Việt Nam sử lược/Quyển II/1971/Phần IV/Chương XI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG XI

NHÀ NGUYỄN TÂY-SƠN

(1788—1802)

  1. Nhà Nguyễn Tây-sơn dấy nghiệp
  2. Vua Quang-trung
  3. Tôn sĩ Nghị đem quân sang Việt-nam
  4. Vua Quang-trung đại phá quân nhà Thanh
  5. Vua Quang-trung cầu-phong
  6. Vua Chiêu-thống nhà Lê bị nhục bên Tàu
  7. Đức-độ vua Quang-trung
  8. Chính-trị của vua Quang-trung
  9. Quan-chế
  10. Việc đinh-điền
  11. Việc học-hành
  12. Việc làm chùa-chiền
  13. Việc định đánh Tàu
  14. Vua Quang-trung mất
  15. Vua Cảnh-thịnh

1. NHÀ NGUYỄN TÂY-SƠN DẤY NGHIỆP. Những người làm quốc-sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính-thốngngụy-triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng-tạo ra cơ-nghiệp, hai là được kế truyền phân-minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung-nguyên, thì cho là chính-thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán-đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên-địa, bà là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là ngụy-triều.

Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây-sơn làm chính-thống hay là ngụy-triều, để cho hợp lẽ công-bằng và cho xứng cái danh-hiệu những người anh hùng đã qua.

Nguyên nước ta là nước quân-chủ, lấy cái nghĩa vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung-hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc; trên tuy còn tôn vua, nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một thời loạn. Đến sau ở trong Nam thì có Trương phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở ngoài Bắc thì có kiêu-binh làm loạn, giết hại quan đại-thần, vua chúa phải nhún mình mà chiều-đãi, đình-thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc đại loạn vậy.

Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây-sơn, chống nhau với chúa Nguyễn để lập nghiệp ở đất Qui-nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu-địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến-loạn đó mà thôi.

Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái-tổ nhà Nguyễn Tây-sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào đánh đất Gia-định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Tiêm-la, chỉ còn được mấy trăm người lủi-thủi chạy về nước; sau lại ra Bắc-hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cương-thường cho rõ-ràng. Ấy là đã có sức-mạnh mà lại biết làm việc nghĩa vậy.

Nhưng vì vua nhà Lê nhu-nhược, triều-thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh-luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán-loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám-quốc để giữ tông-miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.

Sau vua Chiêu-thống và bà Hoàng-thái-hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn tiếng cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh-tướng sang giữ thành Thăng-long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật-dụ của vua nhà Thanh, thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.

Vậy nước đã mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng-đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường, chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn sĩ Nghị phải bỏ cả ấn-tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp-sợ, tướng-sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ-công nào lẫm-liệt như vậy.

Vả đánh đuổi người Tàu đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo? Há lại chẳng hơn nhà Lý, nhà Trần nhân lúc ấu-quân, nữ chúa, mà làm sự thoán-đoạt hay sao? Vậy thì lấy lẽ gì mà gọi là ngụy? Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công-nhận cho ông Nguyễn Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An-nam quốc-vương theo như lệ các triều trước, như thế thì nhà Nguyễn Tây-sơn mở nước có khác gì nhà Đinh và nhà Lê không?

Tuy rằng chẳng được bao lâu nhà Nguyễn Tây-sơn sinh ra nội loạn, vua Thế-tổ Cao-hoàng nhà Nguyễn lại thu-phục được cơ-nghiệp cũ mà nhất-thống cả nam bắc lại làm một, nhưng việc thành-bại hưng-vong là mệnh trời, vả lại khi hai người anh-hùng đuổi một con hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu-địch. Vậy lấy lẽ tôn bản-triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây-sơn là ngụy, mà lấy công-lý mà suy thì vua Quang-trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên-hoàng, vua Lê Thái-tổ, mà nhà Nguyễn Tây-sơn cũng là một nhà chính-thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy.

2. VUA QUANG-TRUNG (1788 - 1792). Ông Nguyễn Huệ 阮 惠 (sau đổi tên là Nguyễn quang Bình 阮 光 平) là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu-trí quyền-biến, mẹo-mực như thần, khởi binh ở đất Tây-sơn (thuộc huyện An-khê, Bình-định) giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong làm Bắc-bình-vương, đóng đô ở đất Phú-xuân.

Năm mậu-thân (1788) quân nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà Lê, chiếm giữ thành Thăng-long, có ý muốn lấy đất An-nam, Bắc-bình-vương lên ngôi Hoàng-đế đặt niên-hiệu là Quang-trung 光 中, rồi đem binh đi đánh giặc.

3. TÔN SĨ NGHỊ ĐEM QUÂN SANG AN-NAM. Nguyên vua Chiêu-thống 昭 統 đã mấy lần toan sự khôi-phục, nhưng không được, phải nương-náu ở đất Lạng-giang; còn bà Hoàng-thái-hậu thì đem hoàng-tử sang Long-châu kêu van với quan Tàu, xin binh cứu-viện. Bấy giờ quan tổng-đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị 孫 士 毅 dâng biểu tâu với vua Càn-long nhà Thanh, đại-lược nói rằng: « Họ Lê là cống thần nước Tàu, nay bị giặc lấy mất nước, mẹ và vợ Tự-quân sang cầu-cứu, tình cũng nên thương. Vả nước Nam vốn là đất cũ của nước Tàu, nếu sau khi cứu được nhà Lê, và lại lấy được đất An-nam, thực là lợi cả đôi đường ».

Vua Càn-long nghe lời tâu ấy sai Tôn sĩ Nghị khởi quân bốn tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây, Quí-châu, Vân-nam, đem sang đánh Tây-sơn. Tôn sĩ Nghị chia quân ra làm 3 đạo, sai quan tổng-binh tỉnh Vân-nam và Quí-châu đem một đạo sang mạn Tuyên-quang[1], sai Sầm nghi Đống 岑 宜 棟 là tri-phủ Điền-châu đem một đạo sang mạn Cao-bằng. Sĩ Nghị cùng với đề-đốc là Hứa thế Hanh 許 世 亨 đem một đạo sang mạn Lạng-sơn, hẹn ngày tiến binh sang đánh An-nam.

Tướng Tây-sơn là Ngô văn Sở ở Thăng-long được tin quân Tàu đã sang, sợ thế yếu đánh không nổi, bèn rút quân thủy-bộ về đóng giữ từ núi Tam-điệp[2] ra đến bờ bể, rồi sai người về Phú-xuân cáo cấp.

Tôn sĩ Nghị kéo quân đến Kinh-bắc (Bắc-ninh), vua Chiêu-thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng-long. Sĩ Nghị đóng đồn ở giữa bãi, về mé nam sông Nhị-hà, bắc cầu phao ở giữa sông để tiện đi lại, và chia quân ra đóng giữ các mặt.

Ngày hôm sau, Sĩ Nghị làm lễ tuyên-độc tờ sắc của vua nhà Thanh phong cho vua Chiêu-thống làm An-nam quốc-vương.

Vua Chiêu-thống tuy đã thụ phong, nhưng các tờ văn thư đều phải đề niên-hiệu Càn-long. Mỗi khi buổi chầu xong rồi, lại đến dinh Sĩ Nghị để chầu-chực việc cơ-mật quân-quốc. Vua cưỡi ngựa đi với độ mười người lính hầu mà thôi. Sĩ Nghị thì ngạo-nghễ tự-đắc, ý-tứ xử với vua rất là khinh-bạc; có khi vua Chiêu-thống lại hầu, không cho vào yết-kiến, chỉ sai một người đứng dưới gác chiêng truyền ra rằng: không có việc quân-quốc gì, xin ngài hãy về cung nghỉ.

Người bấy giờ bàn riêng với nhau rằng: « Nước Nam ta từ khi có đế-vương đến giờ, không thấy vua nào hèn-hạ đến thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên-hiệu vua Tàu, việc gì cũng phải bẩm đến quan Tổng-đốc, thế thì có khác gì đã là nội-thuộc rồi không? ».

Vua và triều-thần bấy giờ việc gì cũng trông-cậy vào Tôn sĩ Nghị; ngày đêm chỉ lo việc báo ân báo oán, giết hại những người trước đã đi theo Tây-sơn. Tôn sĩ Nghị thì càng ngày càng kiêu-ngạo thêm, coi việc binh làm thường, lại thả quân-lính ra cướp-phá dân-gian, làm lắm sự nhũng-nhiễu. Vì thế cho nên lòng người mất cả trông cậy.

4. VUA QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN NHÀ THANH. Bắc-bình-vương được tin quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng-long, lập tức hội các tướng-sĩ để bàn việc đem binh ra đánh, các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh.

Bắc-bình-vương bèn sai đắp đàn ở núi Bàn-sơn, ngày 25 tháng mười một năm mậu-thân (1788), vương làm lễ lên ngôi Hoàng-đế, rồi tự mình thống-lĩnh thủy-bộ đại-binh ra đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ-an nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi.

Vua Quang-trung điểm duyệt quân-sĩ, truyền dụ nhủ-bảo mọi người phải cố-gắng đánh giặc giúp nước. Đoạn rồi kéo quân ra Bắc, đến ngày 20 tháng chạp thì đến núi Tam-điệp. Bọn Ngô văn Sở, Ngô thì Nhiệm đều ra tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi, cho nên phải lui về giữ chỗ hiểm-yếu.

Vua Quang-trung cười mà nói rằng: « Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu-hổ, lại mưu báo-thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì-Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến-tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú-cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa ».

Vua Quang-trung truyền cho tướng-sĩ ăn tết Nguyên-đán trước, để đến hôm trừ-tịch thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng giêng thì vào thành Thăng-long mở tiệc ăn mừng. Đoạn rồi, truyền lệnh cho ba quân đến nghe lệnh điều-khiển.

Đại-tư-mã Sở 楚, Nội-hầu Lân 璘 đem tiền quân đi làm tiên-phong. Hô-hổ-hầu 呼 虎 侯 đem hậu-quân đi đốc chiến.

Đại-đô-đốc Lộc 祿, Đô-đốc Tuyết 雪 đem hữu-quân cùng thủy-quân, vượt qua bể vào sông Lục-đầu. Rồi Tuyết thì kinh-lược mặt Hải-dương, tiếp-ứng đường mé đông; Lộc thì kéo về vùng Lạng-giang, Phượng-nhỡn, Yên-thế để chặn đường quân Tàu chạy về.

Đại-đô-đốc Bảo 保, Đô-đốc Mưu 謀 đem tả-quân cùng quân tượng-mã đi đường núi ra đánh phía tây. Mưu thì xuyên ra huyện Chương-đức (nay là Chương-mỹ), tiện đường kéo thẳng đến làng Nhân-mục, huyện Thanh-trì, đánh quân Điền-châu; Bảo thì thống-suất quân tượng-mã theo đường huyện Sơn-lãng ra làng Đại-áng thuộc huyện Thanh-trì tiếp-ứng cho mặt tả.

Năm quân được lệnh đều thu-xếp đâu đấy, đến hôm 30 khua trống kéo ra Bắc. Khi quân sang sông Giản-thủy[3], cánh nghĩa-quân của nhà Lê tan-vỡ chạy cả. Vua Quang-trung thân đốc các quân đuổi theo đến huyện Phú-xuyên bắt sống hết được toán quân Tàu đóng ở đấy, không một người nào chạy thoát được; vì thế cho nên không có tin báo về, những quân Tàu đóng ở làng Hà-hồi 河 洄 và làng Ngọc-hồi 玉 囬 không biết gì cả. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng năm kỷ-dậu (1789) quân vua Quang-trung đến làng Hà-hồi vây kín đồn giặc, rồi bắc loa lên gọi, các quân dạ rầm cả lên, có hàng muôn người. Quân canh đồn bấy giờ mới biết, sợ-hãi thất thố, đều xin hàng, bởi thế, lấy được hết cả quân-lương và đồ khí-giới. Sáng mờ mờ ngày mồng năm, quân Tây-sơn tiến lên đến làng Ngọc-hồi, quân Tàu bắn súng ra như mưa. Vua Quang-trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu-dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí-giới theo sau. Vua Quang-trung cưỡi voi đi sau đốc chiến, quân An-nam vào đến gần cửa đồn, bỏ ván xuống đất, rút dao ra, xông vào chém, quân đi sau cũng kéo ùa cả vào đánh. Quân Tàu địch không nổi, xôn-xao tán-loạn, xéo lẫn nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được các đồn, giết quân nhà Thanh thây nằm ngổn-ngang khắp đồng, máu chảy như tháo nước. Quân các đạo khác cũng đều được toàn thắng. Quan nhà Thanh là đề-đốc Hứa thế Hanh 許 世 亨, tiên-phong Trương sĩ Long 張 士 龍, tả-dực Thượng duy Thăng 尚 維 昇 đều tử trận cả; quan phủ Điền-châu là Sầm nghi Đống 岑 宜 棟 đóng ở Đống-đa[4] bị quân An-nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết[5].

Tôn sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc. Quân các trại nghe tin như thế, xôn-xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu, một lát cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị-hà đầy những thây người chết.

Vua Chiêu-thống cũng theo Tôn sĩ Nghị sang sông cùng với bà Hoàng-thái-hậu và mấy người cận-thần chạy sang Tàu.

Đạo quân Vân-nam và Quí-châu đóng ở miền Sơn-tây[6] nghe tin quân Tôn sĩ Nghị đã thua, cũng rút quân chạy về.

Ngày hôm ấy vua Quang-trung đốc quân đánh giặc, áo ngự-bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng-long, sai tướng đem binh đuổi đánh quân nhà Thanh đến cửa Nam-quan. Những dân Tàu ở gần Lạng-sơn sợ khiếp, đàn-ông, đàn-bà dắt-díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe thấy tiếng một người nào?

Vua Quang-trung vào thành Thăng-long, hạ lệnh chiêu-an, phàm những người Tàu trốn-tránh ở đâu ra thú tội, đều được cấp cho áo mặc, lương ăn. Lại bắt được cả ấn-tín của Tôn sĩ Nghị bỏ lại, trong những giấy má bắt được có tờ mật-dụ của vua Càn-long nói rằng: « Việc quân nên từ đồ, không nên hấp-tấp. Hãy nên đưa hịch truyền thanh-thế đi trước, và cho các quan nhà Lê về nước củ-hợp nghĩa binh, tìm tự quân nhà Lê đem ra đứng đầu để đối địch với Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến, ai là chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui; ta nhân lấy dịp ấy mà sai Tự-quân đuổi theo, rồi đại binh của ta theo sau, như thế không khó nhọc mấy nỗi mà nên được công to, đó là mẹo hay hơn cả. Ví bằng suốt người trong nước, nửa theo đằng nọ, nửa theo đằng kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta hãy đưa thư sang tỏ bảo đường họa-phúc, xem nó đối-đáp làm sao. Đợi khi nào thủy-quân ở Mân, Quảng đi đường bể sang đánh mặt Thuận-hóa và Quảng-nam rồi, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ trước sau bị địch, thế tất phải chịu thua. Bấy giờ ta sẽ nhân mà làm ơn cho cả hai bên; tự đất Thuận-hóa Quảng-nam trở vào Nam, thì cho Nguyễn Huệ; tự châu Hoan, châu Ái trở ra Bắc thì phong cho Tự-quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm-chế cả hai bên, rồi sẽ có xử trí về sau ».

Vua Quang-trung đem tờ mật-dụ ấy bảo với Ngô thì Nhiệm rằng: « Ta xem tờ chiếu của vua nhà Thanh chẳng qua cũng muốn mượn tiếng để lấy nước ta đó thôi. Nay đã bị ta đánh thua một trận, tất là lấy làm xấu-hổ, chắc không chịu ở yên. Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân. Vậy nên dùng lời nói khéo, để khiến cho khỏi sự binh-đao; việc ấy nhờ nhà ngươi chủ-trương cho mới được ».

Ngô thì Nhiệm vâng lệnh làm thư đại-khái nói rằng: « Nước Nam vốn không dám chống-cự với đại-quốc, nhưng chỉ vì Tôn sĩ Nghị làm nhỡ việc cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng-hòa ».

Vua Quang-trung sai sứ đem thư sang Tàu, và lại sai đem những quân nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương-thực, đợi ngày cho về nước. Xếp-đặt mọi việc xong rồi, đem quân về Nam, lưu Ngô văn Sở 吳 文 楚 và Phan văn Lân 潘 文 璘 ở lại tổng-thống các việc quân-quốc; còn những việc từ lệnh giao-thiệp với nước Tàu thì ủy-thác cho Ngô thì Nhiệm 吳 時 任 và Phan huy Ích 潘 輝 益 cho được tự tiện mà khu xử, hễ không có việc quan-hệ thì bất tất phải đi tâu báo mà làm gì.

5. VUA QUANG-TRUNG CẦU PHONG. Vua nhà Thanh nghe tin Tôn sĩ Nghị bại binh, nổi giận đùng đùng, lập tức giáng chỉ sai quan nội-các là Phúc khang An 福 康 安[7] ra thay Sĩ Nghị làm tổng-đốc Lưỡng Quảng, đem binh-mã chín tỉnh, sang kinh-lý việc An-nam.

Phúc khang An ra đến Quảng-tây nghe tiếng quân An-nam thế mạnh trong bụng đã sợ, có ý muốn hòa, bèn sai người đưa thư sang nói việc lợi-hại và bảo phải làm biểu tạ tội để cho yên việc binh-đao.

Vua Quang-trung bèn cho người đưa vàng bạc sang đút lót cho Khang An, rồi sai người cháu là Nguyễn quang Hiển 阮 光 顯 và quan là Vũ huy Tấn 武 輝 瑨 đem đồ cống-phẩm sang Yên-kinh vào chầu vua nhà Thanh và dâng biểu xin phong.

Bấy giờ quan ngoài thì có Phúc khang An đề đạt giúp đỡ, quan trong thì có các-thần là Hòa Thân 和 珅[8] làm chủ-trương, cho nên vua nhà Thanh mới thuận cho giảng-hòa. Hòa Thân được tiền-bạc của vua Quang-trung đút lót, rồi dùng lời nói khéo, điều gì cũng hợp ý vua nhà Thanh. Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong cho vua Quang-trung làm An-nam quốc-vương, và lại giáng chỉ vời quốc-vương vào chầu.

Vua Quang-trung bèn chọn một người hình-dung giống mình, tên là Phạm công Trị 范 公 治 trá làm quốc-vương, rồi sai Ngô văn Sở, Đặng văn Chân, Phan huy Ích, Võ huy Tấn đưa sang Yên-kinh, vào chầu vua Càn-long. Ngoài những phẩm-vật phải đem cống, vua Quang-trung lại đem cống thêm đôi tượng đực, làm cho các cung-trạm ở dọc đường bên Tàu phải phục-dịch đưa đón thật là vất-vả. Quan Tổng-đốc Lưỡng Quảng là Phúc khang An 福 康 安 và quan Tuần-phủ Quảng-tây là Tôn vĩnh Thanh 孫 永 清 phải đưa Quốc-vương An-nam vào Kinh.

Sang đến Yên-kinh, vua Càn-long nhà Thanh tưởng là Nguyễn Quang-trung thật, vời đến chầu ở Nhiệt-hà, cho vào làm lễ ôm gối, như là tình cha con một nhà, và cho ăn yến với các thân-vương. Đến lúc về nước, vua lại sai thợ vẽ làm một bức ảnh truyền-thần để ban cho ân lễ thật là hậu.

6. VUA CHIÊU-THỐNG NHÀ LÊ BỊ NHỤC BÊN TÀU. Vua Chiêu-thống theo Tôn sĩ Nghị vào thành Nam-ninh ở Quảng-tây, được ít lâu thì vua nhà Thanh sai các-thần là Phúc khang An ra thay Tôn sĩ Nghị. Khang An muốn giảng-hòa với Tây-sơn, bèn mời vua Chiêu-thống về Quế-lâm. Bấy giờ những quan cựu-thần nhà Lê là: Hoàng-thúc Lê duy Án 黎 維 桉, Đinh nhạ Hành 丁 迓 衡, Đinh lịnh Dận 丁 令 胤, Trần huy Lâm 陳 輝 林, Lê Doãn 黎 允, Lê Dĩnh 黎 潁, Phan khải Đức 潘 啟 德, Bế nguyễn Cung, Bế nguyễn Doãn 閉 阮 允 đều lục tục sang theo vua Chiêu-thống, vào ra mắt Khang An.

Khang An dùng Đinh nhạ Hành làm chức thủ-bị Toàn-châu, Phan khải Đức làm chức đô-tư Liễu-châu, còn thì tùy tiện an trí mỗi người một nơi. Duy chỉ có Lê duy Án, Trần huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh về Quế-lâm theo vua nhà Lê.

Đến tháng tư năm kỷ-dậu (1789), vua tôi nhà Lê vào thành Quế-lâm, Khang An nói thác ra bảo với vua Chiêu-thống rằng: Trời đang mùa hè nắng nóng, sang đánh phương nam không tiện, nên để đến mùa thu mát-mẻ sẻ khởi binh. Vậy nhà vua nên gióng-giả dần bọn tướng-thuộc đi trước. Nhưng nhà vua hãy nên gọt đầu thay áo, làm như dáng người Tàu, để khi về nước, giặc không nhận được mặt. Việc hành binh phải nên biến trá, đợi khi thành công rồi lại theo tục nước mà ăn-mặc. Vua Chiêu-thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y-phục.

Phúc Khang An bèn làm một tờ biểu tâu với vua nhà Thanh rằng: « Vua nước Nam là Lê duy Kỳ không có ý xin viện binh nữa, vua tôi hiện đã gióc tóc, thay áo, xin yên tâm ở lại nước Tàu, Vậy xin bãi binh đánh An-nam ». Ở trong lại có Hòa Thân tán-thành, bởi vậy vua nhà Thanh mới xuống chỉ bãi binh.

Vua nhà Thanh đã nghe lời bọn Phúc Khang An và Hòa Thân, và đã phong vương cho vua Quang-trung rồi, lại giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên-kinh[9].

Mùa xuân năm canh tuất (1790), vua Chiêu-thống cùng với các quan tòng vong vào kinh. Vua Càn-long để vua Chiêu-thống, bà Thái-hậu và Hoàng-tử ở ngõ Hồ-đồng, Tòa Quốc-tử-giám, cửa Tây-định ở Yên-kinh, ngoài cửa đề chữ « Tây An-nam dinh ». Còn các quan An-nam đi theo, thì cho ở ngõ Hồ-đồng, Dương-phố, cửa Đông-trực, ngoài cửa đề chữ: « Đông An-nam dinh ».

Vua Chiêu-thống đến Yên-kinh được mấy hôm, thì thấy quan Đô-thống Nhương-hoàng-kỳ là Kim Giản 鑲 黄 旗 都 統 金 簡, phụng chỉ vua nhà Thanh ra phong cho chức Tá-lĩnh 佐 領, và ban cho áo mão quan tam-phẩm. Còn các quan đi theo thì cấp cho mỗi người ba lạng bạc và một thạch gạo.

Vua Chiêu-thống giận vì người Tàu đánh lừa, bèn cùng với bề tôi là bọn Phạm như Tùng 范 如 松, Hoàng ích Hiểu 黄 益 曉, Lễ Hân 黎 昕, Nguyễn quốc Đống 阮 國 棟, Nguyễn viết Triệu 阮 曰 肇, Lê quí Thích 黎 貴 適, Nguyễn đình Miên 阮 廷 綿, Lê văn Trương 黎 文 張, Lê Tùng 黎 松, Lê Thức 黎 式 uống máu ăn thề, định sống chết thế nào thì cũng dâng biểu xin binh cứu viện. Nếu không cho thì xin đất hai tỉnh Tuyên-quang, Thái-nguyên để phụng thờ tông-tự; mà không nữa, thì xin cho về nước vào đất Gia-định với chúa Nguyễn, để đồ việc khôi-phục.

Văn biểu làm xong, đến nói lót trước với Kim Giản 金 簡, Kim Giản không nghe, vua tôi nhà Lê phục xuống đất mà kêu khóc. Kim Giản bất-đắc-dĩ mời vào an-ủi, rồi nói rằng: hãy xin về quán nghỉ-ngơi, đợi để thương-lượng thế nào, sau sẽ cho biết.

Kim Giản bèn mưu với Hòa Thân phân trí vua tôi An-nam đi ở mỗi người một nơi, để cho khỏi kêu ca khó chịu.

Đến tháng tư năm tân-hợi (1791) Hoàng ích Hiểu phải đày sang I-lê (thuộc Hồi-bộ ở Tây-vực, phía Tây nước Tàu); Lê Hân đày đi Phụng-thiên (Mãn-châu); Phạm như Tùng đày lên Hắc-long-giang (Mãn-châu); Nguyễn-quốc-Đống đày đi Cát-lâm (Mãn-châu); Nguyễn viết Triệu, Lê quí Thích, Nguyễn đình Miên, Đàm thận Xưởng, Lê văn Trương đày ra bến Trương-gia ở Nhiệt-hà (thuộc tỉnh Trực-lệ). Chỉ để Phạm đình Thiện, Đinh nhạ Hành ở lại hầu hạ vua Lê.

Vua Chiêu-thống nghe chuyện ấy lo-lắng chua-xót, ruột nóng như lửa đốt, sáng hôm sau cưỡi ngựa đế nhà Kim Giản, để kêu oan cho mấy người phải đi đày, gặp Kim Giản vào chầu vua nhà Thanh ở vườn Viên-minh, vua Chiêu-thống đi vào cửa vườn, bị lính giữ vườn ngăn-cấm không cho đi. Bấy giờ có Nguyễn văn Quyên 阮 文 涓 đi theo hầu vua, thấy lũ lính vô lễ, mới nổi giận lên mà chửi mắng rằng: « Lũ chó Ngô kia sao chúng bay được làm nhục đến vua tao! ». Rồi lấy gạch ném vào chúng nó. Chúng nó xúm nhau lại đánh Văn Quyên về thành bệnh mà chết.

Tự đó vua Chiêu-thống trong bụng buồn-bã rầu-rĩ, không dám nói đến việc xin binh nữa. Qua sang tháng năm năm nhâm-tí (1792) hoàng-tử lên đậu mất. Vua nhân dịp đó phải bệnh một ngày một nặng, đến tháng mười năm quí-sửu (1793) thì mất, thọ được 28 tuổi.

Vua nhà Thanh sai theo lễ tước công mà táng ở ngoài cửa Đông-trực.

Tháng 11 năm kỷ-mùi (1799) đời vua Gia-khánh thì bà Hoàng-thái-hậu mất.

Đến năm nhâm-tuất (1802) nhân khi bên Việt-nam ta vua Thế-tổ nhà Nguyễn đã thống-nhất cả nam bắc, và có sứ ta sang cầu phong, các quan nhà Lê mới nhân dịp dâng biểu xin đem ma Thái-hậu và Cố-quân về nước. Vua Gia-khánh nhà Thanh cho tất cả những người Việt-nam theo vua Lê sang Tàu về nước.

Sử chép rằng khi đào đất lên để cải táng mả Cố-quân, thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình-cảnh vua Chiêu-thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái-ngại thay cho ông vua một nước, phải đày-đọa đến nỗi như thế, có thể làm được một bài bi kịch thảm-xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ, bạc-đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương-nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã-man về đời áp-chế, khiến cho cái oan-khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được.

Khi đem ma bà Thái-hậu và vua Chiêu-thống về đến Việt-nam thì bà Hoàng-phi trước phải ẩn nấp ở đất Kinh-bắc, nay lên đến Ải-quan đón rước, rồi về đến Thăng-long cũng nhịn ăn mà tự tử.

Ngày 24 tháng 11, rước ma Cố-quân, Thái-hậu, Hoàng-phi và Hoàng-tử về táng ở lăng Bàn-thạch ở Thanh-hóa.

7. ĐỨC-ĐỘ VUA QUANG-TRUNG. Vua Quang-trung nhà Nguyễn Tây-sơn là ông vua anh-dũng, lấy võ-lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ-lượng, rất am-hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền-tài văn-học. Khi ngài ra lấy Bắc-hà, những người như Ngô thì Nhiệm 吳 時 任, Phan huy Ích 潘 輝 益 đều được trọng dụng và nhất là đối với một người xử-sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật là khác thường.

Ông Nguyễn Thiệp 阮 浹, tự là Khải-chuyên 啟 顓, hiệu là Nguyệt-úc 月 澳, biệt hiệu là Hạnh-am 幸 庵. Ông làm nhà ở Lục-niên thành 六 年 城, thuộc huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục-niên tiên-sinh hay là La-sơn phu-tử. Vua Quang-trung từ khi đem quân ra đánh Bắc-hà, biết tiếng Nguyễn Thiệp, đã mấy lần cho người đem lễ-vật mời ông ra giúp, ông không nhận lễ và cũng từ chối không ra. Đến khi ngài đã đăng cực, lại mấy lần cho người đến mời ông, ông có đến bái-yết và khuyên vua nên lấy nhân-nghĩa mà trị dân trị nước, rồi lại xin về. Vua Quang-trung tuy không dùng được ông, nhưng bao giờ cũng tôn kính ông như bậc thầy, và việc chính-trị trong nước thường theo ý-nghĩa của ông đã trình-bày.

8. CHÍNH-TRỊ CỦA VUA QUANG-TRUNG. Vua Quang-trung tuy đã thụ-phong nhà Thanh, nhưng vẫn tự xử theo cách Hoàng-đế, lập bà Ngọc-Hân con vua Hiển-tông nhà Lê làm Bắc-cung Hoàng-hậu, lập con là Quang Toản 光 纘 làm Thái-tử. Lại lấy thành Nghệ-an là đất giữa nước và lại là đất tổ khi xưa ở đó, mới sai thợ-thuyền tải-vận đá, gỗ, gạch, ngói, sửa-sang đền-đài cung-điện, và sai quân các đạo đào lấy đá ong để xây nội thành, gọi là Phượng-hoàng trung-đô 鳳 凰 中 都. Cải thành Thăng-long là Bắc-thành 北 城, chia đất Sơn-nam ra làm hai trấn, gọi là Sơn-nam thượng, Sơn-nam hạ[10].

Mỗi trấn đặt quan Trấn-thủ 鎮 守 và quan Hiệp-trấn 協 鎮. Mỗi huyện, văn thì đặt chức phân-tri 分 知 để xét việc kiện cáo, võ thì đặt chức phân-suất 分 率 để coi việc binh-lương.

9. QUAN-CHẾ. Quan-chế thời bấy giờ thì không thấy sử chép rõ, nhưng xem các dã-sử thì thấy có tam công 三 公, tam thiếu 三 少, có Đại-chủng-tể 大 冢 宰, Đại-tư-đồ 大 司 徒, Đại-tư-khấu 大 司 寇, Đại-tư-mã 大 司 馬, Đại-tư-không 大 司 空, Đại-tư-cối 大 司 會, Đại-tư-lệ 大 司 隸, Thái-úy 太 尉, Đại-tổng-quản 大 總 管, Đại-đổng-lý 大 董 理, Đại-đô-đốc 大 都 督, Đại-đô-hộ 大 都 護, v. v. Lại có Trung-thư-sảnh 中 書 廳, Trung-thư-lệnh 中 書 令, Đại-học-sĩ 大 學 士, Hiệp-biện đại-học-sĩ 協 辦 大 學 士, Thị-trung ngự-sử 侍 中 御 史, Lục-bộ thượng-thư 六 部 尚 書, Tả-hữu đồng-nghị 左 右 同 議, Tả-hữu phụng-nghị 左 右 奉 議, Thị-lang 侍 郎, Tư-vụ 司 務, Hàn-lâm 翰 林 v. v.

Về đường quân-binh thì đặt ra tiền quân, hậu quân, trung-quân, tả-quân, hữu-quân v. v

10. VIỆC ĐINH-ĐIỀN. Đinh thì chia ra làm ba hạng: từ 2 tuổi đến 17 tuổi làm hạng « vị cập cách »; từ 18 đến 55 tuổi làm tráng hạng; từ 56 đến 60 tuổi làm lão hạng; từ 61 trở lên làm lão nhiêu.

Ruộng cũng chia ra làm ba hạng: nhất-đẳng điền mỗi mẫu phải nộp 150 bát thóc, nhị-đẳng điền mỗi mẫu 80 bát, tam-đẳng điền mỗi mẫu 50 bát. Lại thu tiền thập-vật 什 物 mỗi mẫu một tiền và tiền khoán-khố 券 庫 mỗi mẫu 50 đồng.

Ruộng tư-điền cũng đánh thuế: nhất-đẳng điền mỗi mẫu nộp 40 bát thóc, nhị-đẳng điền mỗi mẫu 30 bát, tam-đẳng điền mỗi mẫu 20 bát. Tiền thập-vật cũng theo như ruộng công điền, còn tiền khoán-khố thì mỗi mẫu phải nộp 30 đồng.

11. VIỆC HỌC-HÀNH. Đời Tây-sơn việc cai-trị thường hay dùng chữ nôm. Nhà vua muốn rằng người Việt-nam thì phải dùng tiếng Việt-nam, để gây thành cái tinh-thần của nước nhà, và cái văn-chương đặc-biệt, không phải đi mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên khi thi-cử thường bắt quan ra bài chữ nôm và bắt sĩ-tử làm bài bằng chữ nôm. Thời bấy giờ nhiều người không hiểu rõ cái ý-nghĩa sâu-xa ấy, cho là vua Tây-sơn dùng hà-chính mà ức-hiếp nhân dân.

12. VIỆC LÀM CHÙA-CHIỀN. Vua Quang-trung thấy làng nào cũng có chùa-chiền, mà những người đi tu-hành thì ngu-dốt, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần-thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân, ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ mỗi huyện một cái chùa thật to, rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng-nhân có học-thức, có đạo-đức, ở coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng-đáng thì bắt về làm ăn. Ý vua Quang-trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải cho tôn-nghiêm, mà những người đi tu-hành thì phải là người chân tu mộ đạo mới được.

Những việc cải-cách ấy rất có nghĩa-lý, nhưng vì thủa ấy có nhiều sự chiến-tranh, vả nhà Tây-sơn cũng không làm vua được bao lâu, cho nên thành ra không có công-hiệu gì cả.

13. VIỆC ĐỊNH ĐÁNH TÀU. Trước vua Quang-trung cầu hòa với nước Tàu và chịu phong là cốt để đợi ngày có đủ sức mà đánh báo thù, cho nên từ khi trong nước đã dẹp yên rồi, ngày đêm trù-tính việc đánh Tàu. Đình thần ai cũng bàn nên xét số dân đinh cho đích-thực để kén lấy lính. Vua bèn xuống lệnh cho các trấn bắt dân xã làm lại sổ đinh, ai ai cũng phải biên vào sổ, rồi cấp cho mỗi người một cái thẻ bài, khắc bốn chữ Thiên-hạ đại tín 天 下 大 信, chung quanh ghi tên họ quê quán, và phải điểm chỉ làm tin. Người nào cũng phải đeo thẻ ấy gọi là tín bài 信 牌. Ai không có thẻ là dân lậu, bắt sung vào quân phòng, và bắt tội tổng-trưởng, xã-trưởng. Nhân có việc ấy, những kẻ lại-dịch hiệp với xã-trưởng đi lại làm bậy: thường vào làng vây bắt hỏi thẻ, làm cho dân-gian nhiễu-động, nhiều người phải trốn vào rừng mà ở.

Sổ đinh làm xong rồi cứ ba tên đinh kén lấy một người lính.

Quân thì chia ra làm đạo, cơ, đội. Đạo thì thống các cơ, cơ thì thống các đội. Cơ đội nào theo về cơ đội ấy, bắt phải diễn tập luôn luôn.

Bấy giờ ở bên Tàu có những giặc Tàu-ô, quấy-nhiễu ở miền bể bị quân nhà Thanh đánh đuổi, chạy sang xin phụ thuộc nước ta, vua Quang-trung cho người tướng Tàu-ô làm chức tổng-binh, sai sang quấy-nhiễu ở mặt bể nước Tàu. Lại có người thuộc về đảng Thiên-địa-hội 天 地 會 làm giặc ở Tứ-xuyên, vua cũng thu-dùng cho làm tướng.

Công-việc xếp-đặt đâu vào đấy rồi, đến năm nhâm-tí (1792) vua Quang-trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn và xin trả lại cho Việt-nam đất Lưỡng Quảng. Việc ấy tuy không phải là bản-ý, nhưng muốn mượn chuyện để thử ý vua nhà Thanh. Không ngờ vua Quang-trung phải bệnh mất, các quan dìm việc cầu hôn và việc xin trả đất đi, không cho Thanh-triều biết.

14. VUA QUANG-TRUNG MẤT. Vua Quang-trung mất năm nhâm-tí (1792), làm vua được 4 năm, thọ được 40 tuổi, miếu-hiệu là Thái-tổ Võ-hoàng-đế 太 祖 武 皇 帝.

Triều-thần bấy giờ là Bùi đắc Tuyên 裴 得 宣, Trần quang Diệu 陳 光 耀[11], Vũ văn Dũng 武 文 勇 lập thái-tử là Nguyễn quang Toản lên nối ngôi làm vua, rồi sai sứ sang Tàu dâng biểu cáo tang và cầu phong. Trong biểu nói dối rằng khi vua Quang-trung mất có dặn lại rằng phải đem chôn ở Tây-hồ gần Bắc-thành, để tỏ cái bụng quyến-luyến trông về Thiên-triều. Vua nhà Thanh xem biểu tưởng là thật, khen là trung, đặt tên thụy cho là Trung-thuần 忠 純 , lại ngự chế một bài thơ sang viếng, sai quan Án-sát Quảng-tây là Thành Lâm sang tế, và phong cho Quang Toản làm An-nam quốc-vương. Trong bài văn-tế có câu rằng:

Chầu ngôi Nam cực,
Lòng trung-nghĩa hết đạo thờ vua.
Chôn đất Tây-hồ,
Nghĩa thần-tử vẫn còn mến chúa.

15. VUA CẢNH-THỊNH (1782-1802). Khi vua Quang-trung mất thì Thái-tử là Nguyễn quang Toản mới lên 10 tuổi, triều-đình tôn lên làm vua, đặt niên-hiệu là Cảnh-thịnh 景 盛, sau thành Phú-xuân thất thủ, vua tôi nhà Tây-sơn chạy ra Bắc-hà lại đổi niên-hiệu là Bảo-hưng 寶 興.

Vua Cảnh-thịnh tuy đã lên ngôi nhưng mà việc gì cũng do ở Thái-sư là Bùi đắc Tuyên quyết đoán cả. Bùi đắc Tuyên là anh ruột bà Thái-hậu, cho nên uy-quyền lại càng hống-hách lắm. Các quan văn-võ có nhiều người không phục, bởi vậy cho nên về sau trong Triều phân ra bè-đảng; các đại thần giết-hại lẫn nhau. Vả lại lúc bấy giờ có vua Thế-tổ Cao-hoàng nhà Nguyễn là một bậc có tài-trí, quyết chí phục thù, cho nên cơ-nghiệp nhà Tây-sơn không được bao lâu mà đổ nát vậy.

  1. Khi xưa đất Hà-giang, Lao-kay, Yên-báy thuộc về địa-hạt tỉnh Tuyên-quang.
  2. Núi Tam-điệp trước gọi là đèo Ba-dội ở chỗ phân địa-giới tỉnh Ninh-bình và tỉnh Thanh-hóa.
  3. Giản-thủy chắc là bến đò Giản ở giáp giới tỉnh Ninh-bình và Hà-nam bây giờ.
  4. Ở cạnh Thái-hà-ấp, gần Hà-nội.
  5. Về sau bọn khách trú ở Thăng-long làm cái đền thờ Sầm nghi Đống ở ngõ Sầm-công, sau Hàng Buồm, nữ-sĩ Hồ xuân Hương có vịnh bài tuyệt cú rằng:
    Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
    Kìa đền Thái-thú đứng cheo-leo.
    Ví đây đổi phận làm trai được,
    Thì sự anh-hùng há bấy nhiêu?
  6. Trước đất Phú-thọ, Vĩnh-yên thuộc về địa-hạt tỉnh Sơn-tây.
  7. Phúc khang An là người Mãn-châu, thuộc về dinh Hoàng-kỳ, vốn là người tin-dùng của vua nhà Thanh.
  8. Hòa Thân cũng là người Mãn-châu về dinh Hoàng-kỳ, cùng với Phúc khang An coi việc phiên-viễn.
  9. Bọn Lê Quýnh 黎 侗, Trịnh Hiến 鄭 憲 cả thảy đến 10 người sau cũng bị Phúc khang An gọi về Quảng-tây, rồi bắt đổi áo gióc tóc như mọi người. Lê Quýnh nói rằng: « Ông cho gọi chúng tôi đến chẳng bàn được điều gì, lại dỗ chúng tôi đổi áo, gióc tóc, ấy là nghĩa gì? Đầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc không gióc, da có thể lột được, chứ áo không đổi! ».

    Phúc Khang An tức giận cho giải về cả Yên-kinh, đi đến Sơn-đông gặp vua Càn-long đi chơi, vua đòi vào hỏi sao vua An-nam đã chịu đổi áo gióc tóc theo nhà Thanh mà bọn ấy lại còn không chịu? Lê Quýnh tâu rằng: « Chúng tôi muôn dặm tòng vong, xin cứ theo tục bản quốc vào ra mắt quốc-vương, rồi sau sẽ vâng chỉ ». Vua nhà Thanh khen là trung. Nhưng về sau Lê Quýnh không chịu gióc tóc, chiếu tội vi-mệnh phải giam mãi.

  10. Trấn-lị Sơn-nam-thượng ở Châu-cầu, trấn-lị Sơn-nam-hạ ở Vị-hoàng.
  11. Có sách chép là Nguyễn quang Diệu.