Lửa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Prometheus ăn cắp lửa đem cho loài người, kể là phạm phép trời, bị đày xuống địa ngục[1]. Nhưng họ Toại nhân, người dùi cây lấy lửa[2], hình như không có phạm tội trộm cắp, không có phá hoại tài sản tư hữu của thần thánh - lúc bấy giờ, cây cối còn là của chung vô chủ. Ấy vậy mà họ Toại nhân cũng bị quên bẵng đi, cho đến nay chỉ thấy người Trung Quốc thờ Hỏa thần bồ tát, không thấy thờ họ Toại nhân.

Hỏa thần bồ tát chỉ coi việc phóng lửa, không coi việc thắp đèn. Hễ là đám cháy thì có phần của hắn. Vì đó, mọi người đều thờ hắn, mong hắn bớt làm điều ác. Nhưng nếu quả hắn không làm điều ác thì hắn còn được thờ đâu, thử nghĩ xem?

Thắp đèn là sự rất thường. Từ xưa đến nay, không nghe có vị danh nhân nào vì thắp đèn mà nổi tiếng, tuy rằng loài người bắt chước họ Toại nhân biết châm lửa đã trải qua khoảng thời gian năm sáu ngàn năm rồi. Phóng hỏa thì không thế. Tần Thủy Hoàng đã thả một mồi lửa - đốt sách chứ không đốt người ; Hạng Võ vào cửa ải lại thả một mồi lửa đốt cung A Phòng chứ không đốt nhà dân (? đợi xét lại). Một vị hoàng đế gì đó ở La Mã lại thả lửa đốt trăm họ ; bọn cha cố Công giáo hồi trung thế kỷ thì lại đốt những người đạo lạc như đốt củi, có khi còn chế dầu vào. Những người đó đều là anh hùng một thuở. Hitler đời nay là một người chứng sống. Thế thì không thờ sao được? Huống chi hiện nay là thời đại tiến hóa, Hỏa thần bồ tát cũng mỗi mỗi đời con hơn đời cha.

Nói ví dụ mà nghe, những nơi chưa có đèn điện, dân chúng không biết năm quốc hóa[3] là cái gì, ai ai cũng đều mua thứ dầu hỏa ngoại hóa, tối lại thì thắp lên: cái ánh sáng tờ mờ vàng vọt kia dọi trên cửa sổ dán giấy, không bảnh lắm! Không được, không cho phép thắp đèn như thế! Các người nếu muốn sáng, không cấm sự "lãng phí" dầu hỏa như thế không được. Dầu hỏa nên đưa đến trong đồng ruộng, rót vào ống thụt, ỳ ục ỳ ục thụt ra... một đám lửa lớn, cháy lan mấy mươi dặm, lúa má, cây cối, nhà cửa - nhất là túp tranh - cháy trong một lát ra tro bay. Thế còn chưa đủ, thì có bom napan, bom lưu hoàng, từ trên máy bay ném xuống, như đám cháy lớn nhất nhị bát ở Thượng Hải, cháy luôn mấy ngày mấy đêm[4]. Thế mới là cái sáng vĩ đại.

Oai phong của Hỏa thần bồ tát là thế đó. Nhưng nếu nói ra thì hắn lại không thừa nhận: Theo lời thì Hỏa thần bồ tát vốn là người phù hộ dân chúng, còn như hỏa tai, nên trách cứ dân chúng không cẩn thận, hoặc là làm xằng làm bậy, đốt cháy rồi để cướp bóc.

Ai biết được? Những danh nhân phóng hỏa bao nhiêu đời nay đều nói như thế, nhưng chưa chắc có người tin.

Chúng ta chỉ thấy thắp đèn là chuyện thường, phóng hỏa là chuyện hùng tráng, cho nên thắp đèn thì bị cấm mà phóng hỏa thì được thờ. Không thấy phường xiếc Haichinhpô ư[5]: làm thịt bò cày cho cọp ăn, đó là cái "tinh thần thời đại" của cái năm nầy.

2-11-1933
(Dịch ở Nam xang bắc điệu tập)

   




Chú thích

  1. Theo một tích của thần thoại Hy Lạp.
  2. Theo cổ sử Trung Quốc, họ Toại nhân bắt đầu dùi trong cây khô ra lấy lửa, từ bấy giờ người ta mới biết ăn đồ nấu chín.
  3. Năm quốc hóa: Năm 1933, chính phủ Quốc dân đảng ra lệnh cho người cả nước, nội năm ấy phải dùng hàng nội hóa, không được dùng hàng ngoại quốc, gọi là "năm quốc hóa". Thực ra thì người ta vẫn mua dùng ngoại hóa như thường, vì trong nước công nghệ không phát dạt, nội hóa không đủ dùng và xấu, người ta không thích dùng.
  4. Nhất nhị bát" là ngày 28 (nhị bát) tháng 1 (nhất). Ngày 28-1-1932, Nhật Bản tiến quân đánh Thượng Hải, máy bay Nhật ném bom đốt cháy đến mấy ngày đêm mới hết cháy. Đây tỏ ý phản đối cái chính sách "tiễu cộng" của Tưởng Giới Thạch năm 1933. Lấy cớ là "năm quốc hóa", cấm nhân dân mua dầu hỏa thắp đèn, mà lại dùng dầu hỏa thụt cháy nhà cửa mùa màng, giết hại dân chúng trong "hồng khu". Thụt dầu hỏa chưa đủ, lại còn cho máy bay đến thả bom, gây ra những đám cháy to hơn, chẳng khác nào ngày 28-1-1932 đế quốc Nhật Bản thả bom đốt cháy ở Thượng Hải.
  5. Xem bài Phép huấn luyện thú rừng ở trên.