Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ ba/Đời thuộc Đông Hán

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐỜI THUỘC ĐÔNG-HÁN

Quý-Mão, năm thứ tư, — năm thứ 19 hiệu K. V. bên Hán (43) — mùa Xuân, tháng Giêng, Trưng-Nữ-Vương và em là Nhị, đánh nhau cầm-cự với quân Hán, vì thế cô, đều bị thua và mất. Mã-Viện đuổi theo, đánh các quân thừa là bọn bà Đô-Dương. Tới huyện Cư-Phong,[1] họ đầu hàng. Bèn lập đồng-trụ[2] ghi bờ-cõi tận-cùng của Hán. — Đồng-Trụ, tương truyền ở trên động Cổ Lâu[3] thuộc Khâm-Châu. Viện có lời nguyền rằng: « Đồng trụ chiết (gẫy) Giao-châu sẽ diệt! » Người nước ta đi qua bên dưới thường lấy đá đắp thêm vào, bèn thành ra ngọn núi! Ấy là vì sợ nó gẫy! Mã-Tông An-nam Đô-hộ đời Đường lại dựng hai đồng-trụ ở chỗ cũ đời Hán, ghi công đức Mã Viện để tỏ mình là dòng dõi Phục Ba. Nay chưa rõ là ở chỗ nào « Hai sông Tả, Hữu, đáng phải có một » (?) — Viện thấy huyện Tây-Vu có ba vạn, ba nghìn nhân xin chia làm hai huyện Phong-Khê, Vọng-Hải. Vua Hán ưng cho. Viện lại[4] đắp thành Kiển-Giang ở Phong-khê. Thành ấy tròn như cái kén (Kiển), cho nên lấy làm tên. Nước Việt ta bèn thuộc về Hán. Sau hai năm Viện về. Dân bản-thổ thương mến Trưng Nữ-Vương, lập đền thờ phụng bà. — Đền ở xã Hát-giang huyện Phúc-Lộc. Cả ở thành trên đất Phiên-Ngu cũ cũng có.[5]

Sử-thần Ngô Sĩ-Liên bàn rằng:

Bà Trưng giận sự tàn-ngược của viên Thái-Thú bên Hán, vung cánh hô một tiếng mà quốc-thống nước Việt ta đã xuýt gây lại được! Khí-khái anh hùng há-rằng chỉ lúc sống là làm-được vua, dựng được nước!... Sau khi mất cũng còn chống chọi, chở-che được mọi điều tai nạn! Phàm khi lụt lội, đại-hạn, hay gặp cơn tật-dịch, cầu đảo không bao giờ là không linh-ứng! Bà Trưng em cũng vậy!... Ấy là vì đàn bà mà có nết đàn ông... Mà khí khái anh hùng ở trong Trời, Đất, chẳng vì cớ mình đã mất mà chịu nhụt! Hạng đại-trượng-phu há có thể chẳng nuôi lấy cái khí thẳng ngay, cứng mạnh đó sao?

Giáp-Thìn, — năm thứ 20 hiệu K. V. bên H. — từ đây về sau, qua Minh-đế, Chương-đế, Hòa-đế, Thương-đế, An-đế bên Hán, gồm 5 đời vua, cộng 82 năm. Chỉ có đời Minh-Đế, có người Nam-Dương là Lý-Thiện,[6] coi Nhật-Nam, làm việc lấy thương-yêu làm lòng, và khéo chiêu-dụ các dân khác phong-tục. Sau dời sang làm Thái-Thú Cửu-Chân.[7][8]

Bính-Tý, — năm đầu hiệu Vĩnh-Hòa đời Hán Thuận-đế Bảo (136) — Thái-Thú là Chu-Sưởng cho Giao-Châu là ở xa Chín Châu, ở ngoài Bách Việt, dâng biểu xin đặt ra Phương-Bá. Vua Hán cất Sưởng làm Thứ-sử, coi cả các quận, huyện.[9]

Đinh-Sửu, — năm thứ 2 hiệu V. H. bên H. (131).— Dân mán ở Tượng-lâm, thuộc Nhật Nam— đất nước Việt Thường xưa, — là bọn Khu-Liên, đánh các quận, huyện, giết các trưởng lại (quan coi đầu huyện). Thứ-sử Giao-châu là Phàn-Diễn đem quân trong châu cùng quân Cửu-chân hơn vạn người sang cứu. Quân lính sợ đi xa, mùa Thu, tháng Bẩy, quân hai quận quay lại đánh phủ-trì! (dinh Thứ-sử)![10] Thế chúng ngày thêm mạnh!

Mậu-Dần, — năm thứ 3 hiệu V. H. bên H. (138) — mùa Hè, tháng năm, Thị-Ngự-sử là Giả-Xương[11] cùng các châu, quận họp sức dẹp bọn Khu-Liên không nổi, bị chúng vây đánh hơn năm, quân và thóc không đường tiếp-tế. Vua Hán vời Công, Khanh, trăm quan, cùng thuộc lại bốn phủ, hỏi về phương-lược đối phó. Họ đều bàn nên sai tướng đem bốn vạn quân ở Kinh, Dương, Duyện, Dự sang... Lý-Cố[12] bác đi mà rằng: « Bọn trộm cướp ở Kinh, Dương, cố-kết chưa tan. Tràng Sa, Quế-Dương thường bị lấy lính. Nếu lại khuấy động đến, tất sinh thêm mối lo! Dân ở Duyện, Dự mà thình lình bắt đi xa hàng muôn dậm, chiếu vua thúc dục, chúng tất làm phản hay trốn tránh! Miền Nam nắng bức, ẩm thấp, lại thêm nước độc, bệnh dịch, làm cho mười người tất chết đến bốn, năm! Đi xa muôn dậm, quân lính mệt nhoài! Sang đến Lĩnh-Nam, không còn có thể đánh được nữa! Quân đi ngày ba chục dậm, mà Nhật-Nam cách Duyện, Dự hơn chín nghìn dậm, ba trăm ngày mới tới nơi! Tính ra mỗi người năm thăng lương, phải dùng gạo đến sáu mươi vạn hộc! Ấy là không kể đến cái ăn của quan, tướng, lừa, ngựa.[13] Nếu quân đi tới nơi, số chết nhiều quá, đã không đủ chống giặc, tất lại phải lấy nữa! Thế là cắt tim, bụng để vá cho chân, tay! Cửu-chân, Nhật-Nam, cách nhau nghìn dậm... Lấy quan, dân ở đấy, chúng còn chẳng chịu nổi, nữa là lại làm khổ quân lính ở bốn châu để cứu đám loạn xa hàng muôn dậm! Trước kia Trung-Lang tướng Doãn-Tựu đi đánh dân Khương làm phản ở Ích-châu. Dân Ích-châu có câu vè rằng : « Giặc đến kể còn khá! Doãn đến, ta chết cả! » Sau Tựu bị triệu về, đem quân giao cho Châu-Phán[14] là Trương-Kiền. Kiền dùng ngay các quan, các tướng ở đấy, trong vài tuần, trừ diệt hết bọn giặc. Đó là cái chứng cớ: Phái tướng vô ích, mà các viên châu, quận có thể dùng được việc. Vậy nên: Lại kén những người có tài thao-lược, có dạ nhân-từ, có thể làm nổi tướng, soái, cho sang làm Thứ-sử, Thái-Thú.[15] Dời quan, dân Nhật-Nam về Bắc nương nhờ đất Giao-chỉ. Rồi mộ những dân mán-mọi cho chúng đánh lẫn nhau! Vận tải vàng lụa, tư cấp cho chúng. Có kẻ nào làm được lối phản gián để chiêu được quân giặc ra hàng, thì xé đất mà phong cho![16] Viên nguyên Thứ-sử Tinh-Châu là Chúc-Lương tính quả quyết. Trương-Kiền khi xưa ở Ích-châu có công phá giặc. Ay đều là những người có thể dùng được. »[17] Bốn phủ đều theo lời bàn của Cố. Liền cho Chúc-Lương làm Thái-Thú Cửu-chân; Trương-Kiền làm Thứ-sử Giao-châu. Kiền tới nơi, mở lòng thành yên ủi và dỗ dành. Chúng đều hàng phục. Lương-đi xe một đến Cửu-chân,[18] bảo cho biết oai và tín. Ra hàng có đến vài vạn người.[19]

Giáp-Thân, — năm đầu hiệu Kiến Khang bên Hán (144) — mùa Thu, tháng Tám, vua Hán mất.

Mùa Đông, tháng Mười, dân Nhật-Nam lại đánh, đốt các quận, huyện. Thứ-sử Cửu-Chân[20] là Hạ-Phương chiêu bọn đầu-hàng mà phủ-dụ chúng. Sau đổi sang làm Thái-Thú Quế-Dương và lấy Lưu-Tảo sang thay.

Canh-Tý — năm thứ 2 hiệu Nguyên-Gia[21] đời Hán Hoàn đế Chí (160) — mùa Đông, tháng Mười Một, người quận Cửu-Chân lại đóng chiếm Nhật-Nam,[22] quân ngày một đông và mạnh. Khi ấy Hạ Phương đã dời sang làm Thái-Thú Quế-Dương. Nhân lại cho làm Thứ-sử. Phương ân, oai vốn tỏ-rõ. Khi đến Nhật-Nam, chúng họp nhau hơn vạn người, đem nhau đến hàng với Phương.

Mậu-Ngọ, — năm đầu hiệu Quang-Hòa đời Hán Linh-đế Hoằng (178) — Mùa Hè, tháng Tư, người trong Châu cùng dân Mán Ô-Hử[23] làm loạn đã lâu. Mục-Thú là Chu-Ngung không chống nổi. Người trong châu là bọn Lương-Long nhân đó khởi binh phá các quận, huyện, có quân đến vài vạn người.

Tận Dậu, — năm thứ tư hiệu Q. H. bên H. (181), — vua Hán sai viên Lệnh Lăng-Lan là Chu-Tuấn, người ở Thượng Ngu thuộc Cối-Kê, sang cứu Ngung. Đường qua quê nhà, Tuấn mộ thêm quân nhà, cùng với quân đem đi năm nghìn, chia hai lối mà vào.[24] Truớc hãy sai người dò xem hư-thực, tuyên-dương oai-đức, để rung động lòng người. Rồi đó cùng quân bẩy quận tiến sát đến, đánh giết Lương-Long. Ra hàng đến vài vạn người.[25]

Giáp-Tý — năm đầu hiệu Trung-Bình bên H. (184) — người trong châu họp quân lại,[26] bắt giết Thứ-sử Chu-Ngung, sai người sang cửa khuyết, kể tội-trạng của Ngung! Vua Hán nghe vậy, hạ chiếu kén kỹ các quan lại có tài. Các quan coi việc tiến cử Giả-Tung[27] người Liên-Thành thuộc Đông quận. Bèn cho làm Thứ-sử. Tung trước làm Ngự-sử. — Nguyên trước những kẻ làm Thứ-sử, lợi-kỳ thổ sản có những món ngọc trai, lông trả, sừng tê, ngà voi, đồi-mồi, hương lạ, gỗ tốt, thường không ai có nết thanh-liêm!... Của-cải vơ-vét đẫy rồi, lại xin đổi, xin thay! Cho nên quan, dân đều không phục mà phản kháng. Khi Tung đến bộ, hỏi đến tình-hình biến-loạn. Họ đều nói: « Hồi trước chính lệnh ngặt, thuế-khóa nặng, trăm họ không ai không túng thiếu. Kinh-đô xa-xôi không kêu vào đâu được, dân không sống nổi, nên họp nhau để chống lại: thật tình không phải làm loạn! » Tung bèn sai người chia nhau đi các ngả để phủ-dụ và yên-ủi, khiến họ đều yên nghiệp làm ăn. Lại xá bớt sưu-thuế, chiêu-tập những dân bơ-vơ. Rồi đó bắt giết những kẻ đầu sỏ làm những việc ngặt-nghèo, tàn-ác; kén các quan lại tốt cho coi việc các quận, huyện. Thế là trăm họ được yên. Phố-phường vì chuyện ấy có câu hát rằng:

« Ông Giả sang muộn!
« Trước ta lộn-xộn!
« Giờ thấy thanh-bình,
« Chả dám lại nhộn! »

Tung coi việc ba năm, triệu về cho làm Nghị-Lang và cử Lý-Tiến lên thay. — Lý-Tiến là người châu Giao ta.[28]

Bính-Dần, năm thứ ba hiệu T. B. bên H. (186).

Lê văn Hưu bàn rằng:

Xem sử đến hồi nước Việt ta vô-chủ, bị những viên thứ-sử Tầu không có nết thanh-liêm làm cho khốn đốn; đất Bắc-kinh xa thẳm, không còn kêu đâu được! bất-giác trong lòng vừa cảm, vừa thẹn! Muốn bắt-chước như Minh-Tông đời Hậu-Đường, mong đem tấm lòng thành trong-trắng, thắp hương khấn Trời, xin Trời vì nước Việt ta, sớm sinh ra bậc thánh-nhân để tự làm vua nước mình, cho khỏi cái nạn người Tầu bóc-lột!..

Trở lên thuộc về Hán từ Quý-Mão đến Bính-Dần gồm 144 năm.

Phụ chú

  1. Tên huyện, đặt ra từ đời Hán, thuộc Cửu-Chân. Đời Tam-Quốc, thuộc nước Ngô, đổi là Di-Phong. Từ Tống, Tề về sau là quận-trì Cửu-Chân. Tùy bỏ tên huyện, cho thuộc về Ái-châu. Đường, trước thuộc châu Nam-Lục, sau thuộc huyện Nhật-Nam. Theo Giao-Châu ký của Tăng-Cổn: « Cư-Phong có trái núi có con trâu vàng, thường hiện lên ban đêm! Trên núi lại có cửa gió, cửa lúc nào cũng có gió! » Nay thuộc tỉnh Thanh-Hóa. Sử cũ cho là thuộc châu Vũ-Ninh (Bắc-Giang) là lầm. (K. Đ. V. S.)
  2. Theo Thủy-kinh chú thì Đồng-Trụ lại gọi là Kim-Tiêu. Sử Tùy chép: « Lưu-Phương đánh Lâm-Ấp, qua đồng-trụ của Mã-Viện sang Nam tám ngày đến đô-thành nước ấy ». Thông-điển của Đỗ-Hựu chép: « Phía Nam Lâm-Ấp, đường thủy, đường bộ qua hơn hai nghìn dậm đến Tây-Đồ-Di là nơi Mã-Viện đặt hai đồng-trụ để nêu bờ cõi ». Tân-Đường-thư chép: « Lâm-Ấp có châu Bồn-Đà-Lãng. Bãi lớn phía Nam có 5 đồng-trụ. Hình núi như chiếc tàn nghiêng. Phía Tây là mấy trùng núi. Phía Đông là biển cả. Do Mã-Viện đời Hán trồng. » Thái-bình hoàn-vũ ký chép: « Mã-Viện đánh Lâm-Ấp. Từ Nhật-Nam đi hơn bốn trăm dậm tới Lâm-Ấp. Lại hơn hai mươi dậm có nước Tây-Đồ-Di. Viện đến nước ấy, ​lập hai đồng-trụ ở chỗ biên-giới Tượng-Lâm, giáp với đất Tây-Đồ-Di. Đường thủy thì đi từ Nam-Hải, hơn ba nghìn dậm tới Lâm-Ấp; năm nghìn dậm đến đồng-trụ của Giao-Châu ». Dã-sử chép: « Phú-An có sông Đà-Diễn. Phía Nam có bãi lớn, Phía Tây-Nam bãi có núi Thạch-Bi, chu-vi chừng mười dậm; phía Tây liền với rẫy núi lớn. Núi non chồng chất; phía Đông dòm xuống biển. Trên đỉnh núi, một tảng đá một mình đứng cao vót... » Cứ như điều chép trong các sách Thông-Điển, Đường-Chí thì Đồng trụ có lẽ ở đấy. Thế nhưng trên đỉnh núi ấy, tảng đá một cao đến mười trượng, rộng sáu, bẩy trượng. Dân ở gần núi cho tảng đá trên núi là một ngọn núi trời sinh, chứ không phải người dựng. Thủy-kinh chú cho là « núi, sông dời đổi, đồng-trụ đã chìm vào trong biển ». Hoặc-giả có lẽ thế chăng? (K. Đ. V. S.)
  3. « Cổ-Lâu », Đại-Thanh Nhất-Thống chí chép là « Cổ-Sâm ».
  4. K. Đ. V. S. chép thêm: « Viện lại dựng thành quách, đào giếng, lập ấp, và đấp thành Kiển-giang... — Theo Đại-Thanh N. T. C.: Thành Kiển-giang, thành Vọng-Hải ở huyện Yên-Lãng... Mã-Viện đắp hai thành ấy ở hai huyện Vọng-Hải, Phong-Khê.— Huyện Tây-Vu, đời Hán đặt, thuộc Giao-chỉ. »
  5. Đền Trưng-vương ở xã Hát-Môn huyện Phúc-Thọ ngày nay. (K. Đ. V. S.) Vì thần chết trận, nên tế tự kiêng dùng mầu đỏ. Các đồ thờ trong đền đều sơn đen (Đại-Nam Nhất Thống-chí).
  6. Hậu Hán độc-hạnh truyện: Lý-Thiện có nết, có nghĩa. Đời Quang-Vũ, vời cho làm Thái-tử xá nhân. Đời Minh-Đế cất vào Công-phủ. Vì có tài trị việc phiền bận, được cất làm Thái-Thú Nhật-Nam. Sau đổi sang Cửu-hhân, chưa tới nơi thì mất.
  7. « Trải mấy đời mà quan lại giỏi chỉ có một người, chắc là ghi chép có sót ». (K. Đ. V. S.)
  8. Khâm Định Việt-Sử chép thêm:

    « Nhâm Dần, năm thứ 14 hiệu Vĩnh Nguyên đời Hán Hòa-Đế (102), Hán bắt đầu đặt viên quan Tương-binh Trưởng-sử ở Tượng-Lâm.

    « Theo Hậu Hán-thư: Nguyên trước hơn ba nghìn người ở Tượng-Lâm (Nhật-Nam) cướp bóc trăm họ, đốt cháy dinh quan. Quận huyện cất quân đánh, chém được kẻ chúa trùm, quân thừa mới xin hàng. Vì thế đặt ra viên Tương-binh trưởng-sử ở Tượng-Lâm, để phòng nạn ấy.

    « Tượng-Lâm tên huyện, thuộc quận Nhật-Nam. Cuối đời Hán thuộc đất nước Lâm-Ấp.

    « Giáp-Dần, năm đầu hiệu Nguyên-Sơ vua Hán An đế (114) mùa Xuân, tháng Hai, đất Nhật-Nam sụt, dài hơn trăm dậm ».

  9. « Xét trong Hậu-Hán. Bách-quan chí có chép: « Ngoài có 12 châu. Mỗi châu một người thứ-sử, trật lương sáu trăm thạch. Tứ Vũ-đế mới đặt ra 13 người thứ-sử, đem sáu điều trong chiến-thư, xét các châu, chỉ vạch những việc phi pháp. Tức là chức Giám-quận Ngự-sử đời Tần. Đến năm đầu hiệu Tuy-Hòa đời Thành-đế, cho là Thứ-sử ở ngôi hạ đại phu, mà coi xét các việc quan ăn hai nghìn hộc lương (nhị-thiên-thạch) nặng nhẹ không hợp nhau, bèn lại đặt các viên Châu-mục, trật hai nghìn hộc, ngôi ở dưới chín Khanh. Năm thứ 2 hiệu Kiến-bình đời Ai-đế, bãi chức Châu-mục, lại đặt là Thứ-sử. Năm thứ 2 hiệu Nguyên-Thọ, lại đổi làm Châu-mục. Năm thứ 18 hiệu Kiến-Vũ đời vua Quang-Vũ lại đặt 12 người Thứ-sử, mỗi người coi một châu. Còn một châu thì thuộc về viên Tư-Lệ hiệu-úy. Kịp đến hồi Trung-Bình đời Linh-đế, cho là bốn phương nổi lên giặc giã, là do Thứ-sử kém oai, bèn đổi đặt chức Mục-bá. Kén trong các quan Khanh, các quan Thượng-Thư cho ra làm Châu-Mục. Không bao lâu, Hiến-đế lại bỏ Giao-châu cho thuộc về Kinh-châu, mà Châu-mục là Lưu-Biểu lại tự đặt ra chức Thứ-sử. Có Châu-mục, lại có Thứ-sử, bắt đầu từ đấy. » Coi đó thì chức quan đặt ra, khi rằng Châu-Mục, khi rằng Thái-sử, trước sau thay đổi danh-hiệu khác nhau, nhưng cùng là viên trưởng-quan coi các quận, huyện cả. Đến như ​tên Giao-Châu, xét trong sách Cương-Mục (sử Tầu) chép rõ, thì từ năm thứ 8 hiệu Kiến-An về sau, mới gọi là Giao-Châu. Còn trước đó chỉ gọi là « quan Mục Giao-Chỉ », quan « Thứ sử Giao-Chỉ ». Trong Tấn-Chí có chép: « Khoảng đời Thuận-đế, Thái-Thú Giao-Chỉ là Chu-Sưởng, xin lập làm châu. Triều đình bàn không cho, liền bổ Sưởng làm Thứ-sử Giao-Chỉ. Đến năm thứ 8 hiệu Kiến-An đời Hiến-đế. Thứ-sử là Trương-Tân, Thái-Thú là Sĩ-Nhiếp cùng dâng biểu xin lập làm Châu, bèn đặt Giao-Chỉ làm Giao-Châu, mà cho Tân làm quan Mục Giao-Châu. Tên Giao-Châu bắt đầu từ đấy. » Sử cũ ngay năm thứ 5 hiệu Kiến-Vũ đã chép: « Quan Mục Giao-Châu là Đặng-Nhượng sai sứ dâng cống » ; năm thứ 2 hiệu Vĩnh-Hòa lại chép: « Trương Kiều làm Thứ-sử Giao-Châu »; chắc là chưa hề xét kỹ. Vậy nay cải chính ». — Sáu điều: 1) Các họ cường-hào, ruộng, nhà quá phép; lấy mạnh lấn yếu; lấy nhiều hiếp ít. 2) Các viên nhị-thiên-thạch không vâng tờ chiếu; không theo điển-chế; trái công, chăm tư; bóp-nặn làm điều gian. 3) Các viên nhị-thiên-thạch không áy-náy đến các án ngờ; hống-hách giết người; giận thì gia phạt; thích thì ban thưởng; phiền-nhiễu, bạo ngược, bóc-lột dân đen, bị trăm họ oán ghét. Núi lở, đá nứt, bầy chuyện điềm lành, điềm dữ. 4) Các viên nhị-thiên-thạch tuyển-bổ ​không công; cẩu-thả theo lòng yêu-thích; che lấp kẻ giỏi; quý trọng kẻ ngu đần. 5) Con, em các viên nhị-thiên-thạch, cậy quyền, cậy thế, thỉnh-thác người giám-sát. 6) Các viên nhị thiên-thạch, trái phép công; theo bọn dưới; xu phụ bọn hào cường; thông hành việc đút-lót; tổn-hại đến chính-lệnh. — Theo Trương Cửu-Thiền: « Hán đặt chức Thứ-sử Giao-chỉ, đóng ở An-nam, coi 7 quận Nam-Hải, Uất-Lâm, Thương-Ngô, Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam, Hợp-Phố. » (K. Đ. V. S.)
  10. Hậu Hán-thư chép: « ... Diễn tuy đánh phá được bọn làm phản, nhưng thế quân Mán ngày thêm mạnh.
  11. H. H. T. chép: « ... Giả Xương sang sứ Nhật-Nam, bèn cùng các châu, quận »...
  12. Làm chức Tòng-sự Trung-lang cho Đại-Tướng-Quân. (Hậu Hán Thư)
  13. Hậu Hán-thư thêm câu: « Cứ quẩy giáp đi chân tới, đã phí-tổn là thế »...
  14. Châu-Phán, K. Đ. V. S. cho là lầm, chép đổi là Thứ sử.
  15. H. H. T. chép thêm: « ... Cho sang cả Giao-Chỉ. Nay Nhật-Nam quân yếu hết thóc, giữ đã không đủ, đánh lại không được, nên nhất-thiết dời cả quan, dân sang Bắc, nương-nhờ ​Giao-Chỉ. Sau khi việc yên, lại cho về chốn cũ... »
  16. H. H. T. chép là: « Có kẻ nào phản-gián bắt được tay đầu sỏ, sẽ xé đất, phong hầu để thưởng cho »!
  17. H. H. T. thêm câu: « ... Nên cho ngay bọn Lương tiện đường sang nhận-chức ».
  18. H. H. T. chép: «... Lương tới Cửu-Chân đi xe một vào trong đám giặc: đặt phương-lược; đem oai tín mà phủ-dụ, Kẻ đầu hàng vài vạn người. Vì thế ngoài Ngũ-Lĩnh lại yên »
  19. Trương-Kiều, người Nam-Dương. Chúc-Lương người Lâm-Tương (Tràng-sa). (K. Đ. V. S.)
  20. H. H. T. chép: « Hơn nghìn người ở Nhật Nam, lại đánh đốt huyện ấp, bèn cổ-động, kết-liên với Cửu-Chân.
    Thứ-sử là Hạ-Phương mở-ơn chiêu dụ, giặc đều hàng-phục. Lương-Thái-hậu khen công Phương ở giữa Triều-Đình, cất làm Thái-Thú Quế-Dương... » (Hạ-Phương, quê ở Cửu-giang).
  21. K. Đ. V. S. chép là năm thứ 3 hiệu Diên-Huy đời Hoàn-đế.
  22. H. H. T. chép: « Nguyên trước viên Lệnh Cư Phong tham tàn không chán. Người trong huyện là bọn Chu-Đạt cùng dân mường họp nhau đánh giết viên lệnh. Quân có tới bốn, năm nghìn người, tiến đánh Cửu-Chân. Thái Thú Cửu-Chân ​là Nghệ Thức bị chết tại trận. Hán sai Đô-Úy quận Cửu-Chân là Ngụy-Lãng đánh phá được Nhưng tướng giặc còn đóng giữ Nhật Nam, mà quân dần đông mạnh. Đến bấy giờ lại cho Hạ-Phương làm Thứ-sử. Phương, oai, tín vốn rõ rệt. Khi tới nơi, giặc trong quận hơn hai vạn, đem nhau đến hàng với Phương. » (Ngụy Lãng người Thượng-Ngu, thuộc Cối-Kê, là người công-minh, trung-trực. Sau thăng Thượng-Thư, vì việc đảng, bị bãi quan về).
  23. H. H. T., trong truyện các rợ miền Tây-Nam chép: « Theo Nam châu Dị vật chí của Vạn-Chấn thì: Ô-Hử là tên Đất, ở phía Nam Quảng-châu, phía Bắc Giao-châu. Dân miền ấy thường ra bên đường, dình mò các hành khách, gặp liền kéo nhau ra đánh. Cốt bắt được người để ăn thịt, chứ không thiết gì của-cải! Chúng nấu thịt người làm món ăn! Nên lại gọi là Nước ăn thịt người!
  24. K. Đ. V. S. chép thêm: « ... Khi đến đất bản châu, cuốn giáp không tiến vào ngay... »
  25. K. Đ. V. S. chép thêm: « Trong vòng một tháng bình-định được hết, »
  26. K. Đ. V. S. chép là « Quãn đồn ở Giao-Chỉ... »
  27. K. Đ. V. S. chép là « Giả-Mạnh Kiên » (Có lẽ Mạnh-Kiên là tên tự của Tung chăng? »
  28. Lời phê của vua T. Đ: « Xem đây biết đời Hán thật nhiều hiền tài, đời sau không thể sánh-kịp. Khi ấy chưa có khoa-mục, mà được người đông đến như thế! Càng thấy rõ cái danh lý-học của khoa-mục, nào có gì thêm ích cho việc trị nước! » (K. Đ. V. S. cuốn II) Những nhân-tài đời Hán là do các làng, các huyện tiến-cử lên. Đôi khi nhà-vua cũng hạ-chiếu cần người, đem thời-sự mà hỏi. Khi ấy ai cũng có quyền dâng thư đáp lại các câu hỏi của nhà-vua. Những thư ấy gọi là « đối sách ». Nhà-vua sẽ lựa trong các người dâng đối-sách ấy mà cất làm quan).

    « Giả-Tung..., nguyên trước được cử là hiếu-liêm (người có hiếu và liêm-khiết), sau cất làm Doãn đất Kinh-Triệu, có tài chính-trị...

    « Ngô-Thời-Sĩ bàn rằng: Xét sử Hán có chép: « Cuối đời Hán, có người quê ở Thượng-Ngu, quận Cối-Kê, tên là Mạnh-Thường, làm Thái-Thú quận Hợp-Phố. Quận ấy không sinh-sản thóc-gạo, nhưng biển thì sẵn các thứ châu-báu. Liền cõi với Giao-Chỉ thường đem sang bán để mua lương-thực. Khi trước các viên Thú, Lệnh, phần nhiều tham-tàn, ép dân mò kiếm không ngần: châu-báu dần-dần dời sang đất quận Giao-Chỉ!... Thường đến quận, bỏ dứt các tệ trước. Hơn năm, châu-báu đi lại trở về!... Trăm họ đều yên nghiệp làm ăn, coi là bậc thần-minh!... » Than ôi! ​Nếu trong các quận, các viên quan chăn dân đều là Mạnh-Thường cả, thì dân ta có tội gì mà nổi loạn? » (K. Đ. V. S. cuốn II) (Đây tức là điển Châu về Hợp Phố)