Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ năm/Đời Nam Bắc phân tranh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐỜI NAM BẮC PHÂN TRANH

Đinh mão — năm 4 hiệu Thiên-Hựu bên Đường, và năm đầu hiệu Khai-bình đời Thái tổ Chu-Toàn-Trung đổi tên là Hoảng bên Lương (907) — Vua Lương cho Tiết-độ sứ Quảng-châu là Lưu-Ẩn kiêm chức Tiết-độ sứ Tĩnh-Hải quân, phong là Nam-Bình vương. Khi ấy Ẩn giữ Phiên-Ngu. Người Giao-châu là Khúc-Hiệu, giữ châu trì, tự xưng là Tiết-độ sứ, có chí hại lẫn nhau[1] — năm ấy nhà Đường mất.

Tân Vị — năm đầu hiệu Kiền-Hóa bên Lương (911) — Nam-bình-vương bên Lương là Lưu-Ẩn mất. Em là Nham lên thay.

Đinh Sửu — năm thứ 3 hiệu Trinh-Minh đời Mạt-đế Hữu Trinh đổi tên là Điền bên Lương (917) — viên Tri-Lưu-Hậu Quảng-Châu bên Lương là Lưu-Nham dựng tên nước là Hán — tức Nam Hánđặt niên hiệu là năm đầu Kiền Hanh. Khúc Hiệu sai con là Thừa-Mỹ giao-hảo, sai sang Quảng-châu, nhân thể xem tình hình hư-thực. Hiệu mất. Thừa Mỹ nối ngôi.

Kỷ Mão — năm thứ 5 hiệu Trinh Minh (919) —Khúc-thừa-Mỹ sai sứ sang Lương, xin cờ tiết cùng lưỡi việt. Vua Lương ban cho. Vua Hán cả giận. — vua Hán trước tên là Nham, đổi ra Thiệp. Lại nhân có rồng bạch hiện lên, đổi tên là Cung. Đến năm thứ 6 hiệu Thiên-Phúc bên Tấn cho chữ « Cung » là bất lợi, bèn đổi ra « Yểm»

Quý vị — năm thứ 3 hiệu Long-Đức bên Lương và năm đầu hiệu Đồng-Quang đời Trang-Tông Lý-Tồn-Húc nhà Hậu Đường (923), — Năm ấy nhà Lương mất.— Mùa thu tháng bẩy, chúa Hán sai tướng giỏi là Lý-Khắc-Chính đem quân đánh Giao-châu, bắt được Tiết-độ-sứ là Thừa-Mỹ đem về. Lấy tướng bộ-hạ là Lý-Tiến thay làm Tiết-độ. Khắc Chính ở lại giữ châu, bị tướng của Khúc-Hiệu là Dương-Đình-Nghệ[2], người Ái-châu đánh đuổi. Chúa Hán trao tước vị cho Đình-Nghệ. Cất Lý-Tiến làm Thứ-sử Giao-châu, cùng Lý-Khắc-Chính cùng giữ thành. Bảo với các quan hầu rằng: « Dân Giao-chỉ thích làm loạn, chỉ có thể ràng buộc lỏng lẻo mà thôi ».

Sử thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Lưu-Cung đương lúc bên Tầu rối loạn, nhờ nghiệp cũ của anh, dựng tên nước, đặt tên hiệu, tranh bá với Khúc-Hiệu. Rút đến bắt được Thừa-Mỹ, lấy được Giao-Châu, hùng cứ một phương, bay liệng với các kẻ cướp nước bên Tầu! Cho nên Tiền Ngô-Vương nổi lên, tuy giết con hắn, diệt quân hắn, mà không sao giữ được đất của hắn. Dường mối họ Lưu kéo dài không dứt. Đến mãi Tống-Thái-Tổ lên mà đất của họ mới thuộc về nhà Tống vậy.

Tân Mão — năm thứ 2 hiệu Trường-Hưng đời Minh-Tông tự Nguyên nhà Hậu-Đường (931) — mùa Đông tháng chạp, Dương-đình-Nghệ nuôi ba nghìn con nuôi,[3] toan việc khôi phục. Lý-Tiến biết chuyện cho ruổi tâu với chúa Hán. Năm ấy Đình-Nghệ cất quân vây Tiến. Chúa Hán sai Thừa-Chỉ là Trần-Bảo đem quân sang cứu. Chưa tới thì thành đã hãm. Tiến trốn về. Bảo đến vây thành. Đình-Nghệ ra đánh. Bảo thua trận mà chết. Từ đó Đình Nghệ tự xưng là Tiết-độ sứ, coi việc trong châu.

Bính thân — năm thứ 3 hiệu Thanh-Thái đời Phế-đế Tòng-Kha nhà Hậu-Đường, và năm đầu hiệu Thiên-Phúc đời Cao Tổ Thạch Kính Đường nhà Hậu Tấn, (936) — năm ấy nhà Hậu-Đường mất.

Đinh Dậu — năm thứ 2 hiệu Thiên-Phúc bên Hậu Tấn (937) — mùa Xuân, tháng ba, nha tướng của Dương-Đình-Nghệ là Kiểu-công-Tiễn — sử Cương mục chép là Công Giao — giết Đình-Nghệ mà thay làm Tiết-độ.[4].

Mậu tuất. — năm thứ 3 hiệu Th. Ph. bên H. T. (938)—mùa Đông, tháng chạp, nha tướng của Đình-Nghệ là Ngô-Quyền từ Ái-châu cất quân đánh Công-Tiễn. Công-Tiễn sai sứ dâng của đút cầu cứu với Nam Hán. Chúa Nam-Hán là Lưu-Cung muốn nhân dịp loạn mà lấy đất ta, bèn sai con là Vạn-vương Hoằng-Tháo là Tiết-độ sứ quân Tĩnh-Hải, đổi phong là Giao-vương đem quân cứu Công-Tiễn. Chúa Hán tự làm tướng đóng ở Hải môn để làm tiếp viện. Lại hỏi kế ở Sùng văn sứ là Tiêu Ích. Ích nói: « Hiện nay mưa giầm mấy tuần. Đường biển hiểm và xa. Ngô-Quyền là tay tinh giỏi chưa có thể coi khinh được. Đại quân nên trì-trọng, dùng nhiều kẻ dẫn đường. mới có thể tiến được. Không nghe. sai Hoằng-Tháo đem quân đi thuyền từ sông Bạch-Đằng[5] tiến vào toan đánh Quyền. Nhưng Quyền đã giết Công-Tiễn rồi. Quyền nghe Hoằng-Tháo sắp tới, bảo các tướng tá rằng: « Hoằng-Tháo là một đứa trẻ ngốc mà thôi! Đem quân từ xa lại, lính tráng mệt mỏi. Lại nghe Công-Tiễn chết, không có kẻ làm nội-ứng, hăng-hái đã nhụt trước rồi. Chúng ta lấy quân khoẻ mà đợi quân mệt, tất là phá được. Nhưng nó lợi vì có tầu. Không phòng-bị cái đó trước thì tình-hình được thua, chưa có thể biết chắc .. Nếu sai người ở ngoài cửa biển trồng ngầm những kè lớn, vót cho nhọn đầu, lại bịt bằng sắt. Tầu nó theo nước triều lên, vào trong hang kè, thì ta dễ đánh lắm. Không có kế gì hay hơn thế nữa ». Mưu đã định, bèn cắm kè ở hai bên cửa biển. Nước triều lên. Quyền sai người đem thuyền nhẹ ghẹo đánh, rồi giả vờ thua để dử chúng. Quả nhiên Hoằng-Tháo đem quân tiến vào. Quân thủy đã vào trong hàng kè rồi, nước triều lui, hàng kè ló đầu ra, Quyền mới tiến quân xông đánh. Ai nấy đều đánh liều chết, không rỗi sắp thuyền. Nhưng nước triều lui rất mau... Thuyền đều vướng vào kè mà đắm. Bàng-hoàng tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Quyền thừa thắng theo đánh, bắt được Hoằng-Tháo đem giết[6] Chúa Hán khóc thảm thiết, thu quân tàn mà lui. Chúa Hán không thích tên Cung, chắc vì chuyến ấy.

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Lưu-Cung tham đất cát của người, muốn mở mang bờ cõi. Đất cát chưa được ma đã làm hại con cùng là nhân dân. Ấy tức là chuyện thày Mạnh gọi là « đem cái mình không yêu làm hại tới những kẻ mình yêu » đó chăng?

Trở lên Nam Bắc phân tranh từ Đinh Mão đến Mậu Tuất gồm 32 năm.

Phụ chú

  1. Trên đoạn này, K. Đ. V. S. chép thêm:

    « Bính-Dần, năm thứ 3 hiệu Thiên-Hựu đời Chiêu-Tuyên đế bên Đường (906), mùa Xuân, tháng giêng, vua Đường gia hàm Đồng-bình-chương-sự cho Tĩnh-Hải Tiết-Độ sứ là Khúc Thừa Dụ. — Họ Khúc người Hồng-châu, đời đời là một họ to. Thừa Dụ rộng rãi thương người, được dân tôn trọng. Nhân khi loạn, lấy là tay hào trưởng ở bản thổ, tự xưng là Tiết-Độ sứ, xin sắc mạnh ở vua Đường. Vua Đường liền ưng cho ». Và chua: « Sách Thông-Giám chép: « Tháng giêng năm thứ 3 hiệu Thiên Hựu, vua Đường gia cho Khúc Thừa-Dụ ​hàm Đồng-bình-Chương sự ». Theo Vân-đài loại ngữ của Lê-quý-Đôn thì « Thừa Dụ tức là Khúc Tiên chúa. Khúc Hiệu, Khúc-Thừa-Mỹ là con, cháu ông. ». Hồng-châu là tên cổ. Lê chia làm hai phủ Thượng, Hạ-Hồng. Tức hai phủ Bình-giang, Ninh-giang ngày nay, đều thuộc tỉnh Hải-Dương».

    Lại chép thêm: « Năm Đinh-Mão (907), Khúc-Thừa Dụ mất. Con là Hiệu giữ châu, tự xưng là Tiết-Độ sứ — Hiệu nhờ nghiệp cũ, đóng ở La-thành, tự xưng chức sứ; chia định lộ, phủ, châu, xã các nơi; đặt các chức lệnh-trưởng chánh, tá; chia đều thuế ruộng; bỏ việc bắt phu; dưng sổ hộ, biên-chép họ tên quê-quán, giao cho giáp-trưởng đốc xuất. Chinh-sự rộng-rãi và giản lược, dân được sống thong thả...» Và chua: « An Nam kỷ yếu chép: « Khúc hiệu người Giao-Chỉ. Cuối đời Đường, Độc-Cô Tổn làm Tiết Độ sứ, đổi các làng gọi là giáp; đặt ra chức Quản Giáp và một tên Phó tri Giáp, coi việc thu thuế. Ở chức bốn năm thì mất. » Nay xétra hơi khác với sử cũ. Vậy chép cả ra để phòng khi tham khảo ».

  2. Đình-nghệ, sử Cương mục Tầu chép là: « Diên nghệ ».
  3. K.Đ.V.S. chép là « ba nghìn tráng sĩ ».
  4. Theo An-nam kỷ yếu thì Công-Tiễn quê ở Phong-châu.
  5. Sông Bạch-Đằng, từ sông Lục-Đầu tỉnh Bắc-Ninh chia dòng chẩy vào Hải-Dương. Một ngành theo sông Mỹ; Một ngành theo núi Châu-Cốc, cùng rót vào xã Đoan-Lễ là sông Bạch-Đằng. Phía Nam là đất huyện Thủy-Đường tỉnh Hải-Dương; phía Bắc là đất huyện Yên-Hưng tỉnh Quảng-Yên. Chuyển sang Nam chẩy 29 dậm ra cửa biển Nam-Triệu. Địa lý chí của Nguyễn-Trãi chép: sông Bạch-Đằng biệt hiệu là sông Vân-Cừ, rộng hơn hai dậm. Muôn non đứng sắp; các nước giao dòng; sóng nổi liền trời! Cây che rợp bãi! Thật là nơi hiểm yếu của đường biển. Xưa Ngô-Vương-Quyền đánh bại Hoằng-Tháo, Trần-Hưng-Đạo đánh bại Quân Nguyên đều ở đấy ».
  6. Cương-mục chép là « Hoằng-Tháo chết đuối ».

    Lơi phê của vua T.Đ: « Ngô-Quyền gặp được Ngụy Hán là một nước nhỏ, Hoằng-Tháo là đứa trẻ hèn, nên may mà có trận được ở Bạch-Đằng, nào có gì đáng khen! Nếu gặp phải tay Trần-Bá-Tiên, thì họa hiếm là không nối gót với họ Lý họ Triệu! (K.Đ.V.S.).

    ​Lời bàn của Ngô-thời-Sĩ: « Trận được ở Bạch Đằng, là cái gốc lấy lại ngôi nước Đinh, Lê, Lý, Trần, còn nương nhờ mãi oai thừa! Vũ công rực-rỡ, choáng mắt nghìn xưa! Há những khoe-khoang trong một thuở mà thôi đâu!