Xem gương có cảm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Nhân vì lục cái rương đựng áo, lục ra mấy cái gương bằng đồng đời xưa, chừng là mua ở Bắc Kinh hồi mới đến đó ở năm đầu Dân quốc, "tình theo việc đổi"[1], bấy lâu quên bẵng đi, bây giờ thấy lại, như thấy vật kiếp trước.

Một cái hình tròn, đường kính không quá hai tấc, rất dày và nặng, ở lưng chạm đầy cành nho và có mấy con sóc nhảy[2], xung quanh rìa là một vòng chim bay. Nhà bán đồ xưa gọi nó là "gương hải mã bồ đào"[3]. Nhưng cái của tôi không có hải mã, cái thực không xứng với cái danh. Nhớ ra tôi cũng từng thấy một cái khác thật có hải mã, nhưng giá đắt quá, không mua được. Đó đều là những cái gương của đời Hán ; về sau cũng có kẻ chế theo kiểu hoặc mài lại, nhưng hình chạm thô vụng lắm. Võ Đế đời Hán mở đường lên đến Đại Uyên, An Tức, lấy thiên mã bồ đào đem về[4], chừng như thời đó coi là việc rột rạt lắm, cho nên lấy nó làm trang sức cho đồ dùng. Thuở xưa, tên những vật phẩm từ ngoài đến thường thêm chữ "hải", như hải lựu, hải hồng hoa, hải đường các thứ. Hải, tức hiện nay gọi là "dương", hải mã, nói theo đời nay, là dương mã[5]. Cái núm gương là một con cóc, thì là vì mặt gương tròn như trăng rằm, và trong trăng có con thiềm thừ[6], chứ không can liên gì với việc đời Hán.

Nghĩ thấy người đời Hán phóng khoáng bao nhiêu, những động thực vật mời từ ngoài đến, không kiêng kỵ gì hết, liền lấy làm hình chạm trang sức. Người đời Đường cũng không kém, lệ như những con thú bằng đá trước mồ người đời hán, phần nhiều là dê, cọp, thiên lộc, tịch tà[7], mà trước Chiêu lăng[8] ở Tường An lại trổ con tuấn mã đeo cái tên, lại có một con chim đà, thật là bất chấp người xưa. ở mồ mả đời nay không cần nói, dù đến bức vẽ bình thường, có ai dám vẽ một đóa hoa, một con chim ngoại quốc, dù đến con dấu của tư nhân, có ai dám khắc một chữ viết tháu một chữ viết rẻ không? Có nhiều người phong nhã, cả đến ghi năm tháng cũng theo Giáp Tý, ngại dùng kỷ nguyên Dân quốc nữa[9]. Không biết là vốn không có nhà nghệ thuật to gan như vậy, hay là có mà bị dân chúng bách hại rồi họ mòn héo đi, chết mất đi?

Văn nghệ đời Tống sặc mùi quốc túy như hiện nay. Nhưng rồi Liêu, Kim, Nguyên lần lượt tiến vào, cái chỗ cơ mầu đó rất nên nghiền ngẫm. Hán, Đường tuy cũng có ngoại xâm, nhưng phách lực của nhân dân vẫn hùng đại, sẵn có lòng tự tin mình không đến nỗi làm nô lệ của dân tộc khác, hay là chưa hề nghĩ đến điều ấy nữa, khi lấy và dùng sự vật từ ngoài đến, coi như là bắt nó làm phu tù, tự do sử dụng, không hề e ngại. Một khi đã đến đồi bại đốn mạt rồi, thì thần kinh suy nhược nhạy quá, mỗi lúc thấy cái gì của ngoại quốc, tưởng như là nó đến bắt mình làm phu tù, chống cự, sợ sệt, rụt rè, trốn lánh, cù rũ lại một đống, lại ần phải nghĩ ra một tràng lời lẽ để mà lấy thể diện, thế rồi cái quốc túy bèn thành ra bảo bối của bọn vua hèn và đầy tớ hèn.

Chỉ phải là cái ăn được, không cứ từ đâu đến, người lành mạnh đại khái không cần suy nghĩ gì, nhận ngay là đồ ăn. Duy có người đau yếu mới hay sợ hại dạ dày, hại sức khỏe, riêng có nhiều điều kiêng khem cấm kỵ ; còn có một mớ lý do so hơn tính thiệt mà rốt cuộc không đâu vào đâu, loại như nói rằng ăn vẫn không làm sao, nhưng không ăn ổn hơn, ăn hoặc cũng có ích đấy, nhưng chi bằng không ăn là thóc chắc. Có đều những người như thế bề nào cũng càng ngày càng suy yếu, vì họ suốt ngày lo sợ, chính mình đã mất tinh thần trước đi rồi.

Không biết đời Nam Tống sánh với hiện nay ra sao, chỉ biết đối với kẻ địch bên ngoài thì rõ ràng họ đã xưng thần[10], duy ở trong nước lại có nhiều những lệ văn rườm rậm với những nghị luận tủn mủn lai nhai. Thật giống như những người đảo vận, kiêng khem lắm thứ, không còn có cái phong thể hoát đại phóng khoáng nữa. Thẳng đến về sau, cũng không có sự biến hóa gì lớn. Trên một bức họa bày ở Cổ Vật Trần Liệt Sở, tôi từng thấy một con dấu in lên đó, khắc bằng mấy chữ cái La Mã. Nhưng đó là con dấu của người được gọi là "Thánh tổ Nhân hoàng đế chúng ta"[11], là vị chủ nhân đã chinh phục giống Hán, cho nên mới dám như thế ; còn những đầy tớ giống Hán thì không dám đâu. Dù cho hiện ngày nay, dù cho nhà nghệ thuật, có ai dám dùng con dấu bằng chữ Tây?

Trong khoảng Thuận Trị triều Thanh[12], trên quyển lịch có in năm chữ "theo phép mới Tây Dương", cái kẻ khóc lóc mếu máo dâng sớ hạch người Tây Thang Nhược Vọng[13] lại là Dương Quang Tiên, người giống Hán. Đến đầu năm Khang Hy, Dương Quang Tiên đắc thắng, được bổ làm quan chánh Khâm thiên giám, thì lại xin từ, lấy cớ rằng mình chỉ biết cái lý suy bộ chứ không biết cái số suy bộ. Không cho từ, thì lại khóc lóc mếu máo viết cái bài Bất đắc dĩ, nói rằng "thà chịu Trung Quốc không có phép lịch dùng, chứ không thà để Trung Quốc có người Tây Dương". Nhưng mà rốt lại, cả đến tháng nhuần cũng tính sai, chừng như Dương Quang Tiên cho rằng phép lịch đúng là của riêng người Tây Dương, chính mình người Trung Quốc không học được, có học cũng không lành nghề. Cuối cùng Dương Quang Tiên bị khép án tử hình, nhưng rồi không giết, tha cho về, chết dọc đường. Thang Nhược Vọng vào Trung Quốc khoảng đầu Sùng Trinh triều Minh[14], phép lịch của hắn chưa hề được dùng ; về sau Nguyễn Nguyên[15] luận về việc ấy có nói rằng: "Vua tôi cuối đời Minh thấy rằng lịch Đại Thống dần dần sai, đặt quan tu sửa, đã biết phép lịch tây nhặt nhiệm mà lại không dùng. Thánh triều địch vạc, lấy phép ấy làm ra lịch Thời hiến, ban hành khắp thiên hạ. Cái công khó bọn chúng biện luận phiên dịch hơn mười năm, như là sắm sẵn để cho triều ta sử dụng, điều ấy cũng lạ thật!... Quốc gia ta thánh thánh nối nhau, mọi việc dụng nhân hành chính chỉ cần đúng lẽ phải, chứ không hề đóng khung từ trước. Nội một điều đó, cũng đã đủ ngước thấy cái độ lượng như trời rồi vậy!" (Trù nhân truyện 45)[16].

Những cái gương đời xưa còn truyền lại đến bây giờ, phần nhiều ra từ trong mồ mả, nguyên là đồ chôn theo người chết. Nhưng tôi cũng có một cái gương soi thường, mỏng mà lớn, chế theo kiểu đời Hán, có lẽ là đồ đời Đường. Chứng cứ là: 1) cái núm gương đã mòn nhiều ; 2) những chỗ mài phủng ở mặt gương đều vá bằng thứ đồng khác. Thuở nọ ở chốn đài trang, nó từng soi cái trán vàng cái mày lục[17] của người đời Đường, bây giờ lại bị giam cầm trong rương áo của tôi, hoặc giả nó cũng có ý cám cảnh xưa và nay lắm vậy.

Nhưng sự dùng gương bằng đồng, chừng như ở vào thời Đạo Quang, Hàm Phong[18] cũng còn đi đôi với gương pha lê, còn những nơi thôn quê hẻo lánh, có lẽ dến nay vẫn dùng nó. Miền chúng tôi ở, toàn dùng gương pha lê cả, chỉ có đám cưới đám ma theo nghi lễ, mới dùng gương đồng. Nhưng mà hơi hướng của nó vẫn còn rớt lại, đi đường phố có khi gặp một ông già, vác cái giống như cái ghế dài, ở trên buộc một hòn đá màu gan lợn và một hòn đá màu xanh, thử đứng nghe ông rao, thì là "Ai mài gương mài kéo không!"

Gương đời Tống tôi chưa thấy cái nào đẹp chín phần mười là không có chạm trổ, chỉ có tên nhà chế tạo và những lời minh vu vơ như là "chính kỳ y quan", thật là "thói đời mỗi ngày một xuống"[19]. Song le, muốn tiến bộ hay là không thoái bộ, thế nào cũng phải luôn luôn tự mình tìm ra kiểu mới, ít nữa là lấy kiểu nước ngoài, nếu cứ kiêng kỵ đủ thứ, câu cẩn đủ thứ, nói lai nhai đủ thứ, làm thế nọ là không theo ông bà, làm thế kia là bắt chước mọi rợ, trọn đời nơm nớp như ở trên giá mỏng, phát run còn chẳng kịp thay, nữa là làm được cái gì cho ra hồn. Cho nên, trên sự thực thấy quả "đời này chẳng bằng đời xưa", nguyên do là tại có nhiều ông cứ than thở rằng "đời nay chẳng bằng đời xưa". Bây giờ đây, cái tình hình cũng vẫn còn như thế. Nếu lại không chịu mở lòng mở dạ, bạo gan, không sợ, hút thu trụm cả văn hóa mới, thì cái ngày có kẻ giống như Dương Quang Tiên hướng lên ông chủ nhân Tây Dương cạn bày cái văn minh tinh thần Trung Quốc đại khái cũng không phải đợi đến lâu lắm đâu.

Nhưng từ hồi nào đến giờ tôi chưa từng thấy một người nào phản đối gương pha lê. Chỉ biết trong quãng Hàm Phong, ông Uông Viết Trinh ở trong sách Hồ nhã của mình có công kích nó. Sau khi ông nghiên cứu so sánh rồi quyết định rằng gương đồng vẫn tốt hơn. Một điều không thể hiểu là: ông nói, soi gương pha lê, thấy mặt mình không đúng bằng soi gương đồng. Không biết là vì gương pha lê lúc bấy giờ thật xấu đến như thế, hay là bởi ông cụ ấy đeo cái kính quốc túy? Tôi chưa được thấy thứ gương pha lê đời xưa, cho nên về điểm đó đoán không ra[20].

9-2-1925
(Dịch ở Phần)

   




Chú thích

  1. "Tình theo việc đổi" là một câu văn xưa, trong bài Lan đình tự của Vương Hy Chi, nguyên văn: "Tình tùy sự thiên", nghĩa là: tình cảm người ta tùy theo việc đời mà dời đổi, mỗi khi một khác. Vì vậy bốn chữ đó để trong dấu ngoặc kép, để tỏ rằng đó không phải là một ngữ vị bạch thoại.
  2. Đây là một lối đồ án hội họa hay điêu khắc. Những mẫu chạm của ta có một lối gọi là "nho sóc", chạm dây nho và con sóc, là bắt chước đồ án này của Trung Quốc đời xưa. Chẳng những thế, mà cả đến những mẫu vẽ hay chạm "tùng lộc" (cây tùng và con hươu), "tiêu tượng" (cây chuối và con voi), "liễu mã" (cây liễu và con ngựa), "mai điểu" (cây mai và con chim), "trúc tước" (cây trúc và chim sẻ), "cúc giải" (hoa cúc và con cua), "liên áp" (cây sen và con vịt), "anh hùng" (chim anh võ và con thỏ), lại cả đến "hồi văn chữ công", "hồi văn chữ vạn", đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là một sự thực tỏ ra rằng nghệ thuật của nước ta từ xưa ít có độc lập tính mà một phần lớn là chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương bắc.
  3. "Bồ đào" tức là cây nho. Theo tự điển thì thứ thực vật này lấy giống ở Tây vực về, chứ Trung Quốc vốn không có. Vậy "bồ đào" là một danh từ dịch âm.
  4. Đại Uyên, tên một nước ở trong miền về phía tây Trung Quốc mà hồi đời Hán gọi là Tây vực. Ở đó xuất sản nhiều ngựa hay. Hán Võ Đế từng cử binh đến đánh, bắt ba ngàn con ngựa đem về. Nước Đại Uyên ấy, nay là một huyện của một nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết, An Tức là tên nước Ba Tư đời xưa. Thiên mã tức là giống ngựa hay nói trên. Để chữ "thiên" là trời trên chữ "mã" là để tỏ ra giống ngựa lạ và quý.
  5. Hải là biển, dương là biển cả, biển lớn ; vật phẩm nào có để chữ "hải" hay chữ "dương" lên trên, đều chỉ nghĩa rằng vật ấy không phải xuất sản từ trong nước, mà đều là từ "bên kia biển" tức là nước ngoài mang về.
  6. Trong trăng có con thiềm thừ (con cóc), ấy là theo một truyền thuyết, cũng như ở xứ ta, theo truyền thuyết, nói trong trăng có "thằng Cuội".
  7. Thiên lộc và tịch tà là tên hai con thú. Theo sách Hán thư nói ở Tây vực có giống thú hình giống con hươu mà dài đuôi, con có một sừng gọi là thiên lộc, con có hai sừng gọi là tịch tà.
  8. Chiêu lăng là lăng của Đường Thái Tông.
  9. Sau Cách mạng Tân Hợi, tức là tháng mười năm 1911, bắt đầu từ năm 1912, nước Trung Hoa kỷ nguyên là Dân quốc nguyên niên. Nhưng mà có nhiều người, nhất là những người xưng mình là di thần triều Mãn Thanh, không chịu theo lối kỷ nguyên ấy mà lại ghi năm theo Giáp Tý. Nghĩa là ghi năm theo một chữ của thập can và một chữ của thập nhị chi, như Tân Hợi niên, Nhâm Tý niên, Quý Sửu niên, v.v...
  10. Các vị hoàng đế đời Nam Tống từng xưng thần, nghĩa là chịu hạ mình làm bầy tôi, đối với nhà Nguyên, Mông Cổ, một chủng tộc ở phương bắc mà người Trung Quốc vốn coi là đi địch. (Xem thêm lời chua số 1 ở bài "Bài văn đăng lộn" đằng sau tập này).
  11. Thánh Tổ Nhân hoàng đế tức là ông vua thứ hai triều Mãn Thanh, niên hiệu là Khang Hy. Dưới triều Mãn Thanh, những người giống Hán làm bầy tôi, khi nói đến ông vua ấy phải xưng là "Ngã Thánh Tổ Nhân hoàng đế". Hai chữ "chúng ta" là dịch chữ "ngã" ấy. Lỗ Tấn đay lại lời xưng hô ấy, có ý nhắc lại sự sỉ nhục của người giống Hán.
  12. Thuận Trị là niên hiệu của ông vua thứ nhất triều Mãn Thanh khi đã từ Mãn Châu vào làm chủ Trung Quốc.
  13. Thang Nhược Vọng, nguyên tên là Joaennes Adam Schall von Bell, người Đức, giáo đồ đạo Thiên Chúa, tinh thông phép lịch toán. Cuối triều Minh, sang Trung Quốc, được vào làm quan Viện Hàn lâm. Qua triều Thanh, được làm quan giám chánh khâm thiên giám, cải cách phép lịch theo phép mới bên Tây.
  14. Sùng Trinh là niên hiệu ông vua cuối cùng triều Minh.
  15. Nguyễn Nguyên là nhà văn học có tiếng đời Mãn Thanh, làm quan lớn ở hai triều Gia Khánh và Đạo Quang.
  16. Một đoạn dẫn lời Nguyễn Nguyên đây, cho người ta thấy một sự mỉa mai cay độc. Nhà Minh vì "bảo tồn quốc túy", không chịu dùng phép lịch Tây Dương, để đến nhà Thanh dùng phép lịch ấy thành công, rồi một người giống Hán là Nguyễn Nguyên buông lời mạt sát vua tôi nhà Minh và ca tụng "thánh thánh" của "quốc gia ta" là quân dị tộc... Tác giả chẳng thêm vào một lời nghị luận nào hết, mà cái ý trách móc những người thủ cựu, khinh miệt những người vô sỉ tự phơi ra lồ lộ.
  17. Bôi màu vàng ở trán, màu lục ở lông mày, là lối trang sức của phụ nữ thời đại Lục triều, đến đời Đường vẫn còn có. Nguyên văn là "ngạch hoàng mi lục".
  18. Đạo Quang và Hàm Phong là niên hiệu hai ông vua triều Mãn Thanh nối nhau vào khoảng giữa thế kỷ XIX.
  19. Nguyên văn là "thế phong nhật hạ", một thành ngữ mà văn ngôn thường dùng.
  20. Đại ý bài này cũng lại công kích bảo tồn quốc túy. Bảo tồn quốc túy là câu bịa ra mà nói để nghe cho có lý và cho đẹp, chứ kỳ thực chỉ là thủ cựu. Mà hễ thủ cựu thì phải đến suy yếu và mất nước cho dị tộc, coi như nhà Nam Tống, nhà Minh thì đủ biết.