Vũ trung tùy bút/Chương XXXII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ông giám sinh Nguyễn Doãn Mật là người Thọ Cầu, huyện Duy Tiên[1], từ khi nhà Lê mất, vẫn ở nhà dạy học. Ông có cái nhà tranh năm gian, đầu phía đông là phòng vợ chồng người con trưởng, tên là Doãn Bạt. Doãn Bạt lấy vợ đã lâu, nhưng hai vợ chồng vẫn khủng khỉnh không hòa thuận, người vợ có khi bỏ về nhà cha mẹ đẻ đến hàng tháng. Doãn Bạt thì sang dạy học một làng nhỏ bên kia sông, khi về thăm nhà, chỉ vài ngày lại sang trường học. Người vợ thường lúc vắng mặt, nói ra giọng oán giận chồng. Vợ chồng ông giám sinh không làm thế nào được.

Năm Tân Dậu (1801), em thứ Doãn Bạt cưới vợ ; hai vợ chồng người em tương đắc với nhau. Một hôm, người em thấy lẫn một cái áo lót mình của Doãn Bạt trong buồng vợ, liền đem ra trả. Ông giám sinh bụng lấy làm nghi, nhân lúc vắng người, gọi Doãn Bạt vào trách mắng sao không biết giữ ý tứ, cổ nhân ở dưới gốc mận không sửa mũ, trên ruộng dưa không xỏ giầy[2], là sợ người nghi kị. Doãn Bạt hết sức biện bạch là không có thế, tức về nỗi không viện được chứng cớ gì tỏ oan, uất ức mãi thành bệnh điên, cử chỉ ngôn ngữ lắm lúc mê sảng thất thường. Một hôm, Doãn Bạt đến nhà cậu kể lể sự tình, nói sắp liều mình tự tử để bộc bạch nỗi oan. Cậu mắng là nói càn. Sáng sớm hôm sau, Bạt cáo từ cha sang trường học. Ra đến bến đò Lê Xá ở cạnh làng, Bạt vào nhà một người quen hỏi mượn dao, người nhà biết Bạt có tính điên không cho mượn. Doãn Bạt bỏ đi ra, cắn ngón tay trỏ chảy máu, rồi lấy cái tăm tre thấm máu viết vào gốc cây gạo bên bờ sông mấy chữ rất to

Nhân mạc dư tri uổng đoạn trường
Thử oan tu tố dữ Vân Trường

nghĩa là

Ai tỏ oan này đứt ruột thay
Kêu với Vân Trường[3] họa có hay

Đề xong, gọi đò sang sông, đến giữ dòng nhảy tùm xuống. Người lái đò vội vàng cứu vớt ; không kịp, liền chạy về báo tin cho người cha thuê các nhà thuyền chài mò. Mãi đến chiều tối mời mò thấy Bạt ở giữa lòng sóng sâu, người vẫn ngồi xếp bằng tròn. Vớt lên, sắc mặt như lúc sống, chỉ có đầu ngón tay bên phải thì thấy cắn dập nát ra. Ông giám sinh khóc lóc thương xót, rồi sai người liệm chôn. Những chữ máu viết ở gốc cây gạo to bằng bàn tay, cứ lúc bóng mặt trời chiếu vào thì sắc huyết đỏ bừng lên. Người ở gần đấy sợ đến tai quan, đem rửa cạo đi, mãi mới sạch.

Ta nghe chuyện trên này, lấy làm quái lạ. Sau gặp người con trưởng quan Lý Tư giảng, người Lê Xá[4], mới hỏi kĩ lại, đều hợp với điều mình nghe. Hỏi lại duyên cớ thì có người bảo : cái áo lót mình ấy là người em dâu cất nhầm. Hoặc có người bảo vợ Bạt cố làm ra thế, không biết có phải không ? Ôi ! Người đời, những kẻ mũ cao áo dài, đứng ngồi chững chạc, mồm vẫn đọc sách thánh hiền, vẫn chen nhau trong hàng mũ áo, ngày thường vô sự vẫn tự nhận là bậc đạo học, tự đắc là người danh giáo; gặp phải sự biến, một mất một còn, một sống một chết, thì thường thường tiến thoái hồ đồ, mất cả sở cứ. Doãn Bạt là một anh chàng thiếu niên sơ học, thế mà không chịu cái tiếng loạn luân làm nhơ bẩn danh dự, đành liều mình với dòng nước trong, người đời như thế thì còn ai lượng được.

   




Chú thích

  1. Nay thuộc tỉnh Hà Nam
  2. Lấy từ câu thành ngữ "Quá điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan", ý nói tránh làm điều khiến người sinh nghi.
  3. Quan Vân Trường đời Tam Quốc từng bị Tào Tháo bắt cùng với hai chị dâu là Cam Phu nhân và My phu nhân, đều là vợ của Lưu Bị. Tào Tháo cho Quan Vũ ở cùng hai chị, Quan Vũ giữ lễ, buổi đêm đốt đuốc đứng hầu hai chị chứ không dám ngủ.
  4. Hữu Tư giảng Lý Trần Thản, thầy dạy của Đoan Nam Vương Trịnh Khải