Trang:Viet Nam Su Luoc 1.djvu/176

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Trang này đã được phê chuẩn.
164 — VIỆT - NAM SỬ - LƯỢC
 

Từ xưa đến nay vua An-nam vẫn có tục lấy chàm vẽ rồng vào đùi, nhưng Anh-tông không muốn theo tục ấy. Một hôm Thượng-hoàng bảo Anh-tông rằng: « Dòng-dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được ». Anh-tông tuy vâng mệnh nhưng lừa khi Thượng-hoàng bận việc khác, lẩn đi không cho vẽ. Từ đấy vua An-nam mới không vẽ mình nữa.

Tính vua Anh-tông hay vẽ: thường có làm một tập Thủy-vân tùy-bút, nhưng đến lúc sắp mất đem đốt đi không cho để lại. Sử có chép rằng khi Anh-tông đau nặng, hoàng-hậu cho đi gọi thầy tăng về để làm lễ xem sự sinh-tử, Anh-tông gạt đi mà bảo rằng: « Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết ». Xem thế thì biết Anh-tông là một ông vua hiếu-thảo và lại thông-minh, cho nên việc triều-chính thời bấy giờ có cương-kỷ lắm.

Trong triều lại có những người tài giỏi hết lòng giúp việc nước. Văn như bọn ông Trương hán Siêu 張 漢 超, võ như ông Phạm ngũ Lão đều là người có tài-trí cả.

Phạm ngũ Lão là người làng Phù-ủng, huyện Mỹ-hào, tỉnh Hải-dương[1], trước theo Trần Hưng-đạo-vương đánh giặc Nguyên, lập được công to. Triều-đình trọng dụng cho làm đại-tướng. Ngũ Lão trị quân có kỷ-luật, đãi tướng-hiệu như người nhà, ở với sĩ-tốt cùng chịu cam-khổ, cho nên vẫn gọi quân của ông ấy là phụ tử chi binh, đánh đâu được đấy, thành một người danh tướng nước Nam ta.

Ông Phạm ngũ Lão đã giỏi nghề võ, lại hay nghề văn, thường ngâm bài thơ thuật-hoài sau này:

Hoành sáo giang-sơn cáp kỷ thu[2]
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân-gian thuyết Vũ-hầu.

  1. Bây giờ thuộc tỉnh Hưng-yên.
  2. Bài này có người dịch ra nôm như sau:

    Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,

    Ba quân hùng-hổ khí thôn ngưu.

    Công-danh nếu để còn vương nợ,

    Luống thẹn tai nghe truyện Vũ-hầu.