Trang:Viet Nam Su Luoc 1.djvu/19

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Trang này đã được phê chuẩn.
NƯỚC VIỆT - NAM — 7
 

lễ-bái, nhưng mà vẫn không nhiệt-tin tông-giáo nào cả. Kiêu-ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.

Đàn-bà thì hay làm-lụng và đảm-đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia-đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm.

Người Việt-nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong-tục, nói một thứ tiếng[1] cùng giữ một kỷ-niệm, thật là cái tính đồng-nhất của một dân-tộc từ đầu nước đến cuối nước.

7. SỰ MỞ-MANG BỜ-CÕI. Người nòi-giống Việt-nam ta mỗi ngày một nẩy-nở ra nhiều, mà ở phía bắc thì đã có nước Tàu cường-thịnh, phía tây thì lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên mới theo bờ bể lần xuống phía nam, đánh Lâm-ấp, dứt Chiêm-thành, chiếm đất Chân-lạp, mở ra bờ-cõi bây giờ.

8. LỊCH-SỬ VIỆT-NAM. Từ khi người Việt-nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai-trị mấy lần, chịu khổ-sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự-chủ, và vẫn giữ được cái tính đặc-biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí-lực của người mình không đến nỗi kém-hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ-vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy-vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường-thịnh.

Vậy ghi-chép những cơ-hội gian-truân, những sự biến-cố của nước mình đã trải qua, và kể những công-việc của người mình làm từ đời nọ qua đời kia, để cho mọi người trong nước đều biết, ấy là sách Việt-nam sử.

  1. Tuy rằng mỗi nơi có một ít tiếng thổ-âm riêng và cái giọng nói nặng nhẹ khác nhau, nhưng đại-để thì vẫn là một thứ tiếng mà thôi.