Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (1985) 
của Hội đồng Nhà nước Việt Nam

Pháp lệnh số 16-LCT/HĐNN7 được thông qua ngày 30 tháng 5 năm 1985, ban hành và có hiệu lực ngày 4 tháng 6 năm 1985, và hiện vẫn còn hiệu lực.

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên, khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật,giáo dục và y tế;

Theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng;

Pháp lệnh này quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc.

Điều 1[sửa]

Quy định các danh hiệu vinh dự Nhà nước: "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" và "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú".

Điều 2[sửa]

Danh hiệu: "Nghệ sĩ nhân dân" và "Nghệ sĩ ưu tú" tặng những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật (kể cả đạo diễn, quay phim v.v.) đạt được những tiêu chuẩn sau đây:

a) Danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" tặng những nghệ sĩ trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có tài năng xuất sắc, có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

b) Danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" tặng những nghệ sĩ trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân.

Điều 3[sửa]

Danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" và "Nhà giáo ưu tú" tặng những giáo viên phổ thông, cô nuôi dạy trẻ đạt được những tiêu chuẩn sau đây:

a) Danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" tặng những giáo viên phổ thông, cô nuôi dạy trẻ trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, tha thiết yêu nghề, thương yêu học sinh, có đạo đức gương mẫu, có tài năng sư phạm xuất sắc, có nhiều công lao lớn trong sự nghiệp giáo dục, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội, được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.

b) Danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" tặng những giáo viên phổ thông, cô nuôi dạy trẻ trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, yêu nghề, thương yêu học sinh, có đạo đức gương mẫu, có tài năng sư phạm, có nhiều công lao trong sự nghiệp giáo dục, được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tín nhiệm.

Điều 4[sửa]

Danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân" và "Thấy thuốc ưu tú" tặng những bác sĩ, y sĩ, thầy thuốc y học dân tộc đạt được những tiêu chuẩn sau đây:

a) Danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân" tặng những thầy thuốc trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức tốt, hết lòng thương yêu người bệnh, có tài năng và có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, có ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân, được người bệnh và đồng nghiệp tin cậy, kính trọng.

b) Danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" tặng những thầy thuốc trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức tốt, hết lòng thương yêu người bệnh, có tài năng, có nhiều thành tích xuất sắc trong nghề, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tín nhiệm.

Điều 5[sửa]

Danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" và "Nghệ sĩ ưu tú" được xét và công bố hai năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9.

Danh hiệu "Nhà giáo nhân dân và "Nhà giáo ưu tú" được xét và công bố hai năm một lần vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Danh hiệu: "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" được xét và công bố hai năm một lần vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Người được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước được cấp bằng chứng nhận, huy hiệu và một số tiền hoặc hiện vật.

Điều 6[sửa]

Việc công nhận các danh hiệu vinh dự Nhà nước nói trên do Hội đồng Nhà nước quyết định, theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 7[sửa]

Người đã được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, nếu tỏ ra không còn xứng đáng với danh hiệu ấy nữa, thì Hội đồng bộ trưởng xem xét và đề nghị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước quyết định xoá bỏ danh hiệu đã được tặng.

Điều 8[sửa]

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".