Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về công tác văn hóa xã hội

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về công tác văn hóa xã hội  (1957) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 22 tháng 1 năm 1957.

Sau khi nghe và thảo luận bản báo cáo của Chính phủ về công tác văn hoá xã hội,

QUYẾT NGHỊ:

1- Trong 2 năm qua, mặc dầu gặp nhiều khó khăn và trở ngại, công tác văn hoá xã hội đã thu được nhiều thành tích khả quan. Đời sống văn hoá của nhân dân đã được nâng cao một bước, việc học tập của nhân dân đã được phát triển mạnh; việc bảo vệ sức khoẻ của cán bộ, bộ đội và nhân dân đã có tiến bộ; việc giải quyết các tệ nạn xã hội đã thu được nhiều kết quả; những tàn tích văn hoá nô dịch đã bị quét dần; một nền đạo đức mới đang thành hình; bộ mặt văn hoá thành thị và nông thôn đang đổi mới.

Tuy nhiên, một vài ngành đã phát triển quá khả năng của ta, do đó chất lượng công tác bị ảnh hưởng.

2- Quốc hội hoàn toàn tán thành phương châm và nhiệm vụ công tác văn hoá xã hội mà Đảng và Chính phủ đã đề ra cho năm 1957, và nhất trí thông qua các chủ trương công tác sau đây :

A) Về văn hoá : Tiếp tục mở rộng các hoạt động văn hoá, nhằm nâng cao đời sống văn hoá vui tươi lành mạnh và trình độ văn hoá của nhân dân để phục vụ nhiệm vụ củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Tăng cường công tác xuất bản; chú trọng xây dựng cơ sở đầu tiên cho nền điện ảnh Việt Nam; phát triển vững chắc ngành sân khấu và ca vũ; lập thêm tủ sách và nhà văn hoá, câu lạc bộ ở các cơ sở và tăng cường lãnh đạo sinh hoạt văn nghệ, văn hoá của quần chúng; đẩy mạnh và lãnh đạo phong trào thể dục thể thao. Đồng thời phải nâng cao chất lượng của nền văn học, nghệ thuật; đào tạo bồi dưỡng thêm nhiều tài năng mới, chú trọng khai thác hơn nữa vốn cũ văn hoá dân tộc và tăng cường trao đổi văn hoá với các nước; học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến.

B) Về giáo dục : Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh toán nạn mù chữ, đặc biệt chú trọng giậy văn hoá cho các cán bộ cơ sở, có kế hoạch mở rộng phong trào học tập trong các cơ quan, xí nghiệp, quân đội.

Đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là phát triển tuỳ theo khả năng, và nâng cao chất lượng cấp 2 và 3, chú ý đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường số lượng và chất lượng các sách giáo khoa, ban hành chính sách cụ thể đối với các trường dân lập và tư thục, tăng cường lãnh đạo giáo dục miền núi, súc tiến việc nghiên cứu đặt chữ viết cho các dân tộc thiểu số, và có kế hoạch hướng dẫn các lớp vỡ lòng.

Về đại học và chuyên nghiệp, cần củng cố những cơ sở đã có và phát triển từng bước. Tăng cường việc giáo dục chính trị và tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, ra sức bồi dưỡng và đào tạo giáo sư, chú ý rút kinh nghiệm cải tiến chương trình. Xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học. Cải tiến việc bổ túc văn hoá cho cán bộ công nông để đưa vào các trường đại học, chuyên nghiệp.

C) Về y tế : Mở rộng phong trào vệ sinh phòng bệnh, nâng cao chất lượng các cơ sở chữa bệnh, kiện toàn việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ các cấp, cải tiến và tăng cường việc sản xuất, nhập nội thuốc và sử dụng nguyên liệu trong nước. Đặc biệt chú ý công tác y tế và vệ sinh ở miền núi, công tác bảo vệ sản phụ và hài nhi. Y tế công trường, nông trường, xí nghiệp, cơ quan cần chú trọng để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ và bồi dưỡng sức khoẻ cho công nhân và cán bộ, nhất là phụ nữ. Việc nghiên cứu đông y và sử dụng hợp lý, theo khả năng lực lượng đông y cũng như học tập kinh nghiệm y học tiên tiến của các nước bạn và thế giới, cần được tổ chức tích cực và chu đáo hơn, để xây dựng và phát triển nền y tế nhân dân.

D) Về công tác thương binh : Phổ biến sâu rộng trong nhân dân chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, chú ý thương binh, bệnh binh về xã, nhất là thương binh, bệnh binh miền Nam tập kết.

E) Về cứu tế xã hội: Nghiên cứu kế hoạch giải quyết lâu dài nạn thiếu ăn của nhân dân các vùng úng thuỷ, đồng cao, dẻo cao, men bể; tích cực cải tạo các trẻ lưu manh, gái điếm; tìm hiểu tình hình các trẻ mồ côi do chiến tranh gây ra, để nghiên cứu cách giải quyết.

3- Để thúc đẩy công tác văn hoá xã hội tiến mạnh hơn nữa, Quốc hội nhận thấy cần phổ biến cho nhân dân và cán bộ vai trò quan trọng của công tác văn hoá, xã hội, trong sự nghiệp kiết thiết quốc gia, cần thi hành những chủ trương, đảm bảo việc đoàn kết, giáo dục, sử dụng mọi khả năng của trí thức, đãi ngộ trí thức đúng với cống hiến và tài năng.

Hiện nay công tác văn hoá xã hội đã đạt được một cơ sở tương đối vững chắc. Với sức sống mạnh mẽ của nhân dân ta, với việc hoàn thành khôi phục kinh tế năm 1957, với sự cố gắng của cán bộ, Quốc hội tin tưởng rằng : công tác văn hoá xã hội sẽ góp phần đắc lực vào công cuộc củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".