Đường kách mệnh/Tổ chức dân cày

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. Vì sao phải tổ chức dân cày?

Nước ta kinh tế chưa phát đạt, trong 100 người thì đến 90 người là dân cày. Mà dân cày ta rất là cực khổ, nghề không có mà làm, đất không đủ mà cày, đến nỗi cơm không đủ ăn, áo không có mặc.

Xem như Trung Kỳ, tất cả chừng 5.730.000 người dân mà chỉ có chừng 148.015 mẫu ruộng.

Trước năm 1926, Tây đồn điền đã chiếm mất 62.000 mẫu. Từ năm 1926, 175 thằng Tây đồn điền lại chiếm hết:

1.982 mẫu ở Thanh Hoá,

35.426 mẫu ở Nghệ An,

17.076 mẫu ở Nha Trang,

13.474 mẫu ở Phan Thiết,

92.000 mẫu ở Kon Tum,

67.000 mẫu ở Đồng Nai.

Như thế thì dân ta còn ruộng đâu nữa mà cày!

2. Tây đồn điền choán ruộng cách thế nào?

Chúng nó dùng nhiều cách. Như tháng 6 năm 1922, 20 thằng Tây rủ nhau xin Chính phủ Tây mỗi thằng 3.000 mẫu trong lục tỉnh. Xin được rồi nhóm cả lại thành ra 60.000 mẫu, 19 thằng bán lại cho 1 thằng.

Tháng 8 năm 1926, nhà ngân hàng Đông - Pháp xin 30.000 mẫu, trong đám đất ấy đã có 6 làng An Nam ở. Khi nhà ngân hàng xin được rồi thì nó đuổi dân ta đi.

Nam Kỳ bị Tây đồn điền chiếm mất 150.000 mẫu ruộng tốt.

Phần thì Tây đồn điền cướp, phần thì các nhà thờ đạo chiếm. Các cố đạo chờ năm nào mất mùa, đem tiền cho dân cày vay. Chúng nó bắt dân đem văn khế ruộng cầm cho nó và ăn lời thiệt nặng. Vì lời nặng quá, đến mùa sau trả không nổi, thì các cố xiết ruộng ấy đem làm ruộng nhà thờ.

3. Chính phủ Pháp đãi dân cày An Nam thế nào?

Tư bản Tây và nhà thờ đạo đã choán gần hết đất ruộng, còn giữ được miếng nào thì Chính phủ lại đánh thuế thiệt nặng, mỗi năm mỗi tăng. Như mỗi mẫu ruộng tốt mỗi năm tất cả hoa lợi được chừng 25 đồng, Tây nó đã lấy mất 2 đồng 5 hào thuế, nghĩa là 10 phần nó lấy mất một.

Nếu tính tiền thuê trâu bò, mua phân tro, mướn làm, tiền ăn uống, thì mỗi mẫu mỗi năm đã hết chừng 30 đồng. Nghĩa là dân cày đã lỗ mất 5 đồng, mà Chính phủ lại còn kẹp lấy cho được 2 đồng rưỡi.

Chẳng thế mà thôi. Dân ta cày ra lúa mà không được ăn. Đến mùa thuế thì bán đổ bán tháo để nộp thuế. Tây nó biết vậy thì nó mua rẻ để nó chở đi bán các xứ, mỗi năm nó chở hết 150 vạn tấn. Nó chở đi chừng nào, thì gạo kém chừng ấy, thì dân ta chết đói nhiều chừng ấy.

4. Bây giờ nên làm thế nào?

Sự cực khổ dân cày An Nam là:

1. Ruộng bị Tây choán hết, không đủ mà cày.

2. Gạo bị nó chở hết, không đủ mà ăn.

3. Làm nhiều, được ít, thuế nặng.

4. Lại thêm nước lụt, đại hạn, vỡ đê, mất mùa.

5. Đến nỗi chết đói, hoặc bán vợ đợ con, hoặc đem thân làm nô lệ như những người nó chở đi Tân thế giới.

6. Nào là chính trị áp bức (thử hỏi dân cày ta có quyền chính trị gì?), văn hoá áp bức (dân cày ta được mấy người biết chữ, trong làng được mấy trường học?).

Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng.

5. Cách tổ chức dân cày thế nào?

Cách tổ chức đại khái như sau:

1. Bất kỳ đàn ông đàn bà, từ những người tiểu điền chủ cho đến những dân cày thuê cày rẽ, từ 18 tuổi trở lên thì được vào. (Những người đại địa chủ, mật thám, cố đạo, say mê rượu chè, cờ bạc và a phiến thì chớ cho vào hội).

2. Ai vào phải tình nguyện giữ quy tắc hội, và phải có hội viên cũ giới thiệu.

3. Làng nào đã có 3 người tình nguyện vào hội thì tổ chức được một hội làng, 3 làng có hội thì tổ chức hội tổng, 3 tổng có hội thì tổ chức hội huyện, 3 huyện có hội thì tổ chức hội tỉnh, 3 tỉnh có hội thì tổ chức hội nước.

4. Còn cách khai hội, tổ chức các bộ làm việc, tuyển cử, đề nghị, giải quyết, báo cáo thì cũng như công hội.

6. Hội dân cày nên đặt tiểu tổ hay không?

Dân cày trong làng không xúm xít đông đúc như thợ thuyền trong lò máy, cho nên hội dân cày làng thế cho tiểu tổ; người uỷ viên thế cho tổ trưởng cũng được.

Uỷ viên bên thì chỉ huy cho hội viên làm việc, bên thì thi hành mệnh lịnh từ thượng cấp truyền đến, bên thì báo cáo việc đại hội với hội viên, bên thì báo cáo công việc hội viên với đại hội.

Các hội viên thì phải:

1. Kiếm hội viên mới;

2. Điều tra cách ăn làm và các việc trong làng;

3. Đề xướng làm các hợp tác xã;

4. Hết sức mở mang giáo dục, như lập trường, tổ chức nhà xem sách, vân vân;

5. Khuyên anh em dân cày cấm rượu, a phiến, đánh bạc;

6. Đặt hội cứu tế, vân vân.

Nói tóm lại là kiếm làm những việc có ích cho dân cày, có lợi cho nòi giống.

7. Nếu không có tiểu tổ sao giữ được bí mật?

Ấy là nói về lúc bình thường, có lẽ công khai được. Nếu lúc phải giữ bí mật, thì:

1. Phải dùng cách tiểu tổ;

2. Chớ gọi là hội dân cày, nhưng gọi là phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa, vân vân để mà che mắt thiên hạ. Vả trong làng xã An Nam hiện bây giờ cũng có nhiều phường hội như thế, muốn tổ chức dân cày thì nên theo hoàn cảnh mà lợi dụng những phường ấy. Cốt làm sao cho người ngoài đừng chú ý là tốt.

Khi hội đã vững, hội viên đã đông, lại nên đặt các bộ chuyên môn như:

Bộ tập thể thao;

Bộ cải lương nghề cày cấy;

Bộ người cày thuê (đi cày thuê gặt mướn cho người ta, mình không có đất ruộng trâu bò gì cả);

Bộ người cày rẽ;

Bộ thủ công nghiệp (thợ thuyền trong làng tuy không cày ruộng, hoặc nửa cày nửa thợ, cũng phải cho vào hội dân cày);

Bộ thanh niên, bộ phụ nữ, bộ giáo dục, vân vân.

8. Có nông hội rồi đã khỏi những sự cực khổ nói trên chưa?

Sự tự do, bình đẳng phải cách mệnh mà lấy lại, hội nông là một cái nền cách mệnh của dân ta. Nếu thợ thuyền và dân cày trước tổ chức kiên cố, sau đồng tâm hiệp lực mà cách mệnh thì sẽ khỏi những sự cực khổ ấy. Dẫu chưa cách mệnh được ngay, có tổ chức tất là có ích lợi. Như mỗi năm Tây nó bắt dân ta hút 150 vạn kilô a phiến, nó lấy 1.500 vạn đồng lời. Nó bắt ta mua 173.000.000 lít rượu, nó lấy 1.000 triệu phrăng lời. Nó vừa lấy lời vừa làm cho ta mất nòi mất giống. Nếu dân cày tổ chức mà khuyên nhau đừng uống rượu, đừng hút a phiến, thì đã cứu được nòi giống khỏi mòn mỏi, mỗi năm lại khỏi đem 1.000.000.000 phrăng và 15.000.000 đồng bạc cúng cho Tây. Tây nó áp bức ta vì ta không thương yêu nhau, vì ta ngu dốt. Có hội hè rồi trước là có tình thân ái, sau thì khuyên nhau học hành. Chúng ta đã biết "cách mệnh" tinh thần, "cách mệnh" kinh tế, thì "cách mệnh" chính trị cũng không xa.