Trang:Viet Nam Su Luoc 1.djvu/83

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.

CHƯƠNG IV

KẾT-QUẢ CỦA THỜI BẮC-THUỘC

1. NGƯỜI NƯỚC NAM NHIỄM VĂN-MINH CỦA TÀU. Từ khi vua Vũ-đế nhà Hán sai Lộ bác Đức 路 博 德 sang đánh lấy Nam-việt cho đến đời Ngũ-Quí, ông Ngô Quyền 吳 權 đánh-đuổi người Tàu về bắc, tính vừa tròn 1.050 năm.

Xứ Giao-châu ta bị người Tàu sang cai-trị bấy lâu năm thì chắc là sự sinh-hoạt của người bản-xứ cũng bị thay-đổi một cách khác hẳn với trước. Khi đất Giao-châu còn gọi là Văn-lang hay là Âu-lạc thì người bản-xứ ăn ở thế nào, phong-tục làm sao, nay cũng không có di-tích gì mà kê-cứu ra cho rõ được. Có lẽ cũng tự-hồ như Mường hay là Mán ở mạn thượng-du đất Bắc-Việt bây giờ. Giả sử có đem vua Hùng-vương họ Hồng-bàng và vua An-dương-vương họ Thục mà sánh với mấy người Quan-lang ở mạn thượng-du thì dễ thường cũng không xa sự thực là mấy. Nhưng đây là một điều nói phỏng mà thôi, chứ lấy gì làm đích-xác?

Vả lại, khi người một xã-hội đã văn-minh như người Tàu mà đi mở đất chưa khai như đất Giao-châu lúc bấy giờ, thì e rằng người Tàu chiếm giữ lấy chỗ bình địa rồi tụ-họp với nhau mà làm ăn, còn những người bản-xứ thì hoặc là lẫn với kẻ

—71—