Đường kách mệnh/Quốc tế cứu tế đỏ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. Quốc tế cứu tế đỏ là gì?

Quốc tế giúp đỡ thì cứu tế cho dân bị tai nạn, và cũng cứu tế cho những người chính trị phạm nữa. Quốc tế cứu tế đỏ thì chuyên môn giúp đỡ cho chính trị phạm mà thôi.

Bây giờ là hồi tranh đấu; vô sản thì tranh đấu với tư bản, dân bị áp bức thì tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa. Tư bản và đế quốc chủ nghĩa về một phe, vô sản và dân bị áp bức về một phe. Hai phe ấy cũng như hai quân đội đánh nhau. Quân đội kách mệnh thì theo cờ Đệ tam quốc tế. Quân phản kách mệnh thì theo cờ bọn nhà giàu. Đánh nhau thì chắc có người phải bắt, người bị thương, người bị chết. Quốc tế cứu tế đỏ là như cái nhà thương để săn sóc cho những người bị thương, giùm giúp cho những người bị bắt, trông nom cho cha già mẹ yếu, vợ dại con thơ của những người đã tử trận cho cách mệnh.

2. Quốc tế cứu tế đỏ lập ra bao giờ?

Năm 1923, Đệ tam quốc tế khai đại hội, có hội "bị đày chung thân" và hội "những người cộng sản già" đề nghị, và Đệ tam quốc tế tán thành lập ra Quốc tế cứu tế đỏ. Trước hết lập ra Tổng bộ tại Nga. Bây giờ nước nào cũng có Chi bộ. (Chỉ có An Nam chưa).

Nga bây giờ có 50.000 phân bộ và 9 triệu hội viên. Tất cả công nhân và nhiều dân cày vào hội ấy, hoặc vào từng người, hoặc cả đoàn thể. Tất cả các người cộng sản và cộng sản thanh niên đều phải vào hội ấy.

Khi mới lập ra, ba tháng đầu đã quyên được 300.000 đồng. Bốn tháng sau thì quyên được 4.000.000 đồng. Ở tỉnh Quảng Đông, Tàu mới lập Chi bộ được 6 tháng mà đã được 250.000 hội viên.

Xem thế thì biết Quốc tế ấy phát triển rất chóng.

3. Quốc tế giúp cách thế nào?

Khi những người kách mệnh hoặc bị đuổi, hoặc bị bắt, hoặc bị tù, hoặc bị chết, thì Quốc tế giúp đỡ:

1. Chính trị;

2. Kinh tế;

3. Vật chất;

4. Tinh thần.

a) Giúp chính trị: Như có người bị bắt, bị giam, thì Quốc tế sức cho các Chi bộ khai hội và tuần hành thị uy. Như vừa rồi có hai người kách mệnh Ý bị bắt tại Mỹ, toan phải án chết, Quốc tế sức chẳng những là thợ thuyền Mỹ làm như thế, mà lại nước nào, xứ nào có lĩnh sự Mỹ thì thợ thuyền đều khai hội tuần hành và tuyên ngôn rằng: Nếu Chính phủ giết hai người ấy, thì thợ thuyền Mỹ bãi công, và thợ thuyền thế giới sẽ tẩy chay Mỹ. Mỹ thấy vậy thì không dám làm tội hai người ấy.

b) Giúp kinh tế: Hễ bị giam thì thường ăn uống cực khổ, còn vợ con cha mẹ ở nhà thì không ai nuôi. Quốc tế gửi tiền cho để mua đồ ăn trong nhà giam và giúp cho người nhà ít nhiều để khỏi phải đói rách. Như vậy thì những người bị giam cầm đã khỏi cực khổ quá, mà lại vui lòng. Hoặc Quốc tế xuất tiền thuê thầy kiện để chống án cho. Hoặc gửi áo quần sách vở cho.

c) Giúp tinh thần: Hoặc phái người hoặc gửi thơ đến thăm.

1. Người ở giam biết rằng mình tuy hy sinh cho quần chúng mà quần chúng không quên mình, thế thì trong lúc bị giam đã không buồn sau được khỏi lại càng hết sức.

2. Là người ta biết rằng mình tuy phải giam một nơi, nhưng công việc kách mệnh vẫn cứ phát triển, vẫn có người làm thế cho mình.

4. Kách mệnh An Nam nên theo Quốc tế này không?

Nên lắm. Kách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong kách mệnh thế giới. Ai làm kách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau. Huống gì, dân An Nam là đương lúc tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa Pháp, chắc là về sau sẽ có nhiều người kách mệnh phải hy sinh, phải khốn khổ, phải cần anh em trong thế giới giúp giùm.