Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn - 送僧道謙歸山
của Nguyễn Trãi
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

記曾講學十餘年
今又相逢一夜眠
且喜夢中拋俗事
更尋石上話前緣
明朝靈浦還飛錫
何日崑山共聽泉
老去狂言休怪我
臨岐我亦上乘禪

Ký tằng giảng học thập dư niên ;
Kim hựu tương phùng nhất dạ miên[1].
Thả hỷ mộng trung phao tục sự ;
Cánh tầm thạch thượng thoại tiền duyên.
Minh triêu Linh phố[2] hoàn phi tích[3] ;
Hà nhật Côn-sơn cộng thính tuyền ?
Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã ;
Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền[4].

Nhớ từng giảng học hơn mười năm ;
Nay lại gặp nhau ngủ một đêm với nhau.
Vả mừng trong mộng bỏ hết việc tục ;
Lại tìm lên núi để nói chuyện tiền duyên.
Rạng mai hãy bay gạy về bến Chí-linh ;
Ngày nào mới cùng nghe suối ở Côn-sơn được ?
Già rồi hay nói cuồng, đừng lạ ta ;
Từ biệt nhau rồi thì ta cũng sẽ tu đạo thiền thượng thừa.

   




Chú thích

  1. Nhất dạ miên: gặp nhau ngủ một đêm với nhau. Câu này có liên quan với điển Lý Nguyên là một ẩn sĩ ở đời Đường làm bạn với nhà sư Viên Trạch chùa Thiếu Lâm, nhà sư nói với Lý Nguyên rằng mình sẽ thác sinh kiếp khác và hẹn hai chục năm sau sẽ gặp nhau ở sau chùa Thiên Trúc tại Hàng Châu. Về sau Lý Nguyên như hẹn đến đấy, gặp một chú mục đồng tức là Viên Trạch kiếp sau, ngồi trên tảng đá mà hát: « Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn... Thử thân tuy dị tỉnh trường tồn » (Linh hồn xưa ngời trên đá tam sinh... Thân này tuy khác nhưng tính còn mãi), hát xong rồi bỏ đi. Ý Nguyễn Trãi ví mình với Đạo Khiêm như Lý Nguyên với Viên Trạch xưa tìm nhau mà nói chuyện nhân duyên kiếp trước trên tảng đá Tam sinh đó
  2. Linh phố: bến sông Chí Linh, núi Côn Sơn chỗ nhà sư tu hành là ở huyện Chí Linh, về phái tả sông Lục đầu giang.
  3. Phi tích: bay gậy hay gậy bay đi, chỉ nhà sư đi vân du thường dùng chữ ấy
  4. Thượng thừa thiền: là đạo thiền thuộc về thượng thừa, cái đạo thiền mà các nhà nho học cho là tông phái cao nhất của phật giáo, đối với hạ thừa tương đương với các tôn phái tiểu thừa