Đường kách mệnh/Công nhân Quốc tế

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. Lịch sử Công nhân Quốc tế thế nào?[sửa]

Trước phải biết qua lịch sử công nhân vận động, sau sẽ nói đến lịch sử công nhân.

Lịch sử công nhân vận động chia làm 3 thời kỳ: a) Trước Âu chiến, b) Đương lúc Âu chiến, c) Khi Âu chiến rồi.

a) Trước khi Âu chiến: Bên Âu và Mỹ có chừng 16 triệu thợ thuyền có tổ chức và có một hội gọi là "Vạn quốc công hội". Nhưng 16 triệu người ấy không vào "Vạn quốc công hội" cả. Những đoàn thể vào lại chia ra nhiều phái biệt:

1. Công đoàn chủ nghĩa Anh và Mỹ chỉ lo sao thợ thuyền sinh hoạt khá, mà không nói đến đánh đổ tư bản.

2. Vô chính phủ công đoàn các nước Latinh, thì không muốn lập chính đảng.

3. Cải lương chủ nghĩa thì chủ trương công hội nên giúp chính đảng, nhưng không nên hợp với chính đảng.

4. Trung lập chủ nghĩa chủ trương rằng công nhân không phải là nền cách mệnh.

5. Cộng sản chủ nghĩa, chủ trương đập đổ tư bản, công nhân là nền cách mệnh, phải có chính đảng để dắt công hội làm cách mệnh.

Vì mục đích và chủ nghĩa lộn xộn không thống nhất như thế, cho nên hội không có lực lượng.

b) Khi Âu chiến: Hội này đi theo Đệ nhị quốc tế, nghĩa là công hội nước nào giùm tư bản nước ấy.

Vả lại, tiếng là Vạn quốc nhưng chỉ có thợ thuyền Âu và Mỹ, còn thợ thuyền Á, Phi, Úc thì không vào.

c) Sau khi Âu chiến: Phần thì thợ thuyền cực khổ, phần thì phong triều kách mệnh Nga, công hội càng ngày càng to. Như:

Năm 1913 Năm 1919
Anh chỉ có 4.000.000 người 8.000.000 người
Pháp chỉ có 1.000.000 người 2.500.000 người
Tất cả các nước: 15.000.000 người 50.000.000 người

Công hội bên Á - Đông cùng rầm rầm rột rột lập lên (Tàu, Nhật, Ấn Độ, Java, Philíppin, vân v.).

2. Phong triều ấy kết quả ra thế nào?[sửa]

Tư bản các nước thấy thợ thuyền thịnh thì sợ, và kiếm cách làm cho êm dịu xuống. Năm 1919 có khai đại hội bên kinh đô Mỹ, để giải quyết việc thợ thuyền trong thế giới. Trong hội ấy có đại biểu các Chính phủ, các tư bản, và các công hội các nước. Nhưng nó chỉ cho bọn Đệ nhị quốc tế đại biểu cho thợ thuyền. Nước nào công nhân thịnh đã đòi được 8 giờ (như Anh, Pháp), thì đại biểu Chính phủ nước ấy yêu cầu các nước kia cũng phải dùng 8 giờ làm lệ chung (vì sợ tư bản nước kia được lợi hơn tư bản nước nó).

Sau tư bản lập ra hội Vạn quốc, lại lập thêm một bộ công nhân, có 12 đại biểu cho các Chính phủ, 6 đại biểu cho tư bản, và 6 đại biểu cho thợ thuyền. Nó lại dắt mấy anh công tặc làm đại biểu thợ thuyền!

3. Tư bản làm như vậy, thợ thuyền các nước có làm gì không?[sửa]

Thợ thuyền có 31 quốc tế.

29 quốc tế nghề nghiệp, nghĩa là nghề nghiệp nào có riêng quốc tế nghề nghiệp ấy; 1 quốc tế gọi là Quốc tế Amxtécđam hay là Quốc tế "vàng" và 1 Quốc tế đỏ.

Quốc tế nghề nghiệp có đã lâu, ước chừng 20.000.000 hội viên. Trong 29 quốc tế ấy, nghề sắt to hơn hết (3.000.000 người); hai là nghề than (2.500.000 người); ba là thợ làm nhà máy (2.300.000 người), vân v..

Lúc Âu chiến, các quốc tế ấy cũng tan, Âu chiến rồi lập lại, nhưng vì bọn hoạt đầu cầm quyền, nên công việc không ra gì. Như năm 1921, 1.000.000 người đào than Anh bãi công, vì người đào than Mỹ, Đức và các nước không giúp mà thua. Qua năm 1922, 500.000 thợ đào than Mỹ bãi công, cũng vì không ai giúp mà thất bại. Nói tóm lại là các quốc tế ấy có danh mà không thực.

4. Sao gọi là Quốc tế Amxtécđam hay "vàng"?[sửa]

Vì Quốc tế ấy lập ra tại Amxtécđam (kinh đô Holăng). Trong tiếng mới, phản kách mệnh gọi là sắc vàng; kách mệnh gọi là sắc đỏ.

Năm 1919, các công hội theo Vạn quốc công hội hội nhau tại Amxtécđam lập nên quốc tế này. Khi đầu rất to, nhưng sau nhiều công hội bỏ vào Quốc tế “đỏ”, nay chỉ còn lại công hội 23 nước, tất cả 14.400.000 người.

Quốc tế này theo bọn hoạt đầu Đệ nhị quốc tế đề huề với tư bản, và làm nhiều việc phản kách mệnh như:

1. Tán thành điều ước Vécxây của đế quốc chủ nghĩa bắt Đức đền 400.000.000 đồng.

2. Đức không gánh nổi, Mỹ lại đặt ra kế hoạch (gọi là kế hoạch Đạo Uy Tư) bắt Đức đền 132.000.000.000 đồng. Kế hoạch ấy làm cho công nông Đức hoá ra nô lệ. Thế mà Quốc tế Amxtécđam cũng tán thành.

3. Không cho công hội Nga vào.

4. Phản đối cộng sản rất kịch liệt, mà đối đãi fasity rất hoà bình.

5. Sao gọi là Công nhân Quốc tế đỏ?[sửa]

Quốc tế vàng đã đề huề với tư bản, những thợ thuyền thiệt kách mệnh kiếm cách lập ra quốc tế khác.

Năm 1920, tháng 7, chỉ có mấy người công nhân Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Nga lập ra một cơ quan tuyên truyền. Năm 1921, đã có nhiều công hội bỏ bên kia theo bên này. Ngày mồng 3 tháng 7 năm ấy, Công nhân Quốc tế đỏ lập thành.

Quốc tế đỏ theo về Đệ tam quốc tế, quyết làm giai cấp cách mệnh.

Nay đã có công hội 47 nước, 11.750.000 người vào.

Tháng 5 năm 1925 bên Á - Đông có những hội này vào:

Tàu: 450.000 người;
Java: 35.000 người;
Nhật: 32.000 người;
Cao Ly: 5.000 người;
Mông Cổ: 5.000 người;
Thổ Nhĩ Kỳ: 20.000 người;
An Nam:  000.

6. Quốc tế này đối với kách mệnh An Nam ra thế nào?[sửa]

Xem trong Quốc tế vàng không có công hội Á - Đông nào, Quốc tế đỏ thì có 8 hội thuộc địa vào.

Khi thợ thuyền Java, Ấn Độ bãi công, Quốc tế đỏ hết sức giúp, còn Quốc tế vàng thì không ngó đến.

Ở Tàu, thợ thuyền Thượng Hải bãi công hơn ba tháng, Hương Cảng bãi công hơn một năm rưỡi, Quốc tế đỏ đã giúp tiền bạc, phái đại biểu qua yên ủi, lại sức công hội các nước giúp. Quốc tế vàng chỉ in vài tờ tuyên ngôn rồi làm thinh.

Vậy thì biết nếu thợ thuyền An Nam biết tổ chức thì chắc Quốc tế đỏ sẽ hết lòng giúp cho mà làm cách mệnh. Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã.