Người bạn trẻ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Người bạn trẻ
của Thạch Lam

Anh Bình! Tôi đang mải ngắm một cửa hàng, vội vàng quay lại, ngơ ngác nhìn xem ai gọi. Trên bờ hè phía bên kia, một người nhỏ bé, bận quần áo ta, miệng cười và giơ tay vẫy. Tôi chưa nhận rõ là ai. Người đó, đợi cho mấy chiếc xe tay đi khỏi, rồi tất tả chạy qua đường đến gần tôi, tay giơ ra vui vẻ.

- À, anh Bào.

Chúng tôi mừng rỡ. Bào nắm chặt lấy tay tôi, lay đi lay lại:

- Anh chưa quên tôi à?

Tôi đáp:

- Quên thế nào được một người bạn học cũ. Nhất là anh thì tôi lại càng nhớ lắm.

Một tia vui thoáng qua trong mắt Bào. Anh thong thả nói:

- Lâu lắm rồi anh nhỉ. Thấm thoát thế mà đã hơn bảy, tám năm đấy. Anh trông tôi có khác trước lắm không?

Tôi nhìn Bào từ đầu đến cuối, rồi đáp:

- Không khác mấy, chỉ có hơi gầy đi một chút. Nhưng cái vẻ "con gái" của anh thì vẫn vậy, không khác tí nào!

Hai chúng tôi cùng cười. Khi còn học ở trường, anh Bào vẫn có cái huy hiệu là"con gái" do anh em tặng. Vì hồi ấy, anh mới có mười ba tuổi chúng tôi học ở lớp nhất hai má anh hồng hồng và vẻ mặt anh nõn nà trông xinh xinh như một cô con gái thật. Mà tính tình anh cũng ngây thơ nữa.

Mới đầu còn gọi đùa, sau cái tên ấy thành quen, các bạn học ai cũng gọi anh Bào như thế. Chúng tôi thường trêu anh bằng cách gọi anh lại gần, xoa đầu anh mái tóc anh rất đẹp hôn đùa vào má rồi bảo: "Cô gái bé tôi xinh chửa", hoặc một câu khác tương tự. Anh Bào cố sức giang tay chúng bạn ra, mặt anh thẹn đỏ lên, trông lại càng đáng yêu và càng giống cô con gái lắm.

Sự nhắc lại những kỷ niệm chung ấy làm chúng tôi trở nên thân mật như xưa. Tôi khoác tay Bào vừa đi vừa nói chuyện.

- Tôi nghe hình như anh đang học ở ban thành chung Nam Định cơ mà. Sao bây giờ anh lại lên đây?

Bào buồn rầu đáp:

- Tôi bị đuổi rồi anh ạ. Từ đầu năm ngoái.

Anh kể lại cho tôi nghe cái duyên cớ: anh đang học năm thứ tư sắp thi ra, thì xảy ra việc các học trò để tang một nhà chí sĩ. Cả lớp cùng bị đuổi. Sau ít lâu, mọi người lại lục tục xin vào và được phép trở về học. Chỉ có anh và mấy người nữa, mà không biết kẻ nào đã vu cáo là cầm đầu cuộc bỏ học bị đuổi hẳn. Anh không minh oan được. Cả cha anh ở bên Thái cũng sang, vào nói với ông đốc, nhưng vô hiệu.

Từ độ ấy, thầy tôi giận tôi lắm. Nhà tôi nghèo, anh cũng biết, mà tôi lại là hy vọng độc nhất của cả gia đình, các em tôi thì còn bé.

Thầy mẹ tôi khổ sở lắm mới nuôi tôi ăn học đến thế. Vậy mà đột một cái bị đuổi.

Ngừng một lát, anh Bào tiếp:

- Tôi về nhà không chịu được. Thầy tôi cứ uống rượu say, rồi chửi mắng tôi là đứa con bất hiếu phụ công cha mẹ, không nghĩ gì đến nhà cửa, chỉ đua đòi anh em đến nỗi bị đuổi. Thầy tôi bắt phải ra Hà Nội tìm việc làm, bảo nếu không được thì đừng về trông thấy mặt nữa.

Anh Bào khẽ thở dài:

- Nếu không có công việc thì thật tôi cũng không dám về. Thầy tôi nghiêm lắm anh ạ.

- Sao anh không xin đi làm?

- Không được. Tôi bị cấm suốt đời không được làm việc trong các sở của nhà nước.

Anh Bào trở nên yên lặng. Một lát, tôi hỏi:

- Còn các nhà buôn? Các sở tư? Ấy, tôi cũng chỉ còn hy vọng ở những chỗ ấy. Nhưng cũng khó lắm, ít người dám mượn một người học trò bị đuổi và bị cấm. Đi đến đâu, họ cũng biết. Với lại tôi cũng không có các giấy chứng chỉ, vì có đi làm bao giờ.

Chúng tôi thôi nói, lặng đi rảo bước trên hè phố. Đến chợ cửa Nam, Bào giằng tôi ra, bảo:

- Tàu điện 80 đến rồi, tôi phải về nhà không họ đợi.

- Anh ở đâu?

Bào nở một nụ cười buồn trên miệng, trả lời:

- Tôi ở trọ một hàng cơm nhỏ ở dưới ô Cầu Giấy. Không dám mời anh xuống chơi.

- Thì anh đến chơi đàng tôi. Anh nhớ số nhà rồi chứ?

Bào nhảy vội lên xe điện, giơ tay chào. Tôi nói thêm:

- Thế nào anh cũng đến chơi nhé.

Xe chạy khuất vào chỗ rẽ phố hàng Đẫy. Tôi thong thả trở bước về nhà, trong óc miên man nghĩ ngợi.

Sự gặp gỡ này vớt lại bao nhiêu kỷ niệm về quãng đời học sinh của tôi ở tỉnh Thái. Những nét mặt bạn cũ đã quên lại hiện ra trong trí nhớ, với những buổi học vui vẻ, những cuộc nô đùa vô tư lự. Bao nhiêu ngày sung sướng của tổi trẻ!

Nghĩ đến Bào tôi đem lòng thương hại. Cậu bé con xinh xinh giống con gái ấy, với cái vẻ ngây thơ, hồi ấy làm cho chúng bạn yêu mến. Tôi thường theo anh đến nhà chơi, một căn nhà lá ở đầu tỉnh. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre nói chuyện bên cạnh, bà mẹ anh Bào tráng bánh trứng và thổi xôi để đem bán. Thỉnh thoảng tôi mới gặp thầy anh ta; ông có vẻ nghiêm nghị lắm, và hình như lúc nào cũng ung dung không làm gì.

Không nhớ là mấy tháng sau, anh Bào đến chơi tôi. Trông anh khác hẳn, người gầy đi một chút, và xanh xao như ốm. Anh hình như đã đi bộ nhiều ở ngoài đường, nên quần áo và giầy đầy những bụi.

Tôi mời anh ngồi, ân cần hỏi:

- Anh đã tìm được công việc làm chưa?

Bào lắc đầu:

- Chưa, anh ạ. Suốt trong mấy tháng nay, tôi đi khắp các nơi ở Hà Nội mà chẳng tìm được việc gì. Đến đâu người ta cũng từ chối.

Anh nghĩ một lát, rồi nói thêm:

- Người ta thật là bất công và vô lý quá. Tôi đã làm nên tội lỗi gì đâu!

Lời nói nghẹn ngào trong cổ họng anh. Anh ngồi thừ người ra, không buồn uống chén nước che của tôi mời. Tôi cũng yên lặng, không biết nói gì. Những lời an ủi lúc bấy giờ, tôi thấy hình như vô ích.

- Anh cứ chịu khó đợi ít lâu nữa xem. Để cái chuyện ấy người ta quên đi đã.

- Cũng đành phải chờ, chứ biết làm thế nào. Nhưng cũng phải có tiền để trả tiền trọ chứ.

Anh Bào cố mỉm cười. Cái cười thật đáng thương và ái ngại. Tôi nhìn kỹ anh: chiếc áo lương anh mặc đã cũ bạc, vá kín đáo một vài chỗ. Trên mặt anh có bao nhiêu nốt lấm chấm đỏ dày đặc cả hai má. Vô tình, tôi hỏi:

- Anh bị muỗi đốt dày cả mặt kia kìa.

Anh Bào có vẻ thẹn:

- Chỗ tôi không có màn và không được thoáng. Có khi muỗi đốt cả đêm không sao ngủ được.

Thấy người nhà tôi sửa soạn dọn cơm, anh đứng dậy cáo từ. Tôi tiễn anh ra ngoài cửa. Con đường về ô Cầu Giấy thẳng tăm tắp và bụi mù. Anh bắt tay tôi, toan quay lại đi thì tôi hỏi:

- Anh không đợi xe điện mà về à? Bào lắc đầu, vỗ vào túi:

- Không hết cả tiền rồi.

Tôi ái ngại, giữ anh lại: "Anh hãy đợi tôi một chút". Rồi vào nhà lấy mấy hào chỉ còn lại trong túi, ngượng nghịu đưa cho anh: "Anh cầm tạm mà đi xe".

Bào không nhìn đến tiền, bỏ vào túi rồi nắm chặt lấy tay tôi khẽ nói:

- Cám ơn anh.

Anh quay ra. Tôi nhìn theo cho đến khi anh lẫn vào đám người đi làm về.

Một tuần sau, tôi đang qua chợ cửa Nam, bỗng nghe thấy tiếng gọi. Một chiếc xe tay dừng lại sát hè. Tôi nhận thấy anh Bào, nằm ngay trên xe, bên cạnh có một người đàn bà đã đứng tuổi. Anh cố ngóc đầu dậy bảo tôi:

- Tôi về Thái đây, anh Bình.

Tiếng nói phều phào như người hết hơi. Mặt anh đỏ gay, hai mắt sáng lên một cách khác thường. Tôi sợ hãi hỏi:

- Chết chửa, anh làm sao thế?

- Tôi ốm, anh ạ. Bà chủ trọ sợ tôi chết ở nhà bà nên nhờ bà này đưa tôi về. Xin chào anh nhé.

Tôi sửng sốt, yên lặng. Người đàn bà nhìn tôi nói, như định phân trần:

- Cậu ấy sốt cả bảy tám hôm nay rồi. Bà Hai cũng đã sắc cho cậu ấy mấy chén thuốc nhưng bệnh không đỡ, nên mới nhờ tôi đưa cậu ấy về vậy. Ông cũng biết, nhà người ta làm ăn buôn bán, cần phải kiêng giữ.

- Nhưng anh đương ốm thế này thì về làm sao?

Anh Bào nhìn tôi không trả lời, có vẻ mệt nhọc lắm. Tiếng còi xe hỏa bỗng vang động ở phía ga. Người đàn bà giục anh phu xe:

- Thôi đi nhanh lên kẻo nhỡ.

Tôi nắm tay anh Bào. Bàn tay anh nóng rực như lửa. Tôi thấy lòng tôi thắt lại khi xe anh quay đi.

Hơn một năm đã qua. Từ hôm ấy, tôi không nhận được tin tức gì về anh Bào nữa. Hình ảnh anh mờ dần trong trí tôi.

Rồi một buổi chiều, tôi đang ngồi xem báo dưới bóng đèn thì cửa bỗng mở. Hai cậu bé mặc áo thâm thập thò ở ngoài rồi rụt rè bước vào. Tôi ngạc nhiên. Cậu nhớn úp cái mũ trắng trên ngực, lễ phép hỏi:

- Thưa ông, có phải đây là nhà ông Bình không ạ?

- Phải, tôi đây. Hai cậu hỏi gì?

Cậu bé yên lặng thò tay vào trong người lấy ra một cái gói con bọc giấy để trên bàn trước mặt tôi, rồi nói:

- Thưa ông, chúng tôi là em anh Bào.

- À... Thế anh Bào đâu?

Cậu bé sẽ trả lời:

- Anh chúng tôi tự tử rồi ạ.

Tôi bàng hoàng cả người, nhìn hai cậu bé. Tôi nhận thấy hai cái mũ trắng đều có quấn băng tang. Thế ra thực ư, anh Bào tự tử? Cái chán nản, đau khổ gì đã xui anh chết trong lúc còn trẻ trung chưa đầy hai mươi tuổi.

Hỏi chuyện, tôi mới biết anh Bào ở trên này về cứ ốm liên miên mãi. Rồi anh ở nhà không đi đâu nữa. Một buổi chiều đầu tháng vừa rồi, bà mẹ đi chợ về đến buồng thì đã thấy anh treo cổ trên xà. Người nhà vội khiêng đến nhà thương cứu chữa. Anh tỉnh lại một chốc, rồi đến mười một giờ đêm thì mất.

Cậu bé kể xong, tiếp thêm:

- Trước khi chết, anh tôi có gọi hai chúng tôi lại bảo: "Anh chỉ có một ngươi bạn tốt là ông Bình. Các em nhớ đem cái gói này đưa lên cho ông ấy."

Tôi giở ra, thấy có hai cái ảnh đã cũ. Một bức chụp chung cả lớp học, hồi còn học ở Thái. Tôi nhận thấy tôi đứng bên cạnh Bào. Còn bức kia là tấm ảnh nửa người của anh. Nhìn thấy cái vẻ xinh trai và ngây thơ của người bạn cũ, lòng tôi thấy nao nao thương tiếc. Nước mắt tràn lên mi, tôi thấy nghẹn ngào như muốn khóc.

Hai cậu bé cũng lặng lẽ, buồn rầu, đưa mắt nhìn tôi. Hai đứa trông giống anh Bào quá, cũng đôi mắt thông minh và cái vẻ kháu khỉnh ngây thơ như thế. Tôi chợt nghĩ đến sự nghèo nàn của nhà anh, đến hai đưa trẻ kia không có chỗ nương tựa để ăn học, thật là đáng thương.

Tôi xếp hai cái ảnh cũ lại rồi ngọt ngào bảo hai đứa ngồi xuống ghế. Tôi kêu khẽ:

- Hai em có thương anh ấy không?

Hai cậu cùng yên lặng. Cậu bé nhất bỗng ôm mặt khóc, hai vai nấc lên dưới tấm áo vải thâm đã cũ.