Biên dịch:Thư gởi các Mục sư - thư thứ tư

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thư gởi các Mục sư - thư thứ tư
của Charles Grandison Finney, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Năm 1845 - 1846


Như đã nói ở thư trước, hiện đang có hai thái cực thu hút hai nhóm người khác nhau. Một bên là những người chủ trương bác bỏ mọi quy chuẩn đạo đức, phía bên kia là những người đề cao sự nghiêm nhặt trong việc tuân giữ lề luật – cả hai đều xa cách đạo thật như nhau. Trong thư ấy, tôi đã đưa ra một vài nhận xét về những người đề cao sự nghiêm nhặt trong việc tuân giữ lề luật; trong thư này tôi muốn trình bày một số quan điểm của mình về nhóm người chủ trương bác bỏ mọi quy chuẩn đạo đức.

Hai nhóm là hai đối cực. Một bên chú tâm đến công đức, bên kia phủ định chúng. Tuy nhiên, trong bản chất, những người bác bỏ mọi quy chuẩn đạo đức cũng rất thích lề luật và chú trọng đến sự công bình riêng. Họ lấy sức riêng mà xây dựng công đức theo cách thức hoàn toàn đối nghịch với tinh thần phúc âm. Vì triệt để dựa trên sự cố công quyết chí nên cuối cùng họ thấy mình giống như cây sậy dập nát, chẳng khác gì cây trụ chống bị gãy đổ. Tóm lại, họ cũng trải qua mọi trình tự của trải nghiệm tuân giữ lề luật, từ bệnh hình thức khô cứng của người Pha-ra-si đến những tranh chấp tâm linh cùng những nỗ lực trong sự đau đớn đến tuyệt vọng như đã được miêu tả trong chương thứ bảy của sách Rô-ma. Họ biết như thế nào là mụ mị trong tội lỗi, họ cũng biết cách mở mắt để nhìn thấy tội lỗi của mình; biết cách hầu việc Chúa không phải bởi sức riêng. Đại thể, họ đã được mở mắt để thấy sự luống công, rỗng tuếch, và sự gian ác rành rành của những nỗ lực xuất phát từ sự công bình riêng, tính vị kỷ, và cậy sức riêng.

Tuy nhiên, sau khi nhận chân sự bất lực của mình, sau khi trở nên tiêu cực trong tuyệt vọng, họ vội vàng nhảy chồm sang đối cực mới, từ lập trường chỉ cần việc làm mà không cần đức tin, họ trở thành đức tin mà không cần việc làm; họ không chịu thấy rằng đức tin loại này là đức tin chết.[1] Họ cũng không chịu tin rằng đức tin của họ chỉ là một trạng thái của cảm xúc, chứ không phải xuất phát từ tấm lòng, chỉ là trạng thái tiêu cực, chứ không phải tích cực của tâm trí. Nó không hề chạm đến ý chí, bằng chẳng vậy, công việc của họ đã chỉ ra rồi.

Họ trông giống như quả lắc, lúc bên cực này, lúc bên cực kia. Sau khi nhận biết mình ngu dại vì cố hầu việc Chúa theo sự công bình riêng và dựa vào sự vị kỷ, họ cảm thấy kinh tởm mọi sự cố công gắng sức để rồi tự biến mình thành kẻ vật vờ, lười nhác. Sau khi tuyên bố giao nộp hết ta lâng cho Chúa, họ vứt bỏ tất cả trách nhiệm rồi không chịu làm gì cả. Lấy cớ là đang được Chúa Thánh Linh soi dẫn, và đang trông chờ ý chỉ của Chúa, họ tự buông mình vào tình trạng thụ động thuộc linh.

Những người như thế cực đoan tin rằng mọi nỗ lực cổ xúy phục hưng đều là cố công tuân giữ lề luật theo như cách họ từng làm. Họ đánh đồng những tín hữu đồng tâm tình với Chúa Cơ Đốc và được Chúa Thánh Linh soi dẫn để hầu việc Chúa theo gương Chúa Cơ Đốc và các sứ đồ là giống như họ trước đây, tức là chưa sai đã chạy, và cậy sức riêng mà hầu việc Chúa. Họ không thể thấy rằng đó là lòng sốt sắng hầu việc Chúa, rằng đức tin thật luôn khiến chúng ta đồng một tâm tình với Chúa Cơ Đốc, và Cơ Đốc giáo thật luôn luôn sản sinh tinh thần truyền giáo, phục hưng, hi sinh, và sống thánh khiết; đó là nguyên lý sống và sinh động của đạo thật; thánh khiết nghĩa là ở trong Chúa Cơ Đốc; thật vậy, thánh khiết luôn đi đôi với thiện ý và các việc lành... Cơ Đốc giáo tự bản chất là luật tình yêu được Chúa Thánh Linh ghi khắc trong lòng chúng ta, và được thể hiện trong cuộc sống. Do đó, bất cứ định chế nào xưng nhận mình là Cơ Đốc giáo mà không đồng một tâm tình với Chúa Cơ Đốc đều là giả dối.

Cũng giống người tuân giữ lề luật, sự sai lầm của người bác bỏ mọi quy luật đạo đức không phải ở chỗ thiếu hiểu biết về sự rỗng tuếch, ngu dại, và gian ác của nỗ lực cậy sự công bình riêng để làm vui lòng Chúa, nhưng là nhận thức sai lầm về ý nghĩa thật của đức tin và đạo thật. Họ không thể phân biệt được loại đức tin bao hàm sức thuyết phục của tri thức đi đôi với cảm xúc mà không hề có sự tham dự của tấm lòng và ý chí với đức tin đến với chúng ta khi tấm lòng và ý chí hoàn toàn đầu phục chân lý. Đức tin xuất phát từ tấm lòng cần được xem là nguyên tắc sinh động và đầy sức thuyết phục. Ngược lại, đức tin của tri thức đi kèm với cảm xúc tương ứng, không thể là nguyên tắc sinh động, tự nguyện, và đầy sức sống. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này, bởi vì thường không dễ dàng gì mà phân biệt được chúng. Cũng cần nhớ rằng khi đức tin thật, tức là đức tin đến từ tấm lòng, có mặt, thì loại đức tin kia phải triệt thoái. Một khi tấm lòng tin cậy vào chân lý của Chúa, thì tri thức sẽ nắm bắt chân lý cùng lúc với sự xuất hiện của cảm xúc cách tương ứng. Như thế, đức tin luôn đi đôi với tri thức và cảm xúc; trong khi có thể có tri thức và cảm xúc mà không hề có đức tin thật, đó là lúc tri thức nắm bắt chân lý và cảm xúc trào dâng, mà tấm lòng thì không chịu chấp nhận chân lý.

Còn có một sai lầm khác mà người bác bỏ mọi qui luật đạo đức thường mắc phải, và đây là sai lầm nghiêm trọng, liên quan đến sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh. Cách mà họ mong đợi cũng như xưng nhận là mình đang được Thánh Linh soi dẫn xem ra chỉ là sự bốc đồng khi xúc cảm hơn là sự soi sáng thiên thượng qua Lời Chúa. Chỉ dựa trên cảm giác hoặc cảm xúc mà họ đã vội vàng cho rằng Thánh Linh đang soi dẫn con dân Chúa, mà không chịu để tâm trí mình được soi mở để có thể hành động theo lý trí phù hợp với Lời Chúa. Rõ ràng đây là sai lầm căn bản và nghiêm trọng. Đạo thật không đòi hỏi chúng ta đi theo cảm xúc, nhưng cần có sự phối hợp hài hòa giữa tấm lòng và trí tuệ. Đơn thuần cảm xúc tức là mê muội. Bất cứ ai buông mình theo cảm giác và cảm xúc chẳng hề được soi dẫn bởi Linh của Thiên Chúa, nhưng sẽ bị dồi dập triền miên bởi vì cảm xúc luôn bất định, sôi bỏng nhưng chóng lụi tàn. Cứ thế mà sai lầm nối tiếp sai lầm. Chúa ban cho chúng ta lý trí để xem xét và hiểu biết. Chúa ban cho chúng ta Lời Ngài, và ban Thánh Linh để soi sáng, giúp chúng ta hiểu những nguyên lý căn bản cũng như cách ứng dụng Lời Chúa vào mọi tình huống, và cách thực hành các loại nghĩa vụ trong cuộc sống. Rõ là sai lầm lớn nếu chúng ta tự buông mình theo sự bốc đồng của cảm xúc thay vì đầu phục để được Chúa dạy dỗ và dẫn dắt theo thánh ý tốt lành của Ngài. Người bác bỏ mọi quy luật đạo đức say mê sự phô diễn đầy cảm xúc. Họ rất sung sướng khi chứng kiến những cảnh tượng về Chúa Cơ Đốc và về phúc âm cứu rỗi mà không chịu hiểu rằng điều họ cần làm là hiệp một với Chúa Cơ Đốc trong công cuộc cứu chuộc linh hồn.

Như đã nói trong thư trước, bác bỏ mọi quy chuẩn đạo đức là một chủ trương cực đoan, cực bên kia là những người đề cao sự nghiêm nhặt trong việc tuân giữ lề luật. Chân lý ở giữa hai đối cực này. Cơ Đốc nhân chân chính tích cực hầu việc Chúa, nhưng lòng sốt sắng cũng như mọi hoạt động đều phát xuất từ sự đồng cảm sâu sắc với Linh của Chúa Cơ Đốc ngự trị tấm lòng họ. Chúa Cơ Đốc đang hình thành trong lòng họ.[2] Linh của Chúa Cơ Đốc là sức mạnh toàn năng cho linh hồn họ. Luật của sự sống trong Chúa Cơ Đốc giải phóng họ khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Tóm lại, họ đã chết đối với luật pháp.[3]Có thể họ tích cực hầu việc Chúa như những ngày trước là khi họ còn cố gắng tuân giữ lề luật, ngay cả tích cực hơn. Sự hăm hở, năng lực, và lòng sốt sắng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực hầu việc Chúa của họ nay đều phát xuất từ đức tin và tình yêu thương, vì đây là công việc của sự sống đời đời đến từ Chúa Cơ Đốc là Đấng ngự trị trong lòng họ. Do đó, đây chính là sai lầm lớn mà người bác bỏ mọi quy luật hay mắc phải, bởi vì họ không thể phân biệt được tinh thần hầu việc Chúa chân chính với hoạt động của người sống theo lề luật.

Một lần nữa, tôi muốn nói rằng những người chuộng lề luật rất thích đả kích người bác bỏ mọi quy chuẩn đạo đức dù họ không có lý do chính đáng nào. Lòng sốt sắng và sự năng nổ của họ chẳng khác gì lòng nhiệt thành của Giê-hu. Họ hăng say hoạt động và nói, “Hãy đến mà xem lòng nhiệt thành của tôi đối với Chúa.”[4]Thực tế là, sự lăng xăng của người tuân giữ lề luật cũng chẳng có gì tốt hơn thái độ tiêu cực của người bác bỏ mọi quy chuẩn đạo đức. Họ đi khắp biển cả và đất liền để đem một người vào đạo; để rồi người ấy trở nên kẻ mù quáng tuân giữ lề luật như chính họ; bởi vì “con cái thuộc linh” của họ thì cũng giống y họ mà thôi.[5]

Sau cùng, cần phải biết phân biệt để có thể giữ mình khỏi bị cuốn vào hai thái độ cực đoan kể trên, hầu cho các cuộc phục hưng hội thánh được định hướng theo lối trung dung; đó là khi ý tưởng thật của đạo được phát triển trong tâm trí, và linh thật của đạo được ấp ủ trong lòng. Nếu được như thế thì sự nóng cháy tâm linh là xứng hiệp và đáng mơ ước, nhưng phải được cầm giữ trong tầm kiểm soát.

   




Chú thích

  1. Gia-cơ 2: 26, "Xác không có hồn thì chết, đức tin không có hành động cũng chết như vậy."
  2. Ga-la-ti 4:19, “Vì các con, mà ta phải chịu đau đớn của sự sinh nở cho đến khi Chúa Cơ Đốc hình thành trong các con.”
  3. Ga-la-ti 2: 19, “Tôi đã chết đối với luật pháp, để sống cho Thiên Chúa.”
  4. 2 Các Vua 10: 16
  5. Ma-thi-ơ 23: 15, “Các ngươi đi khắp biển cả và đất liền để đem một người vào đạo; nhưng khi người ấy nhập đạo rồi, các ngươi làm cho người ấy trở nên con của hỏa ngục gấp đôi các ngươi.”


Xem thêm[sửa]




 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.