Đài gương truyện/2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đài gương truyện của Tản Đà
2. — Mẹ ông Mạnh-Kha nước Châu

母軻孟鄒

2.MẸ ÔNG MẠNH-KHA NƯỚC CHÂU

Ông Mạnh-tử, tên là Kha, người nước Châu, là một vị đại-hiền ở về đời Chiến-quốc. Khi còn bé, đi học mà bỏ về. Bà mẹ đương ngồi dệt cửi, thấy con bỏ học về, cầm dao chém đướch ngay cái máy cửi. Ông Mạnh-tử trông thấy, sợ, hỏi mẹ rằng:

— Chết! Sao mẹ làm như thế?

Bà mẹ nói: — Mày nghĩ, mày khắc biết. Tao chém bỏ cái máy cửi này, cũng như mày bỏ học. Này con ơi, người đàn bà như mẹ đây, phải chăm nghề dệt vải để lo kiếm cái ăn cái mặc cho chồng con; nếu đương dệt mà chém bỏ đi như thế này thời sao cho trong một nhà khỏi đói rách? Mày là thân phận người con giai, phải có học thời mới biết được điều nọ nhẽ kia, mai sau mới nên một người khá; nếu mày mà bỏ học thời phi ăn trộm ăn cắp, cũng chỉ làm đầy-tớ người ta thôi!

Ông Mạnh-tử nghe rồi, sợ quá, từ đấy mới chăm học.

Ông Mạnh-tử, sau lúc đã có vợ, một khi sắp vào buồng, thấy vợ đương cửi-trần, giận rằng vô lễ, rồi đi ra không vào nữa. Người vợ ra có nhời với mẹ chồng để xin về, thưa rằng:

— Con nghe đạo vợ chồng xưa nay, trong chỗ buồng riêng không phải giữ nệ lắm. Nay con hơi chễ-nải một chút mà chồng con giận dỗi, xem ý như đãi con là khách. Người đàn bà không có nhẽ là khách mà đi ngủ ở nhà người. Vậy thưa mẹ biết cho, để con xin về nhà bố mẹ đẻ.

Bà mẹ sai gọi con, bảo rằng:

— Ở trong kinh Lễ có dạy rằng: « Sắp bước chân lên thềm, phải đánh tiếng, là để cho người trong nhà biết; sắp bước vào trong cửa, mắt phải nhìn xuống đất, là sợ trông thấy sự riêng của người ta ». Nay tự mình không có lễ mà muốn trách người phải có lễ, như thế thế nào được!?

Ông Mạnh-tử phải xin lỗi, rồi mời vợ ở lại.

— Ông Mạnh-tử khi ở trong nước Tề, mặt thường có vẻ lo; một hôm, đứng tựa cột thở dài. Bà mẹ trông thấy, hỏi rằng:

— Trước vẫn thường thấy con mặt như có vẻ lo, bây giờ lại đứng mà thở dài, là ý làm sao thế?

Thưa rằng: — Con nghe: phàm là người quân-tử, được ông vua có thật tin dùng cái đạo học của mình thời mới theo làm quan mà ăn lương; chớ không tham vì giầu sang mà làm quan. Nay ở lâu trong nước Tề, đạo học của con không ai dùng, muốn đứng dậy đi mà nghĩ mẹ đã già, cho nên con lo.

Bà mẹ nói: — Này con, mẹ nghe phận đàn bà xưa nay, chỉ trông nom cơm nước, may vá quần áo, phụng thờ bố mẹ chồng. Cho nên chỉ có lo liệu trong cửa nhà mà không can-dự đến việc ngoài; cho nên có đạo tam-tùng mà không có nghĩa được tự-do; cho nên lúc làm gái thời theo với bố mẹ, đi lấy chồng thời theo với chồng, chồng chết thời theo với con. Nay con đã khôn nhớn nên người mà mẹ lại già rồi. Con cứ nghĩa phải của con, con làm; mẹ cứ lễ thường của mẹ, mẹ giữ. May ra đều được hợp đạo cả, việc gì con phải lo?

Ông Mạnh-tử được nhời mẹ dạy, cúi đầu xin vâng. Bởi thế ông không phải vì bổng lộc mà làm quan với đời, rồi học nên một vị đại-hiền; người sau quí chuộng cũng gần như đức thánh Khổng, thường nói là: « ông Khổng, ông Mạnh. »

Kẻ dịch có nhời thơ rằng:

Thương con, mẹ cũng như ai;
Dạy con cho được hơn người là hơn.
Nghìn thu mẹ thánh con hiền!