Phát biểu của Tổng thống trước toàn dân nhân kết thúc các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phát biểu của Tổng thống trước toàn dân nhân kết thúc các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq  (2010) 
của Barack Obama, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Phòng Bầu dục vào thứ 3, ngày 31 tháng 8 năm 2010, nhân kết thúc các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq.

Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Phòng Bầu dục nhân kết thúc các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq.

Phòng Bầu dục

8:00 tối EDT

TỔNG THỐNG: Xin chào tất cả. Tối nay, tôi xin phát biểu đôi lời về việc kết thúc các hoạt động của chúng ta tại Iraq, về những thách thức an ninh mà chúng ta vẫn tiếp tục phải đương đầu, và về sự cần thiết phải tái thiết đất nước Hoa Kỳ của chúng ta tại đây.

Tôi biết rằng thời khắc lịch sử này xảy ra vào một thời điểm đầy bất trắc đối với nhiều người dân Mỹ. Giờ đây, chúng ta đã trải qua gần một thập kỷ chiến tranh. Chúng ta vừa phải chịu đựng một cuộc suy thoái kinh tế dài đầy khó khăn. Và trong những cơn bão tố đó, đôi khi chúng ta cảm thấy dường như tương lai thật khó đoán định – một tương lai mà chúng ta đang cố gắng tạo dựng cho đất nước mình, một tương lai của hòa bình và thịnh vượng dài lâu.

Nhưng dấu mốc này sẽ là một lời nhắc nhở cho tất cả những người dân Mỹ rằng chính chúng ta là người định đoạt tương lai nếu chúng ta tự tin và quyết tâm tiến lên phía trước. Đây cũng là một thông điệp gửi tới toàn thế giới rằng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ khẳng định mong muốn duy trì và củng cố vai trò đầu tàu của chúng ta trong thế kỷ mới này.

Cách đây 7 năm rưỡi, tại bàn làm việc này, cựu Tổng thống Bush đã tuyên bố khởi động các hoạt động quân sự của chúng ta tại Iraq. Kể từ đó đến nay, nhiều thay đổi đã diễn ra. Một cuộc chiến nhằm tước bỏ quyền lực của một chính quyền đã trở thành một cuộc chiến chống lại sự nổi dậy. Chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh tôn giáo, sắc tộc đã đẩy đất nước Iraq đến nguy cơ bị chia cắt nghiêm trọng. Hàng ngàn lính Mỹ đã hy sinh; hàng chục ngàn chiến binh khác đã bị thương. Quan hệ ngoại giao của chúng ta với các nước khác trở nên căng thẳng. Sự thống nhất trong nội bộ đất nước cũng đang bị thử thách.

Đây là những thực tế gai góc mà chúng ta đã phải trải qua trong một trong những cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ. Tuy vậy, lại có một điều không hề thay đổi dù thế cuộc có những thăng trầm. Tại mọi thời điểm, những người lính Mỹ, dù là nam giới hay phụ nữ, đều đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm và quyết tâm. Với tư cách là tổng tư lệnh, tôi hết sức tự hào về tinh thần phục vụ hết mình đó. Và cũng giống như tất cả những người dân Mỹ khác, tôi vô cùng cảm phục và trân trọng những hy sinh của họ, và sự hy sinh của gia đình họ.

Những người lĩnh Mỹ chiến đấu tại Iraq đã làm tròn tất cả phận sự mà họ được giao. Họ đã đánh bại một chế độ áp bức, đè nén người dân. Cùng với những đối tác người Iraq và quân đồng minh, những người cũng đã chịu nhiều hy sinh, quân đội của chúng ta đã chiến đấu không mệt mỏi để giúp người dân Iraq giành lấy cơ hội có được một tương lai tươi sáng hơn. Quân đội của chúng ta đã triển khai các chiến thuật để bảo vệ người dân Iraq, huấn luyện cho lực lượng quân đội của Iraq, và diệt trừ những kẻ cầm đầu khủng bố. Nhờ có quân đội và người dân của chúng ta, và nhờ có sự kiên cường của người dân Iraq, giờ đây Iraq đã có cơ hội hướng đến một vận hội mới, dù nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước.

Vì thế, tối nay, tôi xin tuyên bố rằng nhiệm vụ quân sự của Hoa Kỳ ở Iraq đã chấm dứt. Chiến dịch Tự do cho Iraq đã kết thúc, và giờ đây người dân Iraq phải lãnh lấy trách nhiệm bảo đảm an ninh cho chính đất nước của mình.

Đây là lời cam kết của tôi đối với toàn thể người dân Mỹ từ khi tôi vận động tranh cử vào chức Tổng thống. Tháng 2 năm ngoái, tôi đã tuyên bố một kế hoạch đưa các binh sĩ Mỹ ra khỏi Iraq, đồng thời nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường năng lực cho Lực lượng an ninh của Iraq và hỗ trợ chính quyền mới cũng như người dân của nước này.

Đó là những gì chúng ta đã làm. Chúng ta đã rút gần 100.000 quân ra khỏi Iraq. Chúng ta đã đóng cửa hoặc chuyển giao hàng trăm căn cứ quân sự cho phía Iraq. Và chúng ta đã chuyển hàng triệu trang thiết bị ra khỏi đất nước này.

Điều này đã hoàn tất việc chuyển giao cho phía Iraq trách nhiệm gìn giữ an ninh cho chính mình. Quân đội Mỹ đã rút khỏi các thành phố của Iraq vào mùa hè năm ngoái, và các lực lượng của Iraq đã tiếp nhận trách nhiệm với những kỹ năng tác chiến và cam kết với người dân nước mình. Mặc dù Iraq vẫn phải chịu một số cuộc tấn công khủng bố, nhưng các sự cố an ninh đã giảm xuống mức gần như thấp nhất kể từ khi cuộc chiến xảy ra. Và các lực lượng của Iraq đã đứng ra chống lại al Qaeda, tiêu diệt hầu hết các kẻ thủ lĩnh của chúng trong các chiến dịch do chính quân Iraq chỉ huy.

Năm nay cũng là năm Iraq tổ chức cuộc tổng tuyển cử đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Một chính quyền vì quyền lợi của người dân đã được lập ra khi người dân Iraq thành lập một chính phủ qua lá phiếu của chính mình. Tối nay, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq hãy tiến lên phía trước, khẩn trương thành lập một chính phủ đại diện cho dân, một chính phủ công bằng, đại diện, và chịu trách nhiệm trước toàn thể nhân dân. Và khi chính phủ này được thiết lập, chắc chắn là người dân Iraq sẽ có một đối tác mạnh mẽ là Mỹ. Hoạt động quân sự của chúng ta đang chấm dứt, nhưng cam kết của chúng ta với tương lai của Iraq thì không.

Trong thời gian tới, một lực lượng chuyển tiếp của quân đội Hoa Kỳ sẽ vẫn ở lại Iraq nhưng với một nhiệm vụ khác: cố vấn và trợ giúp cho các lực lượng an ninh của Iraq, hỗ trợ quân đội Iraq trong các chiến dịch chống khủng bố và bảo vệ những người dân Mỹ ở đó. Theo thỏa thuận của chúng ta với chính quyền Iraq, tất cả các binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi Iraq chậm nhất vào cuối năm sau. Trong khi lực lượng quân sự của chúng ta đang rút dần thì lực lượng dân sự đầy nhiệt tình – những nhà ngoại giao, những người làm công tác viện trợ nhân đạo, và các nhà tư vấn – lại đang đóng một vai trò quan trọng để trợ giúp cho Iraq nhằm củng cố chính quyền, giải quyết các xung đột chính trị, giải quyết các vấn đề chiến tranh, và xây dựng mối quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là thông điệp mà Phó Tổng thống Biden đang chuyển đến người dân Iraq trong chuyến công du của ông đến Iraq hôm nay.

Cách tiếp cận mới này phản ánh mối quan hệ đối tác lâu dài của chúng ta với Iraq – một mối quan hệ dựa trên lợi ích của cả hai bên và nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Tất nhiên là bạo lực sẽ không chấm dứt khi có lực lượng quân sự của chúng ta. Những kẻ cực đoan vẫn sẽ đánh bom, tấn công những thường dân Iraq và cố tình làm dấy lên các cuộc xung đột bè phái. Nhưng cuối cùng, những kẻ khủng bố này sẽ không đạt được mục đích của mình. Dân Iraq là những người đáng tự hào. Họ đã không chấp nhận cuộc chiến tranh đẫm máu, và họ không muốn sống trong cảnh hủy diệt triền miên. Họ hiểu rằng cuối cùng, chỉ có người dân Iraq mới có thể giải quyết sự khác biệt của chính họ và đảm bảo an toàn trên đường phố của chính mình. Chỉ có người dân Iraq mới có thể xây dựng một nền dân chủ trên lãnh thổ của mình. Những gì mà nước Mỹ có thể làm, và sẽ làm, là ủng hộ cho người dân Iraq với tư cách là bạn, là đối tác.

Việc chấm dứt cuộc chiến này không chỉ phục vụ lợi ích của Iraq, mà còn vì lợi ích của chính chúng ta. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã phải trả một giá rất đắt để đảm bảo rằng tương lai của Iraq là do người dân Iraq định đoạt. Chúng ta đã đưa quân sang Iraq và họ đã phải chịu bao nhiêu hy sinh ở đó; chúng ta đã chi những khoản tiền khổng lồ ở Iraq trong khi chính ngân sách trong nước đang ở giai đoạn khó khăn. Chúng ta đã kiên trì chịu đựng với niềm tin rằng chúng ta đang chia sẻ với người dân Iraq – một niềm tin rằng từ đống tro tàn chiến tranh, chúng ta có thể tạo dựng một khởi đầu mới trong cái nôi của nền văn minh. Thông qua một chương đầy sự kiện trong lịch sử của Hoa Kỳ và của Iraq, chúng ta đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Giờ đây, đã đến lúc lịch sử cần lật sang trang mới.

Tại bước ngoặt quan trọng này, tôi luôn ghi nhớ rằng cuộc chiến Iraq là một vấn đề gây tranh cãi ở Mỹ. Và đây là lúc chúng ta có thể thay đổi điều này. Chiều nay, tôi đã nói chuyện với cựu Tổng thống Bush. Ai cũng biết rằng tôi và ông ấy bất đồng quan điểm về cuộc chiến này ngay từ đầu. Tuy nhiên, không ai có thể nghi ngờ về sự ủng hộ của Tổng thống Bush đối với quân đội của chúng ta, lòng yêu nước và sự cam kết của ông ấy đối với an ninh của đất nước. Như tôi đã nói, có những người yêu nước ủng hộ cuộc chiến này, và những người yêu nước không ủng hộ cuộc chiến. Và tất cả chúng ta đều thống nhất khi nói đến lòng trân trọng đối với những binh sĩ của chúng ta, khi nói đến hy vọng của chúng ta về một tương lai tốt đẹp cho người dân Iraq.

Sự vĩ đại của nền dân chủ của chúng ra là ở chỗ chúng ta có thể vượt lên trên sự khác biệt, và rút ra những bài học kinh nghiệm khi phải đối đầu với những thách thức trước mắt. Và không có thách thức nào đối với an ninh quốc gia lớn hơn cuộc chiến của chúng ta chống lại lực lượng khủng bố al Qaeda.

Mọi người dân Mỹ, dù thuộc đảng phái chính trị nào, đều ủng hộ việc sử dụng vũ lực để chống lại những kẻ đã tấn công nước Mỹ hôm 11/9. Giờ đây, khi nước Mỹ sắp bước sang năm thứ 11 trong cuộc chiến ở Afghanistan, có nhiều người bắt đầu đặt dấu hỏi về sứ mệnh của chúng ta tại đó, và họ có lí của họ. Nhưng chúng ta không bao giờ được phép quên đi những mối đe dọa đang rình rập. Khi tôi đang phát biểu ở đây thì al Qaeda đang tiếp tục có những âm mưu chống lại chúng ta, và những kẻ cầm đầu của chúng vẫn có những nơi trú ngụ trong khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Chúng ta sẽ phá vỡ, đập tan và đánh bại al Qaeda, đồng thời ngăn không cho Afghanistan một lần nữa lại trở thành bản doanh cho khủng bố. Và nhờ việc rút quân khỏi Iraq, giờ đây chúng ta có thể dồn những nguồn lực cần thiết cho các hoạt động chống khủng bố mạnh tay hơn. Trên thực tế, trong vòng 19 tháng qua, khoảng một chục thủ lĩnh al Qaeda – và hàng trăm kẻ đồng minh cực đoan của chúng – đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt giữ trên thế giới.

Tại Afghanistan, tôi đã ra lệnh triển khai thêm quân đội – dưới sự chỉ huy của Tướng David Patraeus – để chiến đấu nhằm phá vỡ thế quân Taliban. Cũng như đối với Iraq, những lực lượng quân sự này sẽ chỉ ở Afghanistan trong một khoảng thời gian nhất định để người dân Afghanistan có thể xây dựng năng lực và đảm bảo tương lai cho chính mình. Nhưng, cũng như trường hợp của Iraq, chúng ta không thể làm hộ người dân Afghanistan những gì mà họ phải tự làm. Đó là lí do tại sao chúng ta đang huấn luyện các lực lượng an ninh của Afghanistan và hỗ trợ để có được một giải pháp chính trị cho các vấn đề của nước này. Và đến tháng 8 năm sau, chúng ta sẽ bắt đầu chuyển giao trách nhiệm cho người dân Afghanistan. Tốc độ rút quân sẽ phụ thuộc vào tình hình lúc đó, và chúng ta vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Afghanistan. Nhưng xin mọi người đừng hiểu lầm: sớm muộn rồi cũng phải chuyển giao trách nhiệm, vì một cuộc chiến kéo dài sẽ chẳng có lợi cho chúng ta cũng như cho người dân Afghanistan.

Trên thực tế, qua những nỗ lực ở Iraq, một trong những bài học mà chúng ta đã rút ra được là: ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới không chỉ phụ thuộc vào lực lượng quân sự mà thôi. Chúng ta phải sử dụng tất cả các yếu tố trong sức mạnh của chúng ta – gồm có thuật ngoại giao, sức mạnh kinh tế, và sức mạnh về tấm gương Mỹ – để bảo vệ lợi ích của mình và hỗ trợ cho đồng minh. Và chúng ta phải xây dựng một tầm nhìn về tương lai dựa trên không chỉ sự sợ hãi mà cả niềm hy vọng – một tầm nhìn nhận thức được những mối đe dọa đang tồn tại trên thế giới, nhưng cũng nhận thấy những tiềm năng vô hạn của thời đại chúng ta.

Ngày hôm nay, những mối bất đồng cũ đã qua đi, và các nền dân chủ đang nổi lên sẽ là những đối tác tiềm năng. Những thị trường xuất khẩu mới của hàng hóa Mỹ đang mở rộng khắp từ châu Á đến châu Mỹ. Một cuộc vận động mới cho hòa bình ở Trung Đông sẽ được bắt đầu ở đây vào ngày mai. Hàng tỉ thanh niên đang muốn thoát khỏi đói nghèo và xung đột. Với tư cách là quốc gia dẫn đầu của thế giới tự do, Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn chứ không chỉ là đánh bại những kẻ reo rắc thù oán và hủy diệt – chúng ta cũng sẽ dẫn đầu trong số những nước muốn hợp tác với nhau để mở rộng tự do và đem lại nhiều cơ hội hơn nữa cho tất cả mọi người.

Giờ đây, nỗ lực đó phải bắt đầu ngay trong lòng nước Mỹ. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, nước Mỹ đã luôn sẵn lòng gánh lấy trọng trách thúc đẩy tự do và nhân phẩm ở các nước khác, vì hiểu rằng điều đó có quan hệ mật thiết tới tự do và an ninh của chính chúng ta. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng sức mạnh và ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới phải được dựa trên sự thịnh vượng của chính nước Mỹ. Và nền tảng của sự thịnh vượng đó phải là tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo hơn.

Đáng tiếc là trong thập kỷ vừa qua, chúng ta chưa làm được những điều cần thiết để củng cố nền tảng cho sự thịnh vượng của nước mình. Chúng ta đã chi hàng ngàn tỉ đôla cho cuộc chiến, chủ yếu lấy từ tiền vay nợ nước ngoài. Điều này đã khiến chúng ta đầu tư ít hơn vào nguồn nhân lực của mình, và là một trong những nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách chưa từng có. Trong một thời gian dài, chúng ta đã trì hoãn những quyết định khó khăn đối với các vấn đề quan trọng, từ sản xuất chế tạo, đến chính sách năng lượng, đến cải cách giáo dục. Do đó, nhiều gia đình trung lưu đã phải làm việc vất vả hơn mà kết quả không được là bao, trong khi năng lực cạnh tranh dài hạn của đất nước chúng ta đang có nguy cơ giảm sút.

Và do đó tại thời điểm này, khi chúng ta đang rút quân khỏi Iraq, chúng ta phải giải quyết những thách thức nội bộ đó với tất cả sự nỗ lực, kiên định và vì mục đích chung, một tinh thần mà những binh sĩ của chúng ta đã thể hiện khi thực hiện nhiệm vụ của họ ở nước ngoài. Họ đã vượt qua mọi thử thách gặp phải. Giờ đến lượt chúng ta. Giờ đến trách nhiệm của chúng ta phải đáp trả những nỗ lực của họ bằng cách hợp tác cùng nhau để đạt đến ước mơ mà bao nhiêu thế hệ đã chiến đấu vì nó – ước mơ rằng cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với bất cứ ai sẵn sàng phấn đấu vì nó và nỗ lực vươn tới nó.

Nhiệm vụ ngay trước mắt của chúng ta giờ đây là khôi phục lại nền kinh tế, và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người Mỹ. Để củng cố tầng lớp trung lưu, chúng ta phải cho trẻ em được hưởng nền giáo dục mà chúng xứng đáng được hưởng, và phải đào tạo cho người lao động những kỹ năng họ cần để cạnh tranh được trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải khởi động lại những ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm, và chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào dầu lửa nhập khẩu. Chúng ta phải giải phóng sức sáng tạo và đổi mới, khiến cho các dây chuyền sản xuất có thể tạo ra những sản phẩm mới, và nuôi dưỡng những‎ ý tưởng nảy ra trong đầu các doanh nhân của chúng ta. Điều này quả là khó thực hiện. Nhưng trong những tháng năm tới, đó phải là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta với tư cách là người dân Mỹ, và cũng là trách nhiệm hàng đầu của tôi với tư cách là Tổng thống Mỹ.

Một phần trong trách nhiệm đó là đảm bảo rằng chúng ta giữ đúng cam kết của mình với những người đã phục vụ đất nước với lòng dũng cảm tuyệt vời như vậy. Chừng nào tôi còn là Tổng thống thì chúng ta sẽ còn duy trì một lực lượng vũ trang hùng hậu, và chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để phục vụ tốt cho các cựu chiến binh của chúng ta như họ đã từng phục vụ chúng ta. Đây là một lời hứa thiêng liêng. Đó chính là l‎í do tại sao chúng ta đã tăng số ngân sách dành cho cựu chiến binh lên một mức cao nhất trong những thập kỷ qua. Chúng ta đang chi tiền để điều trị những tổn thương tinh thần mà những cuộc chiến đã để lại – rối loạn trầm cảm sau chấn thương và tổn thương não sau chấn thương – đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và chi trả các khoản phúc lợi cho tất cả các cựu chiến binh. Và chúng ta đang chi tiền cho Đạo luật GI sau Sự kiện 11/9 để giúp cho các cựu chiến binh và gia đình họ được đi học đại học. Cũng giống như Đạo luật GI đã giúp những chiến sĩ chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai – trong đó có cha tôi – trở thành xương sống của tầng lớp trung lưu Mỹ, những quân nhân của chúng ta ngày hôm nay cũng phải được có cơ hội áp dụng những tài năng của mình để phát triển nền kinh tế Mỹ. Bởi vì một trong những trách nhiệm khi kết thúc cuộc chiến là phải đảm bảo cuộc sống cho những người đã chiến đấu trong cuộc chiến đó.

Cách đây hai tuần, lữ đoàn chiến đấu cuối cùng của Mỹ ở Iraq – Lữ đoàn tấn công số 4 của quân đội Mỹ - đã hành quân về nước trong bóng tối trước buổi bình minh. Hàng ngàn binh sĩ và hàng trăm thiết giáp đã hành quân từ Baghdad, và người cuối cùng đã vượt qua biên giới vào Cô-oét trong những giờ đầu tiên của buổi sáng. Cách đây hơn 7 năm, quân đội Mỹ và các đối tác trong liên minh đã chiến đấu để mở đường vào Iraq cũng trên những con đường cao tốc tương tự như vậy, nhưng lần này không có phát súng nào được nổ. Đó chỉ là một đoàn quân Mỹ dũng cảm đang trên đường về nhà.

Tất nhiên những binh sĩ đã để lại nhiều điều đằng sau mình. Một số mới chỉ ở tuổi thiếu niên khi cuộc chiến bắt đầu. Nhiều người đã phục vụ nhiều chiến dịch, cách xa gia đình họ, những người cũng phải chịu hy sinh theo cách riêng của mình, chịu đựng việc không có vòng tay ôm của người chồng hay không có cái hôn âu yếm của người mẹ. Điều đau thương nhất là, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, đã có 55 quân nhân thuộc Lữ đoàn số 4 hy sinh – trong tổng số 4.400 người Mỹ đã bỏ mạng ở Iraq. Theo lời một trung sĩ đã nói: "Tôi biết rằng đối với những người anh em trong quân ngũ của tôi, những người đã chiến đấu và hy sinh, thì ngày hôm nay là một ngày vô cùng ý nghĩa".

Những người Mỹ đó đã hy sinh vì những giá trị mà dân tộc chúng ta nâng niu trong suốt hơn hai thế kỷ qua. Cùng với gần 1,5 triệu người Mỹ làm nhiệm vụ tại Iraq, họ đã chiến đấu ở một nơi xa xôi, vì những người họ không bao giờ biết mặt. Họ phải đối mặt với một sự thực tối tăm nhất mà con người tạo ra, đó là chiến tranh, để giúp người dân Iraq tìm thấy được ánh sáng của hòa bình.

Trong một kỷ nguyên mà người ta không tung hô kẻ chiến thắng, chúng ta phải chiến thắng thông qua thành công của đối tác của chúng ta và sức mạnh của chính đất nước chúng ta. Mỗi quân nhân Mỹ là một phần của một đội quân của những anh hùng từ Lexington đến Gettysburg, từ Iwo Jima đến Inchon, từ Khe Sanh đến Kandahar – những người Mỹ đã chiến đấu để con cái chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Quân đội của chúng ta chính là những tấm thép làm nên con tàu đất nước. Và mặc dù con tàu đó đang phải vượt qua những cơn sóng dữ, họ vẫn luôn khiến chúng ta tin tưởng rằng con đường đang đi là con đường đúng đắn, rằng sau bóng tối trước bình minh sẽ là những tháng ngày tươi đẹp hơn.

Xin cảm ơn. Xin Chúa hãy che chở cho nhân dân Mỹ. Xin Chúa hãy che chở cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và tất cả những ai phục vụ cho lợi ích của quốc gia này.

HẾT 8:19 P.M. EDT

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: