Sắc luật quy định những trường hợp phạm pháp quả tang, những trường hợp khẩn cấp, và những trường hợp khám người phạm pháp quả tang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sắc luật quy định những trường hợp phạm pháp quả tang, những trường hợp khẩn cấp, và những trường hợp khám người phạm pháp quả tang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  (1957) 
của Hồ Chí Minh

Sắc luật số 002-SLT được ban hành ngày 18 tháng 6 năm 1957, được chuẩn y theo Nghị quyết ngày 14 tháng 9 năm 1957 và hết hiệu lực ngày 30 tháng 4 năm 1975.

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiếu nghị quyết ngày 24 tháng 1 năm 1957 của Quốc hội;

Chiếu điều 4 và điều 10 luật ngày 20 tháng 5 năm 1957 về việc đảm bảo quyền tự do thân và quyết bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân;

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ;

Sau khi Ban thường trực Quốc hội biểu quyết thoả thuận,

RA SẮC LUẬT:

Điều 1[sửa]

Để kịp thời giữ kẻ phạm pháp đã gây thiệt hại đến an toàn của Nhà nước, đến trật tự xã hội, đến tài sản của Nhà nước, đến tính mệnh tài sản của nhân dân, nay quy định những trường hợp sau đây là phạm pháp quả tang mà người công dân nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến Uỷ ban hành chính, Toà án nhân dân hoặc Đồn công an nơi gần nhất:

1- Đang làm việc phạm pháp hoặc sau khi phạm pháp thì bị phát giác ngay.

2- Đang bị đuổi bắt sau khi phạm pháp.

3- Đang bị giam giữ mà lẩn trốn.

4- Đang có lệnh truy nã.

Điều 2[sửa]

Để kịp thời ngăn ngừa những thiệt hại đến an toàn của Nhà nước, đến trật tự xã hội, đến tài sản của Nhà nước, đến tính mệnh tài sản của nhân dân, nay quy định những trường hợp khẩn cấp mà cơ quan Công an có thể bắt giữ trước khi có lệnh viết của cơ quan tư pháp từ cấp tỉnh hoặc thành phố trở lên, hoặc của Toà án binh:

1- Có hành động chuẩn bị làm việc phạm pháp;

2- Người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xay ra vụ phạm pháp chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là kẻ phạm pháp.

3- Tìm thấy chứng cớ phạm pháp trong người hoặc tại nhà ở của người tình nghi phạm pháp.

4- Có hành động chuẩn bị trốn, hoặc đang trốn.

5- Có hành động chuẩn bị tiêu huỷ chứng cớ hoặc đang tiêu huỷ chứng cớ ; làm giả chứng cớ hoặc đang tiêu huỷ chứng cớ ; làm giả chứng cớ. Có sự thông đồng giữa những kẻ phạm pháp với nhau để trốn tránh pháp luật.

6- Căn cước, lai lịch không rõ ràng.

Điều 3[sửa]

Để bảo vệ cho người bắt giữ khỏi bị kẻ phạm pháp quả tang hung hãn hãm hại, nay quy định :

Đối với kẻ phạm pháp quả tang là thổ phỉ, biệt kích, kẻ giết người hoặc cướp của, côn đồ hung hãn thì người công dân nào khi bắt giữ cũng có quyền khám để tước vũ khí.

Điều 4[sửa]

Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành sắc luật này.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".