Pháp lệnh về thuế nông nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Pháp lệnh về thuế nông nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (1983) 
của Hội đồng Nhà nước Việt Nam

Pháp lệnh số 9-LCT/HĐNN7 được thông qua ngày 25 tháng 2 năm 1983, ban hành và có hiệu lực ngày 3 tháng 3 năm 1983, hết hiệu lực ngày 24 tháng 7 năm 1983.

Để chính sách thuế nông nghiệp được công bằng, hợp lý và thống nhất trong cả nước, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, khuyến khích thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích trồng trọt ;

Căn cứ vào Điều 83 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá VII, kỳ họp thứ 4, ngày 28 tháng 12 năm 1982 ;

Pháp lệnh này quy định về thuế nông nghiệp.

Chương I: Những quy định chung[sửa]

Điều 1[sửa]

Mọi tổ chức và cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, hoặc các loại đất khác vào sản xuất nông nghiệp, đều có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp.

Điều 2[sửa]

Căn cứ để tính thuế nông nghiệp là :

A) Diện tích và hạng đất, đối với đất trồng cây hàng năm.

B) Diện tích và sản lượng hàng năm, hoặc giá trị sản lượng hàng năm, đối với đất vườn và đất trồng cây lâu năm.

Thuế nông nghiệp chủ yếu thu bằng thóc. Việc thu bằng nông sản khác hoặc bằng tiền thay cho hiện vật, do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 3[sửa]

Đất khai hoang, đất phục hoá chưa phải chịu thuế nông nghiệp, kể từ vụ thu hoạch đầu tiên, trong thời hạn như sau :

A) Đối với đất khai hoang : từ 3 đến 5 năm.

B) Đối với đất phục hoá : từ 1 đến 3 năm.

Thời hạn chưa phải chịu thuế nông nghiệp đối với từng trường hợp do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc đơn vị hành chính tương đương quyết định, xét theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 4[sửa]

Đối với đất khai hoang, phục hoá thuộc các vùng kinh tế mới đã đến hạn phải chịu thuế, nhưng sản xuất và đời sống của người khai hoang, phục hoá còn nhiều khó khăn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc đơn vị hành chính tương đương xét, quyết định kéo dài thêm thời hạn chưa phải chịu thuế nông nghiệp. Thời gian kéo dài thêm không quá 5 năm, đối với đất hoang ; không quá 3 năm, đối với đất phục hoá.

Điều 5[sửa]

Đối với đất ở miền núi, nơi nhân dân mới chuyển sang định canh, định cư, đời sống chưa ổn định, hoặc đối với đất ở vùng rẻo cao, nếu sản xuất còn nhiều khó khăn, thì Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, quyết định thời hạn chưa phải chịu thuế nông nghiệp.

Điều 6[sửa]

Đất ở không phải chịu thuế nông nghiệp.

Chương II: Cách tính thuế và biểu thuế[sửa]

Điều 7[sửa]

Căn cứ vào độ phì (nông hoá, thổ nhưỡng) và điều kiện tưới, tiêu, thể hiện ở năng xuất trung bình hàng năm trong điều kiện canh tác bình thường, đất trồng cây hạng năm được phân là 7 hạng như sau :

Hạng đất Năng suất trung bình hàng năm tính bằng Ki - lô - gam thóc trên 100 mét vuông
1 Từ 50 kg trở lên
2 Từ 40 kg đến dưới 50 kg
3 Từ 30 kg ;; 40 kg
4 Từ 25 kg ;; 30 kg
5 Từ 20 kg ;; 25 kg
6 Từ 15 kg ;; 20 kg
7 Dưới 15 kg

Việc phân hạng đất do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Bảng phân hạng đất, sau khi được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc đơn vị hành chính tương đương duyệt và Hội đồng bộ trưởng phê chuẩn, được dùng làm căn cứ tính thuế trong thời hạn 5 năm.

Điều 8[sửa]

Đất trồng cây hàng năm chịu thuế theo định xuất như sau :

Hạng đất Định suất tính bằng ki-lô-gam thóc trên 100 mét vuông
Xã đồng bằng Xã trung du Xã miền núi
1 7,0 6,5 5,8
2 5,6 5,2 4,6
3 4,2 3,9 3,5
4 3,5 3,2 2,9
5 2,8 2,6 2,3
6 2,1 1,9 1,7
7 1,0 0,8 0,6

Đất trồng cây dược liệu đặc biệt, chịu thuế theo quy định riêng.

Điều 9[sửa]

Đối với đất vườn, đất trồng cây lâu năm, thuế tính theo tỷ lệ trên sản lượng hàng năm hoặc giá trị sản lượng hàng năm, tuỳ theo loại cây trồng :

1- Cây lấy gỗ, cây lấy lá 8%

2- Cây ăn quả 10% đến 30%

3- Cây công nghiệp lâu năm và cây khác 12%

Thuế suất áp dụng cho từng loại cây ăn quả, có tính đến quy mô vườn cây ăn quả của mỗi hộ, do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Sản lượng hàng năm hoặc giá trị sản lượng hàng năm của từng loại cây do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác định, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ; sau khi được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc đơn vị hành chính tương đương duyệt, thì được dùng làm căn cứ tính thuế.

Điều 10[sửa]

Đối với đất do hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp sử dụng, tính thuế theo quy định ở Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh này.

Đối với phần đất, kể cả đất vườn, đất trồng cây lâu năm giao lại cho xã viên, tập đoàn viên để làm kinh tế phụ gia đình, thuế tính như đối với đất do hợp tác xã, tập đoàn sản xuất sử dụng.

Điều 11[sửa]

Đối với đất do nông trường quốc doanh và các trạm, trại quốc doanh sử dụng, thì không áp dụng chế độ thuế nông nghiệp, mà áp dụng chế độ giao nộp sản phẩm và các chế độ thu của Nhà nước đối với xí nghiệp quốc doanh.

Đối với phần đất giao lại cho cán bộ, công nhân, viên chức nông trường, trạm trại để làm kinh tế phụ gia đình, thì thuế tính theo quy định ở Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh này.

Điều 12[sửa]

Đối với đất do các hộ nông dân cá thể sử dụng, thuế tính theo quy định ở Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh này, cộng thêm một khoản phụ thu tính trên tổng số thuế của hộ, không kể số thuế đối với đất hạng 7, đối với đất vườn và đất trồng cây lâu năm.

Tỷ lệ phụ thu được xác định căn cứ vào diện tích đất sử dụng của mỗi hộ, không tính đất hạng 7, đất vườn và đất trồng cây lâu năm.

Mức diện tích để tính phụ thu Tỷ lệ phụ thu
Từ 0,5 ha trở xuống Không tính phụ thu
Trên 0,5 đến 1 ha 10%
Trên 1 ha đến 2 ha 20%
Trên 2 ha đến 3 ha 40%
Trên 3 ha 60%

Điều 13[sửa]

Đối với đất do các tổ chức và cá nhân khác sử dụng để sản xuất nông nghiệp, thuế tính theo quy định ở Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh này.

Điều 14[sửa]

Thuế nông nghiệp thu mỗi năm một hoặc hai lần theo thời vụ của các cây trồng chính trong năm. Mức thuế phải nộp từng vụ và thời hạn nộp thuế do Hội đồng bộ trưởng quy định cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và đơn vị hành chính tương đương.

Chương III: Giảm thuế, miễn thuế[sửa]

Điều 15[sửa]

Thuế nông nghiệp có thể được giảm hoặc miễn trong các trường hợp sau đây :

A) Do thiên tai, địch hoạ mà mùa màng bị thiệt hại nặng.

B) Do tổ chức lại sản xuất hoặc thay đổi quy hoạch và phương án kinh tế - kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt mà thu nhập của tổ chức, cá nhân chịu thuế bị giảm sút nhiều so với trước.

Điều 16[sửa]

Những hộ trước đây được miễn thuế, nay phải nộp thuế theo Pháp lệnh này, nếu đời sống có nhiều khó khăn, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt, thì được miễn phụ thu quy định ở Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 17[sửa]

Những hộ là gia đình thương binh, liệt sĩ, nếu đời sống có nhiều khó khăn, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận và được Uỷ ban nhân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt, thì được miễn phụ thu. Sau khi miễn phụ thu mà đời sống vẫn còn khó khăn thì được xét giảm thuế.

Điều 18[sửa]

Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể việc giảm thuế, miễn thuế trong các trường hợp nói ở Điều 15, Điều 16, Điều 17 của Pháp lệnh này.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương , hoặc đơn vị hành chính tương đương được quyền quyết định giảm thuế, miễn thuế trong các trường hợp nói ở Điều 15, Điều 16, Điều 17 của Pháp lệnh này, trong phạm vi không quá 5% tổng số thuế ghi thu cả năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc đơn vị hành chính tương đương. Trong trường hợp cần miễn, giảm quá mức quy định trên đây thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc đơn vị hành chính tương đương đề nghị Hội đồng bộ trưởng quyết định.

Chương IV: Tổ chức thực hiện[sửa]

Điều 19[sửa]

Hội đồng bộ trưởng lãnh đạo việc tổ chức thực hiện toàn bộ công tác thuế nông nghiệp.

Bộ Tài chính tổ chức thực hiện công tác thuế nông nghiệp và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác này.

Các ngành hữu quan từ trung ương đến địa phương, phải làm tròn trách nhiệm đối với công tác thuế nông nghiệp trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình.

Điều 20[sửa]

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc đơn vị hành chính tương đương có nhiệm vụ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp và các ngành trong địa phương tổ chức thực hiện công tác thuế nông nghiệp trong địa phương mình ; bảo đảm thu thuế đúng chính sách, đạt chỉ tiêu, đúng thời hạn ; kiện toàn bộ máy thu thuế ; kịp thời động viên, khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng các tổ chức và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thuế nông nghiệp.

Điều 21[sửa]

Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới thực hiện công tác thuế nông nghiệp ; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc xác định diện tích chịu thuế, phân hạng đất, xác định sản lượng đất vườn và đất trồng cây lâu năm, tính thuế, lập sổ thuế và thu thuế ; duyệt sổ thuế đúng thời hạn ; chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc giảm thuế, miễn thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 22[sửa]

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác thuế nông nghiệp ở địa phương mình : tuyên truyền, giải thích chính sách thuế nông nghiệp ; kiểm kê diện tích chịu thuế, phân hạng đất, xác định sản lượng đất vườn và đất trồng cây lâu năm, tính thuế, lập sổ thuế ; tổ chức thu thuế và nhập kho thóc thuế ; kiện toàn tổ chức giúp việc là Ban thuế nông nghiệp xã, phường, thị trấn.

Điều 23[sửa]

Mọi tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp phải kê khai đúng diện tích, hạng đất cây hàng năm, sản lượng đất vườn và đất trồng cây lâu năm, nộp đủ và đúng hạn số thuế phải nộp.

Tổ chức và cá nhân nào thấy việc thi hành chính sách thuế nông nghiệp đối với đơn vị hoặc bản thân mình không đúng pháp luật thì có quyền khiếu nại với Uỷ ban nhân dân nơi lập sổ thuế. Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định của Uỷ ban nhân dân nơi mình khiếu nại thì có quyền khiếu nại lên Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành.

Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại vẫn phải nộp đủ và đúng hạn số thuế ấn định.

Chương V: Khen thưởng và xử phạt[sửa]

Điều 24[sửa]

Địa phương, tổ chức hoặc cá nhân nào có nhiều thành tích trong công tác thuế nông nghiệp thì được khen thưởng.

Bộ Tài chính được trích bằng tiền một tỷ lệ nhất định trên số thuế thu được hàng năm để thành lập quỹ khen thưởng về công tác thuế nông nghiệp.

Mức trích, thể thức lập và sử dụng quỹ khen thưởng do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 25[sửa]

1- Tổ chức hoặc cá nhân nào có hành vi gian lận trong việc tính thuế, nộp thuế, hoặc dây dưa trong việc nộp thuế thì bị xử phạt theo một hoặc nhiều hình thức dưới đây :

A) Cảnh cáo.

B) Phạt tiền hoặc hiện vật đến hai lần số thuế thiếu.

2- Người nào cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi Hành Pháp lệnh này, hoặc cản trở việc điều tra và xử lý các vụ vi phạm Pháp lệnh thì tuỳ theo mức độ nhẹ, nặng mà bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Điều 26[sửa]

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm Pháp lệnh về thuế nông nghiệp, làm trái các quy định về thuế nông nghiệp, hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thi hành Pháp lệnh về thuế nông nghiệp, thì bị xử lý theo kỷ luật hành chính. Nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy tố trước pháp luật.

Chương VI: Điều khoản cuối cùng[sửa]

Điều 27[sửa]

Những quy định trước đây về thuế nông nghiệp trái với Pháp lệnh này, đều bãi bỏ.

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".