Tuyên bố La Hay

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyên bố La Hay  (2014) 
của Hội nghị Ngoại giao, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 2014 của nguyên thủ các nước G7 nhằm phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Nhà trắng

Văn phòng Thư ký Báo chí

Dành cho đăng tải ngay

24/3/2014

La Hay, Hà Lan

Ngày 24 tháng 3 năm 2014

1. Chúng tôi, các nhà lãnh đạo của Canađa, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã gặp nhau tại La Hay để tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ucraina.

2. Luật pháp quốc tế cấm việc thôn tính một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ của một nhà nước khác thông qua cưỡng ép hoặc vũ lực. Làm như vậy vi phạm các nguyên tắc mà dựa vào đó hệ thống quốc tế được xây dựng. Chúng tôi lên án cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp được tổ chức tại Crưm vi phạm hiến pháp của Ucraina. Chúng tôi cũng lên án mạnh mẽ nỗ lực bất hợp pháp của Nga sáp nhập Crưm trái pháp luật quốc tế và các nghĩa vụ quốc tế cụ thể. Chúng tôi không công nhận cả hai việc này.

3. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định rằng các hành động của Nga sẽ có hậu quả đáng kể. Sự vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng này là một thách thức nghiêm trọng đối với nền pháp trị trên toàn thế giới và đáng là một mối quan tâm đối với tất cả các quốc gia. Để đáp trả sự vi phạm của Nga đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina, và để thể hiện quyết tâm của chúng tôi đáp trả những hành động bất hợp pháp, chúng tôi – cả riêng rẽ lẫn tập thể – đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và những cá nhân và các tổ chức có trách nhiệm. Chúng tôi vẫn sẵn sàng tăng cường các hành động bao gồm cả các biện pháp phối hợp nhằm trừng phạt từng ngành sẽ có tác động ngày càng lớn lên nền kinh tế Nga, nếu Nga tiếp tục leo thang tình trạng này.

4. Chúng tôi nhắc nhở Nga về nghĩa vụ quốc tế của họ, và trách nhiệm của họ bao gồm cả những trách nhiệm đối với nền kinh tế thế giới. Nga có một sự lựa chọn rõ ràng. Những con đường ngoại giao để xuống thang tình hình vẫn còn mở ngỏ, và chúng tôi khuyến khích chính phủ Nga đi những con đường đó. Nga phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ucraina, bắt đầu các cuộc thảo luận với Chính phủ của Ucraina, và sẵn sàng tiếp nhận lời đề nghị hòa giải và giám sát quốc tế để giải quyết bất kỳ mối quan ngại chính đáng nào.

5. Sự trợ giúp của Liên bang Nga dành cho Phái bộ Giám sát Đặc biệt tại Ucraina của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu là một bước đi đúng hướng. Chúng tôi mong Phái bộ sẽ triển khai sớm, nhằm tạo thuận lợi cho đối thoại tại chỗ, làm giảm căng thẳng và thúc đẩy bình thường hóa tình hình, và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên đảm bảo cho các thành viên Phái bộ Giám sát Đặc biệt có quyền ra vào an toàn và an ninh trên toàn đất nước Ucraina để họ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình.

6. Nhóm này tập hợp với nhau vì có chung niềm tin và trách nhiệm. Hành động của Nga trong những tuần gần đây không phù hợp với các niềm tin và trách nhiệm đó. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi sẽ không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Sochi đã được lên kế hoạch. Chúng tôi sẽ đình chỉ việc chúng tôi tham gia G-8 cho đến khi Nga thay đổi đường đi nước bước và khi môi trường trở lại với mức độ mà G-8 có thể thực hiện thảo luận có ý nghĩa, và chúng tôi sẽ họp lại với nhau theo công thức G-7 vào cùng thời điểm như đã lên kế hoạch, trong tháng 6 năm 2014, tại Brúcxen để thảo luận về chương trình nghị sự rộng lớn mà chúng tôi có với nhau. Chúng tôi cũng đã thông báo rằng các Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi sẽ không tham dự cuộc họp tháng 4 tại Mátxcơva. Ngoài ra, chúng tôi đã quyết định rằng các Bộ trưởng Năng lượng G-7 sẽ gặp nhau để thảo luận về cách thức tăng cường an ninh năng lượng tập thể của chúng tôi.

7. Đồng thời, chúng tôi giữ vững lập trường ủng hộ người dân của Ucraina là những người tìm cách khôi phục lại sự thống nhất, dân chủ, ổn định chính trị, kinh tế và thịnh vượng cho đất nước của họ. Chúng tôi hoan nghênh chương trình cải cách đầy tham vọng của chính phủ Ucraina và sẽ trợ giúp việc thực thi khi Ucraina tìm cách bắt đầu một chương mới trong lịch sử của họ, có nền tảng là một cuộc cải cách hiến pháp trên diện rộng, và bầu cử tổng thống công bằng và tự do vào tháng 5, thúc đẩy nhân quyền và tôn trọng các sắc tộc thiểu số.

8. Quỹ Tiền tệ Quốc tế có vai trò trung tâm lãnh đạo nỗ lực quốc tế để trợ giúp cuộc cải cách Ucraina, giảm bớt các nguy cơ tổn thương kinh tế của Ucraina, và giúp đất nước này hội nhập tốt hơn với tư cách là một nền kinh tế thị trường vào hệ thống đa phương. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ công việc của IMF với nhà chức trách Ucraina và thúc giục họ nhanh chóng đưa ra kết luận. Trợ giúp của IMF sẽ rất quan trọng trong việc mở ra những trợ giúp bổ sung từ Ngân hàng Thế giới, các tổ chức tài chính quốc tế khác, EU, và các nguồn song phương. Chúng tôi vẫn đoàn kết trong cam kết của chúng tôi nhằm cung cấp trợ giúp tài chính mạnh mẽ cho Ucraina, cùng phối hợp trợ giúp kỹ thuật, và cung cấp trợ giúp trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả các biện pháp thúc đẩy thương mại và tăng cường an ninh năng lượng.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: