Ngô-châu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngô-châu[1] - 梧州
của Nguyễn Trãi
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

路入青梧景更嘉
岸邊陽柳映人家
九疑積翠峯如玉
二廣分流水若叉
琳觀空聞飛白鶴
仙人不見袖青蛇
火山冰井真奇事
舊俗相傳恐亦差

Lộ nhập Thanh Ngô cảnh cánh gia ;
Ngạn biên dương liễu ánh nhân gia[2].
Cửu nghi[3] tích thúy phong như ngọc ;
Nhị Quảng phân lưu thủy nhược thoa.
Lâm quán không văn phi bạch hạc[4] ;
Tiên nhân bất kiến tụ thanh xà[5].
Hỏa sơn[6] băng tỉnh[7] chân kỳ sự,
Cựu tục tương truyền khủng diệc sa (sai).

Đường vào Ngô-châu cảnh càng đẹp ;
Bên bờ cây dương liễu ánh vào nhà người
Đèo Cửu-nghi chứa biếc, núi mượt như ngọc ;
Miền Lưỡng-quảng chia dòng, nước như chẻ đôi.
Lâm-quán nghe nói có hạc trắng bay đi ;
Không thấy người tiên với rắn xanh trong tay áo.
Núi lửa và giếng băng thực là chuyện lạ ;
Tục xưa truyền lại sợ cũng sai thôi.

   




Chú thích

  1. Ngô Châu: một phủ ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, phủ lỵ là huyện Thương Ngô ngày nay
  2. Các bản Thi lục và Thi tuyển chép là « ánh nhân gia 映 人 家 ». Bản Dương Bá Cung chép là « thốc nhân gia »
  3. Cửu nghi: núi ở phía nam huyện Ninh Viễn tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, vì cũng gọi là núi Thương Ngô nên tác giả lầm núi ở Ngô Châu (tức huyện Thương Ngô) là núi Cửu Nghi
  4. Bạch hạc: tại huyện Thương Ngô, ở bờ phía tây sông Quế Giang có đền Bạch Hạc (Bạch Hạc quán). Trên thành Ngô Châu còn có lầu Bạch Hạc (Bạch Hạc lâu)
  5. Thanh xà: người tiên mang rắn xanh trong tay áo, không rõ sự tích ở đâu. Phủ Ngô Châu có lèn Tiên Du (Tiên Du nham), liền với Tứ Môn nham ở phía tây huyện Hoài Tập
  6. Hỏa sơn: tức là Xung tiêu sơn, ở phía nam huyện Thương Ngô. Lĩnh ngoại lục nói cứ năm ba đêm có lửa cháy ở đỉnh núi nên gọi là Hỏa sơn. Có tục truyền rằng vì Triệu Đà chôn kiếm thần ở đó nên nay thấy sáng
  7. Băng tỉnh: ở phía đông huyện Thương Ngô. Hoàn vũ ký chép rằng ở quận thành Ngô Châu có băng tuyền, dân cả quận uống nước ấy. Nguyễn Kết là kinh lược sứ Dung thành nói rằng vì đối với Hỏa sơn nên gọi là Băng tuyền (chứ không phải là có nước đá)