Tùy cảm lục 49

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Hết thảy các thứ động vật bậc cao[1], nếu không gặp biến cố gì bất ngờ, thì đều sống từ bé đến lớn, từ lớn đến già, từ già đến chết.

Chúng ta từ bé đến lớn, đã trải qua một cách không lấy gì làm lạ rồi ; từ đó về sau, tự nhiên cũng sẽ trải qua một cách không lấy gì làm lạ nữa mới phải.

Tiếc thay có một hạng người, từ bé đến lớn, đã bình thường trải qua một cách không lấy gì làm lạ rồi, thế mà thường lớn đến già, lại có hơi cổ quái, từ già đến chết, còn cổ quái hơn nữa, họ muốn choán hết đường lối của tuổi trẻ, hút hết không khí của tuổi trẻ.

Tuổi trẻ ở lúc đó, chỉ có thể vàng úa trước đi, hẵng đợi đến về già, sau khi thần kinh và huyết quản đều đã biến chất hết rồi mới bắt đầu hoạt động. Cho nên cái trạng thái trong xã hội, trước là "cụ non[2]", đợi đến lúc lưng còng gối lỏng, mới lại "hứng lên", giống như từ đó về sau, mới bước lên con đường làm người.

Nhưng mà rốt cuộc cũng không thể quên cái già của mình, cho nên toan tìm cách làm thần tiên[3]. Đai khái nghĩ rằng người khác đều già được, chỉ có mình không thể già được, thứ nhân vật ấy, đâu cũng phải nhường các ông cụ Trung Quốc đứng số một.

Nếu quả thật làm được thần tiên, thôi thì nhờ các ông ấy chủ trì mãi mãi, không cần phải có lớp người sau, thế cũng là việc rất tốt. Tiếc cho các ông lại không làm được, cuối cùng ông nào cũng chết đi, chỉ để lại cái xã hội già khằng mà các ông đã tạo nên, khiến bọn tuổi trẻ cứ thồ[4] lấy mà chịu khổ.

Đó thật là cái hiện tượng kỳ quái của giới sinh vật!

Tôi nghĩ, sự kéo dài của nòi giống - tức là sự nối tiếp của sinh mạng - thật chỉ là một bộ phận lớn trong sự nghiệp giới sinh vật. Sao phải kéo dài ra? Không cần nói, đó là vì muốn tiến hóa. Có đều giữa con đường tiến hóa, thế nào cũng phải mới cũ thay thế nhau. Cho nên cái mới phải vui mừng hể hả bươn tới đằng trước, ấy là lớn lên, cái cũ cũng phải vui mừng hể hả bước tới đằng trước, ấy là chết đi ; mỗi mỗi bươn tới như thế, bèn là con đường tiến hóa đó.

Người già tránh ra hai bên đường, giục giã, khuyên lơn, để cho bọn trẻ bươn tới. Trên đường có vực sâu, thì lấy xác chết kia lấp bằng đi, để cho bọn trẻ bươn tới.

Người trẻ cảm ơn bọn già đã lấp vực sâu để cho mình bươn tới ; người già cũng cảm ơn bọn trẻ đã từ trên cái vực sâu mình đã lấp bằng rồi mà bươn tới. - Bươn tới xa lắm rồi, xa lắm rồi.

Rõ được điều ấy, thì từ bé đến lớn đến già đến chết, đều trải qua một cách vui mừng hể hả ; vả lại từng bước một, từng bước một, phần nhiều là thứ người mới trỗi vượt ông cha.

Đó là con đường đúng đắn rộng rãi của giới sinh vật! Tổ tiên của loài người đều đã làm như thế.

1918
(Dịch ở Nhiệt Phong)

   




Chú thích

  1. Động vật bậc cao là một danh từ về động vật học, đối với động vật bậc thấp, chỉ những động vật nào trong cơ thể có tổ chức phức tạp, có nhiều khí quan để chuyên giữ từng chức vụ. Như loài có vú là động vật bậc rất cao, trong đó có loài người.
  2. Hai chữ này theo nguyên văn là "thiếu niên lão thành", nghĩa là người tuy trẻ tuổi mà tính cách đã đứng đắn như người già rồi, cho nên dịch là "cụ non".
  3. Trước kia, nhiều người già ở Trung Quốc, mà ở xứ ta cũng vậy, hay tìm những thứ thuốc bổ uống cho sống lâu, có người kiếm cách này cách khác để được trường sinh bất tử. Đây nói "toan làm thần tiên", là chỉ những sự ấy.
  4. Chở những vật gì trên lưng con ngựa, con là, con lạc đà, gọi là "thồ". Đây có ý nói cái xã hội già khằng đè trên lưng những người tuổi trẻ, họ phải chở lấy.