Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về một số vấn đề quốc tế và hoạt động đối ngoại của Nhà nước

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về một số vấn đề quốc tế và hoạt động đối ngoại của Nhà nước  (1988) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1988.

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

- Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp;

- Sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong 6 tháng đầu năm 1988;

QUYẾT NGHỊ

1- Tán thành hoạt động đối ngoại của Hội đồng Bộ trưởng trong thời gian qua nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt nam. Những hoạt động đó đã góp phần quan trọng củng cố quan hệ giữa nước ta với Liên xô, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Cộng hoà nhân dân Căm-Pu-Chia và các nước anh em bè bạn, mở rộng quan hệ quốc tế của Nước ta, góp phần củng cố hoà bình ở Đông Nam á và trên thế giới.

2- Hoan nghênh kết quả cuộc gặp gỡ cấp cao Xô - Mỹ vừa qua và ủng hộ những cố gắng to lớn của Liên xô trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn, phức tạp nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân, bảo vệ hoà bình thế giới và an ninh của các dân tộc. Ủng hộ tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước không liên kết họp tại La-Ha-Ba-Na tháng 5 năm 1988 và cuộc đấu tranh của các nước không liên kết cho giải trừ quân bị, hoà bình, độc lập và phát triển.

3- Hoan nghênh Hiệp định Giơ Ne Vơ về giải pháp chính trị cho các vấn đề sung quanh áp-ga-ni-xtan, hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân áp- ga-ni-xtan nhằm thi hành Hiệp định, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng một nước áp-ga-ni-xtan hoà bình, độc lập, trung lập và không liên kết.

4- Tán thành lập trường nguyên tắc và thiện chí của Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam trong các tuyên bố của Bộ ngoại giao và của Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội về vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một lần nữa Quốc hội khẳng định chủ quyền của Việt nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhấn mạnh sự cần thiết các bên giải quyết tranh chấp về hai quần đảo đó bằng thương lượng hoà bình, trong khi chờ đợi giải quyết bằng đàm phán, các bên không dùng vũ lực và không làm cho tình hình xấu thêm.

Thay mặt đồng bào cả nước, Quốc hội nhiệt liệt biểu dương cán bộ và chiến sỹ đã gian khổ hy sinh, anh dũng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

5- Hoan nghênh quyết định của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam và Cộng hoà nhân dân Cam Pu Chia về việc rút 5 vạn quân và Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt nam ở Cam pu chia về nước trong năm 1988, coi đó là việc đóng góp quan trọng vào việc giải quyết bằng chính trị vấn đề Cam pu chia vì hoà bình, ổn định ở Đông Nam á.

Quốc hội nhiệt liệt biểu dương cán bộ và chiến sỹ quân tình nguyện Việt nam tại Cam pu chia đã thực hiện xuất sắc nghĩa vụ quốc tế, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt nam anh hùng.

Quốc hội hoan nghênh kết quả của hai vòng đàm phán giữa Chủ tịch Hun xen và Hoàng thân Xi Ha Núc và hy vọng các cuộc gặp gỡ đó sẽ được tiếp tục; ủng hộ cuộc gặp gỡ không chính thức theo hai giai đoạn giữa các bên Cam pu chia và các nước liên quan trong đó có Việt nam theo nguyên tắc thoả thuận giữa Việt nam và Inđônêxia trong thông cáo chung ngày 29 tháng 7 năm 1987 tại thành phố Hồ Chí Minh.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam khóa VIII kỳ họp thứ 3, thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1988.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".