Hiện trạng giới văn nghệ của Trung Quốc tối tăm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

(Viết cho báo "Tân quần chúng" nước Mỹ)

Hiện nay ở Trung Quốc, vận động văn nghệ của cách mạng vô sản giai cấp, thực ra là vận động văn nghệ có một. Vì đó là cái chồi mầm trong đồng hoang, ngoài đó ra, Trung Quốc không còn có văn nghệ nào khác nữa. Gọi là "nhà văn nghệ" thuộc về giai cấp thống trị thì đã mục nát đến nỗi cả đến thứ tác phẩm kêu bằng "nghệ thuật vì nghệ thuật" cho đến "đồi phế" cũng không sản sinh ra được, hiện tại, cái để mà chống lại văn nghệ tả dực, chỉ có đặt điều nói xấu, đè nén, bỏ tù và giết gióc ; người để mà đối lập với tác gia tả dực, cũng chỉ có lưu manh, mật thám, chó săn và đao phủ thủ.

Về một điểm đó, đã được chứng tỏ mười phần rõ ràng bởi những sự thực hai năm nay.

Năm kia, khi lý luận văn nghệ của Plekhanov và Lunacharsky bắt đầu giới thiệu vào Trung Quốc, trước tiên làm một vị môn đồ của Mr. Prof. Irving Babbitt[1], là vị "Học giả" nhạy cảm giác, phẫn uất và cảm khái, vị ấy cho rằng văn nghệ vốn không phải là vật của giai cấp vô sản, người vô sản nếu muốn sáng tác hay thưởng thức văn nghệ thì trước phải cặm cụi làm cho có tiền, bò lên giai cấp tư sản đã, chứ không được mang cả người rách rưới đến làm ồn trong cái vườn hoa ấy. Vả còn bịa chuyện dêu dao, nói rằng những người chủ trương văn học giai cấp vô sản ở Trung Quốc là người đã nhận được đồng rúp của Liên Xô. Cái phương pháp ấy cũng không phải không có hiệu lực chút nào, liền có nhiều ký giả nhà báo ở Thượng Hải thời thường phao ra những tin mới, có khi đăng cả số mục đồng rúp. Nhưng những độc giả sáng suốt không tin điều đó, bởi vì đem so sánh với những tin mới trên giấy đó, họ lại xem thấy cách thiết thực ở việc trước mắt là chỉ có những súng đạn chở từ các nước đế quốc chủ nghĩa đến để giết gióc người vô sản.

Bọn quan liêu của giai cấp thống trị thì cảm giác chậm hơn học giả một chút, nhưng năm ngoái đây cũng đã mỗi ngày một áp bách thêm. Cấm báo chí, cấm sách vở, chẳng những cấm những thứ mà nội dung hơi có cách mạng tánh, mà cả đến bìa sách in chữ đỏ, tác giả là người Nga, như A. Serafimovitch V. Ivanov và N. Ognev chẳng nói làm chi, cả đến một vài thứ tiểu thuyết của A. Chekhov và L. Andreev cũng đều ở trong số bị cấm. Thế rồi cửa hàng sách buộc phải chỉ in ra những sách dạy toán và đồng thoại, như Mr. Cal và Miss Rose nhàn đàm, ca tụng mùa xuân đáng yêu như thế nào v.v... - bởi vì bản dịch đồng thoại của tác giả H. Zur Mỹhlen đã bị cấm rồi, cho nên chỉ phải hết sức ca tụng mùa xuân. Song le hiện nay lại có một vị tướng quân nổi giận, nói động vật mà cũng đâm ra biết nói, vả lại được gọi là Mr., thì làm mất cái tôn nghiêm của loài người đi.

Chỉ cấm mà thôi, còn chưa phải là cách trừng trị tận gốc. Thế rồi năm nay có năm tác gia tả dực mất tích, người nhà đi hỏi thăm, biết là ở tại bộ tư lệnh cảnh bị, nhưng không thấy nhau được, sau nửa tháng, đi hỏi nữa, thì lại nói đã được "giải phóng" rồi - "giải phóng" đây là nói mỉa, thay cho "Tử hình" - vậy mà hết thảy các báo chữ Trung Quốc và chữ tây ở Thượng Hải không hề nói tới[2]. Tiếp đó là đóng cửa các hàng sách từng in sách mới hoặc bán sách mới, khi nhiều lắm là một ngày năm nhà, - nhưng bây giờ lại đã lục tục mở cửa rồi, chẳng rõ ra làm sao, xem quảng cáo mới biết các cửa hàng ấy đang hết sức in những sách hai thứ chữ Anh và Hán đối chiếu, như những sách của bọn Robert Stevenson và Oscar Wilde[3].

Nhưng mà, đối với văn nghệ, giai cấp thống trị cũng không phải là không kiến thiết tích cực. Một mặt, họ đuổi những chủ tiệm và người làm nguyên có trong mấy cửa hàng sách, ngấm ngầm đưa vào đó một tụi người từng cúi đầu chịu họ sai khiến. Nhưng làm như thế đã thấy thất bại ngay. Vì trong đó toàn là chó săn, cửa hàng sách ấy bèn giống như một quan nha uy nghiêm lộng lẫy, mà quan nha của Trung Quốc là chỗ nhân dân rất sợ và rất chán, tự nhiên không có người nào. Những kẻ ưa tới lui ở đó vẫn là mấy con chó săn chạy rông. Như vậy, làm thế nào cho cửa hàng tấp nập được? Song le, còn có một mặt khác là viết bài, in tạp chí, để thay thế những sách báo của tả dực đã bị cấm, kể đến hôm nay đã gần được mười thứ rồi. Nhưng như thế cũng đã thất bại. Cái điều làm ngăn trở là những người chủ trì "văn nghệ" đó, một vị là ủy viên của chính phủ ở thành phố Thượng Hải, một vị là đội trưởng trinh thám của bộ tư lệnh cảnh bị, bọn họ có danh tiếng về giỏi "giải phóng" hơn là về "sáng tác". Nếu họ làm một bộ sách nói về "phép giết người" hay là "thuật trinh thám", hoặc giả còn có người xem, chẳng may họ lại đang muốn vẽ tranh, làm thơ. Cái đó thật giống như ông cụ Henry Ford nước Mỹ không nói chuyện xe hơi mà lại đứng hát trước công chúng, chỉ làm cho người ta cảm thấy lạ lùng hết sức.

Cửa hàng sách củA Q.uan không có ai đến, sách báo không có ai xem, cái phương pháp cứu chữa là bắt ép những người từng có danh tiếng mà không hẳn tả khuynh đến viết cho họ, hầu giúp cho sách báo được chạy. Kết quả, chỉ có một vài kẻ gà mờ mắc mưu, số đông thì cho đến nay chưa hề viết, có một người bị ngăm dọa đến phải trốn tránh chẳng biết đi đường nào.

Hiện nay những "nhà văn nghệ" rất được quý chuộng trong đám họ là mấy người từng xưng mình là tả dực trong khi vận động văn nghệ tả dực mới bắt đầu, từng được đám thanh niên cách mạng ủng hộ, mà bây giờ bò đến dưới lưỡi dao của họ, trở mặt làm hại các tác gia tả dực. Tại sao bọn họ lại được quý chuộng? Bởi vì chúng từng là tả dực, cho nên có mấy thứ sách của chúng ngoài bìa vẫn còn có một phần đỏ, nhưng những hình vẽ công nông trong đó đã đem hình vẽ của Aubrez Beadslez thay vào, cái nào cũng giống như người đau.

Ở dưới tình hình ấy, trong đám độc giả, những kẻ nào ưa đọc tiểu thuyết cường đạo kiểu cũ và tiểu thuyết nhục dục kiểu mới thì cũng không thấy cái gì là bất tiện. Nhưng những thanh niên khá tiến bộ thì thấy không có sách để đọc, cực chẳng đã họ phải xem những sách nói suông rất nhiều mà nội dung rất ít - sách như thế thì mới khỏi bị cấm, tạm đỡ cơn đói khát, vì họ biết rằng mua thứ thuốc độc giục đi tháo dạ của nhà quan chi bằng nhắp nhắp cái chén không, ít nữa là không đến bị hại. Nhưng phần nhiều thanh niên cách mạng thì lại không luận thế nào, họ vẫn cứ yêu cầu, ủng hộ, phát triển văn nghệ tả dực cách nhiệt liệt khác thường.

Bởi vậy, ngoài những sách báo do quan làm ra và do chó săn của quan làm ra, những báo chí của các cửa hàng sách khác, vẫn phải kiếm cách nầy cách khác thêm vào một vài tác phẩm hơi cấp tiến, vì họ cũng biết rằng chỉ bán cái chén không, lối buôn bán ấy quyết không thể lâu dài. Văn nghệ tả dực có đại chúng độc giả cách mạng nâng chỏi, cái "tương lai" chính ở một phương diện ấy.

Như thế, văn nghệ tả dực vẫn đang cứ lớn lên. Có điều tự nhiên nó phải giống như cái chổi cái mầm bị đèn dưới hòn đá lớn, đang lớn lên một cách co quắp.

Điều đáng tiếc là trong đám tác gia tả dực còn chưa có tác gia xuất thân từ công nông. Một là vì công nông từ hồi nào đến giờ chỉ bị áp bách, bóc lột, không có dịp được học ; hai là vì thứ chữ khối vuông của Trung Quốc là thứ chữ tượng hình - hiện giờ thì nó đã biến đổi đến nỗi hình cũng chẳng tượng nữa - làm cho người công nông tuy đi học mười năm cũng không thể viết ra mà phô bày ý kiến của mình được. Điều đó rất làm cho "nhà văn nghệ" cầm dao vui mừng. Họ cho rằng đi học mà đến viết văn được, ít nữa phải là giai cấp tiểu tư sản, người tiểu tư sản đáng lẽ phải giữ chặt lấy cái tiểu tư sản của mình, nay trở hướng chiều về người vô sản, đó nhất định là "giả dối". Chỉ có tác gia của giai cấp tiểu tư sản chống lại văn nghệ giai cấp vô sản thì lại ra từ lòng "chân thật". "Chân thật" tốt hơn "giả dối", cho nên những sự đặt điều nói xấu, đè nén, bỏ tù và giết gióc họ đối với tác gia tả dực, lại là thứ văn nghệ càng tốt hơn.

Nhưng mà, cái thứ "văn nghệ càng tốt hơn" cầm dao ấy, ở trên sự thực, nó đã chứng minh rằng bọn tác gia tả dực đang cùng với đám vô sản bị đè nén, bị giết gióc, chịu chung một số mạng với nhau. Chỉ có văn nghệ tả dực cùng chung chịu nạn với đám vô sản ở hiện tại, thì tương lai chắc chắn cùng chung nổi dậy với đám vô sản. Một mực giết người mà thôi, rốt cuộc không phải là văn nghệ, bọn họ cũng nhân đó tuyên cáo rằng chính mình không có một chút gì hết.

1931
(Dịch ở Nhi tâm tập)

   




Chú thích

  1. Đây chỉ Lương Thực Thu. Lương nguyên là lưu học sinh ở Mỹ, sau về nước làm giáo thụ đại học, cũng là một nhà văn về phái Tân nguyệt, một phái với Hồ Thích, từng chủ trương rằng văn học không có giai cấp tánh.
  2. Đây nhấn lên, những chữ "một vị", "vị ấy" và cả cái luận điệu phản động đó đều là âm chỉ giáo thụ Lương Thực Thu. Lương nguyên là lưu học sinh ở nước Mỹ, học trò của Prof. Babbitt, cho nên nói là môn đồ của Prof. Irving Babbitt. Xem thêm lời chua số 4 bài "Ý kiến đối với Tả dực tác gia liên minh.".
  3. Robert Steveson (1850 - 1894) và Oscar Wilde (1856 - 1900) đều là tác gia tư sản nước Anh.