga về nhiều lắm, tổ chức một cái chiến-tuyến rất mạnh, cố-ý chống cự lại, lại sếp-đặt sẵn để phòng khi phải lùi về. Nhưng quân Pháp quân Anh đánh được liền mấy trận, đâm thủng được cái chiến-tuyến ấy, khiến cho quân Đức có cái trận địa nào tốt nhất dần dần mất hết (trận Vimy ngày 10 tháng tư, trận Craonne ngày 16 tháng tư, trận Messines ngày 7 tháng 6). Quân Đức ở mặt Pháp bị hại nhiều cho đến nỗi ở bên Đức đã từng gọi đất Pháp là cái mộ-địa chung của quân-đội Đức vậy. Hiện nay quân Đức vẫn cứ rút dần ở đất Pháp về. Muốn tưởng-tượng được cái số quân bị hại của Đức thì xem ngay hồi đầu quân Pháp-Anh đánh công-thế mới rồi có trong khoảng mấy ngày mà bắt được hơn tám vạn tù-binh Đức còn mạnh khỏe, là đủ biết vậy.

Về mặt Ý thì từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 2, quân Áo đánh ở phía đông Goritzia mất trận rất dữ, song cũng không thể truyển được cái trận-địa của quân Ý. Sau mất trận ấy được một độ bình-tĩnh, quân Ý nhân kinh-doanh một cái đại công-thế, đến 18 tháng 5 thì khởi-hành, đánh lấy được cả cao-nguyên Carso cho đến tận miền phụ-cận thành Trieste. Trong ba ngày quân Ý bắt được 2 vạn 4 nghìn tù-binh mạnh khỏe. Quân Áo đánh phản-kích ở đất Trentin, kết-cục đến ngày 22 tháng 5 lại phải một trận đại-bại nữa, khiến cho quân Ý lại chiếm được thêm đất. Sau đến ngày 3 tháng 6 quân Áo lại cố công-kích một lần cùng nữa để mong cướp lại cao-nguyên Carso. Trận đánh cực-lực, hai bên áp-chiến nhau rất dữ, đến sau quân Áo cũng bị sô về. Thành ra kết-quả trận phản-kích ấy cũng chỉ lại là thêm hại cho quân-địch mà thôi.

Macesdoine quân Đồng-minh vẫn chỉ đứng ngăn cho nước Hi-lạp cùng đảng Đức-Áo không giao-thông với nhau được. Từ ngày 11 đến ngày 26 tháng 3 miền phụ-cận thành Monastir đã khai-khoáng cả để cho tỉnh-thành khỏi phải quân Bảo phóng-pháo vào. Quân Bảo cứ cách ít lâu lại tìm đường vào công-kích, nhưng lần nào cũng bị đuổi hại nhiều. Trong mùa hè năm nay về mặt quân ấy xét ra quân Đồng-minh cũng không rắp đánh trận nào quyết-chiến. Vì cái tình-thế nước Hi-lạp vẫn còn ám muội lắm, nên Đồng-minh trong cách sử-trí vẫn phải giữ cẩn-thận.

Ở Tiểu-Á-tế-á thì quân Anh ngày 11 tháng 3 được một cái chiến-tích rất hiển-hách, là lấy được thành Bagdad của Thổ. Thành Bagdad là một nơi nào đô-thị nhớn nhất trong đế-quốc Thổ-nhĩ-kỳ. Thành Bagdad thất-thủ vừa là một cái hại nhớn cho người Thổ về đường thực-tế mà lại vừa là một cái hại to cho người Đức về đường thanh-thế nữa. Nước Đức vốn có cái mưu nhớn muốn dùng con đường thiết-lộ tự Trung-Âu đến Ba-tư-loan (Golfe Persique) để khuếch-trương thế-lực sang Á-châu, nay cái mưu ấy đã đến ngày đồ-địa vậy.

Sự quân Anh lấy được thành Bagdad là kết-quả của cái công-thế khởi đầu tự tháng hai, quân Anh cùng quân Ấn-độ đã tiến được hơn ba trăm cây-lô-mét, đuổi quân Thổ chạy tán-loạn.

Sau khi lấy được thành Bagdad thì quân Anh chia làm hai đạo, theo đuổi quân Thổ, đi ngược giòng sông Tigre về phía bắc. Đến cuối tháng ba thì hai đạo ấy đã lên được khỏi Bagdad một trăm cây-lô-mét về phía bắc, được ít lâu thì kết-liên được với quân Nga cùng lúc bấy giờ cũng đương đuổi quân Thổ đã sang chiếm đất Ba-tư. Từ đấy đến nay cái tình-thế chưa thay đổi. Quân Nga cùng quân Anh đã chinh-phục chiếm-cứ được những đất rộng như thế thì trước phải kinh-doanh xong đã, rồi mới lại tiến lên được nữa. Nhưng mà cái thế-lực Thổ-nhĩ-kỳ ở Tiểu Á-tế-á trước đã bị dân A-lạp-bá tuyên-bố độc-lập, nay lại bị thất thủ thành Bagdad, thực đã đến ngày bại-hoại to vậy.

Ở địa-giới Ai-cặp (Egypte) thì quân Anh cùng quân Úc-châu đã làm lùi được đường chiến-tuyến của quân Thổ ; hiện nay mấy đạo quân Anh chiếm-cứ thành Gaza chỉ chực đến mùa mát là tràn sang sâm-nhập đất Palestine.

Ở mặt quân Nga thì khí-hậu rét quá nên trong ba tháng đầu năm nay từ bắc chí nam các việc chiến-dịch phải đình lại ; lại thêm việc cách-mệnh Nga mới rồi cùng những việc quân Đức mưu bàn hòa riêng, nên sự chiến-tranh về mặt ất đã bị ngăn-trở nhiều. Song độ tháng hai quân Nga cũng có khởi đánh công-thế mạnh về mặt tây thành Riga, nhưng không thể đánh tiếp theo được mãi.

Những việc chiến-dịch hơi có quan-trọng thì thuộc cả về mặt nam, ở nơi địa-giới Hung-gia lợi với Lỗ-mã-ni. Quân của tướng Nga Letchitski khởi hành công-thế tự tháng giêng vẫn từ-từ tiến lên, chực qua ải-đạo Bargo mà vào đồng-bằng đất Hung-gia-lợi.

Như thế thì đất Hung-gia-lợi có cái nguy phải sâm-nhập đến nơi ; đến ngày quân Lỗ tới ải-đạo Bargo thì địa-thế không có gì hiểm-trở nữa, có thể tiến thẳng vào đến trung-tâm đất Hung-gia-lợi.

Ở mặt quân Lỗ, sự « chiến-tranh vận-động » nay cũng đã đổi ra « chiến-tranh hầm-hố » rồi. Cái tình-thế ở đấy về cuối năm 1916 cũng như tình-thế ở mặt quân Nga trong năm 1915.

Quân Đức-Áo nhờ có pháo-binh tốt nên đánh lối chiến-tranh vận-động dễ được thắng lợi, chiếm-cứ được nhiều đất ; nhưng đến khi không tiến lên được nữa thì hai bên đào hầm-hố mà tương-trì nhau, càng ngày càng thêm cách phòng-bị, thì sự chiến-tranh diên-man ra không biết đến bao giờ là cùng. Cuối tháng giêng thì hàng quân Lỗ đứng theo đường sông Sereth, hữu-đực tựa vào quân của tướng Nga Letchistki sắp sâm-nhập vào đất Hung-gia-lợi. Quân Đức mấy lần vào công-kích lưỡng-dực quân Lỗ mà hỏng cả. Các quân-đội nước Lỗ nay đã khôi-phục lại, chỉ còn đợi nước Nga bao giờ xong việc nội-biến thì cùng khởi-hành công-thế vậy.

Nói rút lại thì kể cho đến đầu tháng 7 này cái tình-thế việc quân về đường lục-chiến đại-khái như thế này : ở mặt Pháp thì quân Đức đã bị thua còn cố chết giữ lấy những nơi trận-địa rất kiên-cố, lại nhờ có việc cách-mệnh Nga mới rồi, quân Nga không thể đánh được riết, nên quân Đức còn có thể chống-cự được ít lâu nữa.

Việc hải chiến. — Ngày 1 tháng 2, nước Đức công-bố nhời tuyên-cáo như sau này, cả thế-giới lấy làm kinh ngạc, Nhời rằng :

« Tự ngày 1 tháng 2, nước Đức sẽ dùng đủ mọi binh-kế mà ngăn-cấm sự giao-dịch trên mặt bể trong mấy nơi hải-phận liệt ra sau này, ở quanh nước Anh, nước Pháp, nước Ý, cùng trong đông-bộ Địa-trung-hải ».

Kế đến liệt tên các phần bể ấy thì ra gồm hết cả các bể Âu-châu. Rồi nói riêng đến nước Mĩ rằng :

« Các thương-thuyền nước Mĩ chở khách theo lệ thường thì cứ việc đi lại không phải ngại gì, miễn là phải tuân theo mấy điều như sau này : a) những tầu ấy phải lấy cửa Falmouth làm nơi đỗ tầu ở Âu-châu ; b) những tầu ấy phải mang dấu hiệu riêng như sau này, mà dấu-hiệu ấy chỉ cho phép riêng tầu nước Mĩ được mang mà thôi : vỏ tầu cùng thân tầu phải bôi giọc trắng và đỏ, từng miếng to ba thước một, v. v. ».

Nước Đức mong đợi ở sự vây bể nhiều cái kết-quả quá-đáng. Đành rằng trên đất không thể đánh được, bèn phao-ngôn lên rằng sẽ triệt-đoạn các đường giao-thông trên mặt bể của Đồng-minh, khiến cho nước Anh phải chết đói, thì Đồng-minh tất phải xin hòa.

Cứ thực ra thì nhời tuyên-cáo của Đức ngày 1 tháng 2 cũng chẳng thay đổi gì cái tình-thế từ đầu khi chiến-tranh, vì từ năm 1915, tầu ngầm Đức vẫn đã đánh đắm không cảnh-báo những thương-thuyền vừa của chiến-quốc vừa của trung lập. Chỉ có khác rằng từ nay dở đi số tầu ngầm của Đức nhiều hơn cùng đánh dữ hơn trước mà thôi.

Bên Đồng-minh nhất là nước Anh cũng cứ bình-tâm mà nhận cái lối hải-chiến vô-hạn bằng tầu ngầm ấy.

Xét ra từ bấy đến nay tầu ngầm của Đức tuy cũng có làm hại được ít nhiều mà vẫn là chưa tới được mục-đích.

Như trong tháng 2 số tầu của Đồng-minh bị hại cả thảy là 281 chiếc, trọng-lực tổng cộng là 50 vạn tấn. tháng ba 225 chiếc, trọng-lực 40 vạn 2 nghìn tấn. Mấy tháng sau mỗi tháng một bới đi, vì các thủy-quân Đồng-minh đã thiết kế-để khu-trục tầu ngầm Đức, hiện nay số đã giảm bớt đi nhiều.

Cái lối chiến-tranh tầu ngầm thực là giã-man mà ngu-xuẩn, chỉ làm hại những kẻ vô-cô, nước trung-lập : thực ích-lợi cho việc hành-chiến thì không có tí nào. Cứ xét như thế này thì đủ biết : trong tháng giêng tây các nước Đồng-minh chở ra Salonique 12 vạn quân, trong số ấy tầu ngầm Đức chỉ đánh-đắm được có 115 người. Chính-phủ Đông-dương cũng tải sang Pháp hơn 6 vạn người An-nam, vừa công-binh vừa chiến-binh, không hề bị tầu ngầm Đức đánh đắm hoặc ngăn-trở mất chuyến nào.

Như thế thì hải-quyền vẫn là thuộc về hải-quân Đồng-minh, rõ vậy. Những tầu bị tầu ngầm Đức hại thường là những tầu đánh cá cùng những thương-thuyền chở những người thường dân, đàn bà, con trẻ.

Vả cũng phải biết rằng Đồng-minh tuy có mất nhiều tầu vì tầu ngầm cũng không lấy gì làm hại cho lắm, vì vẫn được tiện-lợi hoặc muốn mua thêm cũng được, để đền vào những số thương-thuyền bị hại. Như tự khi khởi-chiến đến đầu năm 1917 hải-quân Pháp bị hại mất cả thẩy là 60 vạn tấn, nhưng trong khoảng lại chế thêm hoặc mua thêm 68 vạn tấn khác, cùng được chế gần xong 15 vạn tấn nữa, điền vào cái số bị hại còn dư nhiều. Nói rút lại thì cái vấn-đề là chỉ phải xét xem sự vận-động của tầu ngầm Đức có ngăn-trở được việc cung-cấp lương-thực của nước Anh cùng sự vận-tải quân Anh sang lục-địa không. Nay xét ra vấn-đề ấy thực là thuộc về tiêu-cực vậy. Số tầu ngầm Đức mỗi ngày một giảm đi, mà sự vận-tải trên mặt bể của nước Anh sang Mĩ-châu, cùng sang-lục-địa Âu-châu lại càng ngày càng tăng-tiến lên vậy.

Đồng-minh đành phải chịu mất ít nhiều thương-thuyền, chịu biên trong sổ lợi-hại của thủy-quân một khoản nặng-nề, song việc cung-cấp lương-thực tuy có đắt hơn xưa nhưng vẫn được vững bền, khiến cho người dân cùng quân lính vẫn được đủ đồ ăn dùng làm việc.

Muốn xét kết-quả một việc hành-động nhớn, bao giờ cũng phải so sánh cái lợi với cái hại nó thế nào. Như thế thì người Đức tuy được tự-do hành-động, nhưng phải mua cái tự-do ấy đắt biết chừng nào, vì phải mua bằng sự chiến-tranh với nước Mĩ cùng phần nhiều các nước trung-lập ở Nam Mĩ vậy. Mà cái lại thứ nhất cho Đồng-minh là nhân thế có thể lợi-dụng được những chiếc tầu nhớn của Đức từ khi khai-chiến trốn ở các cửa bể Mĩ-châu rất nhiều.

Việc ngoại-giao chính-trị. — Ngày 4 tháng 2 Mĩ hợp-chúng-quốc tuyệt-giao với nước Đức. Sự đó xem ra dư-luận nước Đức lấy làm kinh-ngạc lắm, không ngờ rằng phải một miếng điếng như thế.

Sự tuyết-giao ấy là cái giả-nhời tất-nhiên cho nhời tuyên-cáo Đức ngày 1 tháng 2 về việc dùng tầu ngầm, ta mới thuật lại trên kia.

Tổng-thống Uy-nhĩ-đôn (Wilson) nước Mĩ tuy hiếu sự hòa-bình, cũng không thể cầm lòng được nữa : tự 2 năm nay nước Đức phạm quốc-thể nước Mĩ đã mấy mươi lần, nay lại tuyên-cáo rằng từ giờ muốn làm gì thì làm, muốn dùng khí-giới gì cũng được, không kiêng nể gì ai, chỉ vụ lợi cho mình. Ngày 4 tháng 5 năm 1916 sau việc đánh đắm tầu Sussex, Hoa-thịnh-đốn gửi tờ kháng-nghị, nước Đức đã trịnh-trọng đoan rằng từ đấy không dám đánh đắm chiếc tầu nào mà không cảnh-cáo, không bảo-tồn cho sinh-mệnh người, thế mà đến nay nước Đức đã bội nhời ước được ngay, dám quyết rằng hễ gặp chiếc tầu nào trong mấy cái bể quanh Âu-châu, tự Bắc-hải đến Địa-trung-hải, là đánh đắm hết không tha !

Trước khi bỏ đất Mĩ, đại-sức Đức là bá-tước Bernstorff còn muốn yêu-hãnh một lần sau cùng nữa, dụ-hoặc dư-luân nước Mĩ để mong đổi được sự quyết-định của chính-phủ Mĩ. Ngày 10 tháng 2 bèn thông-tin cho các báo rằng nước Đức vẫn còn nhờ Công-sứ Thụy-sĩ thương-thuyết với chính-phủ Hoa-thịnh-đốn. Công-sức Thụy-sĩ từ khi Mĩ tuyệt-giao với Đức vẫn giữ hộ quyền-lợi Đức ở đất Mĩ, có đến ngỏ nhời với ngoại-giao tổng-trưởng Mĩ rằng muốn thương-thuyết xin đừng thay đổi mà thôi. Ngoại-tướng Mĩ bèn xin ông Công-sứ mang giấy lại. Giấy mang lại rồi thì chính-phủ Mĩ gửi cái giả-nhời sau này, thực là đoạn nốt cái đường yêu-hãnh ấy nữa. Nhời rằng : « Chính-phủ Mĩ vì nước Đức phản-bội nhời ước ngày 4 tháng 5 năm 1916 mới tuyệt-giao với Đức. Vậy thì hễ Đức có tái-ước lại như cũ mà đoan rằng quyết-ý tuân theo nhời ước, thì Mĩ chính-phủ mới chịu thương-thuyết cùng. »

Đương lúc bấy giờ thì tổng-thống Mĩ còn chưa muốn khởi-sự chiến-tranh với Đức, nhưng cốt là Đức đừng có thực-hành nhời tuyên-cáo về tầu ngầm đối với Mĩ. Ngờ đâu cách đấy mấy ngày tầu Laconia bị đánh đắm, có người Mĩ ở trong bị hại, lại kế liền phát-giác được việc nước Đức vận-động ở Mặc-tây-kha (Mexique) để xui nước ấy khai-chiến với nước Mĩ. Đến thế thì quá vậy, không sao đừng được nữa.

Ngày 5 tháng 4 tổng-thống Uy-nhĩ-đốn bèn hạ chiến-thư cho nước Đức.

Bên Pháp được tin nước Mĩ vị tự-do, vị nhân-quyền vào cuộc đại-chiến lấy làm vui-vẻ cổ-võ vô-cùng. Cả thế-giới cũng biết rằng người nước Pháp vẫn có cảm-tình riêng với tổ-quốc ông Hoa-thịnh-đốn. Cái cảm-tình ấy nước Mĩ cũng lại giả lại nước Pháp bội phần, cứ xem từ khi khởi-chiến nước Mĩ giúp nước Pháp được bao nhiêu công việc thì biết. Cái cảm-tình hai nước ấy là căn nguyên tự năm 1777, nước Pháp giúp tiền giúp binh cho đảng khởi-nghĩa độc-lập bên Mĩ vậy.

Đông-dương ta đã để riêng ngày 14 tháng 4 để hoan-nghênh cái tin nhớn nhao ấy. Báo Nam-Phong kỳ sau sẽ dịch mấy bài diễn-thuyết rất hay của quan Toàn-quyền Sarraut-cùng quan Học-chính Russier đã đọc tại Hà-nội về dịp ấy.

Những sự kết-quả của việc khai-chiến nước Mĩ với nước Đức thực không biết đâu mà kể. Trước hết nhân việc đó mà các dân-quốc khác bên Mĩ-châu cũng đua nhau mà theo gương nước đàn anh. Đến dân-quốc trẻ tuổi bên Á-đông ta là nước Tàu trông thấy cái phong-trào ấy cũng không thể đứng yên được, ngày 14 tháng 3, tổng thống Lê Nguyên-Hồng cũng tuyên-bố tuyệt-giao với nước Đức.

Nhưng nước Mĩ can-thiệp vào cuộc chiến-tranh được ích-lợi nhất là về đường thực-tế, đường quân-sự, vì nước Mĩ có thể giúp Đồng-minh được nhiều cách : giúp tiền, giúp đồ lương-thực, đồ dụng-cụ, giúp tầu-bè, giúp quân-lính. v. v.

Nhân nước Mĩ mời, chính-phủ Trung-hoa đã bước một bước thứ nhất mà gửi cho công-sứ Đức ở Bắc-kinh một tờ kháng-nghị rất nghiêm-trang đối với nhời tuyên-cáo về sự chiến-tranh bằng tầu ngầm của Đức ngày 1 tháng 2, lại nói thêm rằng thảng-hoặc nhời kháng-nghị ấy mà không có hiệu-nghiệm thì Trung-hoa chính-phủ sẽ phải tuyệt-giao với Đức.

Mãi đến ngày 11 tháng 3, Đức-sứ mới đáp lại tờ kháng-nghị ấy, nhời rất kiêu-căng khinh người, khiến cho nước Tàu không thể không tuyệt-giao được.

Các báo Tàu bình-phẩm về cái vấn-đề Tàu với Đức ấy gây lên mấy cái phong-trào dư-luận hoặc vị hoặc phản việc tuyệt-giao với Đức.

Ông Lương Khải-Siêu đứng đầu đảng tiến-bộ thì cổ-võ cho nước Tàu tuyệt-giao với Đức cùng vào cuộc khai-chiến ngay lập-tức. Đảng quốc-dân có ông Tôn Dật-Tiên đứng đầu thì lại phản-đối lại. Chính-phủ đứng giữa còn ngần ngại chưa dám vội theo đằng nào. Vả chính-phủ cũng còn đương bị nghị-viện phản đối vì việc nội-chính. Nhất là đảng quốc-dân cố ý kháng-cự ông Đoàn Kỳ-Thụy làm binh-bộ tổng-trưởng, kiêm nội-các tổng-lý. Ông Đoàn thì có ý muốn nhập cuộc đánh Đức, đảng quốc-dân thì ghét cái chính-sách riêng của ông Đoàn, nên chỉ phản-đối sự nhập-cuộc là cố-ý phá-đổ tòa Nội-các của ông Đoàn mà thôi. Lại thêm ông tổng-thống Lê Nguyên-Hồng với ông thủ-tướng Đoàn cũng không được như ý với nhau nữa. Song dù vậy mà ông Đoàn cũng khéo khiến cho Nghị-viện khả-quyết việc tuyệt-giao với Đức xong ngay từ ngày 14 tháng 3. Mấy nơi tô-giới Đức ở Thiên-tân cùng Hán-khẩu ngày hôm sau bị truyển thuộc về quyền hành-chính nước Tàu, những thương-thuyền Đức ở các nơi cửa bể cũng bị biên-tịch.

Nhưng ông Đoàn Kỳ-Thụy bản-tâm là muốn cho nước Tàu nhập-cuộc với các đại-quốc trong thế-giới để mong được hưởng quyền-lợi về sau, vậy quyết ý xin khai-chiến với Đức. Chẳng may cái tình-thế trong nước về việc nội-chính càng ngày càng bối-rối, ông thủ-tướng cùng nghị-viện mỗi ngày một trái ý nhau. Đến tháng năm thì cái tình-thế đại-khái như thế này : ở nghị-viện thì đảng quốc-dân cố-ý phản-đối muốn dùng đủ cách để phá-đổ ông Đoàn ; ở ngoại-vụ bộ thì một viên ngoại tướng già yếu không làm được việc gì, nhất-thiết ủy cả người con tính tham-lam vô-độ ; ở bộ tài-chính thì viên tổng-trưởng cùng viên phó tổng-trưởng bị bắt về việc hối lộ ; ở bộ giao-thông cũng có việc hối lộ như thế, mà viên tổng trưởng bị bắt thì lại là bạn với ông thủ-tướng Đoàn ; gia-dĩ lại thêm người Đức ở Tàu vận-động để truyền-bá những tin tức sằng, phao-ngôn lên rằng nước Nga có ý muốn hòa riêng.

Song, tuy trong chính-giới rối loạn như thế, như vẫn còn bọn quân-đảng giữ được thế-lực mạnh từ lần Cách-mệnh thứ nhất.

Ở các hàng tỉnh thì mỗi tỉnh cũng tựa hồ như có một ông vua nhỏ tranh lẫn nhau, làm loạn nước, mỗi người có một quân-đội riêng nuôi bằng tiền hàng tỉnh.

Trong các tướng có quyền-thế ấy thì Trương Huân là hiển-hách hơn cả, vì có quân-đội rất chỉnh-đốn và có kỉ-luật hơn nhất. Trương Huân đóng quân ngay gần kinh-đô, trên đường thiết-lộ tự Thiên-tân đến Bắc-kinh nên rất là có thế-lực, lâm-thời có thể làm nguy cho chính-phủ được.

Ông Đoàn Kỳ-Thụy thì cũng theo một chính-sách như Viên Thế-Khải ngày xưa mà muốn thống-nhất cả các quân-đội trong nước, để giữ quyền chi-phối trong tay. Tuy các nước Đồng-minh cũng không mong nước Tàu nhập cuộc có thể thực-lực giúp gì được cho việc chiến-dịch, nhưng sự khai-chiến với Đức cũng là một cái cơ-hội hay cho ông Đoàn để tổ-chức lại cả các quân-đội trong nước theo một thể-chế nhất-định cùng đặt cả vào quyền một chính-phủ trung-ương ở Bắc-kinh. Ông Đoàn cũng biết rằng tuy nghị-viện đã khả-quyết việc tuyệt-giao với Đức, nhưng nếu những viên đốc-quân các tỉnh không giúp sức cho chính-phủ thì sự đó cũng chẳng có ích-lợi gì, mà bọn đốc-quân lại có thể nhân đấy mà tạ sự gây loạn được. Vậy trước nhất phải dò xem bọn ấy có ý muốn giúp không đã. Bèn xướng ra hội-nghị các đốc-quân ở Bắc-kinh ngày 25 tháng 4, viên thì thân đến hội, viên thì cho người đến thay mặt. Hội-nghị quyết bàn nên khai-chiến với Đức.

Vậy thì việc đó chỉ còn đợi nghị-viện khả-quyết nữa là xong vậy. Ngày 10 tháng 5 nghị-viện họp để xét ; giữa lúc bấy giờ thì người dân đến vận-động cho sự khai-chiến ở ngay cạnh nơi nghị-hội, sự vận-động đó thực là không phải lúc, khiến cho bọn nghị-viên ngờ rằng chính-phủ dùng cách đó để ép mình phải quyết-nghị việc chiến-tranh.

Thủ-tướng Đoàn Kỳ-Thụy đến sau không thể thắng đoạt được đảng phản-đối ở nghị-viện. Cái nghị-án về việc khai-chiến cũng hỏng. Thành ra bị thua bọn phản-đối mình mà tổng-thống Lê Nguyên-Hồng thì nghe nhời những bọn tả hữu cùng đảng quốc-dân thấy thủ-tướng gặp bước nguy-cơ như thế xem ra lại có ý bằng lòng. Thủ-tướng thì muốn giải-tán nghị-viện ngay lập-tức, tổng-thống không để cho kịp làm, ngày 13 tháng 5 hạ-lệnh cách chức. Ngoại-giao-bộ tổng-trưởng Ngũ Đình-Phương lên thay làm thủ-tướng.

Cái chính-biến ấy khiến cho tức khắc bọn đốc quân trong 11, 12 tỉnh phía bắc, toàn là bạn cùng thủ-túc Đoàn Kỳ-Thụy cả, khởi lên kháng-cự.

Trương Huân bắt tổng-thống Lê Nguyên-Hồng giải nghị-viện lập tức, cùng khởi-phục lại tòa nội-các Đoàn Kỳ-Thụy. Trung gian bọn đốc-quân đặt một lâm-thời chính-phủ ở Thiên-tân.

Đó là căn-nguyên cái việc nội-loạn mới đương nổi lên ở nước Tầu hiện bây giờ. Nam Bắc tranh nhau, Bắc thì là đảng các viên đốc-quân, Nam có 6 tỉnh thì về đảng nghị-viện cùng tổng-thống Lê Nguyên-Hồng. Nghe tin 6 tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây, Qui-châu, Vân-nam, Hồ-nam, Tứ-xuyên, đã tuyên-cáo-độc-lập, sắp sửa đề-binh lên đánh Bắc.

Mới tin hôm 1 tháng 7 tây này, Trương Huân cùng Khang Hữu-Vi đã ép Lê Nguyên-Hồng phải từ chức. Vua Tuyên-Thống lại lên làm vua, gọi là Quốc-trưởng. Xuống chiếu phong Lê Nguyên-Hồng tước thượng-công đại nguyên-súy ; Trương Huân tổng-đốc Trực-lệ và làm thống-tướng cả các tỉnh phía Bắc ; phó tổng-thống Phùng Quốc-Chương tổng đốc Lưỡng-giang ; đại-tướng Lục Vinh-Đình tổng-đốc Lưỡng-Quảng. Ở Bắc-kinh có quân-đội của Trương Huân đàn-áp đã yên cả. Lê Nguyên-Hồng nói chẳng thà chết chứ không chịu để cho các tỉnh phía Nam họp lại, lập đảng nọ đảng kia. Cứ vậy may còn mong được khỏi lưu-huyết chăng. [1]

Ta đã thuật lại khí dài những việc nhớn trong thế-giới sẩy ra từ đầu năm nay để các nhà đọc báo được đủ tài-liệu mà xét cái đại-thế việc chính-trị trong vạn-quốc hiện bây giờ.

Về việc chiến-tranh thì các nước đồng-minh đã chịu-khổ chịu khó trăm nghìn lần mới phá-hoại dần dần được cái võ-lực của giống Nhật-nhĩ-man. Về đường ngoại-giao thì nước Đức hiện nay thực là đứng cô-độc trong thế-giới. Chỉ còn có giao-thiệp với mấy nước trung-lập nhỏ ở láng-riềng dễ bắt nạt, như nước Hòa-lân, nước Thụy-sĩ, nước Thụy-điển.

Cả thế-giới bây giờ nóng lòng sốt ruột, mong cho cái trận thiên sầu vạn thẩm này chóng đến ngày kết-liễu, mà ước cho những kẻ gây ra trận ấy là đức-hoàng cùng bọn quân-chủ Đức sẽ sắp đến ngày ra chịu tội với thiên hạ, với giời đất vậy. Hiện nay đã có cái triệu-chứng rằng người dân Đức bị bọn cường-quyền mê hoặc đã lâu, nay đương hi-vọng đạp đổ cái ách nước Phổ. Gương nước Nga vừa mới phá-đổ được cái chuyên-chế chính-thể cùng tuyên-lập dân-chủ thực đã kích-động bọn dân Đức dân Áo nhiều lắm.

Hiện nay ta chưa thể thuật lại được những việc sẩy ra bên Nga, vì những việc ấy chưa được biết tường lắm. Đại quốc bạn với nước Pháp thực là phú ư cái duy-tâm-tinh-thần, hiện mới trải qua một buổi rất khó-khăn, còn đương khởi-phục lại vừa về đường chính-trị, về đường hành-chính cùng về đường quân-sự nữa. Những sự vận-động của bọn âm-mưu Đức cố ý làm cho bối dối cái tình-thế trong nước Nga để gây lên nội-loạn thì xét ra không thành công cả, chỉ đủ khiến cho hết thẩy dân Nga đồng-tâm hiệp-lực mà kết lại thành một khối bền chặt không lay đổ được ; những nhà lĩnh-tụ trong đảng quốc-dân cùng trong lâm-thời-chính-phủ đã trịnh-trọng tuyên-cáo rằng không bao giờ ký-ước riêng với nước Đức, mà sẽ hết sức theo đuổi sự chiến-tranh cho đến ngày toàn-thắng, có thế thì cuộc hòa-binh mới được vững-vàng, nghĩa dân-chủ mới được thịnh hành trong khắp cả Âu-châu vậy.

Ở bên Á-đông thì nước Nhật-bản nhờ được những lợi-quyền riêng về việc chiến-tranh mà cái tài-sản trong nước đã tăng-tiến lên rất nhanh, vậy cố bảo-tồn cho cuộc hòa-bình ở bên này. Nước Nhật-bản đảm- nhận việc tuần phòng trên mặt bể. Chỉ cố việc nội-loạn bên Tầu là cái khuyết-điểm to trong tình-thế cõi Á-đông ; các nhà thực có bụng với nước Tầu cũng vì những việc đó mà lo thay cho nước ấy, tự nghĩ rằng không biết cái dân-quốc trẻ tuổi kia cứ rối-loạn hỗn-độn mãi như thế thì đến sau kết cục ra làm sao vậy.

Việc trong nước. — Đồng-bào ta trong tai còn văng-vẳng những nhời diễn-thuyết hùng-hồn của quan Toàn-quyền Sarraut đã đọc gần khắp mọi nơi. Bọn ta đã được biết đại-khái cái chính-sách của ngài : là muốn cực-lực phát-đạt cuộc kinh-tế trong cõi Đông-dương, để cho người dân được thêm giầu-có, mà có thể giúp cho mẫu-quốc được thành công.

Mấy tháng đầu quan Toàn-quyền ở đây chỉ chủ nghiên-cứu những kế-hoặch để thi-hành cái chương-trình ấy. Như sát hạch lại các ngạch thuế thương-chính, sáng lập ra một đội thương-thuyền nhỏ, tưởng-lệ cho thương-nghiệp công-nghệ trong xứ, đó là mấy việc chính trong sự kinh-tế vận-động của quan Toàn-quyền, có nhẽ đến mùa đông sau này thì sẽ bắt đầu thấy kết-quả.

Quan Toàn-quyền Sarraut muốn thực hành cái câu : « có tài-chính tốt thì chính-trị mới hay được ». Mà quả-nhiên như vậy. Không có tiền thì làm thế nào mà kinh-doanh được những việc nhớn trong xứ này là xứ mới gọi là tập bước vào đường văn-minh tiến-bộ ngày nay. Vậy thì cái gốc chính-trị của quan Toàn-quyền ta là chủ làm cho dân được thêm giầu-có, mà khéo quân-phân của cải trong nước. Về sau rồi ta sẽ có dịp sét trong báo này những việc mưu-toan nhớn của ngài về đường ấy, những việc ấy nhờ tay ngài quả-quyết sẽ sắp đến ngày thực-hành được.

Quan Toàn-quyền đã chắc cái tiền-đồ xứ này thịnh-vượng thể nào, đã biết những tài-sản trong xứ này phong-phú là chừng nào, thì ngài sẽ rộng mở đường khoan-dung mà khai-hóa cho dân ta, như ngài đã từng công-cáo cho bọn ta biết ; những công-cuộc ngài hứa cho ta ấy sau này sẽ ích lọi cho dân An-nam ta vô cùng vậy.

Ai cũng nhớ những nhời diễn-thuyết của quan Toàn-quyền đọc tại Nam-định đầu tháng sáu vừa rồi, trong mấy bài diễn-thuyết ấy ngài đã kể qua cái chương-trình về việc học cao-đẳng mà ngài có ý muốn thi-hành nay mai. Hiện nay việc cải-lương sự học là cái vấn-đề quan-trọng nhất, cần-cấp nhất trong xứ ta. Sau này ta sẽ có dịp nhân những việc thực-hành của quan Toàn-quyền mà bàn riêng về cái vấn-đề ấy.

Trong tháng 7 này xứ Bắc-kỳ ta sẽ có một sự cải-cách nhớn, ảnh-hưởng rất là sâu-xa. Hoàng-thượng ta đã tỏ ý cùng với nhà nước bảo-hộ khởi-hành những sự cải-lương có ích cho dân ta, bèn định sắp tuyên-bố một bộ luật mới để bắt đầu thi-hành trong các tòa nam án xứ Bắc-kỳ. Hoàng-thượng tuyên-bố xong thì quan Toàn-quyền sẽ chuẩn-nhận cho phép thực-hành ngay, khiến cho những điều tệ-tập cũ chóng trừ được, cho dân ta được hưởng công-bằng hơn xưa. Trong một số sau bản-báo sẽ bàn kỹ về cách thi-hành luật mới ấy thế nào.

Mùa hạ năm nay quan Toàn-quyền sẽ vào nghỉ trong Nam-kỳ để giải-quyết mấy cái vấn-đề quan-trọng về việc kinh-tế trong nước. Song trước khi vào Nam-kỳ ngài sẽ đi kinh-lược mấy tỉnh phía bắc Trung-kỳ, cùng vào chơi kinh-đô, định khởi-hành lễ chính-trung ở trong ấy. Nhân thể ở Huế ngài sẽ cùng Hoàng-thượng điều-đình mọi việc về sự cải-lương pháp luật ở xứ Bắc-ký.

   




Chú thích

  1. Việc Tầu mỗi ngày một biến-đổi, bây giờ chưa biết rõ tình-hình ra làm sao. Đây là thuật đến đầu tháng 7 tây, còn việc về sau thì kỳ sau mới có thể nói tường được.