Nghị quyết về công tác phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết về công tác phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất  (1953) 
của Ban Thường trực Quốc hội Việt NamỦy ban Liên Việt toàn quốc

Nghị quyết được ban hành ngày 1 tháng 3 năm 1953 và hết hiệu lực ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Hội nghị liên tịch giữa Ban thường trực Quốc hội Việt Nam và Uỷ ban Liên-Việt toàn quốc họp từ ngày 25-2 đến ngày 1-3-1953; nghe báo cáo của các vị đại biểu, và sau khi đã thảo luận kỹ hoàn toàn tán thành chủ trương phóng tay phát động quần chúng nông dân thực hiện chính sách ruộng đất do Hồ Chủ tịch và Đảng lao động Việt Nam đề ra. Căn cứ vào báo cáo của Đảng lao động Việt Nam và đề nghị của Ban liên lạc nông dân toàn quốc; Hội nghị quyết nghị:

1- Lấy công tác phóng tay phát động quần chúng nông dân làm công tác trung tâm trong năm 1953, nhằm mục đích đánh đổ thế lực phản động, làm yếu thế lực phong kiến về mặt kinh tế, đập tan thế lực phong kiến về mặt chính trị, đem lại quyền lợi vật chất và giành ưu thế chính trị cho nông dân lao động ở nông thôn.

2- Thực hiện chính sách ruộng đất hiện nay:

- Triệt để giảm tô (bao gồm thoái tô) thực hiện giảm tức;

- Chia hẳn ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian bù nhìn cho những nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng;

- Chia hết công điền, công thổ cho những nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng;

- Sử dụng hợp lý ruộng đất của những chủ ruộng hiện ở trong vùng tạm bị chiếm và của những chủ ruộng vắng mặt chưa rõ tung tích;

3- Nông hội chuẩn bị kế hoạch tiến hành cuộc phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất nói trên.

4- Đề nghị với Chính phủ thể theo nghị quyết của hội nghị, bổ sung các sắc lệnh và nghị định về chính sách ruộng đất.

5- Nhiệm vụ của các đoàn thể, các đại biểu Quốc hội và hội viên trong Mặt trận là phải chấp hành đúng những chính sách đã đề ra, phải tham gia tích cực vào phong trào phát động quần chúng, ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân, đem lại quyền lợi chính đáng cho nông dân.

6- Nhân cuộc phát động quần chúng này, chỉnh đốn và phát triển tổ chức của Mặt trận, đưa ra ngoài Mặt trận những phần tử phản động phá hoại và ngoan cố, thu hút những phần tử tích cực kháng chiến và chấp hành mọi chính sách của Chính phủ và Mặt trận, làm cho Mặt trận thêm vững chắc và lớn mạnh.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".