Nghị quyết về việc sửa Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết về việc sửa Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (1988) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 22 tháng 12 năm 1988.

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 83 và Điều 147 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, tháng 6 năm 1988;

Sau khi xem xét đề nghị của Hội đồng bộ trưởng, Uỷ ban đối ngoại và Uỷ ban pháp luật của Quốc hội;

Đề phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay;

QUYẾT NGHỊ:

Sửa Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nội dung như sau:

"Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm để dựng nước và giữ nước. Cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ vì độc lập, tự do đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đi con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân ta đã lần lượt chiến thắng bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, một thành viên của cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới.

Năm 1945, sau khi quân đội Liên Xô đánh thắng chủ nghĩa phát xít, nhân dân ta đã làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu á, ra đời.

Nhưng bọn thực dân, đế quốc đã xâm lược nước ta một lần nữa. "Thà hy sinh tất cả chức không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nhân dân ta kháng chiến lâu dài chống quân xâm lược, thực hiện cải cách ruộng đất. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân. Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết trên cơ sở công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và của cuộc kháng chiến chống thực dân mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

Với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng, chia cắt lâu dài nước ta, đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia vào phòng tuyến phản cách mạng, bọn đế quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ man rợ đối với nước ta. Thấm nhuần chân lý "không có gì quý hơn độc lập, tự do", nhân dân ta chiến đấu anh dũng, quyết giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Chiến thắng dồn dập của nhân dân Việt Nam, cùng với chiến thắng của nhân dâm Lào và nhân dân Cam-pu-chia, đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri năm 1973 về Việt Nam.

Mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trọn vẹn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ba mươi năm chiến đấu gian khổ, miền Nam, thành đồng Tổ quốc, được hoàn toàn giải phóng.

Trong khi toàn dân ta kháng chiến, cứu nước, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã đạt được những thành tựu to lớn: thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tiến hành cách mạng tư tưởng và văn hoá, vừa xây dựng vừa chiến đâu, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống xâm lược đối với miền Nam anh hùng.

Thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung và thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược báo hiệu sự phá sản hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới, góp phần củng cố và mở rộng hệ thống thế giới của chủ nghĩa xã hội, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và dân chủ, đẩy mạnh thế tiến công của ba dòng thác cách mạng của thời đại.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước thực hiện thống nhất Tổ quốc. Tháng 7 năm 1976, nước ta lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, đồng thời luôn luôn phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, tiếp tục đấu tranh kiên cường bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Cách mạng Việt Nam liên tiếp giành được thắng lợi to lớn là do Đảng cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, vạch ra đường lối đúng đắn để lãnh đạo cách mạng nước ta; giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; củng cố liên minh công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo; đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân; không ngừng củng cố chính quyền cách mạng; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, phối hợp sức mạnh của nhân dân ta với phong trào cách mạng của nhân dân thế giới; kết hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao.

Đó là thắng lợi của lòng yêu nước nông nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần hy sinh không bờ bến của đồng bào và chiến sĩ cả nước một lòng một dạ vì sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác giúp nhau giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu, sự viện trợ to lớn và có hiệu quả của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác đối với cách mạng Việt Nam; thắng lợi của các lực lượng độc lập dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới đã tích cực ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Đồng bào ta trải qua biết bao hy sinh, gian khổ mới có ngày nay ! Tiền đồ hết sức vẻ vang, nhưng nhiệm vụ rất nặng nề. Toàn dân ta quyết tăng cường đoàn kết, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hăng hái tiến lên theo đường lối mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra:

"Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hoá đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp này tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thể chế ý chí và nguyện vọng của nhân dân việt Nam, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời gian tới.

Là Luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nó thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam.

Toàn thể nhân dân Việt Nam đoàn kết chặt chẽ dưới lá cờ bách chiến bách thắng của Đảng cộng sản Việt Nam, ra sức thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa".


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 4, thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1988.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".