Đường kách mệnh/Cách tổ chức công hội

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. Tổ chức công hội làm gì?

Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới.

Đi lại không phải là bữa này người A có giỗ chạp thì người B tới ăn; mai người B có cúng quảy lại mời người C tới uống rượu. Nhưng đi lại để bày vẽ cho nhau điều khôn lẽ phải, để giao hoán trí thức cho nhau.

Nghiên cứu chẳng những là giở sách vở, giở báo ra giảng; nhưng phải bàn bạc cách phấn đấu với tư bản và đế quốc chủ nghĩa.

Sửa sang cách sinh hoạt như lập hiệp tác xã, mở hội học, hội chơi cho công nhân, vân vân.

Giữ gìn lợi quyền là khi hội đã có thế lực rồi, thì đòi thêm tiền công, bớt giờ làm, vân vân.

Giúp cho quốc dân và thế giới là đem lực lượng thợ thuyền cách mệnh làm cho ai cũng được bình đẳng tự do như thợ thuyền Nga đã làm từ năm 1917.

2. Cách tổ chức công hội thế nào?

Tổ chức có hai cách, cách nghề nghiệp và cách sản nghiệp.

Nghề nghiệp là ai làm nghề gì thì vào hội nghề ấy. Như thợ may vào hội may, thợ rèn vào hội rèn.

Sản nghiệp là bất kỳ nghề gì, hễ làm một chỗ thì vào một hội. Như việc xe lửa, người đốt than, người sơn xe, người phát vé, người coi đường, người cầm máy; tất cả nhập vào một công hội xe lửa.

Tổ chức theo cách sản nghiệp thì mạnh hơn, vì thống nhất hơn. Thí dụ khi xe lửa muốn bãi công, nếu hội là sản nghiệp thì hội viên đều phải bãi công hết, thì tư bản sợ hơn. Nếu hội là nghề nghiệp, thì có khi người đốt lửa bãi công mà người cầm máy không, hoặc người phát vé bãi công mà người làm ga không, thế thì sức bãi công yếu đi.

3. Một người công nhân có thể vào hai hội không?

Không. Nếu hội ấy là nghề nghiệp, thì chỉ những người đồng nghề nghiệp được vào; ai đã vào hội sản nghiệp rồi thì không được vào hội nghề nghiệp nữa. Thí dụ: Xe lửa đã tổ chức theo sản nghiệp, mấy người thợ việc đã vào hội ấy rồi. Trong xứ ấy lại có một hội thợ mộc khác, những người thợ mộc trong hội xe lửa không được vào.

Trong một nghề hoặc một sản nghiệp cũng không được lập hai hội.

Nhưng mà một công hội có phép vào hai tổng công hội. Thí dụ: Hội xe lửa Hà Nội đã vào Tổng công hội xe lửa An Nam lại vào tổng công hội ta nào.

Nói tóm lại là đoàn thể thì có phép vào nhiều tổng công hội mà từng người thì chỉ được vào một hội mà thôi. Nếu giới hạn này không nghiêm thì sau hay bối rối.

4. Công hội với chính đảng khác nhau thế nào?

Công hội chú trọng mặt kinh tế hơn. Đảng chú trọng mặt chính trị hơn. Ai là thợ thuyền thì được vào hội, dù tin Phật, tin đạo, tin cộng sản, tin vô chính phủ, tin gì cũng mặc, miễn là theo đúng quy tắc hội là được.

Đảng thì bất kỳ người ấy làm nghề gì, thợ thuyền hay là dân cày, học sinh hay là người buôn, miễn là người ấy tin theo chủ nghĩa đảng, phục tùng phép luật đảng thì được vào.

Ai vào cả đảng và hội, chính trị thì theo đảng chỉ huy, mà kinh tế thì theo công hội chỉ huy. Đảng viên ai cũng phải vào hội để mà tuyên truyền chủ nghĩa của đảng. Nhưng không phải hội viên nào cũng vào được đảng.

5. Cái gì là hệ thống của công hội?

Hệ thống là cách tổ chức ngang hay là dọc.

Ngang là như trong một tỉnh có hội thợ rèn, hội thợ may, hội thợ mộc, hội thợ nề, vân vân, tất cả các hội tổ chức thành tỉnh tổng công hội; hội nào cũng bình đẳng, bằng ngang nhau.

Dọc là như mỗi huyện có một hội thợ may, 4, 5 hội huyện tổ chức một hội thợ may tuyền tỉnh, tất cả hội thợ may trong mấy tỉnh tổ chức một hội thợ may cả nước. Ấy là dọc, nghĩa là từ dưới lên trên.

Đã ngang lại dọc, thế thì theo mệnh lịnh tổng công hội ngang hay là tổng công hội dọc? Nếu quan hệ về sản nghiệp thì theo mệnh lịnh dọc. Nếu quan hệ về địa phương thì theo mệnh lịnh ngang.

6. Muốn hội vững bền thì phải tránh những việc gì?

Đã vào công hội thì:

1. Nên bỏ giới hạn xứ sở, nghĩa là chớ phân biệt người này là Trung Kỳ, người kia là Nam Kỳ, người nọ là Bắc Kỳ. Và cũng không nên chia ra người An Nam, người Tàu hay là người nước nào. Đã một nghề, một hội tức là anh em cả, phải xem nhau như người một nhà.

2. Đàn ông, đàn bà đều phải bình đẳng.

3. Chớ có bỉ thử mình khéo hơn, lương cao hơn, mà khinh người vụng và ăn tiền ít.

4. Chớ cậy mình là nhiều tuổi mà muốn làm đàn anh.

5. Chớ cho bọn tư bản vào hội.

7. Phải tổ chức thế nào cho kiên cố?

Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa, cho nên tổ chức phải nghiêm nhặt, chỉ huy phải mau mắn, làm việc phải kín đáo. Muốn được như thế thì phải tổ chức như quân đội.

Quân lính thì có đội ngũ.

Thợ thuyền phải có tiểu tổ, chi bộ.

Thí dụ: Trong tỉnh có 5 nhà máy dệt vải, mỗi nhà máy phải có một chi bộ. Trong mỗi chi bộ lại chia làm mấy tiểu tổ; mỗi chi bộ phải cử 3 hoặc 5 người làm uỷ viên; (phần nhiều nên cử những người làm trong lò đã lâu, thuộc tình hình nhiều) mỗi tiểu tổ phải cử tổ trưởng. Mỗi tiểu tổ không được quá 10 người.

Tiểu tổ theo mệnh lịnh chi bộ, chi bộ theo tỉnh hội, tỉnh hội theo quốc hội. Có thứ tự như thế thì trong hội có mấy mươi vạn người chỉ huy cũng dễ, và hành động cũng nhất trí.

8. Tiểu tổ làm những việc gì?

Cây có nhiều rễ mới vững, hội có nhiều tiểu tổ mới bền. Tiểu tổ phải:

1. Huấn luyện và phê bình anh em;

2. Thi hành những việc hội đã định;

3. Bàn bạc việc hội;

4. Điều tra tình hình trong lò máy;

5. Đề nghị những việc hội nên làm;

6. Thu hội phí;

7. Báo cáo những việc làm cho chi bộ, để chi bộ báo cáo cho tỉnh bộ, vân vân.

Chi bộ nhiều người khó khai hội, khó xem xét. Tiểu tổ ít người, làm gần nhau, quen biết nhau, cho nên xem xét, huấn luyện, làm việc và khai hội dễ bí mật hơn và mau mắn hơn. Tiểu tổ là có ích như thế. Vả lại, nếu Chính phủ cấm công hội, mà tiểu tổ khéo tổ chức, thì công hội cứ tiến bộ, cứ làm việc được. Vậy cho nên người ta gọi tiểu tổ là gốc của hội.

9. Thứ tự trong công hội thế nào?

Tiểu tổ lên chi bộ.

Nếu trong tỉnh nhiều lò máy, 4, 5 chi bộ tổ chức một bộ uỷ viên (4, 5 lò ấy mỗi lò cử 1 hoặc 2 người).

Bộ uỷ viên lên tỉnh hội.

Tỉnh hội lên quốc hội.

Ấy là thứ tự tổ chức. Còn quyền bính thì về dự hội, nghĩa là tất cả hội viên khai hội bàn định. Nếu hội viên nhiều quá, khai hội không tiện thì định mấy người cử một đại biểu dự hội, ấy là đại biểu đại hội. Đại hội nghị định việc gì, thì chấp hành uỷ viên hội phải thi hành. Khi hội tan thì quyền về chấp hành uỷ viên hội.

Đại biểu đại hội trong tỉnh một tháng khai hội một lần. Đại biểu đại hội trong nước, một năm một lần.

Đại biểu nên cử công nhân làm, không nên cử những người chức việc trong hội. Khi khai hội, đại biểu phải báo cáo tình trạng và ý kiến của công nhân (không phải ý kiến riêng mình), đề nghị và bàn bạc các việc. Khai hội rồi, phải về báo cáo việc hội cho công nhân.

10. Có việc gì thì giải quyết thế nào?

Từ tiểu tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung. Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội uỷ viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lịnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì uỷ viên hội có quyền phạt.

Gặp việc bất thường không kịp khai hội, thì uỷ viên có quyền xử trí, sau báo cáo cho hội.

Gặp việc bất thường lắm, thì hội uỷ viên cứ phép giao quyền cho một người, người này có quyền độc đoán, việc rồi báo cáo với hội.

11. Sao hội viên phải nộp hội phí?

Có hội thì có phí tổn, như thuê nhà, bút mực, vân vân, ấy là thường phí, hội viên phải gánh. Lại có bất thường phí, như để dành phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các việc công ích, vân vân. Nếu hội không tiền thì làm không được. Cho nên hội viên phải "góp gió làm bão".

Khi hội có tiền thừa thãi, thì nên làm những việc này:

1. Lập trường học cho công nhân;

2. Lập trường cho con cháu công nhân;

3. Lập nơi xem sách báo;

4. Lập nhà thương cho công nhân;

5. Lập nhà ngủ, nhà tắm, nhà hát;

6. Mở hiệp tác xã;

7. Tổ chức công binh, đồng tử quân, vân vân. Phải xem hoàn cảnh mà làm, chớ cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa chú ý. Hội tiêu tiền phải rất phân minh, cho hội viên đều biết. Hội phí không nên thu nặng quá; phải theo sức hội viên.

12. Cách tổ chức bí mật thế nào?

Khi hội được công khai, các tiểu tổ cũng phải giữ bí mật. Khi không được công khai, thì phải mượn tiếng hợp tác xã, trường học, hoặc câu lạc bộ (nhà xéc) vân vân, che mắt người ta. Ở Tàu, ở Nhật nhiều nơi thợ thuyền lập nhà bán nước, ngoài thì bán bánh bán nước, trong thì làm việc hội. Thợ thuyền vào uống nước ăn bánh, và bàn việc; cho nên ma tà mật thám không làm gì được. Có nơi lại giả hội cúng tế hoặc hội chơi, vân vân để che cho công hội.

Lại khi mới gây dựng ra hoặc ở nơi thợ thuyền ít, phải tuỳ cơ ứng biến, không nhất định cứ theo cách thường.

Đại khái cách tổ chức công hội phải thống nhất, bí mật, nghiêm nhặt, thì hội mới vững vàng.