"Lời nói của người"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Nhớ trong sách đồng thoại "thằng bé Jean" của nhà văn Hà lan tên là F.van Eeden - tiếc thay năm ngoái ông chết mất rồi - có chép rằng thằng bé Jean, khi nghe hai giống nấm tranh luận với nhau, xem vào phê bình một câu: "Cả hai chúng mầy đều là có độc cả", hai giống nấm giật mình kêu lên rằng: "Mầy là người ư? Đó là lời nói của người!"

Đứng trên lập trường giống nấm mà nhìn, thật đáng giật mình và kêu lên. Loài người vì muốn ăn chúng nó mới đầu tiên chú ý ở sự có độc hay không có độc, song ở chính mình giống nấm, điều đó không có quan hệ gì cả, hoàn toàn không thành vấn đề.

Tuy là sách vở hoặc văn chương cốt ý ban cho người ta cái tri thức khoa học, vì muốn vui câu chuyện cũng thường hay nói "lời nói của người". Cái chứng bệnh ấy cả đến sách "Côn trùng ký" (Souvenirs Enlomologiques) tiếng nổi như cồn của J.H Fabre làm ra cũng không khỏi. Đến những đồ gặp đâu sao chép đó thôi không cần nói. Gần nay trên tạp chí tình cờ thấy một bài dạy cho thanh niên tri thức về sinh vật học, trong có những đoạn thế nầy...

"Nhện cứt chim... hình thể nó đã giống cứt chim, lại có thể nằm im không động đậy, chính mình giả trang làm ra dáng cứt chim."

"Trong giới động vật, cái thứ ăn thịt chính chồng mình rất nhiều, song nổi tiếng hơn hết phải kể giống nhện nói trên và giống bọ ngựa dưới đây sẽ nói đến..."

Đó cũng không khỏi nói "lời nói của người" quá trớn. Con nhện cứt chim chỉ là hình thể nó vốn giống cứt chim, tính nó lại không động đậy, chứ không phải nó cố ý làm ra dáng cứt chim cốt để lừa phỉnh những sau bọn nhỏ. Trong xã hội bọ ngựa cũng còn chưa có cái thuyết ngũ luân, khi chúng nó lẹo nhau, con cái ăn quách con đực đi, là bởi nó đói bụng, phải ăn cái gì chứ, chứ nó đâu biết cái ấy là ông chủ nhà của chính mình nó[1]. Nhưng mà một khi đã viết ra bằng "lời nói của người", thì một con thành ra kẻ hung phạm mưu sát, một con thành ra con vợ ác ăn thịt chồng. Thực ra, đều là oan uổng cả.

Trong "lời nói của người" còn có các thứ "lời nói của người". Có lời nói của người Anh, có lời nói của người Hoa. Trong lời nói của người Hoa lại có các thứ: có "lời nói của người Hoa bậc cao", có "lời nói của người Hoa bậc bét"[2]. Miền tây Chiết giang có câu chuyện buồn cười chế diễu sự khờ khạo của người đàn bà nhà quê thế nầy...

"Giữa trưa trời mùa bức, một mụ nông phụ làm việc khó nhọc quá, bỗng than thở rằng: "Đức bà hoàng hậu thật sung sướng biết ngần nào. Giờ nầy chẳng là đang ngủ trưa trên giường, khi thức dậy gọi: thái giám, đem mứt hồng lên đây!"

Nhưng mà, đó không phải là lời nói của người Hoa bậc bét", mà là "lời nói của người Hoa bậc bét" trong ý của người Hoa bậc cao, cho nên, thực nó là "lời nói của người Hoa bậc cao". Ở chính mình người Hoa bậc bét, có lẽ lúc đó chưa chắc nói như vậy, mà dù có nói như vậy, cũng không coi là câu chuyện cười[3].

Thẳng giằm nói nữa, lại phải kéo tới sự rắc rối về văn học giai cấp, thôi, ngừng lại[4].

Hiện nay có những người làm sách, bằng cái tôi viết thư cho thanh niên hoặc thiếu niên. Tự nhiên, những điều nói đó là "lời nói của người" rồi. Song không biết là lời nói của người hạng nào? Tại sao không viết cho những người lớn tuổi hơn? Tuổi lớn rồi thì không cần dạy bảo hay sao? Hay là thanh niên và thiếu niên so sánh còn thật thà, dễ lừa phỉnh?

21-3-1933
(Dịch ở Nguy tự do thư)

   




Chú thích

  1. "Ông chủ nhà": nguyên văn là "gia chủ công". Theo luân lý phong kiến, trong gia đình, vợ phải coi chồng là ông chủ, thường thường vợ cũng có gọi chồng là "phu chủ", cho nên nói thế.
  2. Trước kia, người ngoại quốc ở trong đất Trung Quốc, nhất là ở các tô giới, thường chia người Trung Quốc làm hai hạng: "Cao đẳng Hoa nhân" là hạng giàu sang có học thức ; "hạ đẳng Hoa nhân" là hạng nghèo hèn dốt nát như công nhân nông dân.
  3. Nếu nói như vậy thì là có ý thức giai cấp rồi, có ý thức giai cấp thì sẽ đi đến đấu tranh giai cấp, cho nên không coi là câu chuyện cười.
  4. Từ năm 1930, Lỗ Tấn đã cãi nhau với Lương Thực Thu về văn học có hay không giai cấp tánh, cho nên ở đây không "nói nữa".