Người làng với con rắn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

     Coi trong cổ truyện Phan sa[1],
Có tên rẫy bái[2] cũng là người nhơn.
     Vụng điều tình thiệt so hơn,
Mùa đông ngày nọ, dời chơn dạo vườn.
     Một thân chơn tuyết đầu sương,
Chợt xem thấy Rắn giữa mương nằm dài.
     Lạnh queo, tê cứng, thảm thay!
Mau tay bắt lấy đem ngay vào nhà.
     Cạn lòng không biết lo xa,
Để gần hơi lửa thoắt đà ấm thân[3].
     Tỉnh hồn rồi lại vong ân,
Cất đầu hút gió, mình quần bỏ đi.
     Nghịch cùng người cứu tức thì,
Vậy nên kẻ ấy thì kỳ thở ra:
     “Bạc ôi[4]! Khen khéo thưởng ta!
Mấy đà muôn chết, ai tha mạng mầy.”
     Dứt lời, xách rựa phân thây,
Chặt lia hai rựa, chia rày làm ba:
     Đầu, đuôi, khúc giữa rẻ ra,
Rắn còn dảy dót[5], hiệp mà đặng đâu!
     Việc làm suy trước nghĩ sau:
Biết người biết mặt, biết đâu đặng lòng.
     Đoàn vô ngãi[6], lũ bất trong,
Cùng đời chết khổ, ai hòng xót thương.

   




Chú thích

  1. Phan sa, tức Francais, của, thuộc về nước Pháp.
  2. Tên rẫy bái: người nhà quê.
  3. Thoắt đà ấm thân: bỗng chốc mà con rắn hết bị cóng, [sống lại.]
  4. Bạc ôi, tức bạc bẽo lắm, không biết ơn gì hết.
  5. Dảy dót, tức nhảy nhót, Huình Tịnh Của giải thích là nói theo [giọng] một hai tĩnh ngoài. Nhưng tại sao ông Trương Minh Ký trong chữ nầy lại dùng cách nói của một hai tĩnh ngoài thì chưa rõ.
  6. Đoàn vô ngãi tức bọn, lũ bất nghĩa. Chữ đoàn nầy bây giờ khó hiểu, người ta thường chờ đợi chữ đồ ở chỗ nầy vì thường nghe: đồ vô nghĩa, lũ bất nhơn