Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/271

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
(Đổi hướng từ Trang:Viet Nam Su Luoc.djvu/271)
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Mấy hôm sau, bọn ông Phan thanh Giản đi sang I-pha-nho, rồi đến cuối năm thì các sứ-thần xuống tàu « Japon » trở về.

7. VIỆC BẢO-HỘ CAO-MIÊN. Trong khi sứ nước ta sang Tây lo việc chuộc lại mấy tỉnh ở Nam-kỳ, thì ở bên này thiếu-tướng De La Grandière một mặt cứ đánh-dẹp mọi nơi, xếp-đặt cách cai-trị, định thuế-lệ và mở trường dạy chữ Pháp và chữ quốc-ngữ[1], một mặt sai quan đi kinh-doanh việc bảo-hộ nước Cao-miên (Chân-lạp).

Nguyên từ năm kỷ-mùi (1859), vua nước Cao-miên là An-dương (tức là Nặc ông Tôn) mất rồi, người con trưởng tên là Norodom (Ông-lân) lên nối ngôi. Đến năm tân-dậu (1861), thì người em Norodom là Si-Vattha nổi lên tranh ngôi của anh. Norodom phải chạy sang Tiêm-la. Sang năm nhâm-tuất (1862) vua Tiêm-la sai quân đem Norodom về nước, rồi đặt quan ở Ô-đông để bảo-hộ Cao-miên.

Lúc bấy giờ ở Cao-miên có ông giám-mục tên là Miche khuyên vua Norodom về với nước Pháp thì Tiêm-la không dám bắt-nạt. Bên này thiếu-tướng De la Grandière cũng sai đại-úy Doudart de Lagrée sang kinh-doanh việc bảo-hộ Cao-miên. Ông Doudart de Lagrée sang Cao-miên trong một năm trời thu-xếp mọi việc, đến năm giáp-tí (1864) thì nước Tiêm-la phải rút quân về, nhường quyền bảo-hộ cho nước Pháp.

8. NƯỚC PHÁP LẤY BA TỈNH PHÍA TÂY ĐẤT NAM-KỲ. Ở bên Pháp lúc bấy giờ chính-phủ cũng còn phân-vân, chưa quyết hẳn lấy hay là trả đất Nam-kỳ, mà Pháp-hoàng thì thấy đường-sá xa-xôi cũng ngại, bèn sai hải-quân trung-tá Aubaret

  1. Nguyên người nuớc ta tự xưa tuy có tiếng nói riêng mà không có chữ viết. Học-hành, văn-chương, án-từ, việc gì cũng làm bằng Hán-tự cả. Từ đời nhà Trần về sau đã có người dùng Hán-tự mà đặt ra chữ nôm để viết tiếng quốc-ngữ. Nhưng mà những nhà văn-học không hay dùng đến chữ nôm. Đến cuối đời nhà Lê có các giáo-sĩ Bồ-đào-nha sang giảng đạo ở nước ta, thấy Hán-tự khó học và không mấy người hiểu, mới mượn chữ La-tinh mà đặt ra chữ quốc-ngữ, để cho tiện sự giảng-dạy. Ngày nay ta cũng nhờ có chữ quốc-ngữ ấy mà làm thành ra nước ta có một lối chữ riêng rất tiện.