Đường kách mệnh/Hợp tác xã

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. Lịch sử.[sửa]

Hợp tác xã đầu hết sinh ra ở bên Anh. Nǎm 1761, mấy người thợ dệt vải rủ nhau lập ra một cái hội "làm vải cho tốt và bán giá trung bình trong làng xóm".

Nǎm 1777, một hội khác lập ra. Sau còn nhiều hội lập ra nữa, nhưng chẳng được lâu.

Nǎm 1864, một hội mới lại lập ra được 999 đồng vốn. Đến nǎm 1923, thì hội này có 5.673.245 đồng vốn và tiền buôn bán đi lại được 47.777.000 đồng, 14 chiếc tàu, và 5.000 mẫu vườn chè (trà), sáu người đại biểu làm Hạ nghị viện, 4.580.623 người hội viên.

Hợp tác xã bây giờ bên Nga lớn nhất, thứ hai đến Anh (tiêu phí hợp tác), thứ ba Pháp (sinh sản hợp tác), thứ tư Đan Mác (nông dân hợp tác), thứ nǎm Đức (ngân hàng hợp tác).

Ở Nhật có một hội khi mới lập chỉ có 1.840 đồng vốn cách tám nǎm đã có 370.000 đồng.

2. Mục đích.[sửa]

Tuy cách làm thì có khác nhau ít nhiều, nhưng mục đích thì nước nào cũng như nhau. Mục đích ấy thì trong lời tuyên ngôn của hợp tác xã Anh đã nói: "Cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ǎn trái, ai muốn ǎn trái thì giùm vào trồng cây".

Hồi bây giờ tư bản và đế quốc chủ nghĩa bác tước dân chẳng sót cách gì, chúng nó lấy tiền dân trở lại áp bức dân, chúng nó đã rán sành ra mỡ, lại còn "lấy gậy thầy đánh lưng thầy" cho nên hợp tác xã trước là có ích lợi cho dân, sau là bớt sức bóp nặn của tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa.

3. Lý luận.[sửa]

Tục ngữ An Nam có những câu: "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó" và "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao". Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy.

Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà.

Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. Ấy là hợp tác.

Lại thí dụ 10 người muốn ǎn cơm, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ǎn riêng; ǎn rồi ai nấy dọn dẹp riêng của người nấy, thế thì mất biết bao nhiêu củi, nước, công phu và thì giờ.

Hợp tác xã là "góp gạo thổi cơm chung" cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ.

4. Mấy cách hợp tác xã.[sửa]

Hợp tác xã có 4 cách:

1. Hợp tác xã tiền bạc;

2. Hợp tác xã mua;

3. Hợp tác xã bán;

4. Hợp tác xã sinh sản.

Trước khi nói rõ những hợp tác ấy là thế nào, chúng ta phải biết rằng:

a) Hợp tác xã khác hội buôn, vì hội buôn lợi riêng, hợp tác xã lợi chung.

b) Hợp tác xã tuy là để giúp đỡ nhau, nhưng không giống các hội từ thiện. Vì các hội ấy có tiêu đi mà không làm ra, và giúp đỡ bất kỳ ai nhưng có ý bố thí, hợp tác xã có tiêu đi, có làm ra, chỉ giúp cho người trong hội, nhưng giúp một cách bình đẳng, một cách "cách mệnh" ai cũng giúp mà ai cũng bị giúp.

5. Hợp tác xã tiền bạc.[sửa]

Hay là ngân hàng của dân; dân cày và thợ thuyền chung vốn lập ra:

1. Hội viên thiếu vốn làm ǎn (vay về tiêu xài thì không cho) thì đến vay được lời nhẹ;

2. Hội viên có dư dật ít nhiều, thì đem đến gửi, được sinh lợi.

Dân nghèo, người có mà góp thì ít, người muốn vay thì nhiều, vậy thì thế nào lập được ngân hàng? Muốn lập được phải có ba điều:

a) Tiền vốn - Nếu một người bỏ vào một đồng, 1.000 người đã được 1.000 đồng. Có 1.000 vốn, lưu thông khéo thì cũng bằng 10.000 đồng.

b) Lưu thông - Nếu mỗi người giữ lấy một đồng, thì 1.000 đồng ấy cũng tiêu mất. Nếu góp lại, tháng đầu cho A vay 100 hẹn 6 tháng trả; tháng 2 cho B vay 100 vân vân, chuyển đi mãi, lưu thông mãi, cả lời đến vốn, mỗi tháng mỗi nhiều, và giúp được hội viên cũng mỗi ngày một nhiều thêm.

c) Tín dụng - Làm có bề thế cho người ta tín dụng, thì giao dịch dễ. Vậy thì vốn tuy ít mà dùng được nhiều.

6. Hợp tác xã mua.[sửa]

Nhà nào cũng không làm đủ đồ dùng được, chắc phải đi mua. Mua nhiều (mua sỉ) thì chắc rẻ hơn mà đồ tốt hơn. Mua lẻ thì đắt mà đồ thì xấu. Nhưng thợ thuyền và dân cày lấy tiền đâu mà mua sỉ? Mua được, một nhà dùng cũng không hết. Cho nên phải chịu thua thiệt mãi.

Nếu nhiều nhà góp lại, mua sỉ về chia nhau, thì đã được rẻ, đồ lại tốt, lại khỏi mất thì giờ.

Thí dụ: Mỗi thùng dầu lửa giá ba đồng, được 50 lít. Nhà buôn mua về kiếm cách pha phết thành ra 53 lít. Dân mỗi nhà phải có một người xách chai đi chợ mua mỗi lít phải trả một hào, dầu đã xấu, thắp lại mau hết. Tính lại nhà buôn lời:  

1 cái thùng 0đ20
23 lít dầu 2đ30

Cộng cả 2đ50

53 nhà dân lỗ: 2đ50 và 53 giờ đồng hồ.

Nếu 53 nhà ấy góp nhau phái một người đi mua một thùng, thì đã khỏi mất 2đ50, lại lời được 53 giờ. Đem 53 giờ ấy làm việc khác, lại càng lời nữa.

7. Hợp tác xã bán.[sửa]

Mua càng nhiều càng rẻ, bán càng nhiều càng đắt. Mua càng ít càng đắt, bán càng ít càng rẻ. Ai cũng biết như vậy. Nhưng dân nghèo có đồ đâu mà bán nhiều. Vả lại khi đã đem rổ khoai thúng lúa đi chợ, thì đắt rẻ cũng muốn bán cho xong, không lẽ mang đi mang về mãi. Phần thì sợ mất công, phần thì sợ mất thuế, phần thì sợ hao mòn. Nhà buôn biết vậy, lại càng bắt bí trả rẻ.

Lại thí dụ: 53 nhà có 53 thúng lúa, cho 53 người đem đi bán, phải nộp 53 lần thuế; đong đi đong lại đổ tháo mất 53 nắm, nhà buôn bắt bí trả rẻ mất 53 xu (mỗi thúng một xu). Giời nắng, 53 người phải uống 53 xu nước, vân v.. Tính lại, thua thiệt biết chừng nào.

Nếu 53 nhà ấy có hợp tác xã bán, thì lời biết bao nhiêu!

8. Hợp tác xã sinh sản.[sửa]

Hợp tác này là để giúp nhau làm ǎn. Thí dụ: Dân cày mỗi nhà có một con bò, phải có một thằng bé chǎn, phải có một cái ràn, lôi thôi biết chừng nào? Lại như những nhà không có, mùa cày phải thuê trâu. Mỗi nhà phải tự sắm lấy cày, bừa, cuốc, liềm, vân v., khi cày mẻ, cuốc cùn chưa có tiền mua thì phải ngồi chịu. Nếu chung nhau mua trâu, mua đồ cày, ai dùng đến thì phải nộp ít nhiều, như thế há chẳng hơn sao?

Lại như trồng ra bông; nhưng không có bàn đánh bông, không có đồ kéo sợi, phải đem bông bán rẻ. Nếu góp nhau làm hợp tác xã, mua đủ đồ mà làm, thì công ít mà lợi nhiều.

Nói tóm lại là hợp tác xã rất có lợi cho nên dân các nước làm nhiều lắm. Thử xem các hàng buôn sở dĩ mà giàu có, chẳng qua nó bớt ngược bớt xuôi của dân. Hợp tác xã là để cho khỏi bị hàng buôn ǎn bớt.

9. Nhà buôn lấy lời.[sửa]

Nhà buôn kiếm được lời là vì người làm ra đồ và người dùng đồ, người mua và người bán cách xa nhau, phải nhờ nhà buôn đứng giữa, nó đã ǎn lời khi mua, lại ǎn lời khi bán. Thí dụ: Ngoài Bắc là xứ trồng chè, trong Nam là hay uống chè. Nhưng dân Bắc không đem vào Nam bán, dân Nam không ra tới Bắc mua.

Mấy nhà có chè đem bán cho A, hàng chè trong tổng; A đem bán lại cho B, buôn chè trong phủ, ǎn lời một lần. B lại đem bán cho phố C ở tỉnh, ǎn lời hai lần. C bán cho công ty Đ Hà Nội, ǎn lời ba lần. Công ty Đ bán cho công ty E Sài Gòn, ǎn lời bốn lần. Công ty E lại bán cho nhà buôn F các tỉnh, ǎn lời nǎm lần. Nhà buôn F bán sỉ cho phố G các phủ, ǎn lời sáu lần. G bán lẻ cho H, ǎn lời bảy lần. H bán lẻ cho người uống, ǎn lời tám lần.

Thế là người làm ra chè thua thiệt, người uống chè cũng thua thiệt. Nếu có hợp tác xã thì tránh khỏi những điều ấy.

10. Cách tổ chức.[sửa]

Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia. Chẳng qua theo hoàn cảnh nơi nào lập được hợp tác xã nào, và có khi hai hợp tác xã - mua và bán - lập chung cũng được.

Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai hợp tác xã tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một hợp tác xã mua và một hợp tác xã bán.

Hợp tác xã chỉ có hội viên mới được hưởng lợi, chỉ có hội viên mới có quyền, nhưng những việc kỹ thuật như tính toán, xem hàng hoá, cầm máy, vân v., thì có phép mướn người ngoài.

Đã vào hội thì bất kỳ góp nhiều góp ít, vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau.