Việt Nam sử lược/Quyển II/1971/Phần V/Chương XIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG XIII

CHIẾN-TRANH VỚI NƯỚC TÀU

  1. Trận Bắc-lệ
  2. Đánh Phúc-châu và vây Đài-loan
  3. Trận đồn Chũ và đồn Kép
  4. Trận Yên-bạc
  5. Lấy thành Lạng-sơn
  6. Thành Tuyên-quang bị vây
  7. Mất thành Lang-sơn
  8. Hòa-ước Thiên-tân

1. TRẬN BẮC-LỆ. Tại Bắc-kỳ thì quân Pháp tưởng là việc hòa-ước với nước Tàu đã xong, chỉ còn đợi ngày quân Tàu rút về, thì lên thu-nhận lấy thành Lạng-sơn, Cao-bằng và Lao-kày. Cứ theo như tờ hòa-ước của trung-tá Fournier ký ở Thiên-tân, thì vào chừng rằm tháng 5 quân Tàu ở Lạng-sơn, Thất-khê và Cao-bằng phải rút về. Vậy đến cuối tháng 5, thì thống-tướng Millot sai trung-tá Dugenne đem 1.000 quân lên thu lại các thành ấy. Ngày mồng một tháng 5 nhuận thì quân Pháp lên đến đồn Bắc-lệ 北 麗. Khi quân Pháp sang qua sông Thương, thì quân Tàu bắn vào quân Pháp, phải ba người bị thương. Được một chốc bên quân Tàu sai người đưa thư sang nói rằng quân Tàu đã biết có hòa-ước, nhưng chưa được lệnh rút quân về, vậy xin hoãn lại 6 ngày để đợi lệnh Bắc-kinh. Trung-tá Dugenne không chịu; đến quá trưa, trung-tá cho người đưa thư sang bảo quân Tàu rằng: trong một giờ nữa mà quân Tàu không rút về thì quân Pháp cứ việc tiến lên. Đoạn rồi trung-tá truyền lệnh tiến binh; đi được một lúc, thì quân Tàu phục hai bên đường bắn ra. Quân Pháp dàn trận đánh nhau đến tối. Sáng ngày hôm sau, quân Pháp thấy quân Tàu sắp vây cả bốn mặt, bèn rút về bên này sông Thương, để đợi quân cứu-viện ở Hà-nội lên. Trận ấy quân Pháp bị 28 người tử trận, 46 người bị thương, còn những phu-phen chết không biết bao nhiêu mà kể.

Thống-tướng Millot tiếp được tin quân Pháp thua ở Bắc-lệ, liền sai thiếu-tướng De Négrier đem 2 đại-đội quân bộ, 2 đội pháo-binh và một toán công-binh đi đường Phủ-lạng-thương qua làng Kép, lên tiếp-ứng cho trung-tá Dugenne. Khi tiếp được quân của trung-tá rồi, thống-tướng Millot triệu thiếu-tướng De Négrier về Hà-nội, để chờ lệnh và quân ở bên Pháp sang.

2. ĐÁNH PHÚC-CHÂU VÀ VÂY ĐÀI-LOAN. Chính-phủ bên Pháp tiếp được sự khai-chiến ở Bắc-kỳ, liền điện truyền cho hải-quân trung-tướng Courbet đem tàu sang đóng gần thành Phúc-châu là tỉnh-lị Phúc-kiến, và lại truyền cho ông Patenôtre là công-sứ Pháp ở Bắc-kinh đòi nước Tàu phải trả 250 triệu tiền binh-phí về việc chiến-tranh ở Bắc-kỳ. Chính-phủ 2 nước thương-thuyết mãi, đến ngày 29 tháng 6, thì chính-phủ Pháp gửi tờ tối-hậu-thư đòi nước Tàu 80 triệu phật-lăng tiền binh-phí, hạn cho trả làm 10 năm. Đến ngày mồng ba tháng 7 năm giáp-thân (1884), thì Hải-quân trung-tướng Courbet được lệnh khởi sự đánh Phúc-châu.

Trung-tướng truyền lệnh cho các chiến-thuyền bắn lên các pháo-đài và phá các xưởng làm binh-khí ở Phúc-châu, và lại đánh cả chiến-thuyền của Tàu đóng ở trong sông Mân-giang. Trung-tướng bắn phá ở Phúc-châu rồi đem binh-thuyền ra vây đánh đảo Đài-loan.

Hải-quân của Pháp vây Đài-loan và các cửa bể mãi đến tháng 6 năm ất-dậu (1885), nước Tàu ký hòa-ước rồi, mới thôi.

3. TRẬN ĐỒN CHŨ VÀ ĐỒN KÉP. Trong khi hải-quân của Pháp đánh phá ở mặt bể, quân Tàu ở Quảng-đông, Quảng-tây kéo sang Bắc-kỳ càng ngày càng nhiều, mà quân tiếp-ứng của Pháp mãi không thấy sang, đến trung-tuần tháng 7, thống-tướng Millot bèn cáo bệnh xin về, giao quyền lại cho thiếu-tướng Brière de l'Isle.

Được ít lâu, thiếu-tướng Brière de l'Isle tiếp được 6 nghìn quân ở Pháp sang, số quân bấy giờ cả thảy được non 2 vạn người, thiếu-tướng bèn chia ra làm 4 đạo để đi đánh quân Tàu và quân ta; thiếu-tá Servière đem một đạo quân lên mạn Đông-triều; trung-tá Donnier đem một đạo quân theo sông Lục-nam đến đánh đồn Chũ và đồn Đầm; trung-tá Defoy đem một đạo quân lên mạn sông Thương; thiếu-tá Mibielle và thiếu-tướng De Négrier thì đóng đại đồn ở Lạng-thương. Ngày 20 tháng 8, quân Pháp tiến lên đánh đồn Chũ, đồn Bảo-lạc và đồn Kép. Quân Tàu chống lại được một ngày, mà quân hai bên đánh nhau ở đồn Kép hăng hơn cả. Quân Tàu chết có đến 2.000 người; còn bên quân Pháp thì thiếu-tướng De Négrier bị thương ở chân, 27 người tử-trận và 109 người bị thương. Quân Tàu chết hại mất nhiều, phải bỏ đồn Kép, đồn Bảo-lạc và đồn Chũ chạy lui trở về.

Ở mạn đông-bắc, quân Tàu đã lui, thiếu-tướng Brière de l'Isle bèn sai đại-tá Duchesne đem 700 quân lên đánh quân cờ đen của Lưu vĩnh Phúc ở mạn Tuyên-quang và sai trung-tá Berger đem quân lên giữ Thái-nguyên.

4. TRẬN YÊN-BẠC. Quân Tàu tuy đã thua ở đồn Chũ và đồn Kép, nhưng vẫn còn đóng ở địa-hạt Lạng-sơn và Quảng-yên. Đến trung tuần tháng 11, quân Tàu lại về đóng ở gần An-châu, thiếu-tướng De Négrier đem quân bộ và quân pháo-binh đi theo tả ngạn sông Lục-nam lên đánh quân Tàu ở núi Bóp. Quân Tàu chết đến hơn 600 người, quân Pháp thiệt-hại mất 19 người tử-trận và 65 người bị thương.

5. LẤY THÀNH LẠNG-SƠN. Đầu năm 1885 là quãng tháng 11 năm giáp-thân, thiếu-tướng Brière de l'Isle được thăng chức trung-tướng và lại tiếp được hơn 1.000 quân ở bên Pháp sang. Qua tháng chạp ta, trung-tướng mộ non 7.000 phu để tải đồ và đem 7.500 quân, chia ra làm 2 đạo lên đánh Lạng-sơn. Đạo thứ nhất thì thuộc quyền thiếu-tướng De Négrier, đạo thứ nhì thì thuộc quyền đại-tá Giovanninelle.

Con đường đi từ Kép đến Lạng-sơn là đường hẻm trong núi, mà chỗ nào cũng có quân Tàu đóng, cho nên quân Pháp mới dùng kế đánh ngang từ đồn Chũ đánh lại, để lấy đồn Tuần-muội[1]. Thiếu-tướng De Négrier trước đã lên đồn Kép, dương thanh-thế tiến binh, rồi lẻn về đồn Chũ đem quân qua đèo Vân, lấy đồn Đồng-sơn tức là đồn Sung, rồi sang lấy Tuần-muội. Quân Tàu đang giữ ở mạn Bắc-lệ, thấy quân Pháp đã chặn mất đường về, liền rút quân chạy. Thiếu-tướng De Négrier đem quân đánh tràn lên đến Lạng-sơn, trưa hôm 29 tháng chạp ta thì lấy được thành. Đánh từ ngày 25 đến 29 tháng chạp, quân Pháp thiệt mất 40 người tử-trận và 222 người bị thương.

Lấy xong thành Lạng-sơn, quân Pháp nghỉ-ngơi mấy ngày, rồi lại tiến lên đánh Đồng-đăng. Quân Tàu chạy phân ra làm hai ngả: một ngả chạy lên Thất-khê, một ngả chạy lên cửa Nam-quan về Tàu. Đến ngày mồng 8 tháng giêng năm ất-dậu (1885), thì thiếu-tướng De Négrier lên đến cửa Nam-quan, truyền phá Ải-quan, rồi trở về giữ Lạng-sơn.

6. THÀNH TUYÊN-QUANG BỊ VÂY. Khi quân Pháp đi đánh mặt Lạng-sơn, thì quân Tàu và quân cờ đen ở mạn sông Hồng-hà và sông Lô-giang lại kéo về đánh Tuyên-quang. Bấy giờ quân Pháp ở trong thành cả thảy độ hơn 600 người, thuộc quyền thiếu-tá Dominé. Từ đầu tháng mười năm giáp-thân (1884), quân cờ đen của Lưu vĩnh Phúc đã kéo về đóng ở gần phủ Yên-bình và phủ Đoan-hùng. Đến tháng 11 thì quân Tàu giữ cả các chỗ hiểm-yếu, để chặn đường không cho quân Pháp ở trung-châu lên tiếp-ứng, rồi Lưu vĩnh Phúc đem quân lên đánh thành Tuyên-quang; đánh mãi đến 15 tháng chạp mới vây được thành. Quân cờ đen dùng đủ kế để phá thành, mà quân Pháp ở trong thành cũng cố hết sức để chống giữ.

Lúc ấy quân Pháp đã lấy được thành Lạng-sơn rồi, trung-tướng Brière de l'Isle liền để thiếu-tướng De Négrier ở lại giữ thành, đến ngày mồng 2 tết đem quân đi đường đồn Chũ về Hà-nội, rồi lập tức lên cứu Tuyên-quang. Ngày 13 tháng giêng năm ất-dậu, thì lên đến Đoan-hùng, rồi sang sông Chảy. Quân Tàu và quân Pháp giao-chiến từ đó cho đến ngày 16, mới giải được vây. Trận ấy quân hai bên thiệt-hại cũng nhiều, nhưng quân Tàu không địch được quân Pháp, phải vội-vàng giải vây mà rút lên mạn ngược.

7. MẤT THÀNH LẠNG-SƠN. Thành Tuyên-quang vừa giải vây xong, thì ở Lạng-sơn lại khởi sự giao-chiến. Quân Tàu tuy đã thua phải bỏ thành Lạng-sơn, nhưng quan đề-đốc Quảng-tây là Phùng tử Tài 馮 子 材 vẫn đóng đại-đồn ở Long-châu, chực sang đánh lấy lại Lạng-sơn,

Ngày mồng 6 tháng 2 năm ất-dậu (1885), quân Tàu sang đánh Đồng-đăng, thiếu-tướng De Négrier đem quân lên cứu, rồi chực đánh sang Long-châu. Quân Pháp đánh trong 2 ngày, chết hại mất non 200 người. Đến mồng 8, thiếu-tướng rút quân về Lạng-sơn, còn những người bị thương thì đem về đồn Chũ. Quân Pháp đóng ở Lạng-sơn bấy giờ có 35.000 người.

Ngày 13 thì quân Tàu tràn sang đánh Kỳ-lừa, thiếu-tướng De Négrier bị thương nặng, phải giao quyền lại cho trung-tá Herbinger, để chống với quân Tàu. Nhưng bấy giờ quân Tàu sang đông quá, trung-tá phải bỏ thành Lạng-sơn rút về Tuần-muội, rồi về đồn Chũ và đồn Kép.

Trung-tướng Brière de l'Isle tiếp được tin bại trận ở Lạng-sơn, liền điện cho chính-phủ Pháp để xin tiếp quân sang cứu-viện, và lập tức đi tàu lên đồn Chũ để phòng sự chống giữ.

Quân Tàu lấy được Lạng-sơn rồi chia quân giữ các chỗ hiểm-yếu, chứ không dám đuổi xa. Còn ở mạn sông Hồng-hà, thì quân cờ đen và quân của các quan cựu-thần ta lại về đánh phá ở mạn gần Hưng-hóa và Lâm-thao.

8. HÒA-ƯỚC THIÊN-TÂN. Bên Pháp tiếp được điện-tín của trung-tướng Brière de l'Isle đánh về nói quân Pháp phải bỏ thành Lạng-sơn, thì lòng người náo động cả lên. Thủ-tướng Jules Ferry phải từ chức. Chính-phủ Pháp thấy sự chiến-tranh không lợi bèn ký tờ giao-ước đình-chiến với nước Tàu. Rồi một mặt thì truyền lệnh cho sứ-thần nước Pháp ở Bắc-kinh là ông Patenôtre lập tờ hòa-ước với chính-phủ Tàu; một mặt thì cho quân sang tiếp-ứng Bắc-kỳ và sai trung-tướng Roussel de Courcy làm Thống-đốc quân-dân sự-vụ, trung-tướng Warnel làm tham-mưu tổng-trưởng, cùng với thiếu-tướng Jamont và thiếu-tướng Prudhomme đem hai sư-đoàn sang Bắc-kỳ.

Chính-phủ Tàu thấy chiến-tranh không có lợi, bèn thuận ký tờ hòa-ước, và lập tức sai quan sang Hà-nội truyền lệnh cho quân Tàu phải rút về. Ngày 27 tháng 4 năm ất-dậu (1885) là năm Quang-tự thứ 11, ông Patenôtre và ông Lý hồng Chương 李 鴻 章 ký tờ hòa-ước, đại-lược nói rằng nước Tàu nhận cuộc bảo-hộ của nước Pháp ở nước Việt-nam, và lại hòa-thuận buôn-bán như cũ. Nước Pháp thì trả lại các chỗ mà hải-quân đã chiếm giữ ở mặt bể, và thuận bỏ cái khoản tiền binh-phí không đòi nữa. Ngay hôm quan hai nước ký tờ hòa-ước ấy ở Thiên-tân, thì hải-quân trung-tướng Courbet phải bệnh mất ở gần đảo Đài-loan. Hải-quân của Pháp cũng chiếu theo điều-ước mà rút quân về.

  1. Tức là ải Chi-lăng ngày trước.