Thảo Tào hịch văn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thảo Tào hịch văn (Hịch đánh Tào Tháo - 討曹檄文)
của Trần Lâm, do Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính

Trích và dịch trong Tam quốc diễn nghĩa, Hồi 22.

“Thường nghe rằng: Minh chúa nhân nguy để chế biến; trung thần lo nạn để lập công. Bởi thế, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có công phi thường. Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi.

“Trước kia nhà Tần vua yếu, Triệu Cao lộng quyền, hống hách trong triều, một tay tác oai tác phúc. Người bấy giờ bị ức hiếp, không ai dám nói câu gì, đến nỗi có biến ở cung Vọng di[1] tổ tôn nhà nó bị tiêu diệt, để tiếng nhơ nhuốc đến ngày nay, làm gương cho đời.

“Cuối đời Lã hậu, Sản, Lộc, chuyên chính, trong giữ hai đạo quân, ngoài thống lĩnh nước Lương, nước Triệu; chuyên quyền ỷ thế, xử việc ở trong cấm sảnh, kẻ dưới lăng loàn, người trên suy yếu, bốn bể ai cũng lo sợ. Bởi thế Đáng-hầu và Chu-hưu-hầu tức giận nổi dậy giết sạch kẻ bạo nghịch, lập vua Thái-tông[2] nhờ thế đạo vương hưng thịnh, sáng sủa và rõ rệt, ấy tức là cái nêu cao lập công của kẻ đại thần.

“Tư-không là Tào Tháo ngày nay: ông nó là trung-thường-thị tên Đằng, cùng với bọn Tả Quan, Từ Hoàng, hưng yêu tác quái, tham lam rông rỡ, nát đạo hại dân. Bố nó là Tung, làm con nuôi của Đằng, nhân có nhờ đút lót mà được chức vị, xe vàng khiêng ngọc, đem nộp cửa quyền, trộm giữ ngôi cao, làm nghiêng đổ quyền lớn. Đến Tháo: nòi giống sót của hoạn quan, vốn không có đức hạnh, gian giảo độc ác, thích gây ra sự biến loạn, vui mừng thấy sự tai vạ.

“Mạc-phủ[3] đây thống xuất hùng binh, quét trừ kẻ hung nghịch, gặp khi Đổng Trác lấn quan hại nước, bèn chống gươm khua trống, phát lịnh ra cõi Đông-hạ, thu dụng anh hùng, bỏ nết xấu để dùng được việc, cho nên mới cùng Tháo hợp mưu, trao cho chức tỳ tướng, tưởng là tài ưng khuyển có thể dùng được. Không ngờ nó ngu dại, kém mưu lược, khinh thường sự tiến quân và lui quân, đến nỗi thất bại làm tổn thiệt quân sĩ.

“Mạc-phủ lại chia thêm cho quân tinh nhuệ, sửa sang bù đắp cho nó, tâu xin cho nó sang Đông-quận, lĩnh chức thứ-sử ở Duyện-châu; thân dê cho đội lốt hổ, để nó có chút quyền hành, mong rằng nó sẽ có phen báo thù được trận thua trước như quân Tần báo thù được nước Tấn khi xưa[4]. Nhưng Tháo lại thừa thế bạt hổ[5], bạo ác càn rỡ, tàn dân, hại người lương thiện. Vì thế quan thái-thú Cửu-giang là Biên Nhượng, tài cán giỏi giang, thiên hạ biết tiếng, nói thẳng lòng ngay, không a siểm ai, cũng bị nó hãm hại, đầu phải bêu, vợ con phải tàn sát. Từ đó, sĩ phu ai cũng tức tối, nhân dân lại càng oán ghét; một người vung cánh tay, cả châu cùng hưởng ứng; cho nên thân nó bị thua ở Từ-châu, đất nó bị cướp về tay Lã Bố; bơ vơ cõi Đông, không nơi nương tựa. Mạc-phủ nghĩ đến nghĩa gốc mạnh cành yếu[6] và thương nó, không buộc nó vào đảng của kẻ phản nghịch, cho nên lại giương cờ, mặc áo giáp, cất quân sang đánh. Chiêng trống vang lừng, Lã Bố tan vỡ, cứu cho nó khỏi chết, và khôi phục lại chức phương-bá cho nó, thế là Mạc-phủ ta tuy không có công gì với dân Duyện-châu, nhưng thực là làm phúc cho Tào Tháo to lắm. Đến khi loan giá trở về, giặc cướp quấy rối (loạn Thôi, Dĩ), bấy giờ Ký-châu đang có việc đề phòng ở cõi bắc, ta chưa rờ ra ngoài được, cho nên sai tùng-sự trung-lang là Từ Huân sang truyền cho Tháo phải sửa sang chốn giao miếu, giúp đỡ vua nhỏ. Nhưng Tháo dám rông rỡ làm càn, hiếp vua thiên đô, khinh nhờn nhà vua, nát phép loạn kỷ, ngồi giữ cả việc ba đài[7] chuyên chế triều chính, muốn thưởng ai thì thưởng, muốn giết ai thì giết; yêu ai thì người ấy sung sướng đến cả năm ngành; ghét ai thì người ấy phải chết cả ba họ; ai bàn tán phải trái thì trị tội công khai, ai thầm vụng chê bai, thì bị giết ngấm ngầm. Vì thế trăm quan buộc miệng, đường sá đưa mắt nhìn nhau. Còn các quan thượng-thư thì chỉ nhớ buổi vào triều đến hội cho có mặt; công khanh thì chỉ gọi là bị vị mà thôi!

“Cho nên quan thái-úy là Dương Bưu, từng giữ hai chức tư-không và tư-đồ, nhất phẩm trong nước. Tháo nhân thế mang lòng ghen ghét, vu cho tội trạng, đập đánh tàn nhẫn, đủ cả năm thứ hình cụ; tự ý làm càn, không nghĩ đến phép nước.

“Quan nghị-lang là Triều Ngạn, lời ngay nói thẳng có thể nghe theo, vì thế vua nghe nói động lòng, thay đổi nét mặt, tỏ ý khen thưởng, nhưng Tháo định che lấp lẽ phải, chặn lấp đường nói năng của mọi người, tự tiện bắt Triệu Ngạn giết đi, không tâu cho vua biết.

“Lương Hiếu-vương, là anh em ruột với Tiên-đế, lăng mộ của người là nơi tôn quý, dẫu đến cây cối trên mả, cũng phải kính cẩn giữ gìn, thế mà Tháo đem tướng sĩ, khai quật phá áo quan, bỏ lộ thây, cướp lấy vàng báu, đến nỗi vua phải chảy nước mắt, dân sĩ phải đau lòng.

“Nó lại đặt ra quan trung-lang-tướng, đào mả quan hiệu-úy bới vàng; đi đến đâu tàn hại đến đó, xương trong mả phải bới cả ra ngoài. Nó ở ngôi Tam-công, làm việc trộm cướp, nhơ cả nước, khổ đến dân, làm hại cả người sống và người chết. Vả lại chính-sự tế-toái thảm khốc, luật lệ bầy ra thật nhiều, khác gì dò bẫy đầy cả khe, hang hố lấp cả đường, giơ tay mắc phải lưới, đụng chân vấp phải cạm. Cho nên ở Duyện, Dự có những người đau buồn, kinh đô có những nhời than vãn. Xem hết cả sử sách xưa nay, những kẻ làm tôi vô đạo, tham tàn ác nghiệt, đến Tháo là cùng.

“Mạc-phủ ta đang phòng ngoại gian, chưa kịp dạy bảo nó, và cũng còn có ý khoan dong, mong cho nó tu tỉnh lại. Nhưng nó bụng dạ sài lang, mang tâm gây vạ, muốn đạp đổ cột rường, làm cho nhà Hán suy yếu, trừ giết kẻ trung chính chuyên để nó được tự do đóng một vai trò cừ khôi gian ác.

“Trước kia ta gióng trống sang mặt bắc, đánh Công tôn Toản, quân cường khấu kiệt liệt cự nhau với quân ta một năm. Tháo nhân quân ta chưa đánh được, ngầm đưa thư cho Toản, ngoài mặt giả làm giúp quân ta, kỳ thực nó định đánh úp quân ta, may được người mang thư tiết lộ mưu gian, Toản phải thua chết. Cho nên nhuệ khí của nó phải nhụt và mưu đồ của nó cũng không thành.

“Nay nó đóng giữ Ngao-xương, chẹn sông giữ biển, muốn đem cánh tay con bọ ngựa chặn đường của xe thần sét.

“Mạc-phủ nay phụng oai linh nhà Hán, dẹp yên bờ cõi, kích dài trăm vạn, ngựa khoẻ nghìn đàn, đem những tướng mạnh như Trung Hoàng, Hạ Dục, Ô Hoạch[8]; dùng cái thế cung cứng nỏ bền, từ Tinh-châu vượt núi Thái-bình; từ Thanh-châu qua sông Tế-luỹ; đại quân qua sông Hoàng-hà đánh mặt trước; quân Kinh-châu xuống đất Uyển, Diệp đánh mặt sau. Sấm vang, hổ nhảy đến cả tổ giặc, khác gì cầm bó lửa đốt mớ bòng bong, dốc nước bể tưới đống tro tàn, còn cái gì không bị tiêu diệt?

“Vả lại quân sĩ của Tháo người nào có thể đánh trận được toàn là người ở U, Ký, hoặc là bộ khúc cũ, oán giận muốn về quê hương, rỏ nước mắt trông về phía bắc. Còn như dân ở Duyện, Dự và quân sót của Lã Bố, Trương Dương, đều là bị ức hiếp, tạm bợ đi theo nó, vết thương chưa khỏi, quân nọ quân kia thù địch lẫn nhau. Nếu ta lên núi cao đánh tiếng trống, phất cờ trắng chiêu hàng, thế tất đất lở ngói tan, không đợi lưỡi gươm phải dây máu mới dẹp yên được.

“Hiện nay nhà Hán suy đồi, kỷ cương trễ nải, triều đình không có một người phù tá nào giỏi, chân tay của vua không có thế đánh dẹp được giặc; trong kinh đô, những người lão luyện, đều phải cúi đầu khép cánh, không biết trông cậy vào đâu; tuy có kẻ trung nghĩa cũng bị nó ức hiếp, không làm thế nào thổ lộ được khí tiết của mình?

“Vả lại Tháo sai bảy trăm tinh binh là bộ khúc của nó, vây chốn cung khuyết, ngoài mặt giả làm giữ gìn cho vua, kỳ thực là nó giam cấm vua. Chúng ta sợ rằng cái mầm thoán nghiệp, nẩy ra từ đó. Ấy thực là buổi óc gan lầm đất của trung thần và cái hội lập công của hào kiệt, chúng ta chẳng nên gắng sức dư!

“Tháo nó lại mạo làm chiếu vua, sai sứ phát binh. Ta sợ những châu quận ở xa, tưởng là chiếu của vua thực, cấp quân cho nó, thế là trái với lòng dân và vào hùa với quân phản nghịch, phi cả tiếng mình, lại để thiên hạ chê cười. Những bậc minh triết, tất không làm thế.

“Nay mai, quân U, Tinh, Thanh, Ký, bốn châu cùng tiến lên. Thư ta đưa đến Kinh-châu, xin phải cất quân ngay, cùng quan kiến-trung tướng-quân (Trương Tú) họp lại làm cho thanh thế được mạnh.

“Các châu quận cũng nên họp sẵn nghĩa binh, dàn khắp bờ cõi, thị võ dương oai, cùng giúp lấy nền xã tắc. Thế là cái công phi thường sẽ được rõ rệt dựng nên.

“Ai mà lấy được đầu Tào Tháo sẽ được phong tước hầu năm nghìn bộ, thưởng tiền năm nghìn vạn quan.

“Những bộ-khúc tướng tá ai chịu quy hàng, đều tha tội hết. Mở rộng ân tín, ban, bố phong thưởng. Nay làm tờ hịch này bá cáo thiên hạ, để ai nấy đều biết nhà vua đang có nạn nguy cấp.

“Cấp cấp như luật lệnh!”

   




Chú thích

  1. Vua Nhị-thế đời Tần, bị Triệu Cao bức bách, phải tự tử ở cung Vọng-di.
  2. Thái-tông tức là Hán Văn-đế.
  3. Đại bản doanh của Viên thống soái, ở đây chỉ chỗ đóng quân của Viên Thiệu.
  4. Đời Xuân thu, Mạnh Minh là tướng nước Tần đánh nhau với quân nước Tấn, bị thua; vua nước Tần không hỏi tội, để cho Mạnh Minh lập công chuộc tội, về sau Mạnh Minh đánh được quân nước Tấn.
  5. Cá nhảy qua đăng, ví những kẻ không tuân theo pháp luật mệnh lệnh.
  6. Gốc mạnh mà cành yếu, thì gốc cũng không vững; ý nói nên gây dựng lấy vây cánh.
  7. Theo quan chế đời Hán, trung-đài, hiếu-đài, ngoại-đài mỗi đài có chức vụ riêng biệt.
  8. Ba dũng sĩ nổi tiếng ở đời cổ.


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)