Bước tới nội dung

Ông Phan Khôi làm mất vui cho việc bầu cử viện trưởng Viện dân biểu Bắc kỳ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ông Phan Khôi làm mất vui cho việc bầu cử viện trưởng Viện dân biểu Bắc kỳ  (1930) 
của Ngô Tất Tố

Bài đăng trên Phổ thông, Hà Nội, số 68 (20.9.1930)

Với ông Phan Khôi, Thiết Khẩu Nhi[1] là bạn có tên trên tờ Phổ thông, hôm nay lù lù đem tên ông ấy nói lên trên báo, mà lại nói một cách oán hận, không khỏi có người ngờ rằng mình với ông Khôi đã có sự gì không hòa.

Điều đó không đúng mà đúng.

Nói thật. Thiết Khẩu Nhi với ông Phan Khôi chẳng những là bạn có tên trên tờ Phổ thông mà lại có duyên họp mặt ở đất Sài Gòn, đối với học lực và tư tưởng của ông ấy, xưa nay mình vẫn kính phục, có làm gì mà bất hòa ? Nhưng độ này vì ông ấy bỗng làm cho việc bầu cử Viện dân biểu Bắc kỳ kém vui vẻ, mình là dân Bắc kỳ, lẽ đương nhiên phải căm oán ông ấy.

Nói vậy chắc độc giả cho là vô lý, vì ông Khôi vẫn nằm ở đường Paul Blanchy, có dính dáng gì, đả động gì đến việc bầu cử viện trưởng ở ngoài này mà vu cáo ông ấy cái tội kia ?

Ông Khôi tuy không dính dáng đả động đến việc bầu cử viện trưởng, nhưng ông ấy có rắc rối với người của viện Dân biểu.

Tác giả cuốn Nho giáo, tiên sinh Trần Trọng Kim mới rồi được chính phủ cử làm Dân biểu, nếu cho là việc không hợp chí mình, tiên sinh đã chối. Tiên sinh không chối, chắc cũng nhận chức đó nên làm. Làm việc gì nghĩ việc ấy, lẽ thường.

Thế mà ông Phan Khôi chơi khăm, độ trước đã vì cố phê bình cuốn Nho giáo làm cho Trần tiên sinh mất công hàng tháng mới viết xong bài trả lời, bây giờ lại nhè dịp bầu cử viện trưởng mà mời tiên sinh họ Trần đến nói chuyện ở nhà M.Logique để cho Trần tiên sinh không có thời giờ nghĩ đến công việc của viện.

Bữa trước Phổ thông có đăng tin đồn Trần tiên sinh với ba ông nữa ra tranh cử nghị trưởng, tiên sinh có viết thư đến Phổ thông, vin luật bắt phải cải chính đăng vào cột thứ nhất, trang thứ nhất, nghĩa là đúng với cái chỗ hôm trước đăng tin đồn kia. Tiên sinh còn nói thêm rằng : ngài không hề nghĩ đến việc đó.

Tiên sinh bận gì mà không nghĩ ? có lẽ bận việc ông Phan Khôi quấy nhiễu, phải nghĩ bài trả lời thứ hai.

Nếu tiên sinh nghĩ đến, may ra việc bầy cử viện trưởng cũng thêm người vận động hô hào, quang cảnh cũng vui vẻ thêm một chút, vì tiên sinh không nghĩ đến, cuộc vận động kém đi một người, làm cho việc bầu viện trưởng đã bẽ bàng lại càng thêm bẽ bàng.

Lỗi đó, nếu truy nguyên ra, ông Phan Khôi cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

THIẾT KHẨU NHI

   




Chú thích

  1. Thiết Khẩu Nhi là bút danh của Ngô Tất Tố, người đã cùng Phan Khôi viết cho các báo Đông Pháp thời báo, Thần chung ở Sài Gòn những năm 1928 – 1930